Dối trá, thành thật, và những gì liên đới
Giữa nhiều nghịch lý của đời sống, nói dối có lẽ là nghịch lý khác thường và quan trọng nhất: Chúng ta thường hành xử theo các cách...
Giữa nhiều nghịch lý của đời sống, nói dối có lẽ là nghịch lý khác thường và quan trọng nhất: Chúng ta thường hành xử theo các cách cam đoan sẽ khiến chúng ta bất hạnh. Nhiều người dành thời gian ngạo nghễ mắt mở toang tiến đến tiếc rẻ, hối hận, mặc cảm và thất vọng. Và chẳng có một nơi nào mà những tổn thương lại thường xuyên do tự ta gây ra, hay thứ tổn thương ta tạo ra lại bất xứng với những nhu cầu ta có trong hiện tại, cho bằng trong những lời nói dối ta kể cho kẻ khác. Nói dối là con đường hoàng kim đưa tới chaos.
Khi là nghiên cứu sinh ở Stanford, tôi [Sam Harris] tham gia một seminar đã gây ra sự thay đổi rất lớn trong tôi. Seminar mang tên “Nhà phân tích có đạo đức,” và được tiến hành dưới hình thức biện chứng Socrates với sự chủ trì của Ronald A. Howard, một giáo sư cực kỳ thiên phú. Thảo luận của chúng tôi xoay quanh một câu hỏi duy nhất thuộc đạo đức ứng dụng.
Nói dối có sai không?
Thoạt trông, thảo luận này có vẻ là một nền tảng chỉ hòm hòm đủ cho cả một khóa học cấp đại học. Rốt lại thì, hầu hết mọi người đều tin rằng nói dối nhìn chung là sai - và họ cũng biết rằng một số tình huống dường như buộc ta phải nói dối.
Việc tôi nhẹ nhõm đến nhường nào khi nhận ra điều này không cần phóng đại cũng rõ. Không phải là tôi có thói quen nói dối trước khi dự khoá học của Howard – nhưng giờ tôi biết rằng vô vàn những khổ đau và xấu hổ có thể dễ dàng được tránh khỏi chỉ nhờ nói thật. Và, dường như là lần đầu tiên, tôi thấy khắp xung quanh mình những hậu quả khi người khác không sống theo nguyên tắc này.
Trải nghiệm này vẫn là một trong những ví dụ rõ ràng nhất trong đời tôi về sức mạnh của tự vấn triết lí sống. “Nhà phân tích có đạo đức” đã ảnh hưởng đến tôi theo cách hiếm thấy trong các khoá học đại học: Nó khiến tôi trở thành người tốt hơn.
Đọc thêm:
Lời nói dối Là Gì?
Sự lừa gạt có muôn hình vạn trạng, nhưng không phải tất cả hành động lừa gạt đều là nói dối. Kể cả những người có đạo đức nhất trong chúng ta cũng thỉnh thoảng khó có thể phân biệt vẻ bề ngoài với thực tế. Bằng việc dùng mỹ phẩm, người phụ nữ muốn trông trẻ hơn hoặc đẹp hơn. Lòng trung thực không yêu cầu cô ấy phải luôn nói rõ – “Tôi thấy là bạn đang nhìn vào mặt tôi: Xin lưu ý rằng tôi không trông đẹp như thế này khi mới vừa ngủ dậy”. Người đang vội có thể giả vờ như không thấy một người quen thoáng qua trên con phố. Một chủ nhà lịch sự có thể bỏ qua một lời nói ngu xuẩn của một người khách. Khi được hỏi “Bạn khoẻ không?” hầu hết chúng ta theo phản xạ đều trả lời là “Khoẻ," hiểu rằng câu hỏi chỉ là một câu chào xã giao, không phải là lời mời để bàn về những thất vọng trong nghề nghiệp, khó khăn trong hôn nhân, hoặc tình trạng tiêu hoá của chúng ta. Các hành động né tránh này có thể là các hình thức lừa gạt, nhưng chúng không là nói dối. Chúng ta có thể tránh nói sự thật trong những lúc đó, nhưng chúng ta không cố tình sản xuất điều sai sự thật.
Ranh giới giữa nói dối và lừa gạt thường mờ nhạt. Thậm chí, chúng ta có thể lừa gạt bằng sự thật. Ví dụ, tôi có thể đứng ở vỉa hè trước Nhà Trắng và gọi điện đến trụ sở Facebook: “Xin chào, đây là Sam Harris. Tôi đang gọi từ Nhà Trắng, và tôi muốn được nối máy đến Mark Zuckerberg.” Những lời nói của tôi, theo nghĩa hẹp, sẽ đúng – nhưng chúng được toan tính để lừa gạt. Lúc ấy tôi có nói dối không? Không hẳn.
Nói dối là cố ý lừa dối người khác khi họ mong muốn giao tiếp chân thành. Định nghĩa này loại trừ ảo thuật gia, người chơi bài poker, và những kẻ vờ vĩnh vô hại khác, và làm sáng tỏ một bối cảnh tâm lí xã hội có hình dáng chung rất dễ nhận biết. Người ta nói dối để người khác hình thành những khái niệm sai lầm. Khái niệm càng có sức nặng – có nghĩa là, điều kiện sống của người đó càng phụ thuộc vào hiểu biết đúng đắn về thế giới – thì lời nói dối càng có sức nặng.
Tuy nhiên, như triết gia Sissela Bok đã quan sát, chúng ta không thể tiến xa về vấn đề này nếu không phân biệt được sự thật (truth) và sự thành thật (truthfulness) – vì một người có thể hoàn toàn thành thật nhưng lại sai lầm. Nói thành thật là thể hiện chính xác những niềm tin của bản thân. Nhưng sự thật thà của một người không đảm bảo rằng niềm tin của họ là đúng. Sự thành thật cũng không yêu cầu ta nói toàn bộ sự thật, vì việc truyền đạt mọi thông tin thật về một vấn đề hiếm khi hữu dụng hoặc khả thi.
Tuy nhiên, như triết gia Sissela Bok đã quan sát, chúng ta không thể tiến xa về vấn đề này nếu không phân biệt được sự thật (truth) và sự thành thật (truthfulness) – vì một người có thể hoàn toàn thành thật nhưng lại sai lầm. Nói thành thật là thể hiện chính xác những niềm tin của bản thân. Nhưng sự thật thà của một người không đảm bảo rằng niềm tin của họ là đúng. Sự thành thật cũng không yêu cầu ta nói toàn bộ sự thật, vì việc truyền đạt mọi thông tin thật về một vấn đề hiếm khi hữu dụng hoặc khả thi.
Để các tiểu tiết mơ hồ sang một bên, việc truyền đạt những gì ta tin là đúng và hữu dụng chắc chắn khác với việc che đậy hoặc bóp méo chúng. Chủ đích giao tiếp chân thành là thước đo của sự thành thật. Và hầu hết mọi người đều không cần bằng cấp về triết học để phân biệt được thái độ chân thành và giả dối.
Đọc thêm:
Con người nói dối vì nhiều lí do. Họ nói dối để tránh mất mặt, phóng đại thành tựu của bản thân, và che đậy những việc làm sai trái. Họ đưa ra lời hứa mà không có ý định giữ lời. Họ che giấu lỗi hư hỏng trong sản phẩm và dịch vụ. Họ đánh lừa đối thủ để đạt lợi thế. Nhiều người trong chúng ta nói dối bạn bè và người thân để tránh khiến họ đau buồn, tức giận.
Dù mục đích của ta là gì, những lời nói dối có thể thô cộc hoặc tinh tế. Chúng có thể được kèm bởi những thủ đoạn tinh vi hoặc tài liệu giả mạo, hoặc chỉ gồm những uyển ngữ hoặc im lặng có chiến thuật. Nhưng mọi lời nói dối đều gồm việc tin vào một điều trong lúc cố tình truyền đạt điều khác.
Chúng ta đều đã đứng ở cả hai bờ vực thẳm giữa cái một người tin và cái họ muốn người khác hiểu – và khoảng cách trông khá khác biệt, tuỳ vào việc ta là người nói hoặc nhận lời nói dối. Đương nhiên, kẻ nói dối thường tưởng tượng rằng hắn không gây hại gì, miễn là nó không bị phát hiện. Nhưng kẻ bị lừa dối hầu như không bao giờ đồng quan điểm này. Ngay khi ta xem sự thiếu trung thực của mình từ góc nhìn của người bị ta lừa dối, ta nhận ra rằng ta sẽ cảm thấy bị phản bội nếu đổi vị trí với họ.
Sita, một người bạn tôi, có một lần đang trên đường đến thăm nhà một người bạn khác và muốn mang một món quà nhỏ cho cô ấy. Đáng tiếc thay, cô đang du lịch cùng con trai nhỏ và chưa tìm được thì giờ để mua sắm. Nhưng khi họ đang chuẩn bị rời khách sạn, Sita thấy rằng các đồ dùng nhà tắm được cấp trong phòng rất tốt. Nên cô cho vài bánh xà phòng, dầu gội và kem dưỡng ẩm vào một cái túi, cột nó lại với ruy băng cô lấy ở bàn tiếp tân, và khởi hành.
Khi Sita tặng món quà này, bạn cô rất vui mừng.
“Cậu mua chúng ở đâu vậy?" cô hỏi.
Bất ngờ bởi câu hỏi, và bởi một cảm giác ngượng ngùng, Sita cố chữa cháy bằng một lời nói dối: “À, tụi mình chỉ mua chúng ở cửa hàng quà tặng của khách sạn"
Những lời tiếp theo đến từ cậu con trai ngây thơ: “Không, mẹ ơi, mẹ lấy chúng ở phòng tắm mà!”
Tưởng tượng vẻ mặt của hai người phụ nữ này mà xem, bỗng chốc đông cứng trong sự xấu hổ rồi biến thành những cái cười xin lỗi và tha thứ. Đây có thể trông như một lời nói dối rất nhỏ nhặt – và nó đúng là như vậy – nhưng nó không cải thiện lòng tin tưởng giữa hai người bạn này chút nào. Dù hài hước hay không, câu chuyện tiết lộ một điều xấu về Sita: cô ấy sẽ nói dối theo nhu cầu của mình.
Cơ hội đánh lừa người khác luôn hiện hữu và không kém hấp dẫn, và mỗi cơ hội đều đưa cho chúng ta những thử thách đạo đức khó nhằn nhất. Hiếm ai trong chúng ta là kẻ giết người hay trộm cắp, nhưng chúng ta đều đã từng là kẻ nói dối. Và nhiều người sẽ không thể thanh thản nhắm mắt ngủ tối nay mà không nói một lời dối trá nào suốt một ngày ròng
Điều này nói gì về chúng ta và cuộc sống chúng ta đang tạo ra cùng nhau?
Chiếc Gương của sự Trung thực
Ít nhất một nghiên cứu chỉ ra rằng 10% những giao tiếp giữa vợ chồng không trung thực. Một nghiên cứu khác phát hiện rằng 38% giao tiếp giữa sinh viên với nhau chứa những lời nói dối. Tuy nhiên, cả những kẻ nói dối cũng đánh giá tương tác dối trá là khó chịu hơn so với tương tác chân thật. Điều này không quá bất ngờ: Chúng ta biết lòng tin là một phần thưởng lớn và sự lừa dối và nghi ngờ là hai mặt của một vấn đề. Nghiên cứu cho rằng mọi hình thức nói dối – kể cả “nói dối vô hại" để tránh thương tổn cảm xúc người khác – đều có gắn với các mối quan hệ kém chất lượng hơn.
Khi ta cam kết sẽ luôn nói thật, ta bắt đầu thấy thật hiếm khi được gặp bất cứ ai có cùng cam kết này. Người trung thực là chỗ dựa tinh thần: Bạn biết họ nói đúng theo suy nghĩ mình, họ sẽ không nói một đằng trước mặt bạn và một nẻo sau lưng bạn; bạn biết họ sẽ cho bạn biết nếu họ nghĩ bạn đã thất bại – và vì vậy lời khen của họ không thể bị nhầm với lời nịnh hót.
Sự trung thực là món quà ta có thể trao cho người khác. Nó cũng là một nguồn sức mạnh và chuyên chở sự giản dị. Biết rằng mình sẽ cố nói thật, dưới bất cứ hoàn cảnh nào, ta không cần chuẩn bị gì nhiều. Ta chỉ đơn giản là chính mình.
Đọc thêm:
Khi cam kết trung thực với mọi người, ta cam kết tránh nhiều vấn đề dài hạn, nhưng với cái giá của sự khó chịu ngắn hạn, thi thoảng. Tuy nhiên, không nên nghiêm trọng hoá sự khó chịu này: Bạn có thể thật thà, tốt bụng, vì mục đích của bạn trong việc nói thật không phải là để xúc phạm người khác: Bạn chỉ muốn họ biết thông tin bạn biết, và muốn biết nếu bạn ở vị trí họ.
Nhưng cần thời gian luyện tập để ta cảm thấy thoải mái với cách sống này – huỷ kế hoạch, từ chối lời mời, bình phẩm sàn phẩm của người khác, v.v. khi vẫn thành thật về suy nghĩ và cảm xúc của mình. Hành động này cũng giống soi gương vào cuộc đời chính mình – vì cam kết nói thật đòi hỏi ta chú ý đến sự thật trong mọi khoảnh khắc. Bạn là loại người thế nào? Bạn đã trở nên xét nét, ích kỉ, nhỏ nhen đến mức nào?
Bạn có thể nhận ra rằng một số tình bạn của mình thực sự không là tình bạn – có lẽ bạn quen nói dối để tránh đặt cuộc hẹn, hoặc tránh thể hiện quan điểm thật vì sợ gây bất đồng. Chính xác là nếu sống như thế, bạn đang giúp ích cho ai? Bạn có thể nhận ra rằng một số mối quan hệ không thể được duy trì một cách chân thành.
Và những vấn đề thực trong đời bạn có thể buộc phải nảy sinh. Bạn có đang trong mối quan hệ bị ngược đãi? Khi không chịu nói dối người khác – với câu hỏi Bạn có vết bầm đó từ đâu vậy? – bạn sẽ phải đối mặt với vấn đề rất nhanh chóng. Bạn có vấn để với chất gây nghiện hoặc cồn không? Nói dối là nguồn sống của cơn nghiện ngập. Khi không dựa vào lời nói dối, cuộc sống chúng ta chỉ ngổn ngang, bề bộn cho tới khi có người khác ghé mắt vào.
Nói thật cũng có thể tiết lộ những cách ta muốn phát triển bản thân nhưng chưa thành công. Tôi nhớ lúc mình được mời đọc diễn văn đại diện cho học sinh trước trường vì thành tích học tập. Tôi từ chối vinh dự này, nói rằng tôi cảm thấy nó nên được nhường cho người nào đó học tại trường lâu hơn. Nhưng đó là nói dối. Thực sự là tôi cực kì sợ nói trước đám đông và sẽ làm gần như bất cứ gì để tránh nó. Lúc đó, tôi chưa sẵn sàng đối mặt sự thật này về bản thân mình – và việc tôi sẵn sàng nói dối lúc đó đã cho phép tôi né tránh nó trong nhiều năm. Nếu như tôi nói sự thật cho hiệu trưởng, ông có lẽ đã bắt đầu một cuộc trò chuyện quý báu với tôi.
Hai Loại Nói Dối
Các vi phạm đạo đức thường được chia thành hai loại: những điều xấu chúng ta làm (hành vi chủ động) và những điều tốt đẹp chúng ta không làm (hành vi thiếu sót). Ta thường đánh giá loại thứ nhất khắc nghiệt hơn nhiều. Nguồn gốc của sự mất cân bằng này vẫn là một bí ẩn, nhưng chắc chắn liên quan đến giá trị ta đặt vào năng lượng và ý định của một người.
Hành động chủ động cần năng lượng, và những hành động đạo đức đòi hỏi ý định có ý thức. Thất bại không thể hoàn thành hành động có thể hoàn toàn là do hoàn cảnh và đòi hỏi năng lượng để sửa chữa. Sự khác biệt này rất quan trọng. Việc với tay vào quầy trộm 100 đô khác với việc không trả lại 100 đô ta đã nhận do nhầm lẫn. Chúng ta có thể coi cả hai hành vi là đáng phê phán về đạo đức - nhưng chỉ những người trong trường hợp đầu cố tình trộm cắp. Không cần phải nói, nếu người nhận lầm 100 đô phải tốn hơn 100 đô để gửi lại số tiền nhầm lẫn, rất ít người trong chúng ta sẽ phán xét anh chỉ vì anh giữ tiền.
Nói dối cũng vậy. Nói dối về tuổi, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp, v.v là một chuyện; không làm rõ và sửa ấn tượng sai lầm khi chúng xảy ra là chuyện khác. Ví dụ, tôi đôi khi được tả bằng từ “bác sĩ thần kinh học" (neurologist), nhưng tôi không phải thế, tôi là “nhà thần kinh học" (neuroscientist). Bác sĩ thần kinh học có bằng y khoa và chuyên chữa các bệnh về não và hệ thần kinh. Nhà thần kinh hoc có bằng tiến sĩ và thực hiện nghiên cứu. Tôi không có bằng y khoa, không có kinh nghiệm lâm sàng, và không bao giờ dám tự gọi mình là bác sĩ thần kinh học. Nhưng tôi cũng không nhận trách nhiệm đạo đức để sửa lưng mọi trường hợp nhầm lẫn về chi tiết này. (Môt cú pháp Google cho “Sam Harris" và “neurologist" hiện xuất ra hàng ngàn kết quả.) Nhưng nếu sự nhầm lẫn này có thể gây hại cho người khác, hoặc gây lợi thế cho tôi, tôi sẽ mắc tội nói dối thiếu sót, và tôi có trách nhiệm đạo đức để làm rõ vấn đề. Vậy mà rất ít người sẽ xem sự thiếu hành động này tương đương với việc tôi cố tình tự gọi mình là bác sĩ thần kinh học ngay từ đầu.
Khi bàn về hiện tượng nói dối, tôi sẽ tập trung vào nói dối chủ động: nói dối rõ ràng và có tác động nặng nề nhất. Tuy nhiên, hầu hết những gì tôi nói có liên quan đến nói dối thiếu sót và dối trá nói chung. Tôi cũng sẽ tập trung vào nói dối "vô hại" – nói dối để tránh gây bất an – vì đây là những lời nói dối hấp dẫn ta sử dụng chúng nhất. Và chúng thường xuất phát từ người tốt, khi họ đang tưởng tượng mình đang làm việc tốt.
Nói Dối Vô Hại
Bạn đã bao giờ nhận một món quà thực sự tệ hại? Thời gian xé giấy gói quà đi đáng lẽ phải giúp bạn gồng mình chuẩn bị tinh thần – nhưng món quà đó bỗng hiện ra:
“Chà..."
"Cậu có thích nó không?"
“Nó thật tuyệt. Cậu mua nó ở đâu vậy?"
“Bangkok. Cậu có thích nó không?”
“Cậu đi Bangkok hồi nào?”
“Giáng sinh. Cậu có thích nó không?"
“Ừ...Đương nhiên rồi. Cậu có đến nơi nào khác ở Thái Lan không?"
Người có mắt quan sát sẽ thấy tôi toát mồ hôi lạnh. Tôi không giỏi việc này. Nhìn chung, tôi đã học cách cư xử trung thực kể cả khi bị mai phục. Tôi không phải lúc nào cũng truyền đạt sự thật theo cách tôi muốn – nhưng một trong những sức mạnh của việc nói thật là nó cho phép ta giải thích thêm. Tôi đã học được rằng tôi thà ngượng nghịu, hoặc thậm chí thô lỗ, hơn là thiếu chân thành.
Tôi đã có thể nói gì trong tình huống trên?
"Quào ... người ta mặc nó hay treo nó lên tường?"
"Cậu mặc nó, nó rất ấm áp. Cậu có thích nó không?"
"Cậu biết đấy, tớ thực sự xúc động khi cậu nghĩ về tớ, nhưng tớ không nghĩ tớ có thể hợp với nó. Phong cách của tớ năm đâu đó giữa nhàm chán và rất nhàm chán. "
Đây tiến gần hơn nhiều đến loại câu trả lời mà tôi cảm thấy thoải mái, tự nhiên. Dù có một ít nói giảm nói tránh, nhưng thông điệp cốt lõi là trung thực. Tôi đã cho bạn tôi cảnh báo rằng cô ấy sẽ hiếm khi thấy tôi mặc món quà này vào lần tới chúng tôi gặp nhau. Tôi cũng cho cô ấy cơ hội giữ lại hoặc tặng nó cho người nào thực sự thích nó.
Vài bạn đọc có thể lo rằng tôi đang khuyến khích chúng ta quay về sự thiếu khéo léo của thời trẻ con. Dù sao thì, trẻ con không biết nói dối vô hại đến khi lên bốn, sau khi chúng đã khó khăn đạt nhận thức về tình trạng tâm lí của người khác. Nhưng không có lí do gì dể tin rằng những quy ước giao tiếp xã hội tình cờ là vẫn được ổn định trong loài linh trưởng chúng ta vào tuổi 11 sẽ tạo ra những mối quan hệ tối ưu nhất giữa người với người. Thực ra, có nhiều lý do để tin rằng nói dối chính là hành vi chúng ta cần từ bỏ để xây dựng thế giới tốt đẹp hơn.
Nhưng có gì sai với những lời nói dối thực sự "vô hại"? Trước hết, chúng vẫn là nói dối. Và khi nói chúng, ta gây ra tất cả vấn đề từ việc thiếu thẳng thắn trong tương tác với người khác. Sự thành thật, chân thật, chính trực, thấu hiểu lẫn nhau – và những kho báu khác cho đạo đức bị phá huỷ ngay khi ta cố tình thể hiện sai lệch suy nghĩ của mình, dù cho chúng có bị phát hiện hay không.
Và dù ta tưởng tượng rằng có lúc mình nói dối vì lòng thương cảm cho người khác, không khó để thấy những tổn hại ta gây ra trong quá trình đó. Khi nói dối, ta ngăn cấm bạn bè quyền được biết sự thật – và sự thiếu hiểu biết của họ thường hại họ theo cách ta không ngờ tới. Bạn bè ta có thể hành động theo sự lệch lạc mà chúng ta gây ra, hoặc không thể giải quyết những vấn đề mà giải pháp chỉ dựa vào nền tảng thông tin chính xác. Thông thường, nói dối là xâm phạm quyền tự do của những người chúng ta quan tâm.
Một ví dụ sơ khai:
"Trông em có béo trong bộ váy này không?"
Hầu hết mọi người nhấn mạnh rằng câu trả lời đúng cho câu hỏi này luôn là "Không". Trên thực tế, nhiều người nghĩ đó không là câu hỏi: Người phụ nữ chỉ đơn giản nói, "Hãy nói với em rằng em đẹp." Nếu cô ấy là vợ hoặc bạn gái bạn, thậm chí cô ấy có thể nói, "Hãy nói với em rằng anh yêu em." Nếu bạn thực sự tin rằng đây là tình huống của bạn - rằng lời nói nghĩa đen chỉ đánh lạc hướng và hàm ý truyền tải toàn bộ thông điệp - thì đành vậy thôi. Phản ứng thành thật với hàm ý không phải là nói dối.
Nhưng đây là trường hợp nổi bật có lí do: Nó cô đọng những cám dỗ của nói dối vô hại. Tại sao không chỉ đơn giản trấn an ai đó với một lời nói dối nhỏ nhoi và giúp cô ấy bước ra thế giới với vẻ tự tin hơn? Trừ phi ta cam kết sẵn sàng nói thật trong những trường hợp thế này, ta thấy ranh giới mờ dần, và các ngoại lệ cho nguyên tắc trung thực bắt đầu nhân lên. Sớm thôi, bạn bắt đầu thấy mình cư xử như hầu hết mọi người một cách dễ dàng: che giấu sự thật, hoặc nói dối trắng trợn mà không suy nghĩ. Cái giá quá đắt.
Một người bạn mới hỏi tôi liệu tôi nghĩ anh có thừa cân không. Thực ra, anh chỉ đang cần sự an ủi: Lúc đó là đầu hè, và chúng tôi đang ngồi cùng các bà vợ mình cạnh hồ bơi. Tuy nhiên, tôi thấy thoải mái hơn với việc nghe theo những lời thực sự phát ra từ miệng người ta, hơn là thần giao cách cảm, để biết anh ta đang hỏi gì. Vì vậy tôi trả lời thẳng thắn:
“Không ai bảo anh 'béo', nhưng tôi nghĩ anh có thể giảm bớt 25 cân.”
Đó là hai tháng trước, và giờ anh ta bớt được bảy cân. Cả hai chúng tôi đều không biết anh ta sẵn sàng ăn kiêng cho tới khi tôi từ chối cơ hội nói dối về ngoại hình của anh bạn trong đồ bơi.
Quay lại cô bạn của chúng ta trong bộ váy: Sự thật là gì? Có lẽ trông cô thực sự béo trong bộ váy đó, nhưng đó là lỗi của bộ váy. Nói thật sẽ giúp cô tìm bộ cánh tôn dáng hơn.
Nhưng hãy tưởng tượng sự thật khó nói hơn: Người bạn kia nhìn béo trong bộ đầm đó, hoặc bất cứ bộ đầm nào, vì cô ấy béo. Và xem như cô ấy cũng ba mươi lăm tuổi và độc thân, và bạn tình cờ biết rằng mong ước lớn nhất của cô là kết hôn và lập gia đình. Bạn tin rằng nhiều đàn ông không thích hẹn hò người có cân nặng như cô. Và, không tính đến chuyện kết hôn, bạn tin rằng cô ấy sẽ hạnh phúc, khoẻ mạnh hơn và sẽ yêu bản thân hơn nếu dáng vóc được cải thiện.
Nói dối vô hại chỉ đơn giản là chối cãi những thực tế này. Đó là từ chối cung cấp hướng dẫn trung thực trong cơn bão táp. Ngay cả với một chủ đề nhạy cảm như thế, đưa ra lời nói dối dường như là thất bại rõ ràng của tình bạn. Bằng cách trấn an bạn mình về ngoại hình cô ấy, bạn không giúp cô ấy làm những gì bạn nghĩ cô ấy nên làm để đạt được những gì cô ấy muốn trong cuộc sống.
Trong cuộc sống có nhiều hoàn cảnh mà sự khích lệ không trung thực lại gây hậu quả lớn cho người khác. Tưởng tượng bạn có một người bạn, người đã mất nhiều năm cố gắng theo đuổi sự nghiệp diễn viên nhưng không thành công. Đương nhiên, nhiều diễn viên tài năng cũng chật vật như vậy, nhưng trong trường hợp của người bạn này, nguyên do trông rất rõ: Anh ta diễn dở tệ. Hơn nữa, bạn tình cờ biết rằng bạn bè – và cả bố mẹ anh ta – có cùng quan điểm, nhưng không thể nói ra. Bạn sẽ nói gì vào lần tiếp theo anh ta phàn nàn về sự nghiệp chững lại của mình? Liệu bạn có tiếp tục khuyến khích anh ta “cố gắng nữa đi"? Sự khích lệ không trung thực giống như một loại trộm cắp: nó cướp mất thời gian, năng lượng và động lực một người có thể sử dụng cho một mục đích khác.
Điều này không có nghĩa là chúng ta luôn đánh giá người khác chuẩn xác. Và sự trung thực đòi hỏi chúng ta truyền đạt mọi sự thiếu chắc chắn về độ thích đáng của ý kiến của chính ta. Nhưng nếu ta tin chắc rằng bạn mình đã chọn sai đường đi trong cuộc sống, tình bạn chân chính không cho phép ta chỉ cười và vẫy tay mời anh ta đi tiếp.
Nếu chính sự thật đó gây đau lòng, thường có những sự thật ẩn sau mà không gây tổn thương – và chúng cũng có thể được truyền đạt đến họ, từ đó thêm gắn kết tình bạn. Ở hai ví dụ trên, sự thật ẩn sâu hơn là bạn yêu thương bạn bè và muốn họ hạnh phúc, và cả hai người ấy có thể tạo những thay đổi có thể dẫn đến cuộc sống hạnh phúc hơn. Khi nói dối họ, bạn không chỉ đang từ chối giúp họ – bạn còn đang không cho họ thông tin hữu ích và đem lại thất vọng tiềm tàng trong tương lai. Nhưng sức quyến rũ của lời nói dối trong những trường hợp này có thể quá sức cưỡng lại.
Khi ta nghĩ mình nói dối vì lợi ích của người khác, ta quyết định rằng mình có khả năng đánh giá tốt nhất những gì họ nên hiểu về cuộc sống của chính họ – về ngoại hình, cách ăn mặc, uy tín, hoặc triển vọng của họ trong thế giới. Đây là một vị thế phi thường ta áp đặt lên người khác, và nó cần được lý giải vì sao ta làm như vậy. Trừ phi ai đó có nguy cơ tự tử hoặc trên bờ vực thẳm tinh thần, tự mình quyết định anh ta cần biết gì về bản thân là ví dụ điển hình cho sự tự cao. Có thái độ nào thiếu tôn trọng hơn thế, với những người chúng ta thương yêu?
Khi chuẩn bị viết cuốn sách này, tôi đã hỏi bạn bè và gia đình ví dụ của những lời nói dối đã ảnh hưởng đến họ. Vài câu chuyện họ kể được tả dưới đây. Tôi đã đổi tên mọi người để bảo vệ cả người vô tội và có tội.
Nhiều người chia sẽ chuyện các thành viên gia đình nói dối nhau về chẩn đoán bệnh tình của họ. Đây là một ví dụ:
Mẹ tôi được chẩn đoán mắc bệnh đa xơ cứng vào cuối những năm ba mươi tuổi. Bác sĩ nghĩ tốt nhất là nói dối với bà rằng bà không bị đa xơ cứng. Ông ta kể bố tôi sự thật. Bố tôi quyết định giữ sự thật cho mình vì ông không muốn khiến mẹ hoặc ba đứa con chúng tôi đau buồn.Trong khi đó, mẹ tôi đã đến thư viện, đọc về các triệu chứng của bà, và tự chẩn đoán bệnh đa xơ cứng. Bà quyết định không nói với bố tôi hay con cái bà, vì không muốn làm phiền bất cứ ai.Một năm sau, khi bà đi khám sức khoẻ định kì, bác sĩ nói với bà rằng bà đã bị đa xơ cứng. Bà thú nhận rằng bà biết nhưng không nói ai. Bố tôi thú nhận rằng ông biết nhưng không nói ai. Vì vậy, họ đều dành một năm giữ một bí mật và không có sự hỗ trợ từ nhau.Anh trai tôi vô tình phát hiện điều này khoảng một năm sau, khi mẹ tôi phẫu thuật ung thư vú. Bác sỹ phẫu thuật bước vào phòng và nói: "Điều này sẽ không ảnh hưởng đến bệnh đa xơ cứng." Anh tôi nói, "Đa xơ cứng gì cơ?" Mất vài năm nữa thì tôi và chị tôi mới được biết về bệnh của mẹ... Thay vì cảm thấy biết ơn và được bảo vệ, tôi cảm thấy buồn vì chúng tôi đã không đoàn kết như một gia đình để đương đầu với bệnh tật của mẹ và tương hỗ lẫn nhau.Mẹ tôi không bao giờ kể bà ngoại về bệnh của mẹ, có nghĩa là không ai trong chúng tôi có thể nói với bạn bè và gia đình, vì sợ bà ngoại phát hiện. Mẹ tôi không muốn làm tổn thương bà. Tôi nghĩ rằng bà ấy đã khước từ cơ hội để có một mối quan hệ gần gũi với bà ngoại hơn.Những chuyện lừa dối về bệnh tật có một thời phổ biến bất thường. Thậm chí, tôi biết ít nhất một trường hợp với chính gia đình mình: Bà ngoại tôi mất do ung thư khi mẹ tôi mười sáu tuổi. Bà đã chống chọi khối u ác tính gần một năm, nhưng bác sĩ bà lại nói với bà rằng bà bị viêm khớp. Ông ngoại tôi biết chẩn đoán thực nhưng cũng giấu bà.Sau khi tình trạng của bà xấu đi, và cuối cùng bà cũng nhập viện, bà tâm sự với một y tá rằng bà biết bà đang sắp lìa đời. Tuy nhiên, bà tưởng rằng bà đang giữ bí mật chuyện này với gia đình, kể cả chồng bà. Dĩ nhiên, mẹ và chú tôi hoàn toàn không hay biết. Theo trải nghiệm của họ, bà ngoại nhập viện vì bệnh “viêm khớp" và không bao giờ trở về nhà.
Hãy nghĩ đến tất cả những cơ hội để khiến tình yêu, lòng thương cảm, tha thứ, thấu hiểu thêm sâu đậm, những cơ hội bị loại bỏ bởi những lời nói dối trắng như thế. Khi ta vờ như không biết sự thật, ta cũng phải vờ như không bị thúc đẩy bởi nó. Điều này có thể dồn ta vào chân tường, ép ta chọn những hành động ta không muốn làm. Liệu ông ngoại có thực sự không có gì để nói với vợ sau khi biết bà sắp mất? Liệu bà ngoại có thực sự không có gì để nói với hai con để chuẩn bị tinh thần chúng cho cuộc sống thiếu bà? Sự im lặng này thật đau đớn. Kinh nghiệm từng trải chưa kể, lời hứa chưa trao, lời xin lỗi chưa nói. Cơ hội trải lòng những điều quý giá với người chúng ta yêu quý nhanh chóng biến mất, không bao giờ trở lại.
Ai sẽ chọn rời khỏi thế giới này trong sự cô lập kinh khủng dường ấy? Có lẽ có người sẽ làm vậy. Nhưng có ai nên đưa ra quyết định này cho người khác?
Lòng Tin
Jessica vừa mới nghe thoáng thấy bạn cô Lucy nói dối vô hại: Lucy muốn thoát khỏi một bổn phận, và Jessica nghe cô ấy để lại tin nhắn thoại cho một người bạn khác, giải thích vì sao cuộc họp của họ sẽ phải dời lại. Lý do Lucy đưa ra hoàn toàn hư cấu - cái gì đó liên quan đến chuyện con cô bị bệnh - nhưng cô nói dối dễ dàng và thuyết phục đến mức Jessica tự hỏi liệu mình đã từng bị Lucy lừa dối trong quá khứ. Giờ đây, mỗi khi Lucy hủy kế hoạch, Jessica nghi ngờ rằng cô ấy có thể không nói thật.
Những sự xói mòn niềm tin này đặc biệt ngấm ngầm nguy hại vì chúng hầu như không bao giờ được khắc phục. Lucy không có lý do gì để nghĩ Jessica có vấn đề với cô ấy - vì cô ấy không có. Cô chỉ đơn giản không tin tưởng Lucy nhiều như lúc trước, sau khi nghe cô nói dối không ngượng miệng với một người bạn khác. Tất nhiên, giả sử vấn đề (hoặc mối quan hệ) sâu sắc hơn, có lẽ Jessica sẽ nói gì đó - nhưng cô ấy thấy không ích gì nếu chỉ trích Lucy về đạo đức của cô. Kết quả là một mảnh thư thoại duy nhất, cho một bên thứ ba, đã ngầm làm suy yếu một tình bạn.
Chúng ta đã thấy rằng trẻ em có thể là mối nguy ở bên ta nếu ta muốn nói dối mà không có hậu quả. Một ví dụ khác, nếu có ai nghi ngờ khẳng định này:
Bạn tôi Daniel gần đây nghe từ vợ mình rằng một cặp vợ chồng khác sẽ đến ở trong một tuần. Daniel phản đối. Một tuần cảm thấy cứ như cả một đời người - đặc biệt vì anh ta không ưa người chồng. Điều này gây ra một cuộc tranh cãi ngắn giữa Daniel và vợ dưới sự chứng kiến của con gái họ.
Cuối cùng, Daniel chịu thua, và cặp vợ chồng này đang đứng ngay trước cửa nhà anh với một khối lượng hành lý đáng kể. Khi vào nhà, người chồng không-được-chào-đón tỏ lòng biết ơn khi được ở lại phòng khách của Daniel.
"Đừng nói ngớ ngẩn, tôi rất vui khi được gặp anh," Daniel nói, con gái đứng bên cạnh. "Chúng tôi rất thích có anh chị ở đây. "
"Nhưng, bố ơi, bố nói bố không muốn họ ở với chúng ta."
"Không, bố không nói thế."
“Có đấy! Bố nhớ không?"
"Không, không... đó là chuyện khác." Daniel thấy mình không còn nhìn vào mắt khách được nữa và không thể nghĩ gì tốt hơn việc dắt tay con gái sang chỗ khác, nói, "cuốn sách tô màu của con đâu?" Anh đã dành phần còn lại của tuần chật vật thoát khỏi không khí lúng túng diễn ra sau đó.
Đương nhiên, có sự hài hước ở đây, nhưng chỉ cho người ngoài. Và con cái ta học được gì từ bố mẹ chúng trong những lúc như vậy? Liệu đây có phải là tấm gương ta muốn chúng noi theo? Thất bại trong sự chính trực cá nhân, khi hé lộ, sẽ khó mà quên được. Chúng ta đương nhiên có thể xin lỗi. Và chúng ta có thể cố gắng thẳng thắn hơn trong tương lai. Nhưng chúng ta không thể xoá nhoà ấn tượng xấu trong mắt người khác.
Một vùng trời xấu hổ và biến động trong đời sống có thể được né đi dễ dàng nếu ta tuân theo một nguyên tắc duy nhất: Đừng nói dối.
Lời khen Xã giao
Có những lúc trong đời tôi khi tôi đắm mình vào một dự án gần như chắc chắn thất bại, và tôi đã đầu tư hàng tháng – trong một trường hợp, hàng năm – vào nó. Những đánh giá trung thực đã có thể cứu tôi khỏi phí hoài rất nhiều công sức. Vào những lần khác, tôi nhận được phê bình thẳng thắn ngay khi tôi cần và đã có thể thay đổi hướng đi nhanh chóng, biết rằng mình đã tránh rất nhiều công việc cực nhọc và không cần thiết. Sự khác biệt giữa hai số phận này khó có thể thổi phồng lên thêm. Vâng, có thể khó chịu khi nghe người khác nói rằng mình đang phí thời gian, hoặc rằng ta đang thể hiện không tốt như ta trưởng tượng, nhưng nếu lời phê bình có lí có tình, nó chính là thứ ta cần nghe nhất để tìm lại lối đi trong thế giới.
Dù biết vậy, ta vẫn thường bị cám dỗ vào việc khuyến khích người khác với lời khen thiếu chân thành. Lúc đó, ta đối xử họ như trẻ con – và không giúp họ chuẩn bị tinh thần đối mặt với những người sẽ đối xử họ như người lớn. Tôi không có ý rằng ta cần cố gắng quá mức để chỉ trích người khác. Nhưng khi được hỏi ý kiến, ta không giúp ích gì cho bạn bè mình nếu giả vờ không để ý thấy lỗi sai trong sản phẩm của họ, nhất là khi người ngoài chắc chắn sẽ thấy những lỗi sai đó. Ngăn họ không bị xấu hổ, thất vọng sau này là một ân huệ. Và nếu họ biết ta có thói quen nói thẳng, nói thật, những lời khen và khích lệ của ta sẽ thực sự có ý nghĩa.
Tôi có một người bạn là một nhà văn rất thành đạt. Hồi sự nghiệp mới chớm nở, anh viết một kịch bản tôi thấy dở tệ, và tôi nói thế với anh ấy. Điều này không dễ dàng, vì anh đã tốn gần một năm để viết nó – nhưng nó là sự thật. Giờ đây, khi tôi bảo anh ấy rằng tôi yêu tác phẩm nào đó anh đã viết, anh ta biết chắc rằng tôi yêu nó. Anh cũng biết tôi tôn trọng tài năng của anh đủ để nói thẳng nếu tôi không thích nó. Tôi chắc chắn có những người trong đời anh không chân thành và tôn trọng anh như thế. Cớ sao tôi lại muốn trở thành một trong số họ?
Bí mật
Cam kết thành thật không nhất thiết yêu cầu ta tiết lộ những thông tin cá nhân mà ta muốn giữ riêng tư. Nếu có ai hỏi bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản ngân hàng, bạn không có lí do gì phải nói cho họ. Sự thật có thể là, “Tôi muốn giữ riêng chuyện đó cho mình.”
Vì vậy, theo lí thuyết, không có xung đột giữa sự trung thực và bảo vệ bí mật. Tuy nhiên, nhiều bí mật – đặc biệt bí mật chúng ta được tin thác nơi người khác – có thể đưa ta vào vị thế bắt buộc lựa chọn giữa nói dối và tiết lộ thông tin mật. Đồng ý giữ bí mật là đồng ý mang một gánh nặng. Điều tối thiểu ta có thể làm là nhớ những gì mình không được phép nói ra. Điều này có thể khó và dẫn đến những cố gắng lừa dối vụng về. Trừ khi công việc yêu cầu bạn giữ bí mật – như bác sĩ, luật sư, chuyên viên tâm lí, và những chuyên viên tư vấn khác – giải pháp này đáng để ta né tránh.
Stephanie và Gina đã là bạn hơn một thập kỉ khi Stephanie bắt đầu nghe đồn rằng chồng Gina là Derek đang ngoại tình. Dù Stephanie không thấy đủ thân với Gina để trực tiếp nhắc đến vấn đề này, nhờ một ít thăm dò, cô phát hiện hầu như mọi người trong nhóm bạn bè các cô biết chuyện ngoại tình của Derek – chỉ trừ chính Gina.
Derek không kín đáo về chuyện này. Anh ta làm trong nghề điện ảnh, và người tình của anh là một nữ diễn viên mới nổi. Một lần, khi du lịch nghỉ dưỡng cùng Gina và con cái, anh ta đã đặt phòng cho cô ta trong cùng một khách sạn. Sau đó anh thuê cô ta làm trợ lí sản xuất, và giờ cô ta đi cùng anh ta trong các chuyến công tác và thậm chí còn dự các sự kiện có mặt Gina.
Là bạn của Gina, Stephanie muốn làm mọi cách để giúp cô ấy. Nhưng điều đúng đắn là gì? Họ là bạn không thân thiết, và người kể cô nghe về vụ ngoại tình đã bắt cô thề giữ bí mật. Cô cũng biết những người phụ nữ thân thiết hơn với Gina – tại sao không ai trong số họ nói gì cả?
Stephanie gặp Gina thêm vài lần – họ thường xuyên ăn trưa cùng nhau suốt mấy năm – nhưng nhận thấy mình không còn có thể tận hưởng thời gian cùng cô. Gina thường nói về căn nhà mới đang xây, hoặc về kế hoạch chuyến du lịch tiếp theo, và Stephanie cảm thấy vì giữ im lặng mà cô đang góp phần gây đau đớn cho bạn mình sau này. Cuộc nói chuyện bình thường, đơn giản trở thành nối nhọc cố gắng giả vờ như không có vấn đề gì. Liệu Gina biết về hành vi của chồng và giữ bí mật, hoặc tự dối lòng, hoặc chỉ là nạn nhân của người chồng xảo quyệt và những người đồng loã, sự giả vờ của Stephanie dần trở nên không khác gì với nói dối. Như thể có phép thần, hai người bạn nhanh chóng xa nhau và không nói chuyện suốt vài năm.
Tôi đủ quen thuộc với tình huống này đến mức cảm thấy nó kinh tởm. Tôi có họ hàng với Stephanie và đã gặp Gina và Derek vào vài dịp. Dù tôi không có mối quan hệ trực tiếp với họ, tôi biết một vài người biết trực tiếp sự ngoại tình của Derek và bí mật cắt đứt quan hệ với anh ta – nhưng vẫn giữ bí mật với Gina. Thực sự rất kì quái khi thấy ai đó sống dưới một núi chuyện phiếm và lừa dối, chung quanh đầy bạn bè nhưng không có người bạn nào sẵn sàng cho cô sự thật. Và đây là chiến thắng cuối cùng của Derek: Những người không thể chịu đựng anh vì sự đối xử tệ hại của anh với vợ lại giúp anh duy trì sự dối trá đó.
Nói dối giữa tình thế hiểm nghèo
Kant tin rằng nói dối là phi đạo đức trong mọi trường hợp - kể cả khi ngăn chặn giết người vô tội. Giống như nhiều quan điểm triết học của Kant, quan điểm của ông về nói dối ít được luận bàn mà được thừa nhận như một điều răn tôn giáo hơn. Dù nó rõ ràng - Không bao giờ nói dối - trên thực tế, quy tắc này có thể tạo ra hành vi chỉ được một kẻ thái nhân cách (psychopath) đồng tình.
Một lệnh cấm nói dối hoàn toàn cũng không nhất quán với bất cứ ai trừ người theo chủ nghĩa hoà bình chân chính. Nếu bạn nghĩ tồn tại lí do chính đáng để gây thương tích hoặc giết người để tự vệ, hoặc để bảo vệ người khác, không có lí gì để từ tách bỏ việc nói dối trong những trường hợp tương tự.
Tôi không thấy lí do nào để xem trọng ý của Kant về việc này. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ta có thể dễ dàng biện hộ cho nói dối. Kể cả như một cách bài trừ bạo lực, nói dối thường ngăn chặn những hành động giao tiếp trung thực hiệu quả hơn.
Trong những trường hợp được xem là cần thiết phải nói dối, chúng ta quyết định rằng người bị lừa là người nguy hiểm và không giao tiếp được bằng bất cứ giải pháp trung thực nào. Nói cách khác, ta không xem khả năng thiết lập mối quan hệ thật với người này tồn tại. Với hầu hết chúng ta, những tình huống này xảy ra rất hiếm trong cuộc sống. Ngay cả khi chúng xảy ra, chúng ta có thể lo rằng nói dối là giải pháp dễ dàng (và hầu như hợp đạo đức).
Hãy xem một tình huống hi hữu làm hình mẫu cho các tình huống cùng loại: Một tên giết người đang tìm một cậu bé chúng ta đang giấu trong nhà mình. Tên giết người đang đứng trước cửa nhà bạn và muốn biết liệu bạn đã thấy mục tiêu của hắn. Động cơ nói dối hoàn toàn cố thể hiểu được – nhưng nói dối có thể cho ra những kết quả ngoài ý muốn. Nếu bạn bảo bạn thấy cậu bé leo rào nhà bạn và chạy dọc con phố, tên giết người có thể rời đi, nhưng lại giết con người khác. Bạn có thể, ngay cả ttrong trường hợp bất hạnh này, tin rằng nói dối là cần thiết và bạn đã làm mọi thứ có thể để bảo vệ mạng sống vô tội. Nhưng điều đó không có nghĩa là giả sử có ai đó can đảm hoặc có khả năng hơn, họ không thể đem lại kết quả tốt hơn bằng sự trung thực.
Nói thật trong trường hợp này không nhất thiết là đầu hàng. Sự thật trong đây có thể là, “Tao sẽ không nói mày thậm chí nếu tao biết. Và nếu mày bước thêm bước nào vào đây, tao sẽ cho bắn mày xì sọ.” Nhưng nếu nói dối có vẻ là lựa chọn duy nhất, do sợ hoặc những giới hạn khác, nó sẽ chuyển gánh nặng đấu tranh với cái ác lên người khác. Hàng xóm bạn có thể có khả năng vác gánh nặng này tốt hơn bạn. Nhưng phải có người vác gánh nặng đó. Sau tất cả, cảnh sát phải nói thật với tên giết người: Hành vi của chúng sẽ không được ân xá.
Thực ra, có khả năng cao hơn là ta sẽ gặp tình huống mà, dù ta muốn nói dối, sự thật thà sẽ giúp ta kết nối với những người, nếu theo cách khác, có thể là kẻ thù. Với chủ đề này, tôi nhớ lại một cuộc gặp với một nhân viên Hải quan Mỹ sau khi trở về từ chuyến đi Châu Á đầu tiên, gần 25 năm trước.
Lúc đó là năm 1987, nhưng cũng hoàn toàn có thể là “Mùa hè Tình yêu”: Tôi hai mươi tuổi, tóc dài đến vai, ăn mặc như phu xích lô. Với những người có nhiệm vụ thi hành luật chống ma tuý nước Mỹ, điều sáng suốt chỉ có thể là khám xét kĩ lưỡng hành lí của tôi. May thay, tôi không có gì để giấu.
“Anh trở về từ đâu?”, anh nhân viên hỏi, liếc mắt hoài nghi nhìn ba lô tôi.
“Ấn Độ, Nepal, Thái Lan…”, tôi trả lời.
“Anh có từng sử dụng chất kích thích lúc ở đó không?”
Tình cờ thì, tôi có. Tôi có động lực rõ ràng để nói dối – tại sao phải kể nhân viên hải quan về lần sử dụng ma tuý gần đây? Nhưng không có lí do chính đáng để không nói thật, trừ nguy cơ rằng nó sẽ khiến anh ta khám xét hành lí (hoặc cơ thể) tôi kĩ càng hơn lúc này.
“Vâng,” tôi trả lời.
Anh ta ngừng lục soát túi tôi và nhìn lên. “Anh đã dùng loại nào?”
“Tôi hút cần một vài lần… Và đã thử thuốc phiện ở Ấn Độ."
"Thuốc phiện?"
"Vâng."
“Thuốc phiện hay heroin?"
“Nó là thuốc phiện."
“Ngày nay không nghe gì nhiều về thuốc phiện nhỉ.”
“Đúng rồi. Đó là lần đầu tiên tôi thử nó.”
“Anh có mang chất gây nghiện nào bên mình không?"
“Không.”
Anh ta đưa mắt nhìn dò xét tôi một lúc rồi quay lại lục soát túi tôi. Theo như bản chất cuộc đối thoại của chúng tôi, tôi tự nhủ mình sẽ ở nơi đó một thời gian dài. Vì thế, tôi kiên nhẫn hết cỡ. Ấy thế lại tốt, vì giờ anh nhân viên đang khám xét đồ dùng cá nhân của tôi như thể mỗi món đồ ở đó – một bàn chải, một quyển sách, một đèn pin, một ít dây nilon – có thể tiết lộ bí mật sâu thẳm nhất của vũ trụ.
“Thuốc phiện nó như thế nào?”, sau một lúc, anh hỏi.
Và tôi kể anh ta nghe. Thậm chí, trong 10 phút tiếp theo, tôi kể người thi hành công vụ hầu như mọi thứ tôi biết về công dụng của chất hứng thần.
Cuối cùng anh cũng hoàn thành công việc và đóng hành lí tôi lại. Có một điều hoàn toàn hiển nhiên ở cuối cuộc gặp gỡ này: Chúng tôi đều cảm thấy rất tuyệt.
Cái con người viển vông của tôi luôn lộ diện. Tôi không chắc tôi sẽ có cuộc trò chuyện y như thế thời nay. Tôi sẽ không nói dối, nhưng chắc tôi sẽ không cố gắng nhiều để bắt đầu kiểu giao tiếp mới lạ thế. Dù vậy, tôi vẫn thấy rằng lòng sẵn sàng nói thật – đặc biệt những sự thật mà định kiến xã hội thường khiến người ta giấu giếm – thường dẫn đến những cuộc đối thoại có ý nghĩa hơn rất nhiều.
Đương nhiên, nếu lúc đó tôi đang mang theo chất phi pháp, tình huống của tôi đã khác đi rất nhiều. Một trong những điều tệ nhất về phạm luật là nó khiến người ta đối chọi với vô số người khác. Đây là một trong những tác hại của luật lệ bất chính: chúng đặt những người hoà bình và (trong trường hợp khác) thật thà dưới áp lực phải nói dối để tránh bị trừng phạt cho hành vi vô can đến đạo đức.
Gánh Nặng Trí Óc
Một trong những vấn đề lớn nhất cho kẻ nói dối là hắn phải nhớ và theo dõi lời nói dối của hắn. Một số người giỏi việc này hơn những người khác. Kẻ thái nhân cách có thể vác gánh nặng trí óc này khá nhẹ nhàng. Chẳng phải tình cờ mà họ như vậy: đó là những kẻ thái nhân cách. Họ không quan tâm đến người khác và sẵn sàng vui vẻ cắt đứt các mối quan hệ khi cần. Vài kẻ là quái vật vị kỉ. Nhưng không thể bàn cãi rằng với hầu hết con người chúng ta, nói dối cũng có một cái giá về tinh thần mà ta phải trả.
Lời nói dối này sẽ nảy sinh lời nói dối khác. Không như nói thật, trong đó ta không cần làm gì thêm, lời nói dối luôn cần được bảo vệ khỏi lật tẩy. Khi nói thật, bạn không có gì để ghi nhớ, theo dõi. Thế giới trở thành bộ lưu trữ trí nhớ, và nếu người khác có thắc mắc, bạn luôn có thể đưa họ trở lại bộ lưu trữ đó. Bạn còn có thể xét lại một số thông tin và thật thà đổi quan điểm. Và bạn có thể cởi mở nói về những bối rối, vật lộn, hoài nghi với mọi người. Theo hướng này, cam kết trung thực tự động làm thanh sạch lỗi lầm.
Còn kẻ nói dối luôn phải nhớ những gì hắn nói, nói với ai, và phải cẩn thận duy trì những gì đã nói ra trong tương lai. Việc này có thể đòi hỏi một lượng lớn sức lực – cái giá phải trả cho chúng là giao tiếp chân thành và không phải nhìn trước ngó sau. Kẻ nói dối phải đong đếm, suy tính mọi điều mình tiết lộ, bất kể từ đâu, để xem liệu nó có làm hỏng bức màn hắn dựng nên. Và tất cả những áp lực này chồng chất lên, dù có ai phát hiện ra hắn hay không.
Tuy nhiên, một khi nói dối đủ nhiều, nỗ lực che mắt người xung quanh nhanh chóng trở nên quá sức. Dù bạn không bị buộc tội thiếu trung thực, nhiều người sẽ kết luận, vì những lí dọ họ có thể không xác định được, rằng họ không thể tin bạn. Bạn sẽ bất đầu trông như người luôn vòng vo quanh sự thật – vì khá chắc là bạn như vậy. Nhiều người trong chúng ta đều biết những người như thế. Không ai bao giờ đối chất họ, nhưng mọi người bắt đầu đối xử họ như nhân vật trong tiểu thuyết. Những người đó thường bị tẩy chay trong im lặng, vì những lí do họ có lẽ chẳng bao giờ hiểu được.
Thậm chí, mối hoài nghi thường bám rễ vào cả hai phía của lời nói dối: Nghiên cứu cho thấy rằng kẻ nói dối ít tin tưởng người bị họ lừa hơn bình thường – và lời nói dối càng gây hại thì họ càng ít tin tưởng hoặc ưa nạn nhân. Dường như trong khi bảo vệ cái tôi của mình, và tự thấy hành vi mình là chính đáng, kẻ nói dối thường hạ thấp nạn nhân của họ.
Chính Trực
Thế nào là sống chính trực? Nó có nhiều nghĩa, nhưng một tiêu chuẩn là phải tránh hành vi dễ dàng gây xấu hổ hoặc ăn năn. Vấn đề đạo đức này mở rộng ngoài vấn đề trung thực – nhưng để thực sự sống chính trực, ta không được phép cảm thấy nhu cầu nói dối về đời tư.
Nói dối là dựng nên một ranh giới giữa sự thật mà chúng ta đang sống và nhận thức của người khác về chúng ta. Cám dỗ muốn nói dối thường sinh ra từ niềm tin rằng người khác sẽ không chấp nhận hành vi của chúng ta. Thông thường, có lí do hợp lí để họ làm vậy.
Cầm bất kì tờ báo nào và nhìn những vấn đề người ta tự tạo cho mình bằng nói dối - những vấn đề dường như đòi hỏi thêm lời nói dối để làm cho chúng giảm nhẹ. Thật đáng ngạc nhiên khi người ta phá hủy hôn nhân, sự nghiệp và danh tiếng bằng cách nói một đằng, làm một nẻo. Tiger Woods, John Edwards, Eliot Spitzer, Anthony Wiener - đây là những người có tên giờ đây gợi hình ảnh của sự tự hoại công khai nhất. Tất nhiên, những vi phạm của họ không chỉ là chuyện nói dối. Nhưng lừa dối đã chuẩn bị nền tảng để họ bị công chúng phỉ báng. Người ta có thể ly hôn mà không cần phải xin lỗi công khai. Họ thậm chí còn có thể sống một cuộc sống trung thực và khác thường của tình dục phóng đãng, hoặc phô dâm tùy hứng, mà không phải chịu những hình phạt mà những người đàn ông này phải chịu. Nhiều cuộc sống gần như tự trang bị để không mắc phải scandal. Bạn dễ bị tổn thương khi giả vờ là một người nào khác trái với bản chất.
Nói Dối Quy Mô Lớn
Hấu hết chúng ta đều đau đớn biết rằng lòng tin vào chính phủ, các tập đoàn tư nhân và thể chế công đã bị hao mòn bởi lời nói dối.
Nói dối đã thúc giục hoặc kéo dài chiến tranh: Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ở Việt Nam và báo cáo sai lệch về vũ khí huỷ diệt hàng loạt ở Iraq là hai trường hợp trong đó nói dối (ở mức nào đó) dẫn đến xung đột vũ trang mà lẽ ra đã không xảy ra nếu người ta không nói dối. Khi sự thật được phát hiện, rất nhiều người trở nên hoài nghi về chính sách ngoại giao Mỹ – và nhiều người từ đó nghi ngờ sự hợp pháp của bất cứ can thiệp quân sự nào, bất kể động cơ được công bố là gì.
Những lời nói dối quy mô lớn đã khiến nhiều người như phản xạ chọn bất tín những người có thẩm quyền. Hậu quả là giờ đây người ta không thể nói được điều gì thật sự có trọng lượng về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng của con người, chính sách kinh tế, xung đột ngoại giao ngành dược phẩm, và hàng tá các chủ đề khác mà không bị một lượng lớn công chúng dấy lên nghi vấn về cả những nguồn thông tin đáng tin cậy nhất. Trao đổi công khai dường như mãi mãi bị các thuyết âm mưu xé nhỏ.
Đương nhiên, nhiều cuộc tranh cãi nổi lên vì có ý kiến chuyên gia ủng hộ ở cả hai phía một vấn đề quan trọng. Có những câu hỏi thực sự chưa có câu trả lời. Nhưng sự hỗn loạn luôn lan toả ngoài ý muốn khi người có thẩm quyền bị phát hiện nói dối hoặc che đậy xung đột quyền lợi.
Xét nỗi sợ phổ biến về tiêm ngừa trẻ em. Năm 1988, dược sĩ Andrew Wakefield xuất bản một nghiên cứu trong tờ The LanceNinking rằng vắc-xin sởi, quai bị, rubella (MMR) có liên quan đến bệnh tự kỉ. Nghiên cứu này từ đó đã được đánh giá là “trò lừa có quy mô" và giấy phép hành nghề của Wakefield đã bị thu hồi.
Hậu quả của sự thiếu trung thực của Wakefield đã đủ tồi tệ rồi. Nhưng hiệu ứng của những vụ nói dối quy mô lớn khác hiện đang ngăn chặn việc sửa chữa thiệt hại ông ta đã gây ra. Vì các tập đoàn lớn và chính phủ đôi khi nói dối, để tránh trách nhiệm pháp lý hoặc hoảng loạn trong công chúng, nên giờ đây rất khó để có thể lan truyền sự thật về vắc-xin MMR. Tỉ lệ tiêm ngừa giảm đi đáng kể – đặc biệt trong những cộng đồng giàu có, học thức cao – và vì thế nhiều trẻ đã bị ốm và thậm chí tử vong.
Một sự thật đáng buồn của tâm lí con người cũng có thể là tác nhân khiến người ta khó có thể xoá bỏ lời nói dối sau khi chúng đã thoát ra thế giới: Chúng ta dường như có khuynh hướng ghi nhớ và xem các tuyên bố như chính xác ngay cả sau khi chúng đã bị bác bỏ. Ví dụ, nếu có tin đồn rằng một chính trị gia từng ngất xỉu trong một bài diễn văn tranh cử, và câu chuyện sau đó được chứng minh là bịa đặt, một bộ phận đáng kể công chúng sẽ ghi nhớ nó như sự thật – thậm chí nếu lần đầu tiên họ nghe về nó là khi nó bị bác bỏ. Trong tâm lí học, đây được gọi là “hiệu ứng chân lý ảo tưởng”. Sự quen thuộc sinh ra sự tin tưởng.
Ta có thể tưởng tượng những trường hợp, có lẽ trong thời chiến, mà trong đó nói dối kẻ thù là cần thiết – đặc biệt nếu loan tin sai lệch sẽ có thể giảm thiểu thương vong. Dù vậy, ranh giới giữa những tình huống này và những trường hợp dối trá thiếu chính đáng hoặc ác ý nói trên có thể khó phát hiện – đặc biệt nếu việc nói dối kẻ thù cần đi kèm nói dối bạn bè. Trong những tình huống đó, chúng ta chỉ có thể nhận biết một lời nói dối chính đáng sau khi thực hiện và nhìn lại kết quả của nó. Nhưng chiến tranh và mật vụ là những tình huống trong đó mối quan hệ con người đã thất bại hoặc chưa từng được thiết lập ngay từ đầu; nên những quy tắc hợp tác thông thường không áp dụng được. Ngay khi một bên bắt đầu thả bom, hoặc phá huỷ cơ sở hạ tầng nước khác bằng tấn công mạng, nói dối trở thành một vũ khí như bao vũ khí chiến tranh khác.
Nhu cầu giữ bí mật quốc gia là đương nhiên. Tuy nhiên, nhu cầu lừa dối chính đồng bào của các chính phủ với tôi trông có vẻ hiếm đến mức không tồn tại – như một ảo ảnh đạo đức. Nhưng ngay khi bạn nghĩ bạn đã chạm tới nó, sự thật thường khác. Và tác hại gây ra sau khi lật tẩy những lời nói dối thể loại này trông hầu như không thể khắc phục được.
Tôi nghĩ việc nói dối không cần thiết sẽ luôn hiếm khi tồn tại với mọi người ngoại trừ gián điệp – nếu ta cho rằng mật vụ có vai trò thiết yếu trong thế giới ngày nay. Đồn rằng gián điệp phải nói dối kể cả với bạn bè và gia đình họ. Tôi chắc rằng mình không thể sống lối sống như thế, dù mục đích vĩ đại đến đâu. Vai trò của gián điệp với tôi trông như gần như hoàn toàn hi sinh đạo đức cá nhân để phục vụ lợi ích chung – dù là thật hay tưởng tượng. Nó là một kiểu tự thiêu về đạo đức.
Dù trong trường hợp nào, chúng ta không thể rút kinh nghiệm sống từ cuộc sống của điệp viên, giống như ta không thể rút ra bài học từ các chuyến du hành của phi hành gia trong vũ trụ. Cũng như hầu hết chúng ta không cần lo về mật độ xương trong môi trường không trọng lực, ta không cần lo lắng liệu mọi thông tin mình thốt ra có thể xâm phạm an ninh quốc gia. Đạo đức chiến tranh và mật vụ là đạo đức trong khẩn cấp – vì vậy, có phạm vi ảnh hưởng giới hạn.
Lời kết
Cũng như trong tác phẩm Anna Karenina (Leo Tolstoy), Quý bà Bovary (Gustav Flaubert) hay Othello (Shakespeare), trong cuộc sống cũng vậy. Hầu hết thói xấu riêng tư và tội ác công khai được nhen nhóm và duy trì bởi những lời nói dối. Ngoại tình và những phản bội giữa con người với nhau khác, lường gạt về tiền bạc, tham nhũng của chính phủ – thậm chí giết người và diệt chủng – thường đòi hỏi phải có thêm một khiếm khuyết đạo đức: lòng sẵn sàng nói dối.
Nói dối hầu như đúng nghĩa là từ chối hợp tác với người khác. Nó cô đọng sự thiếu tin tưởng và không đáng tin cậy vào một hành động duy nhất. Nó vừa là là sự thất bại không được thấu hiểu, vừa là không muốn được thấu hiểu. Nói dối là thu mình khỏi sự giao thiệp với người khác.
Bằng việc nói dối, ta không cho người khác cái quyền nhìn thế giới theo đúng thực tế. Sự thiếu trung thực này không chỉ ảnh hưởng những quyết định họ chọn, mà còn quyết định những lựa chọn họ có thể có – và theo những hướng ta không thể luôn dự đoán. Mỗi lời nói dối trực tiếp xâm hại đến quyền tự chủ của những ai ta lừa dối.
Và bằng việc nói dối với một người, ta có thể trở thành người lan truyền thông tin sai lệch sang nhiều người khác – thậm chí sang toàn xã hội. Ta cũng tự ép bản thân phải lựa chọn sau này – chọn duy trì sự giả dối hay không – và làm phức tạp cuộc sống chính mình. Theo hướng này, mỗi lời nói dối ám ảnh tương lai của ta. Không thể đoán trước được khi nào và làm thế nào nó sẽ chạm mặt sự thật, khiến bạn phải dối trá thêm. Sự thật chẳng bao giờ cần duy trì như thế. Nó chỉ cần được nhắc lại.
Những lời dối trá của kẻ mạnh khiến chúng ta bất tin các chính phủ, tập đoàn. Những lời dối trá của kẻ yếu khiến ta chai sạn trước nỗi đau của người khác. Những lời dối trá của kẻ tạo thuyết âm mưu khiến ta nghi ngờ sự trung thực của người lên tiếng cảnh tỉnh, kể cả khi họ nói thật. Lời nói dối giống như chất thải độc hại trong ngữ cảnh xã hội – mọi người đều có thể chịu hại bởi sự phát tán của chúng.
Những mối quan hệ của bạn sẽ thay đổi thế nào nếu bạn cam kết không bao giờ nói dối nữa? Những sự thật gì sẽ bỗng dưng đến với đời bạn? Bạn sẽ trở thành người như thế nào? Và bạn có thể thay đổi những người xung quanh như thế nào?
Đó chính là điều đáng để chúng ta tìm hiểu.
Nguồn: Lying của Sam Harris https://samharris.org/books/lying/
Người dịch: Cát Đằng https://www.facebook.com/tonnguyencatdang
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất