Avatar và "Fili" của Aldous Huxley
Xem lại Avatar cả hai phần làm mình nảy ra vài suy nghĩ về sự phát triển của văn hóa giải trí ngày nay.
Nhân một đêm mất ngủ, mình đã lên mạng tìm kiếm các bộ phim viễn tưởng khoa học để xem giết thời gian, thì bằng một cách vô tình, mình đã xem lại Avatar và cả Avatar: The Way of Water. Và mình vừa xem vừa suy nghĩ (và cũng vì sự hối hận khôn nguôi khi từng phí tiền mua vé Avatar 2): Sao một bộ phim với kịch bản tệ hại, xây dựng nhân vật nhàm chán như vậy lại được mọi người xem là "Bộ phim hay nhất thế kỷ " ?
Khi nói về cách xây dựng một thế giới viễn tưởng có ý nghĩa, có chiều sâu thì mình luôn đề xuất ta nên tham khảo cách mà Geogre Orwell và Aldous Huxley tạo ra thế giới của họ, bởi vì toàn bộ chúng đề cập đến các khái niệm của xã hội, mỗi bên đều lấy các khía cạnh của thế giới thực và suy đồi nó tới một tương lai không mong muốn nào đó, từ đó đưa ra lời cảnh báo cho chúng ta.
"1984" Orwell đưa ra hình ảnh về tương lai của một nền chính trị cực tả, từ đó ta có thể hình dung về cơ chế hay cách vận hành nhà nước trong thế giới của mình. Tuy nhiên ở thời đại ngày nay, những khái niệm và viễn tưởng mà ông đưa ra đều là thứ mà nhân loại đã biết, trải nghiệm và kinh sợ, ông đưa ra lời nhắc nhở phải cảnh giác nhưng đó không hẳn là điều hữu ích nhất khi xét tới mục đích của bài viết này.
Huxley thì ngược lại, ông xác định mối đe dọa thuộc về những thứ chúng ta thực sự thích. Ông ấy mang đến cho chúng ta một hình thức toàn trị xảo quyệt hơn bởi vì nguồn gốc của chủ nghĩa toàn trị đó được tìm thấy trong những thứ mà ngày nay chúng ta coi là đỉnh cao của sự tự do: sử dụng ma túy tự do, tình yêu tự do, tự do khỏi tôn giáo và gia đình, ưu tiên niềm vui cá nhân hơn với nhiệm vụ chung và nghĩa vụ đạo đức,...
Orwell dạy chúng ta phải sợ một tương lại của sự kiểm soát hoàn toàn, sự đàn áp và bạo lực của nhà nước.
Huxley thì lại dạy ta phải sợ chính chủ nghĩa khoái lạc nhạt nhẽo và lười biếng của chính mình, hay nói một cách đơn giản, ông cảnh báo chúng ta sợ những ham muốn của chính mình.
Và đáng buồn thay, thế giới ngày nay lại càng ngày càng chứng minh nỗi sợ của Huxley là đúng. Ví dụ: thứ "Tà ma đạo giáo" Chủ nghĩa an toàn (Safetysim) biện minh cho việc tẩy chay các phong trào khác như kêu gọi bình thường hóa cộng đồng LGBT+ bằng cách dán mác vô căn cứ những từ như: không an toàn, nguy hiểm, có hại ,...
Hay trong thời Covid-19 hoàng hành, dư luận thế giới quan tâm đến cảm xúc của người chuyển giới (Không xúc phạm gì đâu) hơn là việc tuân thủ các quy định của chính phủ bắt buộc bạn phải ở nhà vì sức khỏe cộng đồng,... Nó gần như giống thế giới mà Huxley đã vẽ ra, bởi vì câu hỏi thực sự về việc phong tỏa không bao giờ là: Việc này có kiểm soát được sự lây lan của vi rút hay không ?. Mà là: Chính phủ có quyền gì làm điều đó ? Và câu hỏi đầu tiên chưa bao giờ được phần lớn dư luận thế giới hỏi vì phần lớn dư luận, giống như trong "Brave New World" , chỉ muốn cảm thấy thoải mái.
Chủ nghĩa khoái lạc tự do, tức là quyền được cảm thấy thoải mái, được bảo vệ khỏi cảm giác tồi tệ, đội lốt chủ nghĩa cá nhân nhưng lại thiên về chủ nghĩa tập thể của bầy đàn. Và bầy đàn, giống như Huxley chỉ ra, rất dễ bị đầu độc.
Xin lỗi, mình có hơi lạc đề. Mình chỉ muốn chỉ ra rằng: Thế giới mà Huxley vẽ ra có liên quan tới cách mà ta ca tụng Avatar là "Phim hay nhất thế kỷ".
Bởi vì trong thế giới của "Brave New World", Huxley tạo ra một thứ giải trí mang tên "Fili".
Mustapha cho biết xã hội cần tiêu khiển, bằng những trò vui vô tâm, chứ không cần nghệ thuật cao cấp. (Kịch) Shakespeare chẳng hạn, bị cấm ở London, trước hết, vì nó cũ. Nghệ thuật phải Mới và dễ hiểu, đại chúng. Cái Đẹp thì hấp dẫn, mà hấp dẫn là nguy hiểm: Nó dẫn đến mất ổn định. Toàn bộ xã hội được xây dựng trên những thành tựu cao ngất của khoa học, nhưng nghiên cứu khoa học thật sự bị cấm đoán, hay ít ra, phạm vi nghiên cứu bị hạn chế. Nghệ thuật thật sự thì làm ra Cái Đẹp, khoa học thật sự thì khám phá ra sự thật về thế giới và con người, nhưng mục tiêu của xã hội không phải là sự thật và cái đẹp, mà là tiện nghi và hạnh phúc....
"Fili" là một phép suy đồi hóa của Huxly từ sự phổ biến của những bộ phim có âm thanh xuất hiện trong và khoảng những năm 1920, tức là có tiếng nói và tiếng hát được lồng và trình chiếu trong phim ảnh.
Dù là những phát kiến vĩ đại về mặt giải trí, nhưng chúng lại đưa Huxley vào cơn thịnh nộ tột độ, ca thán rằng sự suy thoái của tâm lý và trí tuệ con người mà giải trí hiện đại gây ra cho khán giả là điều không thể tránh khỏi.
Sự khiếm nhã, mục nát và sự trống rỗng về tinh thần, sự đòi hỏi bạn phải xem hay trải nghiệm chỉ để bạn tự cảm thấy bản thân là mình tân thời, "Theo trend",...
Hay như cách ông mô tả thẳng thừng về tương lai của giải trí:
...Nothing but disembodied entertainers gesticulating flatly on the screen and making gramaphone-like noises as they did so.
Tạm dịch: "...Không có gì ngoài những nghệ sĩ giải trí quái dị đang khoa tay múa chân vô hồn trên màn hình và tạo ra những tiếng động giống như máy hát."
Vậy, "Fili" là loại hình nghệ thuật mà chúng không truyền tải ý nghĩa, không chứa thông điệp thực sự. Chúng không được thiết kế để thách thức bạn hay khiến bạn phải suy nghĩ, chúng thực sự không phải là một loại hình nghệ thuật kể chuyện hay bất cứ loại nào. Tất cả "Fili" đều được thiết kế để làm hài lòng các giác quan cơ bản: xúc giác, thị giác, âm thanh và khứu giác. Chúng không kể chuyện vì thế giới trong "Brave New World" không cho phép kể chuyện. Mục đích cho tất cả là về việc giữ cho mọi người thoải mái.
... “Nhưng tôi không muốn thoải mái. Tôi muốn Thượng đế, tôi muốn thơ ca, tôi muốn nguy hiểm thật sự, tôi muốn tự do, tôi muốn lòng tốt. Tôi muốn tội lỗi.” “Thật ra” – Mustapha Mond nói – “anh đang đòi quyền được bất hạnh”. “Vậy thì được” – người Hoang dã nói giọng thách thức – “tôi đòi quyền được bất hạnh”. ...
Avatar, phần đầu mình coi lúc cấp ba và phần mới thì coi ngay ngoài rạp. Là hai bộ phim mình thấy gần như là tệ nhất mình từng xem (Mặc dù mình đã xem những phim cực rác như ba phần hậu truyện của Star War và, cực kỳ hối hận, She-Hulk).
Avatar, phần đầu tiên của nó, theo cảm nhận của mình, là bộ phim đầu tiên đánh dấu một bước nhảy vọt hướng tới tương lai mà Huxly vẽ ra trong "Brave New World". Nó không phải là điện ảnh, nó là một "Fili" đúng nghĩa.
Hãy để mình hỏi điều duy nhất mà đọng lại sau khi bạn xem Avatar 1 là gì ? Chính là phần hình ảnh phải không ? Sự thỏa mãn về giác quan, về màu sắc, các khuôn mặt do máy tính tạo ra ?
Những bộ phim kể những câu chuyện hay được ghi nhớ vì nhiều lý do hơn là vẻ ngoài của chúng. Chúng bổ sung điều gì đó vào nền văn hóa, cung cấp những điểm tham chiếu chung: lý tưởng, khát vọng, hình mẫu của lòng dũng cảm và tính phản diện. Ý nghĩa mà tất cả chúng ta đều thấu hiểu và đồng cảm. Họ mang nhịp đập vào câu chuyện.
Còn Avatar 1 ? Avatar 1 chả thêm một cái quái gì cả. Chả ai nhớ một Jake gì gì đó đã làm gì, nghĩ gì, mục tiêu là gì,... khi kết thúc phim. Toàn bộ phim giống như một cái quảng cáo xe vậy: Nó bắt mắt, nó nghe hay, và hết. Điểm giống nhau duy nhất là nó giới thiệu một công nghệ mới sẽ được áp dụng mà thôi, và nếu hiểu theo nghĩa đó, Avatar 1 có lẽ chỉ là một cái quảng cáo dài hơn 2 tiếng.
Hơn nữa, sự thành công về mặt doanh thu của nó thật đáng kinh ngạc và không thể phủ nhận đến nỗi nó biểu hiện thành một xu hướng: Xu hướng rời xa câu chuyện và hướng tới content, rời xa cách kể chuyện như đặt nghi vấn và trả lời nghi vấn mà hướng tới các phần phụ như visual, hiệu ứng,...
Thực tế mà nói, điều đó thể hiện rằng chúng ta đang sống một xã hội sợ và không thoải mái khi bị thách thức. Vậy nên Avatar 1 mới thành công đến thế bởi nó không thách thức khán giả, mọi thứ đều được trưng bày trước mắt mà không cần khán giả chú ý hay suy nghĩ về nó. Nói cách khác, chúng ta dần yêu thích sự thoải mái, yên tâm và vẻ lộng lẫy hời hợt mà Avatar đem lại.
Aristotle và Plato đã thừa nhận khả năng sâu sắc của nghệ thuật là việc kích động và sự gợi lên. Aristotle lên án sự thanh tẩy trong nghệ thuật, sự đổ máu của cảm xúc: Bạn không thể phủ nhận cảm xúc tiêu cực trong khi vẫn duy trì chuyển động tích cực, bạn phải có cái này để có cái kia, hoặc bạn không được có cả hai. Và Avatar cung cấp cho chúng ta vế sau. Nói ngắn gọn, Avatar đã tạo ra một sự hư vô, trống rỗng và được bào chữa bằng: "Nhìn đẹp thế cơ mà ! ".
Nếu bạn có một kịch bản mà để chỉ làm nền cho cái công nghệ tối tân mà bạn muốn khoe, thì kịch bản đó sẽ dễ rơi vào sự đơn giản hóa tới cùng cực. Và đó là chính xác những gì James Cameron đã làm, một kịch bản tương đồng hoàn toàn với "Dances with Wolves" và được pha một chút của "Pocahontas" nữa.
Một câu chuyện kể lại hoàn toàn vô hồn, chứa đầy những nhân vật cổ điển và những lời sáo rỗng, với chút bóng bẩy của những thông điệp hiện đại và cũng vô hồn nốt về môi trường, về chủ nghĩa tư bản. Sự đề cao về sự bạo lực cao quý , hào hiệp so với bức tranh biếm họa đầy sự lười biếng về thời đại công nghiệp của thế giới. (Và hình như soundtrack môi trường của hai phần cũng có vài chỗ copy y chang của Jurassic Park).
Khi Avatar: The Way of Water (Mình gọi là Avatar 2 đi) mới ra mắt, James Cameron và hầu như mọi tờ báo lớn nhỏ đều nói tương tự nhau rằng: Đây là sự kiện điện ảnh, không chỉ là của năm, mà là của cả một thế hệ ! Nói cách khác, Avatar 2 được ám chỉ rằng: Nó là trend, là xu hướng, phải phải xem nếu không muốn bị "Tối cổ" ( Mình cũng bị mắc bẫy, và giờ cay đến mức phải hậm hực viết bài tế nó). Tất cả studio làm phim lớn đều phải nhường spotlight cho nó, bởi Avatar 2, là một "Sự kiện thế kỷ chỉ một lần duy nhất".
Nhìn xem này ! Nhìn xem mọi người ra rạp đổ xô xem Avatar 2 bởi vì chả có phim gì để xem vào cùng thời điểm này ! Giống ai ở Việt Nam không nhỉ ? Avatar 2 đã tạo ra lợi nhuận khủng lồ bằng cách, ờ, không cho ai xem gì ngoài Avatar 2 ! Đúng thật là một môi trường cạch tranh công bằng nhỉ ? Người thắng cuộc đã được định sẵn và mọi người và mọi tòa soạn đều phải vỗ tay chúc mừng nó. Hoan hô !!!
Và cái kết mình nhận lại khi trả tiền vào xem Avatar 2 là mình nhận được một "Fili" đúng nghĩa: Pandora trở nên phi logic, cốt truyện vô lý, phản diện khiến mình chả rõ ổng đang làm gì hay muốn gì thật sự, nói chung y chang phần trước nhưng extra double bởi còn bị mâu thuẫn với phần trước nữa cơ.
George Lucas đã kết hợp các yếu tố từ "Dune" của Frank Herbert, "7 võ sĩ đạo" của Kurosawa và hàng hà sa số các tác phẩm viết về chiến tranh ở Anh vào những năm 40, 50, 60 để tạo ra một franchise tuyệt vời và đầy chiều sâu là Star War (Dù sau này Disney phá gần như tanh bành) . Nhưng cũng không thể đánh đồng nó với Avatar được. Bởi thay vì lượm lặt những yếu tố và biến nó thành chất riêng như Lucas, Avatar, như mình nói ở trên, chỉ phủ lên kịch bản của "Dances with Wolves" một lớp sơn màu xanh lè của Xì-Trum mà thôi. (Có lẽ giờ mình nên gọi Avatar là "Dances with Smurfs" chăng =)) )
P/s: Bài này mình không phân đề mục gì, bởi mình chỉ thuần trút sự giận dỗi của mình với sự phát triển văn hóa của nhân loại mà thôi. Các bạn có thể đồng tình hay không cũng được, mình sẵn sàng chấp nhận hết. Xin chân thành cảm ơn các bạn đã đọc những dòng đầy sự giận dữ và cay cú của mình nhé !!!
P/s P/s: Mình có mấy người bạn fan MCU và khi mình chê phim nào họ đều giãy đành đạch rằng "Bỏ não ra ngoài trước khi xem là khác ngay" hay đoại loại vậy. Nói thật mình cũng không hiểu lắm, con người có khả năng turn on/off não được á ?
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất