Ba đúc kết từ "Seneca: Những bức thư đạo đức"
Bài tự dịch từ bài tóm tắt của The Daily Stoic nên có nhiều đoạn dịch chưa hay hoặc chưa chuẩn, mình sẽ rất cảm kích khi nhận được...
Bài tự dịch từ bài tóm tắt của The Daily Stoic nên có nhiều đoạn dịch chưa hay hoặc chưa chuẩn, mình sẽ rất cảm kích khi nhận được những đóng góp và nhận xét của các bạn đọc ạ. Mình cảm ơn :)
Cuốn “Letter from a Stoic” với tựa đề Tiếng Việt mang tên “Seneca - Những bức thư đạo đức” của nhà Nhện. Bộ sách là tuyển tập các bức thư của triết gia Seneca về Chủ nghĩa Khắc Kỷ, nhằm trang bị cho con người hành trang để đối mặt và mỉm cười trước sóng gió của cuộc đời, đạt được sự bình thản trong tâm trí. Dưới đây là một số những tư tưởng chủ đạo được đúc kết từ những lời dạy của cụ Seneca.
Hạnh phúc với “Vừa đủ"
Ý “vừa đủ" của cụ Seneca là việc chúng ta có những thứ cần thiết cho cuộc sống: thức ăn, nước uống, chỗ ở, quần áo và hơn nhất, một nội tâm mạnh mẽ. Trong khi một số trường phái tư tưởng triết học dạy rằng “đủ” chỉ bao gồm thức ăn đạm bạc, một cái lán để ở, quần áo xơ xác và sau đó phải học cách hài lòng với điều đó, thì chủ nghĩa Khắc kỷ không đòi hỏi chúng ta phải hy sinh như vậy.
Thay vào đó, chủ nghĩa Khắc kỷ thuyết giảng rằng việc sống điều độ là then chốt, chức năng quan trọng hơn hình thức và chúng ta không nên sống quá dư thừa.
"Triết học kêu gọi một cuộc sống đơn giản, không phải việc sống khổ hạnh, và một lối sống giản dị không đồng nghĩa với việc sống quá thô sơ."
Seneca nói rằng chúng ta nên ăn những thực phẩm bổ dưỡng, nhiều dinh dưỡng nhưng chỉ cần đủ để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và đảm bảo no bụng. Chúng ta không nên nhồi nhét bản thân cũng như không ăn những bữa ăn xa hoa chỉ vì chúng ta có thể. Chúng ta vẫn nên sống trong sự tiện nghi của căn nhà mình, nhưng không nên quan tâm đến những vật trang trí không phục vụ một mục đích cụ thể nào vì đó là sự lãng phí tài nguyên và năng lượng. Nếu một thứ gì đó được xây dựng tốt và đáp ứng được mục đích của nó, thì đó là tất cả những gì chúng ta đòi hỏi, chúng ta không nên ham muốn những thứ xa hoa, mang tính vật chất.
Chúng ta được lớn lên trong một xã hội coi trọng sự trang hoàng, vì vậy có thể hơi khó để loại bỏ những ham muốn xa hoa. Seneca với những lời khuyên trường tồn với thời gian trong “Những bức thư đạo đức” hướng dẫn chúng ta về cách giải phóng bản thân khỏi suy nghĩ này. Chúng ta nên làm việc để hài lòng với những gì chúng ta có, để có được niềm vui với những điều giản đơn. Những người muốn nhiều hơn những gì họ cần và những gì họ có sẽ luôn luôn ham muốn nhiều hơn, và điều này chỉ dẫn đến một vòng xoáy không lối thoát của việc không bao giờ biết hài lòng.
