Bạn đã có bao giờ hoài niệm lại về “ngày xưa” của chúng ta ?
Ngày xưa trong tôi bao giờ cũng đẹp đẽ, cũng ấm áp, dù cho “ngày xưa” có rộn rã tiếng cười hay “ngày xưa” có giọt nước mắt u sầu. Ngày xưa của trời xanh mây trắng, ngày xưa của sự hồn nhiên, vô tư lự, ta chưa biết “màu trời” sẽ có khi dông tố và “vị đời” sẽ đắng. Ngày xưa êm ấm bên vòng tay của mẹ, tình cảm của mẹ là thiêng liêng và duy nhất, ta chưa biết đến tình yêu và sự đau khổ khi chia tay một ai đó.
Ngày xưa, ta làm bạn với xích đu, nào là đánh khăng đánh đáo, chơi chuyền chơi bi. Ngày xưa ôi thật là kỳ vĩ, ta thỏa sức phóng thẳng trí tưởng tượng của mình vào cõi ngày thơ. Chỉ cần ngậm một chiếc tăm nhọn, ta sẽ hóa thành con muỗi. Ngậm một chiếc ống hút, ta bỗng chốc hóa thành một con voi to lớn với cái vòi dài. Tuyệt vời lắm, nhưng thời ấu thơ ấy đã qua rồi...
Thế giới tri thức của con người giống như một quả bong bóng. Bên trong là điều ta biết, bên ngoài là điều mà ta chưa biết. Dần dần, theo thời gian, khi ta đã lớn khôn, phần bên trong quả bóng sẽ phình to ra, ta biết nhiều hơn. Nghịch lý thay, cùng lúc đó, tiết diện tiếp xúc bên ngoài với những điều mà ta chưa biết lại tăng lên gấp bội. Và đương nhiên, chúng ta càng học, chúng ta lại thấy mình càng dốt. Ta càng có nhiều kiến thức, ta càng thấy choáng ngợp trước nhiều điều mà ta còn chưa hay biết. Thế bất giác, chúng ta lại gào lên: “Ngày xưa ơi!”.
Nhưng “ngày xưa” lại không phải là “thần đèn”, “ông bụt” hay “cô tiên”, ta chỉ có thể gọi khe khẽ trong tâm hồn của chúng ta mà thôi. Còn trong thế giới tân tiến và hiện đại ngày nay, nếu ta mà vẫn cứ đu bám quá khứ và gào thét “ngày xưa ơi” thì thật là ích kỷ và kì dị biết bao. Hàng ngàn năm phong kiến, xã hội thối nát là do đường lối sai lầm đương thời. Các bậc nho sĩ, quần thần ngày xưa cứ mơ tưởng, mong ước và tiếc nuối mãi về một xã hội ngày xưa thời vua Nghiêu vua Thuấn. Vậy Nghêu Thuấn là ai ? Thời đó là thời nào ? Không ai biết về sự tồn tại của nó cả, họa may nó chỉ tồn tại trong tiềm thức mà thôi, tiềm thức với niềm mong mỏi vô vọng.
<i>Làng Lao Chải – Sa Pa, là một trong những thung lũng lớn và đẹp nhất Tây Bắc. Làng Lao Chải cuốn hút du khách thập phương bởi cuộc sống mộc mạc và chân thực với hình ảnh về những vựa bắp, vựa gạo mới thu hoạch những tháng cuối năm.</i>
Làng Lao Chải – Sa Pa, là một trong những thung lũng lớn và đẹp nhất Tây Bắc. Làng Lao Chải cuốn hút du khách thập phương bởi cuộc sống mộc mạc và chân thực với hình ảnh về những vựa bắp, vựa gạo mới thu hoạch những tháng cuối năm.
Hôm nay, nhiều người chúng ta vẫn đang cứ mãi tiếc thương cây đa, giếng nước, con đò, dòng sông. Nhung nhớ mãi về mâm cỗ, đèn lồng, đánh khăn, đánh yến... Nhưng ngày nay, ngay cả một đứa trẻ con ở nông thôn cũng biết được rằng nước máy về làng sẽ trong lành hơn nước giếng, một chiếc cầu bắc qua sông sẽ tuyệt vời hơn biết bao những chuyến đò... Một nông thôn trong mong ước của chúng ta, “lúc chiều về giục nắng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi”, một nông thôn đẹp và nên thơ biết là bao, nhưng liệu chúng ta có ích kỷ quá không, không lẽ cứ giữ mãi như vậy sao ? Và thế thì biết bao giờ Việt Nam chúng ta mới hoàn thành công nghiệp hóa nông thôn đây, biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới ấm no, hạnh phúc ?
“Con người ngày xưa tốt”, không ham sang giàu, chân chất, thật thà và gắn bó cùng nhau, vì ai cũng đều nghèo khổ như nhau cả. “Xã hội ngày xưa tuyệt vời lắm”, cánh đồng bạt ngàn, con trâu đi trước cái cày theo sau, nào ngô, nào khoai, nào sắn. Thói thường, con người ta thường hay thương nhớ về ngày xưa, dù cho “ngày xưa” chỉ là bản thảo của ngày hôm nay. Nếu cứ mãi “duy cựu” mãi thì 2 chữ Đổi Mới sẽ còn không trong sự nghiệp phát triển của dân tộc chúng ta hôm nay ?
Ngày cả chính chúng ta, cho dù ta cầm trên tay một tờ báo mà dung lượng thông tin tâm hồn và trí tuệ gấp 10 lần ngày xưa thì cũng có không ít bạn sẽ hoài cổ, kêu ca rằng ngày nay không bằng ngày xưa. Ngày nay cho ta vật chất, ngày xưa cho ta tinh thần, chọn sao cho phải đây ?
Vậy thì bao giờ cho tới ngày xưa ? – Câu trả lời là không bao giờ. Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Ai rồi cũng sẽ phải thay đổi, có thể ở thời điểm hiện tại, chúng ta thích điều đó, nhưng rồi điều đó sẽ thay đổi theo thời gian, không gì có thể là mãi mãi cả.
“Trung thành với truyền thống không có nghĩa là quay về với những thế kỷ đã tàn lụi để ngắm một dãy dài những bóng ma, mà trái lại, đem hết sức mình tiến về phía tương lai, như dòng sông chỉ có chảy ra biển mới gọi là trung thành với ngọn nguồn của nó.” (Thời thanh niên của Bác Hồ, Hồng Hà, NXB Thanh niên 1976, trang 101).