selective focus photography of boy wearing black Batman cape
Photo by TK Hammonds on Unsplash
Con người ta sinh ra rồi lớn lên.
Nhưng không tự nhiên mà trưởng thành. Có người trưởng thành sớm, có người trưởng thành muộn, và cũng có người không bao giờ trưởng thành.
Trưởng thành không phải là điều gì bắt buộc. Chúng ta hoàn toàn có thể: Mình vẫn thích như thế này hơn, đừng thay đổi gì nhé. Nhưng cũng có thể tới một lúc nào đó, chúng ta tự nhủ: Mình cứ trẻ con như vậy mãi rồi, phải thay đổi cho một cuộc đời trưởng thành hơn thôi.
Và thế là chúng ta bắt đầu đặt chân trên con đường để trở thành người trưởng thành. Chúng ta cứ tưởng điều này là dễ dàng nhưng hóa ra lại khó hơn chúng ta nghĩ. Khó ở chỗ là chúng ta không có  một góc nhìn cụ thể về đích đến của mình. Ủa, thế trưởng thành là như thế nào nhỉ? Là tiền đầy túi tình đầy tim? Hay là hiểu biết về cuộc đời? Hay là biết đối nhân xử thế? Hay đơn giản chỉ là chịu trách nhiệm về mọi thứ xảy đến trong cuộc đời mình? Thật khó để có góc nhìn đúng đắn bạn ạ.
Và thêm một cái khó nữa. Mỗi người lại trưởng thành theo một cách rất khác nhau. Tôi cũng hướng đến sự trưởng thành. Bạn cũng vậy. Cùng một mục tiêu. Nhưng vì cá nhân tôi và cá nhân bạn vốn khác nhau, nên con đường để chúng ta đến đó lại cũng khác nữa. Nó sẽ phụ thuộc vào điều kiện của mỗi người, mỗi trường sống, văn hóa, môi sinh quan, và, đương nhiên, định nghĩa cá nhân về thế nào là trưởng thành.
Nãy giờ tôi bươi vấn đề rộng ra, mục đích là để chúng ta có một góc nhìn cởi mở về chuyện "trưởng thành". Để chúng ta có được góc nhìn rộng hơn khi đánh giá chuyện trưởng thành hay không trưởng thành, trước mắt là đối với người khác, sau là đối với chính mình. Cậu trai đi chơi thâu đêm suốt sáng không có nghĩa là cậu ấy chưa trưởng thành, và bạn 25 tuổi đang thất nghiệp cũng chưa chắc là không trưởng thành. Đừng khắc nghiệt với người khác và với bản thân mình quá. Và nữa, cũng đừng dễ dãi. Lại là một bài toán về sự cần bằng phải không ạ.
Giờ chúng ta nói gọn lại một xíu, về góc nhìn tổng quan của con đường hướng đến sự  trưởng thành. Chúng ta sẽ chia ra 3 cấp độ cho dễ nhớ nhé:
  1. Cấp độ 1: Bắt chước
  2. Cấp độ 2: Khám phá bản thân
  3. Cấp độ 3: Lựa chọn trưởng thành

1. Bắt chước

Bắt chước vốn là kỹ năng tuyệt vời nhất để con người ta tiến bộ và trưởng thành. Đứa cháu 1 tuổi của bạn bắt chước ba mẹ nó để tập nói. Thằng em bắt chước bạn cách đăng nhập máy tính để mở game chơi. Và bạn bắt chước sếp cách tạo báo cáo để gửi cho khách hàng.
Khi nghe từ bắt chước thì chúng ta hay liên tưởng đến tính từ xấu. Lêu lêu, đồ bắt chước. Kiểu như vậy đấy. Nhưng xin lỗi, kỹ năng bắt chước thượng thừa chính là một trong những điều khiến con người vượt trội so với các loài động vật khác. Việc bắt chước giúp chúng ta nhanh chóng làm được một việc gì đó, để làm tiền đề tiếp tục nghĩ ra cách làm việc đó tốt hơn, nhanh hơn. Nghĩ mà xem, thật ra chúng ta đang bắt chước hàng ngày đấy. Sáng dậy bạn bắt chước người ta đánh răng, đi tập gym, rồi làm món ăn sáng theo kiểu Ý. Tất cả những điều tốt đẹp đó đều là nhờ bắt chước mà có đó.
Tôi viết thật dài đoạn mở đầu này, để nhấn mạnh rằng, cấp độ đầu tiên của trưởng thành là "Bắt chước" hoàn toàn trong sáng và tốt đẹp. Đừng vội nghĩ xấu về nó mà tội.
Và khi bạn đột nhiên muốn trưởng thành, mà không biết phải làm thế nào, thì việc đầu tiên là hiểu được tầm quan trọng của việc bắt chước này.

