BLACK PANTHER: WAKANDA FOREVER: HỒI KẾT KHÔNG HOÀN HẢO CỦA PHASE 4.
Đây là một bài review Black Panther Wakanda Forever
Sau thành công trên cả mong đợi của Avengers Endgame, Marvel Studio cũng như Disney chắc chắn sẽ không muốn con bò sữa của mình dừng lại, đó là điều mà bất cứ ai cũng hiểu và cũng sẽ thấy được. Và thế là sau khi kết thúc Infinity Saga, Marvel tiếp tục mang đến cho người xem 3 Phase tiếp theo của vũ trụ điện ảnh Marvel với cái tên “Multiverse Saga”, hứa hẹn mang đến cho người xem những trải nghiệm không giới hạn từ đa vũ trụ Marvel. Thế nhưng hứa là vậy, nổ là thế, nhưng ngay từ Phase 4, Phase mở đầu của MCU đã gặp rất nhiều những vấn đề khác nhau, mà tiêu biểu nhất chính là chất lượng đi xuống của những phim chiếu rạp. Black Widow quá nhạt nhòa, nhàm chán trong khi phim hoàn toàn có thể đã trở thành một Captain America : The Winter Soldier thứ 2 của MCU, Shang-chi cũng chỉ nằm ở mức chấp nhận được chứ không phải là một sản phẩm đột phá như cách mà Marvel đã làm với Guardian of The Galaxy năm xưa. Dr.Strange thì kịch bản quá vội vàng, chóng vánh. Spiderman No Way Home thì kịch bản quá nhiều lỗ hổng may mắn được yếu tố fan-service cứu cho cả bộ phim. Và còn Thor love and thunder thì chẳng khác gì một bộ phim hài rẻ tiền, nhạt nhẽo, đi xem xong chẳng đọng lại được điều gì ngoài sự pha trò quá lố của đạo diễn. Phase 4 của MCU, có thể nói là một chuỗi những phim kỳ vọng thật nhiều và thất vọng cũng là rất nhiều, và để rồi đến ngày 11/11/2022 vừa qua, Marvel tung ra bộ phim cuối cùng của Phase 4 là Black Panther Wakanda Forever với những kỳ vọng nhất định là bộ phim cứu lại được phase 4 đầy đáng quên này của MCU. Vậy rốt cuộc, Black Panther Wakanda Forever có đáp ứng được kỳ vọng của khán giả không ? Hãy cùng đi sâu vào bài viết này của mình để hiểu rõ hơn nhé.
CẢNH BÁO : bài viết sẽ có spoil nhẹ một số tình tiết trong phim, hãy cân nhắc trước khi đọc.
Nội Dung
Black Panther Wakanda Forever (từ giờ mình sẽ gọi tắt là BP2), diễn ra sau các sự kiện của Phase 3, phim vẫn lấy bối cảnh ở vương quốc giả tưởng Wakanda, tuy nhiên lúc này quốc gia đang phải đối mặt với nhiều vấn đề được đặt ra : đó là yêu cầu của các quốc gia phương Tây trong việc chia sẻ tài nguyên Vibranium, đó là sự xuất hiện của một thế lực mới đến từ đại dương và đó là sự ra đi đột ngột của nhà vua T'challa và lúc này Wakanda đã mất đi người bảo vệ Black Panther.
Nhìn chung BP2 cũng giống như bao bộ phim khác của MCU thôi, nó đơn giản, dễ hiểu, dễ nắm bắt, Tuy nhiên với BP2 có vẻ như nó đã thay đổi đi khá nhiều so với style của những bộ phim trước đó. Phim mang trong mình mác “phim tri ân diễn viên quá cố” và biên kịch cũng đã phải thay đổi kịch bản sao để dẫn đến sự ra đi đột ngột của nhà vua, vậy nên phim mở đầu bằng những nỗ lực của Shuri trong việc cứu lấy anh trai của mình tuy nhiên mọi thứ đã là quá muộn, Black Panther T’challa đã về với tổ tiên. Chính từ việc để phần mở đầu bằng một sự mất mát quá lớn với Wakanda nói riêng và cả MCU nói chung, phim đã đi theo lối là một bộ phim với tone màu trầm, tối, thể hiện rõ nỗi buồn, sự tiếc thương mà các nhân vật dành cho cố diễn viên Chadwick Boseman. Phải nói là phần mở đầu của BP2 làm rất tốt và phải nói là sự đột phá trong MCU, khi sau bao nhiêu lâu chờ đợi, cuối cùng thì Marvel cũng đã chịu làm một bộ phim thực sự nghiêm túc, thay vì đi vào lối mòn với những câu đùa, những miếng hài như trước kia, nếu tình tiết pha hài có xuất hiện thì . Và để tiếp nối những gì đã làm được ở phần mở đầu, phần giữa của phim vẫn tiếp tục đi sâu hơn vào khai thác nội tâm, diễn biến tâm lý của từng nhân vật từ đó cho ta hiểu thêm về những nhân vật mà trước kia họ chỉ là kép phụ trong phần 1.
Đã có nhiều ý kiến phản hồi sau khi xem xong BP2 đó là phần giữa phim diễn ra quá chậm chạp, quá buồn ngủ, quá mệt và lê thê, nhưng với cá nhân mình thì việc nhịp phim bị giảm tốc độ xuống là điều hoàn toàn hợp lý, bởi đây là cơ hội để cho các nhà làm phim có thời gian cho chúng ta thấy được sự tương tác giữa các nhân vật trong phim, dành ra nhiều thời gian hơn để có thể hiểu hơn về Shuri, về nữ hoàng Wakanda và cả về Namor, phản diện chính của phim. Nhìn chung phần giữa phim làm cực kỳ tốt, mình thích những tương tác giữa các nhân vật, về cách mà họ xây dựng tâm lý cho từng nhân vật và về cách mà họ đã đẩy cao trào của phim lên, và làm mình có rất nhiều kỳ vọng ở phần kết. Tuy nhiên ở phần mở đầu, thân làm tốt bao nhiêu thì phần kết lại làm nó hụt hẫng đi khá nhiều, chủ yếu đến từ cách xử lý tình huống, cũng như những plot twist trong phim không đạt được như những gì mà bản thân mình kỳ vọng. Hy vọng phần sau của BP2, đội ngũ biên kịch sẽ xử lý phần cuối phim tốt hơn, chứ BP2 suýt chút nữa với mình đã là phim ngang hàng với The Batman năm nay rồi. Nhưng không, dường như phim vẫn thiếu nhiều thứ để là phim SAH hay nhất năm nay.
Nhân vật
Không còn Chadwick, không còn nhà vua nữa, không còn người bảo vệ cho Wakanda nữa, đây vừa là thử thách và cũng là cơ hội cho các diễn viên phụ của phần trước được thể hiện tài năng diễn xuất của mình, và 2 vai diễn là Shuri và nữ hoàng Ramonda.
Hãy bắt đầu với Shuri, em gái của T’challa. Nếu như ở phần phim trước, vai trò của Shuri khá là nhạt nhòa, cô gần như xuất hiện chỉ với vai trò là một cô em gái thông minh, giỏi về công nghệ, có phần cá tính. Thì bước sang phần này, Shuri có nhiều đất diễn hơn, một Shuri đang phải trải qua nỗi đau mất đi người anh trai, dằn vặt với chính bản thân vì mình đã không thể cứu lấy được anh trai của mình, một Shuri đang chưa biết chính xác bản thân mình phải làm gì và nên làm gì để có tiếp tục bước tiếp. Phải nói BP2 đã lột xác cho nhân vật Shuri, cho khán giả thấy được một cái nhìn mới về cô, cũng như thấy được định hướng mà Marvel hướng đến cho cô trong tương lai dù cho định hướng phát triển này vẫn sẽ có thể gây ra những tranh cãi nhất định với fan. (ai xem phim rồi sẽ hiểu)
Nếu như sự phát triển trong tính cách, con người của Shuri vẫn còn gây ra những ý kiến trái chiều khác nhau, thì với nữ hoàng Ramonda nó lại là sự thừa nhận, thừa nhận rằng Ramonda từ một nhân vật khá là mờ nhạt ở phần phim trước đã lột xác hoàn toàn, và những lời khen có cánh như “xứng đáng đề cử Oscar” là hoàn toàn có cơ sở. Mất đi Black Panther, mất đi người bảo vệ của vương quốc và trên hết là Ramonda vừa mất đi đứa con trai yêu dấu của mình, trách nhiệm bảo vệ đất nước này khi các thế lực phương Tây đang nhăm nhe muốn chiếm lấy nguồn tài nguyên quý giá Vibranium đang đặt lên đôi vai của Ramonda. Và với tư cách là nữ hoàng của Wakanda bà đã chứng minh cho thế giới thấy, Wakanda dù có mất đi Black Panther dù cho có suy yếu thì nó cũng sẽ không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù, vẫn sẽ là một Wakanda mạnh mẽ, ngang tàng và bất khuất dù cho chuyện gì có xảy ra đi nữa. Bên cạnh hình tượng một nữ hoàng đầy quyền uy, mạnh mẽ (không kiểu buff nữ quyền lố đâu nhé) thì Ramonda còn được khai thác hình ảnh là một người mẹ, một người phụ nữ của gia đình, một người đang phải trải qua nỗi đau mất đi đứa con trai yêu dấu của mình, vậy nên mọi hành động, suy nghĩ, lời nói của bà không chỉ là vì Wakanda mà còn là vì những người thân trong gia đình của bà, bà làm mọi thứ để bảo vệ được những người mà bà đã yêu thương nhất.
Các nhân vật phụ khác như Okoye, tộc trưởng M’baku được thể hiện cực tốt, họ là những cây hài của phim, nhưng cách làm hài khá là duyên dáng, không bị quá là khúm núm như Thor 4.
Về phía nhân vật phản diện Namor, hmmm, có lẽ lâu lắm rồi Marvel mới làm ra được một phản diện đủ sức hấp dẫn với mình, từ sức mạnh cho đến tính cách. Một phản diện có động cơ hành động đủ thuyết phục để mình theo dõi, đủ hấp dẫn để không khiến mình thấy buồn ngủ, nhàm chán. Nói chung là Namor đã may mắn thoát khỏi hàng ngũ “phản diện cốc giấy” của Marvel và mình đánh giá cao điều này.
Khen nhân vật nhiều là vậy, nhưng không có nghĩa mọi nhân vật đều làm tốt, tiêu biểu nhất chính là nhân vật Riri William hay IronHeart. Thực lòng mình biết MCU muốn giới thiệu đến khán giả những siêu anh hùng mới mẻ, những anh hùng thế hệ mới trẻ trung hơn, năng động hơn. Nhưng những America Chavez hay Ironheart vẫn không thể hấp dẫn được với cá nhân mình, những nhân vật này đều dính vấn đề là họ vẫn còn quá non nớt để làm anh hùng, quá trẻ con để đối mặt với các vấn đề mang tính nguy cấp của công việc anh hùng, và đơn giản là quá nhạt nhòa trong tổng thể câu chuyện của bộ phim, dường như các nhân vật này xuất hiện chỉ để cho có, hoặc gắn họ vào một vấn đề nào đó trong phim chứ để khai thác có chiều sâu thì tuyệt nhiên là không, và điều này dẫn đến họ giống như kiểu một nhân vật thừa và hoàn toàn có thể bỏ đi để xây dựng một bộ phim tốt hơn nữa rồi.
Hình Ảnh- Âm Nhạc
Về hình ảnh, kỹ xảo trong phim thì phim làm mới chỉ mức tạm ổn, vẫn còn có những phân đoạn lỗi kỹ xảo, đặc biệt là phân đoạn chiến đấu cuối phim thực sự khiến mình thất vọng cả về quy mô lẫn chất lượng hình ảnh, nhiều cảnh ở trong phim bị tối một cách quá thể đáng, đến mức mình chỉ nhìn thấy sub chứ tuyệt nhiên chẳng thấy gì đang hiện lên cả, và phải căng mắt lên khá nhiều mình mới nhìn rõ được cái gì đang diễn ra.
Về âm nhạc, bản thân mình vẫn thích ca khúc “All the Stars” của phần 1, tuy nhiên không có nghĩa mình chê những bản nhạc có trong phần 2, nếu không muốn nói đây là một điểm cộng lớn cho phim ấy. Ca khúc chủ đề do Rihanna thể hiện, ban đầu mình không thích cho lắm, cơ mà càng nghe về sau mới càng thấy nó hay và cuốn đến nhường nào.
Tổng kết
Black Panther Wakanda Forever có thể không phải là một hồi kết hoàn hảo cho Phase 4 của MCU, nó chẳng thể vớt vát lại được 1 phase tràn đầy sự thất vọng của MCU, và nó cũng chẳng phải là một bộ phim hay đến cỡ sánh ngang hàng với cả The Godfather như truyền thông đã ca ngợi, nhưng ít nhất là phim đã làm khá tốt nhiệm vụ của mình dù vẫn còn nhiều hạn chế nhất định trong phim.
Chấm điểm: 8,25/10 (lần xem đầu). 7,5/10 (nếu chấm đúng)
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất