Nguồn: Uplash
Nguồn: Uplash
Trong suốt cuộc đời, chúng ta dành khoảng 229 961 giờ, tương đương với 26 năm, gần một phần ba cuộc đời cho việc ngủ, và giấc mơ thường chiếm một phần tư thời gian đó. Giấc mơ thường được nhắc tới như một cánh cổng đưa ta vào vùng đất của tiềm thức, nơi những kỷ niệm và ký ức bị chôn giấu hay bỏ quên. Vì lý do đó, sự hứng thú lâu đời của con người đối với giấc mơ cũng được trải dài từ những vùng đất màu mỡ của nền văn minh Lưỡng Hà cách đây hàng ngàn năm, cho tới nước Áo xinh đẹp, quê hương của nhà Phân tâm học Sigmund Freud, đến tận bên trong những chiếc máy chụp và nghiên cứu não bộ hiện đại và tân tiến nhất của thế kỉ XXI. Vậy, giấc mơ là gì và chúng đang nói với ta điều gì?

GIẤC MƠ, VÀ CẢ ÁC MỘNG THƯỜNG XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO?

Biểu đồ các chu kỳ trong một giấc ngủ đêm. Trục x: thời lượng giấc ngủ, từ giờ thứ nhất cho đến giờ thứ 8. Trục y: Các giai đoạn của giấc ngủ
Biểu đồ các chu kỳ trong một giấc ngủ đêm. Trục x: thời lượng giấc ngủ, từ giờ thứ nhất cho đến giờ thứ 8. Trục y: Các giai đoạn của giấc ngủ
Giấc ngủ thông thường của chúng ta thường chia làm hai giai đoạn hay hai loại giấc ngủ, đó là giấc ngủ mắt không chuyển động nhanh (NREM)giấc ngủ mắt chuyển động nhanh (REM) luân phiên nhau theo chu kỳ. Mỗi loại có những đặc điểm riêng biệt bao gồm những khác biệt trong 1) sự thay đổi về sóng não, 2) hoạt động của cơ bắp và 3) khả năng nhận thức của con người trong khi ngủ.
Một giấc ngủ thường bắt đầu với thời gian ngắn của giai đoạn NREM 1, triến triển qua giai đoạn 2, theo sau bởi giai đoạn 3, 4 và cuối cùng là giấc ngủ REM. Thông thường, trong giấc ngủ REM, toàn bộ các cơ bắp trên cơ thể được não bộ “đóng băng" để ngăn ta hành động theo giấc mơ của mình. Nếu như ta vô tình “tỉnh dậy” trong giấc ngủ REM, việc nói, mở mắt hay di chuyển là không thể. Đây cũng chính là hiện tượng bóng đè.
Tuy nhiên giấc ngủ không dừng ở trạng thái REM trong trong suốt thời gian còn lại mà thay vào đó là các chu kỳ lặp lại của các giấc ngủ NREM 1-4 và REM. Qua cà chu kỳ giấc kỳ của một đêm, giấc ngủ NREM sẽ ngày càng ngắn đi còn giấc ngủ REM sẽ ngày càng dài ra. Vì vậy, những giấc mơ cũng xuất hiện nhiều hơn khi trời gần sáng, vào những chu kỳ giấc ngủ cuối cùng của buổi đêm.
Giấc ngủ NREM chiếm khoảng 75 - 80% tổng thời gian dành cho giấc ngủ và giấc ngủ REM chiếu 20 - 25 % còn lại.
Giấc mơ có thể xảy ra trong giấc ngủ REM hoặc NREM. Trước đây, hầu hết các nhà khoa học đều chỉ nhắc đến giấc mơ như một phần của giấc ngủ REM, tuy nhiên, một vài nghiên cứu mới gần đây đã chỉ ra rằng chúng ta cũng có khả năng mơ trong giấc ngủ NREM.
Nhìn chung, giấc mơ REM dài hơn và có nội dung giống như một câu chuyện. Nội dung giấc ngủ REM thường kỳ lạ và sinh động, cũng như đi kèm yếu tố cảm xúc. Ngược lại, những giấc mơ xảy ra trong giai đoạn NREM thường giống với những suy nghĩ thông thường vào ban ngày và không có những hình ảnh rõ nét. Phần lớn mọi người có khả năng nhớ lại những giấc mơ từ giấc ngủ REM, xảy ra định kỳ sau mỗi 90 - 120 phút của giấc ngủ. Dựa vào độ dài của mỗi giai đoạn giấc ngủ REM mà giấc mơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và kéo dài từ vài phút đến nửa giờ.
Tổng cộng, các chuyên gia về giấc ngủ ước tính rằng chúng ta dành khoảng hai giờ để mơ mỗi đêm.

MỘT SỐ LOẠI GIẤC MƠ CHÍNH

Sau đây là ba dạng giấc mơ chính thường gặp
1. Giấc mơ sáng suốt [Lucid dreams]: Giấc mơ mà ở đó ta biết mình đang mơ. Cũng giống như hầu hết các giấc mơ khác, nó thường xảy ra trong giấc ngủ REM. Hầu hết chúng ta ít khi bắt gặp giấc mơ sáng suốt, mặc dù một vài nghiên cứu báo cáo rằng 55% con người trải qua nó ít nhất một lần trong đời. Bạn cũng có thể kiểm soát được giấc mơ của mình nếu có sự luyện tập, đặc biệt nếu bạn có xu hướng thường xuyên mơ hoặc gặp ác mộng. 
2. Giấc mơ tái diễn [Recurring dreams]: Giấc mơ tái diễn là những giấc mơ lặp lại nhiều hơn một lần. Chúng thường xuyên có nội dung về những cuộc đối đầu, bị rượt đuổi hay bị ngã. Những giấc mơ tái diễn có thể là những giấc mơ trung tính hoặc ác mộng. Nếu bạn có những cơn ác mộng tái diễn, chúng có thể đến từ vấn đề sức khỏe tâm thần tiềm ẩn, việc sử dụng chất hoặc một loại thuốc nhất định nào đó.
3. Giấc mơ sống động [Vivid dreams]: Giấc mơ sống động gần như gắn liền với việc thức dậy trong giấc ngủ REM, khi giấc mơ của bạn ở trạng thái sống động nhất và có thể được ghi nhớ dễ dàng. Mặc dù chúng ta có thể coi bất kỳ giấc mơ nào mà chúng ta trải qua trong giấc ngủ REM là “sống động” nhưng “giấc mơ sống động” ở đây dùng để mô tả một giấc mơ đặc biệt dữ dội mà chúng ta cảm thấy vô cùng chân thực, ngay cả khi đã choàng tỉnh.
4. Ác mộng [Nightmares]: Đây là những giấc mơ đem lại sự kinh hoàng. Chúng là hệ quả của những căng thẳng trong ngày, hoặc thói quen ăn uống, hoặc những chấn thương tâm lý, hoặc do các chứng rối loạn giấc ngủ khác.
5. Giấc mơ giả tỉnh [False awakening dreams]: Đây chính là những giấc mơ khi ta tưởng như đã tỉnh dậy để đi vệ sinh nhưng thực chất ta vẫn đang kẹt trong giấc mộng. Những giấc mơ này khiến ta tưởng như là đã tỉnh dậy. Chúng thường xuất hiện ở những trạng thái nửa tỉnh nửa mê, tương tự như trạng thái bóng đè hoặc giấc mơ sáng suốt.

HOẠT ĐỘNG CỦA NÃO BỘ TRONG GIẤC MƠ

Sóng não trong giấc ngủ khi đo bằng điện não đồ. Nguồn: Semantic Scholar
Sóng não trong giấc ngủ khi đo bằng điện não đồ. Nguồn: Semantic Scholar
Khi mơ, suy nghĩ của chúng ta được sắp xếp theo một trật tự kỳ lạ và dường như là phi logic, đôi khi là ngẫu nhiên, nhưng đôi khi lại liên quan đến những trải nghiệm được tổng hợp trong khoảng thời gian chúng ta thức. Giấc mơ trực quan rõ nét thường xảy ra trong giấc ngủ REM. Tuy nhiên, như đã đề cập đến ở trên, không phải tất cả giấc mơ đều xảy ra trong giấc ngủ REM. Ví dụ như, những cơn khiếp sợ trong đêm [night terror] lại thực sự xảy ra trong giấc ngủ NREM.
Ta thường nghĩ rằng, khi ta ngủ, não bộ được nghỉ ngơi và tạm ngưng hoạt động. Trên thực tế, các nhà khoa học đã chứng minh điều ngược lại. Trong giấc ngủ REM, khi các cơ đã được não bộ làm cho tê liệt để tránh cơ thể “chạy” theo những giấc mơ thì một số bộ phần của não bộ lại hoạt động mạnh mẽ hơn cả khi ta còn thức. Sóng não đo được ở các giai đoạn REM có những đặc điểm gần giống với sóng não đo được khi chúng ta tỉnh táo.
Có một số lý thuyết cho rằng, chính những hoạt động “ngẫu nhiên" của não bộ khi ta ngủ là nguyên nhân sinh học của những giấc mơ. Đặc biệt hơn cả, các nhà khoa học tại đại Viện Tâm thần học Max Planck tại Đức đã chỉ ra rằng, sự khác biệt trong mức độ hoạt động của vùng não đảm nhận trách nhiệm tư duy logic, đánh giá và lên kế hoạch (vỏ não trước trán) và một phần của vùng não đa nhiệm (vùng tiểu thuỳ bốn cạnh [precuneus] thuộc thùy đỉnh) là sự khác biệt chính yếu ở não bộ giữa giấc mơ thông thường và giấc mơ sáng suốt [lucid dream].
Các nhà khoa học này cũng cho rằng, những hoạt động khác thường ở hai vùng não này cũng chính là nguyên nhân vì sao ta lại ý thức về bản thân và nhận ra rằng mình đang mơ khi đang ở trong giấc mơ sáng suốt còn trong giấc mơ thông thường thì không.
Đó là một vài thông tin căn bản về giấc mơ. Vậy ý nghĩa của những giấc mơ là gì, những góc nhìn khác nhau trong tâm lý học nói gì về giấc mơ? Bạn hãy đón chờ phần 2 của bài viết nhé!
Tác giả: Keira Ngo, Hà Kiều Oanh
Nguồn tham khảo:
Altevogt, B. M., & Colten, H. R. (Eds.). (2006). Sleep disorders and sleep deprivation: an unmet public health problem.
“Dreams: Why We Dream & How They Affect Sleep.” Sleep Foundation, 30 Oct. 2020, www.sleepfoundation.org/dreams.
Elmer, Jamie. “10 Types of Dreams and What They May Indicate.” Healthline, Healthline Media, 20 May 2020, www.healthline.com/health/types-of-dreams#other-types.
“How Long Are Dreams?” Sleep.org, 16 Mar. 2021, www.sleep.org/how-often-dreams/.
“The Characteristics of Sleep.” The Characteristics of Sleep | Healthy Sleep,http://healthysleep.med.harvard.edu/.../what/characteristics.
“The seat of meta-consciousness in the brain” Max Planck Gesellschaft, 12 Jun.2021, https://www.mpg.de/5925490/meta-consciousness-brain
Boag, S. (12 Dec. 2016) “On Dreams and Motivation: Comparison of Freud's and Hobson's Views.” Frontiers, Frontiers.
Kluger, J. (12 Sept. 2017) “What Your Dreams Actually Mean, According to Science.” Time, Time.
Linden, S. (26 July 2011) “The Science Behind Dreaming.” Scientific American, Scientific American.
Revonsuo, A. (21 Sept. 2001) “The Reinterpretation of Dreams: An Evolutionary Hypothesis of the Function of Dreaming: Behavioral and Brain Sciences.” Cambridge Core, Cambridge University Press.
Mình là Keira Ngo, host của series "Để Tâm lý học Dẫn đường" trên Youtube Spiderum, người sẽ đồng hành cùng các bạn trên con đường tìm hiểu cuộc đời bằng tâm lý học.
"Để Tâm lý học Dẫn đường" đang trở lại với chuỗi chủ đề cực kỳ thú vị - một chủ đề nghiên cứu gần như là mới nhất và hiện đại nhất trong toàn bộ ngành Tâm lý học - TÂM LÝ HỌC THẦN KINH. Chúng mình sẽ có cơ hội được tìm hiểu về CẤU TRÚC và CÁCH VẬN HÀNH của NÃO BỘ.
Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều chương trình quảng bá về việc học tập và làm việc hiệu quả. Có rất nhiều người tin theo các trào lưu này mặc dù chưa rõ về nguồn gốc khoa học và tính chính xác của nó.
Vì vậy, đồng hành cùng chúng ta trong series podcast này là vị khách mời vô cùng đặc biệt. Một trong số ít người Việt Nam mình biết mà thực sự nghiên cứu chuyên sâu về Tâm lý học Thần kinh, chị Quang Thục Hảo:
- Thạc Sĩ - Nghiên cứu sinh Tiến Sĩ ngành Tâm lý học Thần kinh tại Đại học New South Wales, Úc
- Nhà nghiên cứu tại Đại học Sydney, Úc
- Nhà giáo dục, người sáng tạo nội dung tại "A Brainy Chat" - kênh YouTube về phát triển bản thân dựa trên Khoa học Tâm lý và Não bộ.
Có bất kỳ câu hỏi nào về mối quan hệ giữa não bộ và sự phát triển cá nhân hãy chia sẻ với mình ngay tại đây để có cơ hội giải đáp thắc mắc và cùng thảo luận với chị Hảo nhé!