Đọc thêm:

Và việc thứ 2 là hãy bắt chước.

Người trưởng thành sẽ tiết kiệm để dự phòng cho tương lai. Nghe người ta khuyên vậy. Chưa biết kết cục của việc tiết kiệm của mình là như thế nào nhưng mình thấy điều này đúng nên mình sẽ làm theo. Sẽ bắt chước việc tiết kiệm. Sẽ bắt chước lập 5 hũ tài chính. Sẽ bắt chước nhịn mua sắm 2 tuần.
Người trưởng thành thì phải có lời nói trưởng thành. Người ta bảo vậy. Vậy thì mình sẽ học cách giao tiếp, học cách nói chuyện, học cách lắng nghe người khác. Ôi chà, có nhiều khóa học thú vị quá.
Người trưởng thành phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Nghe ông anh khuyên vậy. Chẳng hiểu mấy nhưng thấy cũng hợp lí. Vậy thì mình sẽ chịu trách nhiệm. Lỡ mua xe tay côn chạy mỏi tay quá, nhưng mà đó là quyết định của mình, nên sẽ không bù lu bù loa phàn nàn các kiểu, nên sẽ vui vẻ với nó, tìm niềm vui với chiếc xe của mình.
Đúng là bắt chước trưởng thành có phần khó hơn việc bắt chước mấy thứ khác như hồi mình còn nhỏ. Nhưng việc gì càng khó làm thì sự tưởng thưởng sẽ càng lớn, phải không ạ.

2. Khám phá bản thân

Ủa, sao không khám phá bản thân trước rồi mới định hướng rõ ràng cho việc trưởng thành của mình? Như vậy có phải tốt hơn là tự mò mẫm bắt chước đủ thứ rồi lại trở lại khám phá bản thân mình?
Câu hỏi này cũng có lý. Nhưng thực tế thì chiến lược khám phá bản thân trước khá là khó thực hiện vì những lý do sau:
  • Bạn không có vốn để khám phá. Lấy một ví dụ cực đoan để dễ hiểu nhé: Hãy bảo một đứa trẻ 3 tuổi khám phá bản thân nó và hoạch định cuộc đời. Nghe thật phi lí phải không ạ. Nhưng điều này nó lên một điều rằng để khám phá bản thân chúng ta phải có một số vốn sống nhất định. Vốn sống càng nhiều, thì ta lại càng khám phá được nhiều.
  • Hết lý do rồi, có một lý do trên là đủ rồi. :D
Lưu ý một điều là các bước (1) Bắt chước và bước (2) Khám phá bản thân không phải là 2 bước độc lập, phải xong cái này mới đến cái kia. Không hề. Mà nó là những bước đan xen lẫn nhau trong cuộc sống. Chúng ta sẽ luôn bắt chước một điều gì đó. Và chúng ta cũng luôn khám phá về bản thân mình. Sự phân chia này có ý nghĩa về mặt tư duy chiến thuật: Nếu chúng ta chưa biết làm gì, thì bắt chước trước, sau đó sẽ khám phá về nó.
Ví dụ như ta muốn trưởng thành về mặt tài chính. Thì chưa biết làm thế nào nên ta sẽ bắt chước tiết kiệm. Sau 6 tháng hay 1 năm gì đó, ta nhìn nhận lại quá trình mình đã trải qua. Chợt hiểu ra rằng hóa ra mình là kiểu người tiết kiệm chuyện cá nhân nhưng lại rất hào phóng chuyện bạn bè. Hiểu ra rằng 5 chiếc hũ tài chính quá phức tạp cho con người hay quên như mình. Hay phát hiện ra rằng cuộc đời sẽ thật tệ nếu mình tiết kiệm chuyện mua sách. Mình yêu sách và muốn đọc sách mà bắt tiết kiệm khoản đó thì buồn lòng quá. Ví dụ như vậy đó bạn ạ. Khi chúng ta có được trải nghiệm bắt chước đủ dài, sẽ giúp chúng ta nhận diện được nhiều khía cạnh của bản thân. Từ đó hiểu mình hơn, biết mình muốn gì, mình cần gì, và điều gì sẽ làm cho cuộc sống của mình hạnh phúc.

Đọc thêm:

3. Lựa chọn trưởng thành

Khi chúng ta đã trải nghiệm rồi, đã suy ngẫm rồi, đã tự vấn bản thân mình rồi, thì hẳn sẽ có đôi điều kết luận. Rằng chúng ta có đang đi đúng hướng không? Điều gì tiến bộ trong chúng ta? Như thế nào là cách sống đúng mà chúng ta lựa chọn?
Ở giai đoạn trưởng thành thứ 3 này, chúng ta đã hiểu về bản thân mình, và biết rằng mình cần làm gì. Lúc này chúng ta sẽ đưa ra quyết định lựa chọn về cuộc sống của mình, như một người trưởng thành.
Mình sẽ tiết kiệm để dành cho tương lai. Vì gia đình mình sẽ cần nó, vì nó sẽ đảm bảo cho gia đình mình mỗi khi rủi ro gì xảy đến. Nhưng mình sẽ không tiết kiệm những khoản đầu tư cho tri thức, vì đó là niềm hạnh phúc của mình.
Mình lựa chọn việc sẽ không sở hữu nhà. Dù nhiều người cho rằng có nhà mới an cư lạc nghiệp được, thì mình lại coi rằng cố gắng để mua nhà tạo ra áp lực quá lớn cho cuộc sống và mình không muốn điều đó.
Mình sẽ lựa chọn sự quyết đoán, khi mình hiểu được cơ hội và rủi ro trong mỗi quyết định mình đưa ra. Dù đúng dù sai, thì mình hoàn toàn chịu trách nhiệm về nó. Đổ lỗi tại ông này, tại bà kia chẳng giúp cho vấn đề của mình sáng sủa hơn.
Đây chỉ là vài ví dụ để chúng ta cùng thấy rằng, một lựa chọn trưởng thành không nhất thiết phải giống như những gì chúng ta tưởng tượng về sự trưởng thành lúc ban đầu. Và cũng không nhất thiết phải là những điều được xã hội đồng tình rộng rãi. Đây là những sự lựa chọn mang tính cá nhân, khi chúng xuất phát từ sự nhìn nhận lại những trải nghiệm và thấu hiểu bản thân mình. Thiếu hai điều trên thì rất khó để chúng ta có thể biết được đích xác.
***
Mình xin nhấn mạnh một ý là, dù gọi là 3 cấp độ nhưng không có ý rằng cái này là cao cả hơn cái kia. Giống như việc bạn lựa chọn tối thứ 6 này sẽ nghỉ ngơi và việc bạn bắt chước chơi một nhạc cụ không thể nào so sánh với nhau được. Nhưng trong từng công việc cụ thể, hãy nhớ đến 3 cấp độ này, để biết rằng mình cần phải bắt chước điều gì, cần hiểu về bản thân mình như thế nào, và đưa ra lựa chọn như một người trưởng thành.
Và thêm nữa, 3 cấp độ này như một vòng xoắn ốc không ngừng nghỉ, chúng ta sẽ không ngừng bắt chước, khám phá bản thân, và lựa chọn, rồi lại bắt chước, khám phá tiếp, lại lựa chọn nữa. Liên tục liên tục không ngừng. Tin vui là vòng xoáy này không làm cho chúng ta chóng mặt đâu, mà ngược lại, đó là vòng xoáy của sự tiến bộ không ngừng. Và bạn biết rằng mình đang trưởng thành lên đó.
Chúc bạn vui trên cuộc hành trình.
YOLO!