BÀN VỀ DANH TÍNH
"Danh tính nên là một dạng chất lỏng, uyển chuyển theo hoàn cảnh và thời cuộc"....
"Danh tính nên là một dạng chất lỏng, uyển chuyển theo hoàn cảnh và thời cuộc".
Chập tối mình ghé vào một tiệm tóc quen thuộc, nằm ở đường Nguyễn Thái Bình giao gần Xuân Diệu. Cậu barber trẻ chạc tuổi hỏi mình.
"Anh làm nghề gì? "
"Mình bán cà phê" (Mình trả lời).
"Bán cà phê mà anh ăn mặc lịch sự thật". (Cậu đáp).
"Anh còn đi học gì không?". (chắc cậu ấy tưởng mình đang học cao học hay Thạc sĩ gì đó nên hỏi thêm).
"Không, mình học đủ rồi, và giờ đang làm nghề". (Mình trả lời rồi mỉm cười".
Cậu ấy vẫn ngơ ngác, và không tin lời mình nói lắm. Chắc vì cậu ấy chưa cắt tóc cho những người chủ quán bao giờ (đùa chút hehe). Và cứ đinh ninh bán cà phê thì phải ăn vận lê thê một chút thì mới giống. Ngẫm lại thì không ít lần mình "được" người khác nhận định là một nhà văn, nhà báo. Hay long trọng hơn là một anh Tiến Sĩ trẻ nào đó, và đều dành cho mình một thái độ ứng xử lịch thiệp & tôn trọng.
Nhưng khi một khách hàng gặp mình ở quán thì rất khác, đa phần sẽ xem mình như một người bán hàng sành sỏi hoặc vui tính. Thái độ của họ khi tiếp cận mình rất thoải mái, vui vẻ và không phải dè chừng. Lúc này có một phản tư trong lòng mình dâng lên, rằng nghề nghiệp tạo nên danh tính hay thái độ & ăn mặc sẽ tạo nên danh tính?
Được biết ngoài các yếu tố như tên họ, khu vực sinh sống. Thì ta thường xét nghề nghiệp của một người để định hình danh tính. Tuy nhiên, điều này chỉ nêu được phần nổi bật của con người. Và thường thì ta sẽ đánh giá và nhận định sai một người nếu chỉ dựa trên danh tính ở Căn Cước. Lý do là vì còn một phần khác cũng quan trọng không kém, đó là những phần bên trong. Những diễn biến trong tâm trí của một người.
Chúng là yêu ghét, vui buồn, lý tưởng, ước mơ, sự tương tác giữa bản thân & Xã hội. Hay nói chung quy đó chính là nhân sinh quan. Nhưng điều này không thích hợp để làm định danh cá nhân như căn cước. Vì chúng biến đổi liên tục qua mỗi giai đoạn. Nhưng nếu trong trường hợp có ai đó muốn làm quen, muốn biết bạn là ai, muốn tìm hiểu về bạn. Nếu bạn cảm thấy người đó không gây hại gì thì có thể nói thêm 2 sở thích, 1 điều bạn ghét sau khi bộc bạch nghề nghiệp.
Vd: Mình kiếm tiền bằng công việc cà phê, mình thích dạy giáo lý và bàn về triết học. Cũng có vài thứ mình không thích lắm, điển hình như là bị gọi điện vào lúc nửa đêm.
Như vậy là bạn đã cho đối phương dữ liệu cần có để họ biết cách ứng xử với bạn. Trường hợp bạn muốn tìm hiểu một người nhưng họ không đưa ra những thông tin như trên, lúc này bạn cần quan sát thêm cách họ ứng xử với những người xung quanh khi không có bạn(có nhiều cách để làm chuyện này). Xem cách họ giải quyết vấn đề, cách họ chăm sóc bản thân, cách họ đưa ra quyết định khi không vui..
Để quan sát được, bạn cần bỏ ra không ít thời gian. Nếu bạn không có đủ những dữ liệu trên thì bạn không nên tùy tiện đánh giá, phán xét, hay khẳng định một người. Vì điều này vô hình chung sẽ gây nên những hậu họa không đáng có cả cho mình và người khác.
Nhớ lại thì không ít lần mình đã rơi vào hoàn cảnh như Khổng Tử từng nói về Nhan Hồi.
“Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật".
Mai Văn Liêm
---
Vài suy nghĩ rời rạc về danh tính, định hình, con người.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất