Cộng đồng người học "chữ Hán" bị chia thành người học Hán cổ (học tứ thư ngũ kinh) và học Hán hiện đại (tiếng Trung hiện tại). Dựa trên những kiến thức (mà tôi đánh giá là sơ sài) về tiếng Trung, họ thường có một điểm chung là muốn khôi phục lại chữ Hán (hoặc chữ nôm).
Ngoài cộng đồng này ra, thì buồn cười hơn, lại có một cộng đồng không biết tiếng Trung, nhưng lại rất thích bình luận về tiếng Trung. Vậy nên hôm nay tôi xin nói về ba ảo tưởng thường gặp nhất trong tiếng Trung.

1. Giản thể, phồn thể

Kể cả không biết về tiếng Trung, thì chúng ta đều đã được nghe về chuyện phồn thể và giản thể này rồi.
Khi mới bắt đầu học, thường thì người ta sẽ suy nghĩ rằng nên học phồn thể hay giản thể, học cái nào có ứng dụng nhiều hơn...
Ví dụ chữ Ái, Phồn thể và giản thể
Ví dụ chữ Ái, Phồn thể và giản thể
Câu trả lời ngắn gọn thì là Trung Quốc Đại Lục, thì dùng giản thể. Còn Đài Loan, Hong Kong và Singapore cùng một số cộng đồng khác thì sẽ dùng phồn. Vậy tức là học giản thể thì giao tiếp được với người Trung nhiều hơn.
Thế nhưng, nếu bạn lại là người muốn học tiếng Trung một cách nghiêm túc và thấu đáo, thì thực tế học Phồn thể hay Giản thể chả khác gì nhau. Vì:
Giản thể cũng là tiếng trung từ cổ đến nay: Giản thể, mặc dù lược bớt các nét đi rồi, tuy nhiên những quy tắc về lược nét tất cả đều là quy tắc trong viết tiếng trung từ xưa đến nay. Một số chữ thì có hai âm đọc nhưng một âm đọc đơn giản hơn sẽ được dùng như giản thể. Các chữ giản thể đa phần tồn tại như một dạng "dị tự" mà trước đây nhà nước (Trung Hoa) không đưa vào văn bản hành chính. Một số khác thì được tân tạo y hệt như cách người Việt thời xưa tạo ra chữ Nôm.
Học rồi thì đọc giản hay phồn sẽ y hệt nhau: Khi đã học đến một mức vừa đủ (khoảng HSK4 HSK5) thì thực chất việc đọc phồn thể hay giản thể sẽ y hệt nhau, vì khi đấy não bộ đã tự biết cách sắp xếp từ vựng cho hợp lý, việc chuyển giữa hai hệ chữ sẽ mất rất ít công sức.
Vậy nên, nhiều người bảo rằng, người Trung Quốc không đọc được chữ phồn thể là nói láo, bốc phét hoặc chỉ tiếp xúc với những người Trung nào học ít thôi.

2. Hán cổ và Hán hiện đại

Nhiều người khác, thì lại nói rằng tất cả đền thờ miếu mạo của người Việt đều dùng chữ Tàu, người Trung Quốc sang đây đọc vanh vách, giải nghĩa được cho người Việt Nam trong khi người Việt thì không tường tận về lịch sử của mình, rồi họ cho rằng lại còn phải học thêm cả tiếng Trung, tiếng Hán, học chữ để có thể dùng đúng được tiếng Việt.
Thực chất, mặc dù số lượng từ gốc hán trong tiếng Việt là nhiều, nhưng những từ mà cần phải biết tiếng Hán để giải nghĩa cho tường tận tôi cho rằng không đến trăm từ, mấy từ như kiểu hàn lâm, bác học, dũng cảm ... mặc dù chúng ta không hiểu rõ nghĩa từng từ, nhưng vẫn có thể hiểu được phổ nghĩa của chúng khi nói ra. Vấn đề này cũng chẳng khác gì người Anh không hiểu (thực ra là ít người hiểu) rằng helicopter không phải là heli-copter mà thực chất là helico - pter. Helico là xoắn, pter là cánh. Máy bay trực thăng, hay còn gọi là máy bay cánh xoắn (nếu giải theo nghĩa hy lạp).
Hơn nữa, bản chất của việc "hiểu những gì tổ tiên để lại" không chỉ học mỗi chữ là xong, mà còn là ngữ pháp nữa. Chữ Nôm, nếu vẫn còn tồn tại đến giờ, thì bạn sẽ đọc văn bản này giống hệt như trên, chỉ có mỗi việc là mỗi chữ sẽ thay thế bằng một ký tự giống như tiếng trung thôi. Còn nếu như tôi viết văn bản này theo Cổ văn - ngữ pháp văn phạm mà các cụ viết, thì thực tế là cho dù các bạn nhận mặt được tất cả các chữ, thì có lẽ cũng chả hiểu mô tê gì cả. Vì thứ nhất, các từ mặc dù cùng cách đọc nhưng nghĩa trong Cổ Văn và trong Bạch Thoại (văn nói) khác nhau, và thứ hai, Cổ Văn thì phải học mới biết, chứ cứ đọc thì đa phần là đoán mò.
Việc học Cổ Văn, tôi cho rằng cũng có nhiều lý thú, nhưng thực tế tốn thời gian vô cùng và rất khó để đưa vào chương trình dạy học. Cái mà những người muốn truyền bá văn hóa cổ xưa này hướng đến, phải là Cổ Văn, chứ nếu chỉ mỗi ba cái chữ rời rạc thì tôi cho rằng chỉ tổ rối đầu mà cũng chẳng mang lại ý nghĩa gì nhiều nhặn lắm.
Và cuối cùng, biết nhiều hơn người Việt không có nghĩa là biết tường tận. Ví dụ như việc người Trung khi đọc Cổ Văn, thì thực tế là không học thì họ cũng có thể hiểu được đại khái, khoảng 50 - 70% văn bản. Nhưng chắc bạn cũng thấy là 50 - 70% nó rất là ... hên xui đúng không? Nên, hiểu hơn, tôi không cho rằng là họ hiểu tường tận được, và thậm chí họ còn bị nhầm lẫn nhiều, vì có những từ với độ thông dụng cao lại được dùng với ngữ nghĩa khác. Các bạn nếu học thằng từ tiếng Việt sang Cổ Văn, có khi còn hiểu chính xác hơn các bạn người Trung đó.

3. Bộ thủ và Thư pháp

Cái cuối cùng tôi muốn nói đến, là thư pháp và bộ thủ.
Rất rất nhiều người, tôi muốn nói luôn là tất cả các giảng viên tại Việt Nam mà không có căn cơ sâu về Hán học, đều nói rằng, bộ thủ dùng để nhớ chữ hán phục vụ cho việc đọc và viết, còn khi viết thì sẽ có 7 nguyên tắc cơ bản của việc viết.
Nếu không hiểu nguyên tắc viết của hán cổ, thì đố ai luận được chữ này là chữ gì, trừ khi là quen mắt nhìn, hoặc biết trước.
Nếu không hiểu nguyên tắc viết của hán cổ, thì đố ai luận được chữ này là chữ gì, trừ khi là quen mắt nhìn, hoặc biết trước.
Thế nhưng vấn đề là người Trung Quốc suốt cả ngàn năm nay lại không tư duy như thế. Bộ thủ chỉ dành cho việc đọc chữ hán hiện đại mà không dành để đọc chữ hán cổ, nếu đọc văn bản cổ mà dùng tư duy bộ thủ thì đôi khi không thể luận ra được chữ đó là chữ gì. Chưa kể, việc dùng bộ thủ lại không hỗ trợ cho cả việc viết chữ hán cổ và chữ hán hiện đại. Việc có 7 nguyên tắc viết kia, cũng là thứ mới có.
Người Trung Quốc tư duy cách viết theo từng "thế". Khi các bộ thủ đứng với nhau sẽ tạo thành các "thế" khác nhau, và tùy theo thế chữ, sẽ có những cách viết rất khác nhau.
Thực ra điều tôi vừa nói, chắc ai cũng biết. Tuy nhiên nhiều người lại cố tình bỏ quên nó, khiến cho việc đọc, và phân định chữ Hán có những điểm ngờ ngệch khó tả.
Cuối cùng là nói đến thư pháp, thì thư pháp là chữ viết, chứ không phải là vẽ. Đây là một điểm rất khác biệt với tư duy người hiện đại khi áp dụng thẩm mỹ của phương tây vào tiếng trung.

Thay lời kết

Chữ Đức viết theo kiểu hiện đại, có gạch "nhất"
Chữ Đức viết theo kiểu hiện đại, có gạch "nhất"
Những người không hiểu được căn cơ chữ hán, thường sẽ có cái tôi rất cao và không bao giờ chấp nhận được những điều vốn dĩ là hiển nhiên với chữ hán. Đấy là điều tôi nhận ra khi nói chuyện với họ.
Ví dụ như chữ "Đức" ở trên, đã đi sâu vào tâm thức người Việt qua câu "Chim chích mà đậu cành tre, thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm". Thế nhưng, khi tư duy theo thế, thay vì tư duy theo kiểu bộ thủ, thì thực chất việc có "chữ Nhất" hay không cũng không khác gì nhau cả. Và thực tế là tất cả các văn bản hành chính từ ngàn năm trước viết vốn dĩ không có chữ Nhất này, mãi về sau mới có. Thế nhưng những người mới học Hán Cổ chỉ thông qua sách in mà không dùng bất kỳ thác bản nào, lại không thể tưởng tượng được điều này.
Vậy nên tôi muốn chia sẻ bài viết này, mặc dù có thể chưa toàn diện, cũng như còn nhiều điểm chưa có thời gian để ví dụ cho rõ, mong rằng các bạn có một cái nhìn, có thể gọi là, đúng đắn hơn về chữ Hán.