"Tuổi trẻ là phải đi", "Xách mông lên và đi", "Hãy đi khi còn có thể".... Những bài viết, câu caption, status quen thuộc khuyến khích những người trẻ như tôi đi (du lịch) thật nhiều khi có cơ hội, như là một tôn chỉ đúng đắn lý tưởng nhất về thứ gọi là trải nghiệm của tuổi trẻ. Tôi cũng từng nghĩ như họ, trẻ là phải đi, đi thật nhiều. Nhưng khi việc dịch chuyển này đang trở thành xu hướng, tôi bắt bản thân phải nhìn lại tính đúng đắn và khả thi của nó.

Tuổi trẻ là phải đi? Mà đi là phải chụp?

Mỗi khi có một nhóm bạn vừa đi du lịch trở về và tôi hỏi họ về chuyến du lịch ấy, về nơi họ đến như thế nào, ngay lập tức đập vào mắt tôi sẽ là vài album hình ảnh/ video được upload cẩn thận trau chuốt trên facebook, độ lớn từ vài trăm thậm chí lên đến vài ngàn tấm. Tôi thường nghĩ rằng, họ trải nghiệm được gì sau chuyến đi đó khi tất cả thời gian đều dành cho việc make up và tạo dáng chụp ảnh?

Chuyến du lịch cuối của tôi cách đây đã gần 1 năm, tôi cùng nhóm bạn đi xe máy cắm trại qua đêm bên bờ biển khu du lịch đang nổi lúc bấy giờ: Coco Beach - Bình Thuận. Chuyến đi rất vui, thật sự rất vui, nhờ nó mà tôi mở rộng thêm vài mối quan hệ cũng như thắt chặt tình cảm bạn bè lâu năm sau những bận rộn thường nhật. Nhưng nếu hỏi tôi trải nghiệm được gì sau chuyến đi ấy, tôi phải thú nhận là rất ít. Bãi biển không đẹp như quảng cáo, thậm chí không tắm được vì đá sỏi bờ biển quá to và sắc nhọn (tôi bị chảy máu đầu gối sau chuyến đi đó), các dịch vụ vui chơi khá ít vì đang trên đà mở rộng. Sau 2 ngày 1 đêm ở một địa điểm cách nơi tôi ở chưa đầy 200 km, chúng tôi gần như chỉ ngồi yên một chỗ, hết ăn uống lại ra biển chỉ để tạo dáng chụp hình. Và đến ngày cuối, tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi khi cái đứa làm nhiệm vụ phó nháy cho cả đám lôi đầu tôi dậy lúc 5h sáng chỉ để ngắm bình minh và dĩ nhiên là tiếp tục chụp hình. Chụp, chụp và chụp. Hình, hình và hình. Đó là những thứ ấn tượng và sót lại của tôi sau chuyến đi. 


Đọc thêm:


Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kĩ thuật số, chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào các thiết bị máy móc mà quên đi sự tuyệt vời của đôi mắt. Đôi khi tôi cay đắng nhận ra rằng, chúng tôi không đi du lịch hay trải nghiệm, mà chỉ là đi chụp hình ngoại cảnh. Nếu bạn trở về sau một chuyến đi và những gì bạn kể lại cho người khác chỉ là những tấm ảnh được trau chuốt trên màn hình, tin tôi đi, bạn không trải nghiệm đâu, bạn chỉ vừa khoe là mình có đi chơi thôi. 

Và tôi cũng bớt tin đi nhiều vào những mẩu tin tức hay status gắn mác PR du lịch, chúng thật sự không đáng tin một chút nào!

Thế nào là trải nghiệm?

Theo từ điển Tiếng Việt nhé: "Trải nghiệm là tiến trình hay  quá trình hoạt động năng động để thu thập kinh nghiệm, trên tiến trình đó có thể thu thập được những kinh nghiệm tốt hoặc xấu, thu thập được những bình luận, nhận định, rút tỉa tích cực hay tiêu cực, không rõ ràng, còn tùy theo nhiều yếu tố khác như môi trường sống và tâm địa mỗi người".


Có rất nhiều người trẻ như tôi đang có một cái nhìn sai lầm về sự trải nghiệm của tuổi trẻ. Đi du lịch là một hình thức trải nghiệm, nhưng nó không là duy nhất. Có bao nhiêu bạn thật sự có thu nhận kiến thức hay mở rộng tầm mắt về con người, văn hóa, cách sống của địa phương ở nơi mà bạn từng đi qua? Hay chỉ đơn giản là vung tiền vào một chuyến đi, đến một nơi đẹp đẽ, tạo dáng chụp hàng trăm tấm hình và đi về? Đó không phải là trải nghiệm, đó là tận hưởng.
Vậy nên, đừng đánh đồng việc đi du lịch với trải nghiệm, vì bạn thật sự chưa trải nghiệm. 

Ít ra là bạn cũng như Huyền Chíp trong "Xách balo lên và đi". Chị ấy hòa mình vào cuộc sống của người dân địa phương, ăn ở cùng họ, mặc giống họ, luồn lách vào những địa danh làm nên lịch sử và văn hóa của đất nước đó. 


Đọc thêm:


Sau một vài năm ở trong một thành phố xa lạ không phải quê hương, tôi vui mừng khi nhận ra rằng, bản thân mình vẫn đang thay đổi. Ngay cả khi bạn không cần đi du lịch, bạn vẫn có thể trải nghiệm cuộc sống bằng rất nhiều cách khác: đi học, đi làm thêm, thực tập sinh, hay thậm chí là dành một ngày cuối tuần dạo quanh các con phố bạn chưa bao giờ đặt chân đến, thử những món ăn chưa từng ăn, ngồi ở quán nước ven đường quan sát nhịp sống xung quanh mình. Tôi tin rằng chỉ với một vài buổi chiều như thế, bạn sẽ thấy thế giới xung quanh thật rộng lớn. 

Trải nghiệm không đồng nghĩa với tận hưởng quá đà

Một đứa bạn của tôi tâm sự rằng nó đã phải gửi tiền lương về nhà cho mẹ cất giữ, để nó không tiếp tục tiêu hết tiền vào những chuyến du lịch cuối tuần cùng nhóm phượt. Ôi, thật may mắn vì nó kịp nhận ra hậu quả của việc "đi" vô tội vạ. 

Trung bình một gia đình hạt nhân ở Việt Nam sẽ mất từ 20 đến 35 năm để xây dựng một cơ nghiệp cho mình. Đó có thể là một ngôi nhà, vài miếng đất, hay một cơ nghiệp kinh doanh nơi họ có thể dựa vào nó và sống vài ba đời nếu con cháu họ tiếp tục duy trì và phát triển. Tôi không nói đến những bạn từ lúc sinh ra đã ngậm thìa vàng, cả đời sung sướng không lo toan vì bố mẹ họ đã thay họ làm điều đó. 

Ông bà, cha mẹ, những thế hệ đi trước hi sinh một nửa đời người để làm việc và xây dựng cơ nghiệp cho họ, và con cháu họ thanh thản ngồi tận hưởng điều đó bằng những chuyến du lịch với đồng lương chỉ vừa đủ nuôi sống bản thân? Tôi không định đề cập đến những trường hợp đi du lịch đều đặn bằng tiền của bố mẹ để có những bức ảnh đẹp khoe lên Facebook. 

Tôi đã nghĩ rằng, nếu 10 năm đầu sau ra trường tôi chỉ kiếm tiền và đi du lịch, thì bao nhiêu năm sau mới đủ vốn liếng để mua nhà, mua xe, hay gầy dựng cơ nghiệp cho con cháu mình sau này? 

Tuổi trẻ có nên tận hưởng?

Dĩ nhiên là ở độ tuổi còn đang sung sức và tràn trề, chúng ta đôi khi nên dành thời gian tự thưởng cho mình vài chuyến đi xa để mở mang tầm mắt về cuộc sống và thế giới, nhưng không có nghĩa là bỏ hết đồng lương kiếm được vất vả hàng mấy tháng trời vào những chuyến đi không biết ngày đêm. 

Với quan điểm bản thân, tôi nghĩ rằng tuổi trẻ không phải là để tận hưởng, mà là thời điểm để làm việc và tích lũy. Chỉ khi ta dư dả và có đầy đủ điều kiện cả về vật chất lẫn tinh thần, việc tận hưởng mới thật sự có ý nghĩa. Tôi không muốn mình tận hưởng tinh thần vài năm đầu đời, để mình vất vả suốt những năm cuối đời. Du lịch nên có giới hạn và tính toán, chứ không phải là đi vô tội vạ, đi không cần biết tương lai. Đó là một lối sống sai lầm và không dành cho tất cả mọi người. 

Tuổi trẻ phải "đi", nhưng hãy "đi" có suy nghĩ.