Chúng ta cũng phải loại bỏ nỗi sợ hãi về việc sống mà không có “những thứ đi kèm”. Nhiều người trong chúng ta sợ bị mất tài sản - điện thoại, áo khoác, xe hơi. Seneca khuyên chúng ta nên dành thời gian sống mà không có những thứ này theo chính ý chí tự do của chúng ta. Cụ nói rằng chúng ta nên vun đắp mối quan hệ với sự nghèo đói. Không hẳn là việc phải trong nghèo khổ mà ý cụ Seneca khi áp dụng trong bối cảnh hiện đại, chúng ta có thể thử nghiệm việc sống mà không có máy tính, điện thoại, TV và cố tình nhịn ăn theo một khoảng thời gian nhất định. Điều này để khẳng định một khi chúng ta biết rằng chúng ta có thể xử lý cuộc sống mà không có những thứ này, chúng ta có thể thoát khỏi nỗi sợ hãi mất chúng.
Cuối cùng, chúng ta nên nhắc nhở bản thân rằng không quan trọng mọi thứ chúng ta sở hữu tuyệt vời như thế nào hay môi trường xung quanh chúng ta tồi tệ ra sao - nếu chúng ta khổ sở với chính mình, chúng ta sẽ khổ sở ở bất cứ nơi đâu. Ngoài việc hài lòng với những điều cần thiết, phát triển nội tâm của chúng ta là chìa khóa. Seneca cũng có lời khuyên về cách làm điều đó.
Phát triển nội tâm
Việc phát triển nội tâm là một quá trình mà chúng ta phải luôn nỗ lực cả cuộc đời mình. Có bao nhiêu người đã từ bỏ các phương pháp chăm sóc sức khỏe tinh thần bởi vì chúng ta “không có thời gian” hoặc nghĩ rằng việc thiền định khi bận rộn khiến chúng ta căng thẳng hơn là trở nên hữu ích? Seneca nhấn mạnh rằng đây không phải là những lời bào chữa xứng đáng: chúng ta luôn có thể và nên dành thời gian cho sức khỏe tinh thần của mình. Đó là một công việc toàn thời gian quan trọng, không phải là thứ mà chúng ta nên dồn sang một bên để làm những cho các nhiệm vụ khác mà trông bề ngoài có vẻ sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn.
Nhưng chúng ta bắt đầu từ đâu trên hành trình hoàn thiện bản thân này? Bằng lòng với “vừa đủ” như đã thảo luận ở phần một là rất quan trọng. Tuy nhiên, Seneca mở rộng việc cải thiện bản thân theo nhiều cách khác nhau xuyên suốt qua các bức thư của mình.
Cụ nói, một trong những bước đầu tiên để cải thiện bản thân là nhận ra khuyết điểm của bản thân. Không ai trong chúng ta là hoàn hảo và việc xác định những lĩnh vực nào của bản thân mà chúng ta cần phải cải thiện là rất quan trọng. Nếu chúng ta không nhìn thấy vấn đề, làm thế nào chúng ta có thể tìm ra giải pháp?
Đối với rất nhiều người trong chúng ta, bị bối rối bởi thế giới bên ngoài là một trong những thiếu sót. Một số triết lý nêu ra nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn cảm giác những rắc rối này. Trong khi chủ nghĩa Khắc kỷ muốn giảm bớt tác động của các yếu tố bên ngoài đến hạnh phúc của chúng ta, Khắc Kỷ không bảo chúng ta tránh hoàn toàn các rắc rối - điều mà cụ Seneca coi là không thực tế, mà là để biết rằng chúng ta sẽ vượt qua những cảm giác rắc rối này kể cả khi chúng xảy ra. Nhận thức này rất quan trọng và cuối cùng để ta ngộ ra rằng “điều này cũng sẽ qua thôi” (aka This too shall pass).
Một chìa khóa khác mà cụ Seneca cung cấp để phát triển nội tâm của chúng ta là đừng so sánh mình với người khác. Đó là một sự lãng phí năng lượng vô ích. Cuộc sống của chúng ta là của chính chúng ta chứ không phải của bất kỳ ai khác. Mục tiêu của chúng ta là sống là làm những điều có ý nghĩa đối với chính mình và không nên lo lắng về việc người khác đánh giá những điều đó như thế nào.
Điều này cũng xảy ra khi chúng ta đạt được những tiến bộ tích cực, khi chúng ta tiến xa hơn trên hành trình của mình, chúng ta cũng không nên “phô trương” cam kết của mình với Chủ nghĩa Khắc kỷ. Khoe khoang về lối sống này không chỉ làm mất đi một phần bản chất của lối sống, vì khoe khoang với người khác là một hình thức tìm kiếm sự chấp thuận từ bên ngoài chứ không phải bên trong, mà thậm chí còn có thể khiến người khác không muốn thử. Chúng ta nên dẫn dắt một cách lặng lẽ bằng cách làm gương và sau đó giúp đỡ những người tò mò về chủ nghĩa Khắc kỷ hơn là cố gắng đi tuyên truyền nó.
Ngoài ra, Seneca không cho rằng sức khỏe thể chất là không quan trọng, duy trì sức khỏe của chúng ta là điều quan trọng đối với cả bản thân và những người quan tâm đến chúng ta. Nhưng Seneca có nhấn mạnh rằng nên dành nhiều năng lượng hơn vào việc trau dồi trí óc của chúng ta. Cơ thể của chúng ta cuối cùng sẽ suy yếu khi chúng ta già đi và bệnh tật ập đến, nhưng việc chịu đựng những điều này sẽ trở nên dễ dàng hơn khi chúng ta có một tâm trí mạnh mẽ.
Cuối cùng, chúng ta nên sống trọn vẹn ở khoảnh khắc hiện tại. Cụ Seneca dặn chúng ta vẫn nên xem xét quá khứ và những sai sót của mình để đưa ra quyết định trong tương lai nhưng hãy sống trong hiện tại nhiều nhất có thể. Bên cạnh việc học hỏi từ những sai lầm của mình, hoặc thỉnh thoảng ngẫm nghĩ về một kỉ niệm đáng nhớ, thì việc ghi nhớ quá khứ không phải là điều tốt cho chúng ta: mọi chuyện đã qua rồi! Đối với sự lo lắng như lo lắng về tương lai, điều đó cũng không giúp được gì. Điều gì đến sẽ đến. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là củng cố bản thân và biết rằng chúng ta sẽ vượt qua những bất hạnh của mình. Những nỗi sợ hãi không phục vụ cũng chẳng giúp ích gì cho chúng ta.
Tình bạn chân chính
Xuyên suốt những bức thư của mình, Seneca đã suy ngẫm về ý nghĩa của tình bạn và thế nào là một tình bạn lý tưởng. Cụ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trở thành bạn của chính mình; rằng bản thân người kết bạn sẽ không bao giờ cô đơn và sẽ là bạn của tất cả mọi điều.
Đầu tiên, chúng ta phải thừa nhận rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng. Chúng ta không tốt hơn những người khác do hoàn cảnh,nghề nghiệp hay vị thế của chúng ta trong xã hội. Cụ nói, vị thế của một con người có thể thay đổi bất cứ lúc nào - nô lệ trở thành chủ nhân, chủ nhân trở thành nô lệ, hoàng tử trở thành kẻ ăn hại, v.v. - chúng ta không nên coi thường bất kỳ ai dựa trên vị trí hiện tại (có thể chỉ mang tính tạm thời). Người này chỉ “tốt hơn” người kia do bản chất hay nội tâm của người đó mà thôi, không hơn không kém.
Sau đó chúng ta phải đánh giá xem ai xứng đáng là bạn của mình. “Đám đông” không phải là bạn của chúng ta và chúng ta nên thận trọng với ảnh hưởng của nó. Đám đông có thể khiến con người say mê những tệ nạn theo những cách mà bản chất họ không phải vậy. Tâm lý đám đông này không chỉ nguy hiểm cho người khác, mà còn cho tính cách, bản chất con người của chúng ta. Đám đông có thể khiến chúng ta mất kiểm soát bản thân, điều mà chủ nghĩa Khắc kỷ cực kỳ không khuyến khích.
Tuy nhiên, Seneca không thúc giục chúng ta tự cô lập mình khỏi xã hội. Ví dụ, chúng ta có thể tổ chức lễ kỷ niệm, ngày lễ với những người khác nếu chúng ta quyết tâm tránh những ham muốn quá mức, cũng như tránh tham gia quá nhiều vào suy nghĩ nhóm hay đám đông. Có lẽ bạn sẽ bị phỉnh phờ, chế giễu, hoặc nói cách khác là bị đánh giá, bị gây áp lực từ bạn bè, bởi những người muốn đưa bạn lên cùng “đẳng cấp” của họ. Nhưng Seneca nhắc nhở chúng ta rằng những đánh giá của người khác không quan trọng bằng chính bản thân mình. Chúng ta phải cố gắng sống với đức hạnh và sự chính trực, bởi vì cuối cùng chúng ta phải đối mặt với chính bản thân mình.
Vậy ai nên được coi là xứng đáng làm bạn? Seneca khuyên rằng chúng ta không nên sử dụng thuật ngữ bạn bè một cách dễ dàng, những lời dạy của cụ ở đây tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Sẽ chẳng có nghĩa lý gì nếu chúng ta được bao quanh bởi hàng tấn bạn bè nếu chúng ta không có hiểu biết sâu sắc về bất kỳ ai. Chúng ta nên dành năng lượng của mình để vun đắp một vài tình bạn sâu sắc hơn là có thật nhiều (bạn) bè.
Tiếp theo, chúng ta nên xem xét tính cách của người bạn tiềm năng của mình. Người bạn tiềm năng của chúng ta có phải là người có ảnh hưởng tốt không? Chúng ta nên bao quanh mình với những người mà chúng ta muốn trở thành, những người sẽ giúp chúng ta cải thiện và phát triển, hơn là những người có thể tác động tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta. Tất nhiên, chúng ta có thể khuyên những người đang ở trong tình trạng tồi tệ, nhưng chúng ta nên cảnh giác với việc để họ đến gần khiến chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự tiêu cực của họ.
Ngoài ra, chúng ta không nên căn cứ vào tình bạn để xem tình bạn hữu ích như thế nào, ngay cả khi tình bạn hữu ích cho cả hai bên. Điều này là do một khi sự hữu ích đó đã cạn kiệt, tình bạn có thể sẽ tan vỡ. Chúng ta thường gọi những người này là “những người bạn qua đường”. Họ sẽ không ở lại khi chúng ta cần họ nhất.
Một khi chúng ta đã xác định rằng chúng ta có một người bạn có ảnh hưởng tốt và mối quan hệ với họ vượt trên cả việc trở nên hữu ích, chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối vào người bạn của mình. Niềm tin giống sự tin tưởng. Lòng trung thành nuôi dưỡng lòng trung thành. Nếu chúng ta nghi ngờ bạn bè của mình, giống như họ có thể phản bội chúng ta, thì chúng ta có thể mang đến một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Với sự tin tưởng và trung thành này, chúng ta có thể cho phép mình phát triển một mối quan hệ thực sự có ý nghĩa. Chúng ta có thể nói với bạn những điều mà chúng ta chỉ nói với bản thân. Chúng ta nên học hỏi từ sự khôn ngoan của nhau vì kiến thức sẽ ra sao nếu chúng ta không chia sẻ nó? Mặc dù Seneca nói với chúng ta rằng thời gian xa một người bạn sẽ giúp chúng ta phát triển thêm về họ, nhưng cụ cũng nhắc chúng ta rằng điều quan trọng là phải đánh giá cao họ khi họ ở bên cạnh - đừng coi bạn của bạn là điều hiển nhiên để đến khi mất rồi sẽ vô cùng hối tiếc.
Còn khi bạn mất người bạn tri kỷ do hoàn cảnh hay cái chết thì sao? Mặc dù đau buồn là lẽ tự nhiên, nhưng chúng ta không nên khuất phục trước nó. Chúng ta phải nhận ra sự ngọt ngào của tình bạn, những khoảng thời gian tích cực, đáng trân trọng mà chúng ta đã có. Chúng ta có thể chịu đựng mất mát, và chúng ta sẽ trưởng thành từ nó. Chúng ta sẽ tìm thấy tình bạn mới, tình yêu mới và trưởng thành hơn từ mất mát. Đây là những bài học của Seneca về tình bạn - từ cách bắt đầu cho đến khi kết thúc.
Nguồn dịch:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất