Trong 3 tác giả yêu thích, thì Simon là người vừa có thể thể hiện rõ ràng cả trong cách thuyết trình lẫn viết lách. Đó là cái hay của Simon, một phần có lẽ vì Simon sở hữu một công ty quảng cáo, cũng có vài khách hàng lớn trong Fortune 500. Làm vài năm lụm cũng một mớ nhưng sau đó, tự nhiên thấy cuộc sống không ý nghĩa nên chuyển qua viết sách. Duyên kiếp dễ sợ! 
Vậy nên cách trình bày khá đơn giản và đi thẳng vào trực diện, tuy nhiên, về cách dụng từ ngữ thì trau chuốt và đắt xắt ra miếng nhiều. 
Thực ra, mình biết đến tác giả này qua bài Ted triệu views “3 Golden Circles” của ảnh về Why, How, What rồi nhưng mình lại muốn tiếp tục hiểu sâu hơn về nền (background) của vòng tròn vàng này cũng như tìm hiểu thêm cách ảnh lập luận trong sách. 

Quyển sách này nói về điều gì? 

Dẫn dắt người khác bằng việc truyền cảm hứng. 
Đó cũng là châm ngôn của Simon. 
Và nếu theo dõi ảnh kỹ ở tất cả các buổi speech ở mọi nơi, thì đây là câu đầu tiên mà ảnh hay nói. Trong mùa dịch này, ảnh cũng tạo ra cái series Start With Why: Book Club with Simon để cùng nhau tám với fan về các vấn đề lãnh đạo qua thời kì khủng khoảng dựa trên vòng tròn này. Trong suốt buổi trò chuyện, ảnh và đồng bọn fan của mình sẽ nhắc đến các keywords như Why people hay Believer, nghe thấy hay hay và thú vị. Đại khái các câu hỏi mang tính ứng dụng rất cao về việc cách Start with why áp dụng vào công việc cũng như cuộc sống. 
Thực ra thì ngoài lề một chút, việc đọc sách của mình tầm 2 năm gần đây đã có sự thay đổi lớn, à không rất lớn ấy chứ. Đó là mỗi khi đọc sách xong, mình đều sẽ quần nát các book reviews trên goodread, amazon (cộng đồng này đôi khi review sách bá đạo lắm) không thua gì Quora luôn ấy. Tất nhiên cũng ngấu nghiến mấy clip ảnh trình bày về nguyên lí này trên các buổi chia sẻ qua Youtube. 
Mình muốn xem có sự khác biệt nào giữa cách lập luận khi viết lách và khi trình bày hay không. Sau khi xem qua một mớ ấy, mình phát hiện ra có rất nhiều ý mà ảnh viết rồi trình bày ra, có nhiều lần cũng chuối lắm. Rồi cũng 1 chủ đề, ảnh trình bày đi lại thì cách ảnh “speech” mượt hơn và xoáy trọng tâm nhanh hơn. Đó cũng là một bài học cho mình, đôi khi mình có một ý tưởng siêu ngầu bá đạo, nhưng vẫn cần có sự thực hành về việc truyền tải nó, bằng chữ viết hay bằng lời nói, nó cũng cần sự thuần thục nữa. 
Không chỉ đọc review, mình cũng xem về cách ảnh trình bày ý tưởng qua các năm có sự thay đổi gì không nữa. Lúc 2006-2010, đa phần rất là nhiệt huyết, thẳng thắn, truyền cảm hứng, các cơ mặt diễn tả rất rõ nét. Nhưng ở giai đoạn 2016-2019, cách ảnh chia sẻ có khi cứng ngắc, nét căng đét mỗi khi nhắc về việc một tác giả viết sách rồi sau đó trở thành Best selling book trên Amazon.
Ổng công kích trực tiếp luôn, đại loại là “Các thím có biết là rất nhiều người viết sách làm đủ mọi chiêu trò để sách của họ có thể rank ở top 1 không? Như trên Amazon ấy, mỗi khi ra sách, bạn chỉ cần kêu 10 bạn cùng mua cùng một lúc, đặt vài chục cuốn rồi đùng một phát, ngày hôm sau nó chễm chệ nằm trên top sách nổi bật. Rồi bạn tiếp tục làm việc đó bằng cách quảng cáo, bằng book tour.. 
Chán không thể tả! Vậy mà cũng viết sách. Lí do tui không chạy bất kì hình thức tiếp thị nào là vì, tôi muốn biết thực sự là mấy điều tôi nghĩ tôi viết ra có thực sự ảnh hưởng đến người khác và có người tin tưởng vào nó và làm theo nó hay không. Đó mới thực sự là lãnh đạo thực sự đấy. Chứ bạn biết background tôi rồi mà, mở công ty quảng cáo mà chạy mấy cái đó thì tui chạy hiệu quả phải biết. Ewwww” 
 ---------------- (khả năng của mình là khi viết lan man, mình luôn biết cách dừng lại... hi vọng là đúng)
À quên, quay lại review cuốn sách chứ nhỉ. 

The story structure 

Start with Why – là quyển sách đơn thuần kết hợp các câu chuyện truyền cảm hứng của những nhà sáng lập khi họ tạo dựng nên doanh nghiệp của mình. Cách họ nghĩ về doanh nghiệp, cách họ kết hợp được tầm nhìn tại sao nó lại nên tồn tại đã giúp họ trở nên khác biệt trong thế giới kinh doanh. 
Và thông qua các câu chuyện được chắt lọc, Simon muốn chúng ta, những nhà lãnh đạo sẽ học cách dẫn dắt người khác bằng điều mình tin tưởng, bằng cách truyền cảm hứng thay vì ra lệnh, và bằng cách thực sự lắng nghe chia sẻ từ người khác. Phải làm như vậy thì mới có thể đúng được tâm nguyện của Simon. Một thế giới mà chúng ta sẽ luôn cảm thấy an toàn khi đến nơi làm việc cũng như trở về nhà với một tinh thần hứng khởi được lấp đầy (fulfillment). 
“I have clear vision of the world around me with people feel safe when going to the office and they feel fulfilled after going home. That’s the world I want to create.” - Simon Sinek

----------
Lí do bạn được là lãnh đạo bởi vì..?

“You are called by a leader for leading people with inspiration and support your team to achieve the purpose.
Simon tin tưởng rằng lãnh đạo là người phải có tầm nhìn (rõ ràng rồi) và có khả năng truyền đạt nó đến đội ngũ của mình. Đơn giản vậy thôi đó. Tuy nhiên, rất ít người có đủ khả năng có được 2 yếu tố đó. 
Người có tầm nhìn là con người của ý tưởng lớn, của những giấc mơ lớn, cuả những điều họ thấy mà người khác không thấy được. Và điểm mấu chốt, họ gặp trục trặc trong việc diễn giải điều mình muốn làm với khác. Trong khi đó, cũng có người có đủ kĩ năng mềm, dư sức truyền đạt một cách rành mạch và rõ ràng, nhưng lại thiếu đi tầm nhìn.
Hay nói đơn giản hơn là một ông thì trên mây, một ông thì chân luôn chạm đất. Nếu để làm một việc gì đó lớn lao (ở đây có nghĩa là thay đổi mang tính bước ngoặt trên diện rộng) thì cần phải có đồng đội. Mình thì nghĩ khác, ý của ổng là làm lớn mà làm một mình là no door – không có cửa. 
“What make a leader? Because they have the follower. 
Điều gì tạo nên một nhà dẫn dắt? Vì họ có người tin tưởng hay là phải có người ủng hộ. 
Lãnh đạo mà không có sự ủng hộ thì làm sao mà hoàn thành được việc, bất kể dù lớn hay nhỏ. 

Vậy làm thế nào để có người ủng hộ? 

Vì niềm tin của người lãnh đạo. Vì họ tin vào mục đích của nhà lãnh đạo là xứng đáng và đúng với niềm tin của họ. 
Niềm tin tại ra một cảm giác giá trị - giá trị thực sự, chứ không chỉ đo đếm bằng lúa gạo, vàng đô la. Giá trị được định nghĩa như là sự chuyển hoá của niềm tin. Bạn không thể nào thuyết phục ai đó rằng bạn giá trị, và cũng không thể nào thuyết phục ai đó tin tưởng bạn. Bạn phải thu phục niềm tin bằng cách giao tiếp và chứng tỏ rằng bạn có cùng giá trị và niềm tin với họ. Bạn phải nói về lý do tại sao của bạn và chứng minh nó với những việc bạn đang làm. 
Cân nhắc kỹ, một lý do Tại Sao chỉ là một niềm tin, làm Thế Nào là những hành động chúng ta làm để chứng minh niềm tin đó, và Cái Gì là kết quả của những hành động này. Khi cả ba yếu tố được cân bằng, thì niềm tin được thiết lập và giá trị được nhận thức.
Những người ủng hộ bạn, ủng hộ nhà lãnh đạo thực sự không phải vì họ bị ép buộc, bị cưỡng chế, bị cùng đường mùa Covid nên cố bám trụ với nghề để kiếm lúa, mà họ ủng hộ bạn vì họ thực sự mong muốn được cùng bạn làm điều mà cả hai tin tưởng. 
Nói lý thuyết suông. 
Lập luận vầy thì nghe hơi sáo. Không sát thực tế. Viết review nghe… nho qúa mà không biết làm được bao nhiêu. 
Ai đọc tới đây thì mong mọi người thư giãn với chút trò đùa đứng từ phía người đọc của cái thằng đang tự thúc ép viết review với một tâm thái rất “fulfilled” nè. 
 Dẫn chứng luôn đây bạn hiền. 

Tái cấu trúc niềm tin của Continental 

Bethune là giám đốc điều hành mới của Continetal, thay cho ông cũ là Frank Lorenzo. 
Trước khi Benthune xuất hiện, tầng thứ 20 làm việc tại trụ sở Continental là dành cho ban quản trị, Frank sắp xếp đâu đó chục anh nhân viên bảo vệ cứ như bảo vệ nhà băng. 
Và với Benthune, ông nhận định đây là một vấn đề lớn về niềm tin. 
Câu chuyện thêm gay cấn khi trong một cuộc họp định kì, một ông quản lí tới trễ, rồi tiếp đó ba mươi chín ông quản lí cùng cấp khác cũng đi trễ, Benthune cho thôi việc luôn. Vì ông cho rằng, kinh nghiệm của họ thế nào hay họ mang gì tới bàn làm việc, điều đó không quan trọng. Benthune nâng cao quan điểm và bảo rằng “dù anh có là ai mà nếu không có tinh thần đồng đội cũng như không góp sức với tôi cùng tạo nên một văn hoá làm việc mới tại Continental, mời ra phòng kế toán có tấm séc kí sẵn và mời về.” Không có chỗ cho những ai thiếu niềm tin vào tương lai mới mà Benthune sẽ tạo nên tại Continental. 
Về văn hoá kinh doanh, đầu thập niên 1990, trước khi có Benthune tới thì Continental nằm hạng nhất từ dưới lên về tỷ lệ đúng giờ trong số 10 hãng hàng không lớn nhất quốc gia. Vậy là, ông nói với các nhân viên rằng, nếu thứ hạng này vươn lên tốp năm trong một tháng thì mỗi nhân viên sẽ được hưởng 65 đô la. Số tiền nom có vẻ ít ỏi quá thể. Nhưng nếu bạn nhân số tiền đó với 40,000 nhân viên trong năm 1995 thì mỗi tháng, nếu nhân viên đạt được chỉ tiêu đúng giờ công ty sẽ ngốn khoảng 2,500,000 đô la. 
Nhưng số tiền ấy so với việc liên tục chậm trễ thường xuyên thì thiệt hại còn gấp đôi, tức là 5,000,000 đô la, chi phí cho mỗi lần liên lạc lại khách hàng hay tài trợ chỗ ở cho khách nghỉ qua đêm. Benthune biết rõ việc mình đang làm. 
Giờ đây với cái chính sách mới này, mọi người ai nấy cũng sẽ cười vui nếu đạt chỉ tiêu và sẽ không có bất kì ai được thưởng nếu không đạt được mục tiêu. Đã từ rất lâu rồi Continental mới có sự nhất trí đồng lòng như vậy. Và tất nhiên, mỗi lần thưởng, ai cũng sẽ được ban tuyên giáo trung ương nhắc nhở rằng lý do tại sao họ làm cùng phấn đấu “Cám ơn các bạn đã giúp cho Continental trở thành một trong những công ty hàng đầu.” 
Benthune chia sẻ rằng :”Chúng tôi đo lường những gì nhân viên có thể thực sự kiểm soát được. Chúng tôi đưa ra những phần thưởng mà toàn bộ nhân viên sẽ chiến thắng hoặc thất bại cùng nhau, chứ không phải là riêng lẻ.”
Đó là một mẩu chuyện ngắn (ờ nó ngắn mà do thằng review làm màu nên nó hoá dài) mà cách áp dụng “Why we do what we do?” vào trong việc vận hành doanh nghiệp đã đưa ra. 
Ngoài câu chuyện này ra, còn rất nhiều mẩu chuyện khác rất hay nữa. Nhưng nếu viết hết ra, chắc tới sáng cũng chưa review xong. 
  • Những công ty vĩ đại không tuyển dụng những người có kĩ năng tốt rồi mới tạo động lực cho họ, mà họ tuyển sẵn những người có sẵn động lực và giúp họ khơi nguồn cảm hứng.
  • Một số doanh nghiệp không bao giờ bỏ thời gian và tiền bạc để làm đúng ngay từ đầu, nhưng luôn có thời gian và tiền bạc để làm nó lại lần nữa.
  • Để những giá trị hay nguyên tắc chủ đạo thực sự có tác dụng thì chúng phải là những động từ. Không phải “Chính trực” mà là luôn làm đúng. Không phải “đổi mới” mà là nhìn nhận vấn đề theo một cách khác. Cụ thể hoá những giá trị bằng động từ mang lại cho chúng ta một ý niệm rõ ràng về cách chúng ta hành động trong mọi tình huống.
  • Nếu không có sự tin tưởng thì sẽ không ai muốn mạo hiểm. Không mạo hiểm thì sẽ không có sự khám phá, thử nghiệm và tiến triển cho toàn thể xã hội. Đó là một ý niệm quan trọng. Chỉ khi nào mỗi cá nhân có thể tin tưởng một tập thể thì họ mới chấp nhận mạo hiểm để đưa toàn bộ tập thể đó đi lên. Xét cho cùng, chính điều đó tác động trở lại giúp cho sự tồn tại và khoẻ mạnh của mỗi cá nhân. 
  • Dr King đã đọc bài diễn thuyết “tôi có một ước mơ” chứ không phải là “tôi có một kế hoạch”. Đó là lời tuyên bố về một mục đích chứ không phải của một bản kế hoạch 12 điểm để đạt được quyền dân chủ trên nước Mỹ. Tiến sĩ King đã cho nước Mỹ một nơi để đến chứ không phải để một kế hoạch để làm theo. Kế hoạch có vị trí của nó, nhưng không phải để đọc trên bậc thềm của tượng đài Lincoln. 
  • Không có nhà lãnh đạo nào là có tài năng thiên bẩm. Jobs mắc chứng hoang tưởng còn Gates thì lại ngại giao tiếp xã hội. Wozniak “Máy tính Apple mang lại cho cá nhân sức mạnh để làm những điều tương tự như một công ty. Lần đầu tiên trong lịch sử, một con người có thể sở hữu một doanh nghiệp chỉ đơn thuần bằng khả năng sử dụng công nghệ.”
    Woz thiết kế máy tính một cách đơn giản để người dùng có thể nắm bắt được sức mạnh của công nghệ còn Jobs là người biết làm thế nào để bán chúng.
    Sứ mệnh của Apple “trao quyền cho mỗi cá nhân sức mạnh để họ có thể đứng dậy thiết lập quyền lực của chính mình, để thách thức những thực tại lỗi thời và trở nên thành công.”
  • Vấn đề không phải là giữ chân được nhà lãnh đạo, vấn đề là làm thế nào để giữ tầm nhìn ban đầu được sống mãi.
  • Điều cần thiết nhất cho một người bán hàng giỏi nhất đó là gì? Là tin tưởng vào sản phẩm họ đang bán. Niềm tin có vai trò gì trong vai trò bán hàng? Khi những người bán hàng tin vào những gì họ đang bán thì những lời thốt ra từ họ là đáng tin. Chính một tin tưởng này đã giúp cho những đơn vị bán hàng tốt nhất tạo ra mối quan hệ cơ sở. 
  • Nếu chúng ta đều có thể học cách tư duy, hành động và giao tiếp như những người truyền cảm hứng thì sao?
    80% dân Mỹ không có được công việc mơ ước.
    Lí do tôi viết cuốn sách này không phải để nói cho bạn cần làm gì hay làm như thế nào. Mục tiêu không phải để chỉ ra cho bạn một cách thức, mà là trao tặng cho bạn một lý do để làm điều đó. 
 
Theo tỉ lệ vàng, 10 châm ngôn sẽ là đẹp cho một kết thúc review. Nhưng mình không muốn vậy, mình để nó có số 9, thiếu một. 
Một cảm giác không tròn vẹn. 
Một cảm giác thiếu sót. 
Một cảm giác rằng ta rất gần với sự hoàn chỉnh. 
Một cảm giác rằng bà mẹ thằng review thấy ghét, có 10 thì để 10 đi, bày đặt. (nhưng có cả 55 quotes lận) 
Nhưng sẽ chẳng thú vị gì nếu mình viết ra hết, và bạn chẳng sẽ phải làm gì nữa. 
Mình tin rằng đây là cuốn sách mà nó có thể lay chuyển bạn, một cách đầy hào hứng mà cũng hết sức tâm lý - học hành – tinh vi học, để có thể chuyển hoá những điều bạn nghĩ và hành động đều dựa trên một yếu tố Tại Sao cốt lõi. 
Mình thì thấy nó khó vãi ra khi trăn trở mãi cái Why của mình. 
Mình tin với cách review này sẽ khiến bạn tò mò đến phát ngất vì mình review chất quá mà. 
Và điều cuối cùng mình muốn rằng sau khi đọc bài review này, (3081 words – tính từ lúc đầu tới lúc 3081 words), thì mình đã khơi gợi được sự tò mò trong bạn và bạn sẽ vào thẳng Tiki để mà rinh nó về để cảm thấy “fulfilled” hơn sau cách review lấp lửng của mình. 
Chúc bạn luôn giữ được sự tò mò giữa dòng đời thúi hẻo.
Bởi vì, như một tác giả Canada – Danielle LaPorte từng nói:
  “Your curiosity is your growth point. Always.”
À mà quên, sợ các bạn muốn biết vụ tầng 20 của ban quản trị Continetal có chục anh bảo vệ giờ ra sao thì mình nói thẳng luôn, Benthune đuổi thẳng cổ. Vì mục đích gì? 
Có lẽ là vì tiết kiệm tiền thưởng cho 40,000 nhân viên ấy mà. 

-bút danh- thằng bảy mãi bước đi – steven keeps walking