TẠI SAO NGƯỜI NGOẠI QUỐC KHÔNG HỌC TIẾNG VIỆT?
Hôm nay một người giảng viên Đại Học của tôi khen trước lớp rằng: " Tôi vui mừng lắm. Các em khác với thế hệ chúng tôi. Ở thế hệ...
Hôm nay một người giảng viên Đại Học của tôi khen trước lớp rằng:
" Tôi vui mừng lắm. Các em khác với thế hệ chúng tôi. Ở thế hệ chúng tôi khi thấy Tây chúng tôi chỉ biết sợ, vì chúng nó to và đô hơn mình, lại từng đô hộ mình. Còn ở các em tôi đã thấy những cái rất khác: tự tin giao tiếp bình đẳng với họ bằng chính ngôn ngữ của họ, thậm chí còn dạy tiếng Việt cho họ. Nếu như thế hệ tôi sợ họ vì họ béo hơn mình thì các em lại tự tin vì mình gầy hơn họ. Tôi vui vì các em làm được điều thế hệ chúng tôi đã không làm được."

Tôi nghe câu nói đó vừa thấy tự hào, lại vừa thấy đè nặng trách nhiệm. Nói gì đâu xa, một cuộc thi khởi nghiệp sinh viên có tôi ở trong ban tổ chức, vừa qua tìm được quán quân là một ý tưởng về dạy tiếng Việt cho người nước ngoài.
Tôi đã từng đặt ra nhiều câu hỏi ngu ngơ khi còn bé kiểu như là: Tại sao chúng ta phải học tiếng Anh trong khi người Anh hay người Mĩ không phải học tiếng Việt. Giáo Viên và bạn bè ở các cấp tiểu học, trung học của tôi thường nhìn tôi như thằng điên khi tôi cố hỏi như thế và họ đều nghĩ rằng đó là hiển nhiên, chả thay đổi được.
Mọi thứ đều có lý do của nó. Ngoài các lý do ngoại cảnh tác động, đơn cử như Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế, dễ học và phổ biến từ trước,... thì tôi thấy có một số lý do xuất phát từ nội tại nước ta:
1, Người Việt không ý thức được việc truyền thông về đất nước mình.
Không có chuyện "hữu xạ tự nhiên hương".

Chúng ta không đầu tư nghiêm túc vào các ấn phẩm có chứa đựng ngôn ngữ Việt Nam ra trường quốc tế. Chúng ta không có cái nhìn dài hơi về điều này. Không nhìn đâu xa, Hãy nhìn Hàn Quốc, họ là kẻ rất chịu chơi về khoản tuyên truyền văn hóa K-pop cũng như phim tình cảm sến sẩm.
Nhật Bản thì cao tay chả kém, Anime Nhật tràn lan khắp các hiệu sách tôi đi qua, qua các buổi giao lưu văn hóa giữa hai nước, tôi thấy giới trẻ Việt Nam đặc biệt khoái trí khi khoác lên mình bộ áo Kimono hoặc Cosplay một nhân vật giả tưởng nào đó trong bộ truyện mình đọc. (tôi cũng khoái)

Người ta thi nhau đi du lịch ở Nhật và Hàn, đua nhau đi xuất khẩu lao động ở đây. Các câu chuyện phiếm của giới trẻ chúng tôi hiếm khi nào không xoay quanh các nước này: GD đi ngũ, TOP hút cần, BTS vừa ra MV mới, Luffy, Naruto ra chap mới, Yui Hanato ra phim mới,...

Điều này dễ hiểu thôi, ta không thể bắt giới trẻ trong lúc trà đá vìa hè, vừa ăn hướng dương, thỉnh thoảng rít vài hơi thuốc lào mà lại bàn về Điều 5 khoản 1 của bộ luật An Ninh Mạng khỉ gió mới ban hành được, hoặc thậm trí dắt tay nhau thong dong phố đi bộ, ngắm cảnh Hồ Gươm lúc chiều tà mà nói về đường lưỡi bò 9 đoạn chết tiệt của Trung Quốc đưa ra được.

Chúng ta có bàn đại sự nhưng là trên những chỗ như Spiderum này, và chỉ là một số nhỏ. Còn lại đại bộ phận giới trẻ Việt Nam trong lúc rảnh thích sự giải trí hơn là học tập. Giới trẻ thế giới cũng vậy.
Vậy nên chúng ta buộc phải tìm cách truyền thông cho cả giới trẻ trong và ngoài nước về vẻ đẹp của Văn hóa Việt Nam thông qua các kênh giải trí, các sản phẩm giải trí nhiều hơn là học thuật. Chúng ta thiếu các bộ phim chất lượng, thiếu các MV ca nhạc chất lượng, thiếu các tác phẩm văn học chất lượng.
Các nghệ sĩ Việt Nam như Sơn Tùng hay Mĩ Tâm đang đơn thương độc mã trên con đường đưa tiếng Việt ra khắp thế giới, đáng lý ra, họ phải được sự quan tâm và chú ý đến từ nhà chức trách chứ không phải là sự thờ ơ như hiện tại.
2, Nước Việt Nam nghèo đói, thiếu việc làm
Aristole từng nói : “Nghèo đói là cha đẻ của cách mạng và tội ác.”
Ở Việt Nam nghèo đói trực tiếp lẫn gián tiếp tạo ra cách mạng và tội ác qua nhiều hình thái khác nhau.


Dễ hiểu thôi, Khi mà các cấp lãnh đạo của chúng ta còn mải miết đốt lò tham nhũng, giải tỏa ách tắc giao thông, dẹp biểu tình thì hiển nhiên họ cũng chả có thời gian rảnh rỗi ngồi lại mà bàn tới việc tuyên truyền về văn hóa của dân tộc.
Điều này cũng tạo ra một vòng luẩn quẩn, càng lao vào giải quyết các việc trước mắt mà quên đi các việc lâu dài, chúng ta càng dấn sâu vào bế tắc. Tắc đường vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm xuống, tham nhũng thì ngày càng đặc biệt nghiêm trọng, biểu tình “ôn hòa” mà lại dẫn đến bạo động. Riết rồi năm nào Táo Quân chẳng phê phán mấy chuyện y đúc, và chả ai dám khẳng định được bao giờ hết tắc đường hay hết tham nhũng cả.
Tiếp theo là việc làm, Bạn tôi học tiếng Nhật chỉ để Xuất khẩu lao động. Một người bạn khác của tôi học tiếng Đức chỉ vì kinh tế Đức đứng thứ 4 thế giới.
Tôi cảm thấy tệ, người chứ có phải vật đâu mà xuất khẩu như vậy. Càng tệ hơn khi người thân xung quanh mình đã, đang hoặc sẽ là nô lệ kiểu mới như thế.
Đọc xong tác phẩm “Quyên” của Nguyễn Văn Thọ, nó khiến tôi trở nên căm phẫn với số phận của con người xuất khẩu lao động trong thế kỉ trước của Việt Nam.
Tôi đã có lần uất nghẹn thốt lên rẳng sao chúng nó- cái bọn tây lông đô con đáng ghét ấy, chẳng bao giờ xuất khẩu lao động sang cái đất nước nghìn năm văn hiến này? Sao chúng nó- bọn Oppa Hàn Quốc ch!m ngắn, ẻo lả, kẻ mắt ấy lại không sang xứ sở thiên đường này mà lắp ráp linh kiện, may quần áo cho dân tộc tôi.
Tôi thở dài, do mình nghèo quá. Chả ai lại đi phục vụ một thằng nghèo cả. Chúng ta ngửa tay xin viện trợ không hoàn lại của các nước phát triển đổi lại chúng ta bị xâm thực về văn hóa. Chúng ta từng tự hào rằng 1000 năm Bắc Thuộc chúng ta không bị đồng hóa, thậm chí còn đồng hóa ngược lại Trung Quốc. Nhưng chúng ta lại quá chủ quan, quá lơi lỏng quản lý để có thể chống lại sự đồng hóa trong thời đại thế giới phẳng này.
Đã đến lúc rồi, không trông đợi vào nhà quản lý hay bất kỳ ai. Tự bản thân mỗi cá nhân giới trẻ chúng ta phải nhận thức được tác hại của sự nghèo khó, của một quốc gia nghèo khó để thật lỗ lực có được sự giàu có. Như thế là đã đủ tốt cho nền kinh tế quốc dân rồi, sau đó hẳng nghĩ tới việc làm giàu cho dân tộc, cho đất nước được.
3, Vì Việt Nam không có nhiều tiến bộ Khoa Học Kỹ Thuật
Tôi đang học tại Đại Học Xây Dựng, phần lớn kiến thức dùng trong giảng dạy của trường tôi là được các thầy dịch từ tiếng nước ngoài về, có chỉnh sửa để phù hợp với môi trường Việt Nam. Rất ít giáo trình được viết hoàn toàn bằng nghiên cứu của Việt Nam. Và hãy nhìn trên Spiderum đi, rất nhiều các bài đứng top được dịch từ tiếng nước ngoài, từ các nguồn như Quora hay Medium, Mark Manson...
Nếu bạn là một dịch giả thì bạn sẽ ưu tiên chọn những bài viết có giá trị mà bạn muốn gửi đến độc giả, và nó phải có nguồn dịch với độ tin cậy cao, đúng không? Và các bài viết đó phải hot, phải có khả năng thu hút lượt xem cho bõ công dịch thuật của bạn nữa. Đúng chứ?

Đặt tâm lý đó vào góc nhìn của các nhà dịch thuật nước ngoài cũng vậy, Việt Nam chả có đủ nhiều nghiên cứu hấp dẫn thu hút lượng dịch giả từ Tiếng Việt sang tiếng nước ngoài để người nước ngoài phải học Tiếng Việt.
Trong các cuộc tranh luận trên mạng chúng ta hay trích dẫn các nghiên cứu của các Đại Học lớn trên thế giới và đặt niềm tin vào nó ví dụ như của Cambridge, Harvard, Oxford,... vì các nghiên cứu này làm rất chuyên nghiệp có sự kiểm định chặt chẽ và quan trọng là các trường này có thương hiệu, có uy tín.
Còn ở Việt Nam thì khác xa.
Các nghiên cứu khoa học của sinh viên Việt Nam thì thường ngây thơ và thiếu thực tế. Nhiều đề tài làm rất qua loa, thiếu chuyên nghiệp. Các khâu đòi hỏi độ chính xác cao như khảo sát thị trường, khảo sát đối tượng nghiên cứu,... thì làm thường mắc sai số lớn. Đó là sự khác biệt với Đại Học nước ngoài.

Các dự án đem đi thi thố về khoa học của học sinh sinh viên Việt Nam hầu như tất cả đắp chiếu. Tôi nhấn mạnh là gần như tất cả. Vì nó đều không khả thi về mặt thương mại hóa, và đôi khi nó quá lạc hậu so với thế giới. Chúng ta thi cho vui, cho thử sức, cọ xát kiếm tiền thưởng rồi đắp chiếu thế thôi. Chứ thực tế chả áp dụng vào.
Thế nên thế giới đâu có quan tâm đến các thành tựu của Việt Nam, cái họ quan tâm là sự đột phá trong công nghệ, sự chính xác trong các khâu nghiên cứu để công bố thì Việt Nam đều thiếu cả. Nên họ không học tiếng của ta.
Tóm lại với 3 lý do tôi đưa ra, hy vọng nhận được thật nhiều phản biện từ mọi người.
Cảm ơn vì đã đọc.

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Night2AM
Thật ra, mình cũng đã từng suy nghĩ về vấn đề này, mình chả rành về triết học hay văn hóa cả tuy nhiên, theo mình nghĩ rằng đất nước chúng ta có một nền văn hóa nó khá kì lạ.
- Thứ nhất theo mìn lập luận thì văn hóa sẽ góp phần tạo nên tính cách chung của các dân tộc (ví dụ như là nhắc tới người Pháp thì lãng mạn, Mỹ thực dụng, Đức kĩ luật) và giáo dục sẽ quyết định nên tầm của quốc gia đó.
- Thứ hai , việc định nghĩa văn hóa của chúng ta khá là mơ hồ, có 2 thứ tôi thường được nghe :
+ Nghìn năm văn hiến : câu này tôi nghĩ căn bản là thiếu. Đây là bản đầy đủ : Chúng ta có một lịch sử nghìn năm văn hiến và nghìn năm bắc thuộc ( câu này một phần sẽ trả lời cho câu hỏi ảnh hưởng văn hóa nền tảng Vn).
+ Đậm đà bản sác dân tộc ; câu này thường kèm theo sau đó là một số miêu tả về hình ảnh người nông dân trong ghi nhớ sách ngữ văn hoặc hơn thế nữa là một dân tộc ngoài hành tinh thượng đẳng gì đó đã tuyệt chủng.
- Thứ ba, chúng ta có bị du nhập văn hóa và đang có xu hướng hòa tan ? Tôi nghĩ rằng : có đấy.. Giống như chuyện người Tây thích ăn đồ việt và chúng ta lại thích ăn đồ tây ( chúng ta đều thích cho mình thử những cảm giác mới lạ). Tuy nhiên, có một số người kiểu tôn sùng ấy ( éo nói trao đổi văn hóa), kiểu như hạ thấp mình và nâng cái gì đó bay vút trời xanh. Bạn biết đó, bạn là người Việt và không phải là người thuộc dân tộc khác, nên chuyện nội bộ nhà ai nấy biết, thứ bạn biết chỉ là thứ bị rò rĩ hoặc cố ý khoe thôi. Ngoài ra còn có lý do ngoài lề kinh tế, chính trị, chính sách nữa ....
- Thứ 4, văn hóa nhận bà con xa. Chúng ta thường đọc báo học sinh gốc Việt, bác học gốc Việt, bla bla đoạt giải, phát minh gì ấy. Việc chữ gốc Việt nó khát hoàn toàn với đá banh, Ozil quốc tịch Đức nhưng có gene của Thổ Nhĩ Kỳ nên có khả năng đá được 2 đội tuyển. Đây có thể là hình thức lợi dụng ăn theo sự nổi tiếng người khác.
Cụ Einstein đã lường trước việc này nên đã để lại câu nói nổi tiếng mà tôi làm biến trích nên các bạn tự search vậy, nói về giải Noben gì ấy. Bạn biết đó, nếu ai đó éo nuôi bạn ngày nào mà tối ngày bắt bạn trả ơn, sống nghĩa tình với họ, thì việc mà một người nên làm là một câu nói, một nụ cười mang tính chất tượng trưng mà thôi, còn bạn nghĩ gì thì không phải chuyện của tôi. OK !?
Còn nữa mà tôi làm biến viết tiếp, nên tôi đành kết luận bằng một anime và tựa game civilization. Cả 2 thứ trên đều có một điểm chung là : Bạn có thể giành chiến thằng bằng cách đồng bộ văn hóa của nước địch để thế hệ sau này chúng lầm tưởng rằng mình là một phần dân tộc bạn : CULTURE VICTORY.
-
- Báo cáo

An Phạm

Cô giáo mình bảo văn hóa Việt Nam là một nồi cám lợn, đơn cử hãy nhìn trang phục của giới trẻ Việt: sáng Âu, chiều Á. Mình thấy giờ giới trẻ Việt lạ lùng: bọn con gái ao ước uống rượu Soju của Hàn Quốc trong khi chưa từng nếm qua "NẾP CÁI HOA VÀNG" của Việt Nam, muốn ăn Shushi của Nhật Bản trong khi "Gỏi cá của Việt Nam" thì coi là thứ đáng bỏ. Chẳng trách ai được cả, mọi chuyện nó cứ thế diễn ra từng chút một từng chút một, đến một lúc nào đó cả dân tộc giật mình ngoảnh lại "chúng ta chẳng còn là chúng ta nữa" hay "chúng ta thực sự là gì" thì đã quá muộn rồi, đồng hóa dân tộc nó độc ở chỗ ấy.
- Báo cáo

Trần Linh

- Báo cáo

dshung
Mình cũng nhiều lúc trăn trở đéo hiểu cái văn hóa Việt Nam nó là như nào nữa ?
- Báo cáo
Tư Không
respect
- Báo cáo

Nguyễn Phương Thế Ngọc đẹptrai
Bài viết rất hay, mình rất đồng tình với bạn.
Ngày nay, sự hòa nhập của văn hóa ngoại lai- một thứ rất mới mẻ và thú vị, làm nhiều bạn trẻ đã chạy theo mà quên đi, phủ nhận văn hóa dân tộc.
Nhưng tự đặt ngược câu hỏi: tại sao họ lại làm như vậy? tại sao sử Trung Quốc thì chúng ta mê mệt qua các bộ phim, tiểu thuyết như Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc,... rồi tại sao các oppa Hàn lại nổi như cồn? câu trả lời chắc mọi người cũng biết.
Mình làm dự án Nón Quai Thao - một series bài tổng hợp về các phong tục tập quán lối sống tốt đẹp của người Việt xưa, nhưng lại không thu hút được người đọc mặc dầu mình đã và đang chia sẻ những bài đó tới hơn vài chục ngàn, cả trăm ngàn người, đồng thời nhận được sự hỗ trợ marketing đến cộng đồng mạng. Nhưng không, số lượng xem xem bài chỉ tầm dưới 300, mặc dầu tiếp cận gần vài chục ngàn người!
Vậy tại sao? vì khả năng truyền đạt, đúng vậy, Trung Quốc thành công ở mảng truyền thông, cách quảng cáo văn hóa, lịch sử của nó tới TG, Hàn Quốc thành công vì có các oppa đẹp trai và MV hoành tráng. Còn dự án của mình? một dự án quá mang tính học thuật, chẳng khác nào cuốn sách giáo khoa phiên bản E-book, không gần gũi, không bắt kịp xu hướng thời đại, không tạo cảm xúc cho người đọc- người xem và một trăm vấn đề khác chung quy dẫn tới một chữ: nhạt.
Tóm lại: lý do là nằm ở cách truyền bá, không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp. Một nền văn hóa không gì nổi trội mà được tô được vẽ thì cũng trở nên hoành tráng, nhưng một nền văn hóa sáng rọi cả ngàn năm mà thế hệ sau không biết cách tô, cách vẽ, cách lưu truyền thì cũng là hào quang vụt tắt.
- Báo cáo

An Phạm

Mình thấy gần đây có dự án "Dệt nên triều đại" của các bạn trẻ đang gây được tiếng vang lớn trong truyền thông lớn. Có thể là họ quan hệ tốt với báo đài, điều quan trọng không chỉ là đam mê, câu chuyện ở đây còn là tiền và nhiều thứ khác như quan hệ, mình cũng từng làm truyền thông mình hiểu điều này.
Dù sao thì cũng rất respect với câu chuyện của bạn, mong rằng bạn không mất đi lửa nhiệt huyết của mình với phục trang dân tộc. Có khó khăn , có gian khổ thì khi đạt được mới chân quý. Cám ơn bạn đã chia sẻ.
- Báo cáo
Hocluphe
Hi An Pham,
Câu hỏi của bạn mối quan hệ Người ngoại quốc và Tiếng Việt thực hay nhưng phương pháp tiếp cận và cách đặt trọng tâm cho vấn đề dường như chưa được thực chặt chẽ lắm (Người nước ngoài ít học tiếng Việt vì: Truyền thông của người Việt về nước Việt dở; Việt Nam nghèo, đói; Tt tiến bộ Khoa học kĩ thuật).
Tôi THÍCH nhạc Rock nên tôi học tiếng Anh? Đúng!
Tôi THÍCH đất Pháp thịnh vượng nên tôi học tiếng Pháp? Đúng!
Tôi THÍCH tiếp cận với tinh hoa của khoa học kĩ thuật nên tôi học tiếng Đức? Đúng!
Nhưng bạn thấy đó, cái cốt là ở chữ THÍCH cái đã.
Work of art phải được xây dựng từ cái đẹp bên trong mỗi người trước nhỉ?
Work of science phải được tạo nên từ những câu hỏi do mình tạo ra trước nhỉ?
Của cải cũng phải được tạo nên từ lao động chứ bạn nhỉ?
THÍCH rồi thì mình còn MỤC TIÊU nữa chứ An Pham ơi?
Còn tôi, tôi yêu một cô gái Việt nên rất chăm học tiếng Việt.
Còn bạn tôi, sinh ra ở Pháp, lớn lên ở Việt Nam, nhưng lại giỏi lắm tiếng Lào và Cambodia vì anh này mê cách nhuộm vải dân gian của Lào và mê một anh người Cambodia. xD
Hãy nhìn vấn đề này bằng một cái nhìn cởi mở cùng những bộ giải pháp sẽ thực hữu dụng, chứ complaint về ca sĩ này ca sĩ kia, lò này củi kia hay luận văn này luận án kia e chừng sẽ thu hẹp chính giải pháp của bạn đó.
PEACE!


- Báo cáo

An Phạm

Hi Hocluphe
Trước hết phải cảm ơn bạn vì nhận xét về bài của mình. Mình thấy các nhận xét này đều đúng và không sai tí nào cả.
Lúc viết bài mình cũng nghĩ đến những điều này. Nhưng mình cũng tạm gác lại vì
Thứ nhất, mình là một sinh viên ngành kỹ thuật. Không phải sinh viên ngành văn hoá hay nghệ thuật. Cho nên mình không quá kỳ vọng vào bài viết này. Mục đích của bài viết chỉ đơn giản là nêu lên những suy nghĩ, trăn trở về Việt Nam dưới góc nhìn của một thằng sinh viên Kỹ Thuật để những người trong cuộc có thể tham khảo và góp ý (như cmt của bạn chẳng hạn).
Thứ hai, từ đầu bài mình đã có viết về một cuộc thi khởi nghiệp sinh viên có đội thắng cuộc mở lớp dạy tiếng Việt cho người ngoại quốc. Và mình viết bài này ban đầu chỉ vì quá ngước mộ các bạn ấy. Sau này khi bắt đầu bắt tay vào viết thì vì văn phong, vì dẫn chứng và luận cứ khiến mình phải bẻ lái sang một hướng khác để bài viết thu hút hơn và có lý hơn.
Và mình cũng muốn mượn tiêu đề làm bàn đạp để nói những cái mình đề cập, chứ không hẳn là dùng những cái đề cập để khiến người nước ngoài học tiếng Việt. Vì suy cho cùng, ngoại ngữ cũng quan trọng nhưng không quan trọng bằng các vấn đề khá nhức nhối như bên dưới.
- Báo cáo

deathstar
Tôi từng rất thích ăn hotdog cho tới khi bắt đầu ăn nó. Rõ ràng bánh mì của VN là một đẳng cấp hoàn toàn khác biệt, KFC ăn cũng ngon đấy, nhưng nó chỉ là một loại thực phẩm rác rưởi. Tiếp xúc với nền văn hóa khác tôi mới nhận ra nền văn hóa Việt có những bản sắc thực sự đậm đà chứ không chỉ là lời nói suông. Chúng ta cần giữ gìn nó bằng cách để nó phát huy những giá trị thực tế, chứ không chỉ bảo tồn những thứ không ai dùng.
- Báo cáo

An Phạm

Hồi nhỏ xem Tom và Jerry thấy có cái món phô mai trông đẹp và hấp dấn. Lớn lên có dịp được thử hí hửng đớp miếng thật to. Ôi dời ơi tởm, cảm thấy mình không hợp thật sự.
- Báo cáo

Công Thành Vũ
Mình thấy một số quan điểm của bạn có phần chưa chặt chẽ.
Đầu tiên là việc truyền thông về văn hóa, ok đúng là cần phải cải thiện, nhưng theo góc nhìn cải thiện để tiếng Viết phổ biến thì không hợp lý. Bao nhiêu người học tiếng Nhật để đọc naruto hay học tiếng Hàn để xem các ộppa không cần vietsub? Có thể là lý do ban đầu nhưng nếu n không mang lại lợi ích thì rất ít người lựa chọn học ngoại ngữ, cụ thể hơn, nếu k xác định sống ở VN thì học tiếng việt làm gì?
Thứ hai, cũng từa tựa như bên trên mình nói, học ngoại ngữ là để phục vụ cho lợi ích, đầu tiên là kinh tế, để có thể làm cho/hoặc làm cùng các doanh nghiệp nước ngoài. Trong trường hợp "xuất khẩu lao động", mình nghĩ lỗi ở sắc thái ngôn ngữ của từ đó thôi, đơn giản là thị trường khác cần lao động và có thu nhập cao hơn thì có doanh nghiệp đầu tư vào khâu trung gian này. Giống như Uber hay Grap, là bán hành khách cho tài xế đấy.
Một ý nhỏ thôi nhưng gần đây mình nghe nhiều người nói: "chúng ta tự hào vì nghìn năm bắc thuộc mà không bị đồng hóa"? Ai tự hào thế? Thật sự là không bị đồng hóa, và định nghĩa đồng hóa là như thế nào?
Thứ 3, về kinh tế và tiến bộ khoa học, cũng như ý đầu tiên, Việt Nam nghèo, lạc hậu về khoa học kỹ thuật thật, nhưng đó không phải là nguyên nhân mà tiếng việt không phổ biến. Bạn có thể thấy tiếng nhật, tiếng hàn được nhắc đến nhiều ở VN vì ở VN nó mang lại lợi ích, còn trên thế giới thì đó không hề là ngôn ngữ phổ biến, dù kinh tế của 2 quốc gia này không hề yếu.
- Báo cáo

An Phạm

1, Cải thiện truyền thông văn hóa sẽ đem lại rất nhiều lợi ích, để người ngoại quốc học tiếng Việt như trong bài là một trong số đó.
2, "Xuất khẩu lao động" là nô lệ kiểu mới thì báo đài Việt Nam đã khai thác nhiều rồi. Đây là ví dụ nhỏ https://laodong.vn/xa-hoi/xuat-khau-lao-dong-lam-no-le-bai-3-hanh-trinh-thoat-canh-kho-sai-277563.bld
Tự hào thì đây: https://spiderum.com/bai-dang/Tai-sao-Viet-Nam-khong-bi-dong-hoa-trong-thoi-ky-Ngan-nam-Bac-thuoc-5k0
3, Hàn và Nhật thì không được học nhờ KHKT, nhưng các nước phương Tây và Mĩ thì lại khác. Họ luôn đi đầu về các nghiên cứu hàn lâm, ứng dụng nhiều. Về số liệu cụ thể thì mình không có, nhưng với logic bình thường là một người muốn tìm hiểu tri thức thì điều hiển nhiên ta phải học ngôn ngữ của tri thức đó để có điều hiện học thêm.
- Báo cáo

Công Thành Vũ
1: vđê mà mình nhắc đến là cải thiện truyền thông, văn hóa liệu có bao nhiêu tác động trực tiếp đến việc người nước ngoài học tiếng Việt, cải thiện truyền thông văn hóa mang lại bao nhiêu tác động trực tiếp? Còn có hay không thì ok, có!
2: nội dung bạn dẫn nguồn đều k giải quyết được vấn đề mình đưa ra. Ok, đi lao động xa xứ là khó khăn, vất vả, thậm chí là nhục. Nhưng vấn đề về ngôn ngữ ở đây là gì? Người Nhật, Hàn sang VN làm việc họ có học tiếng Việt k, họ không học nhưng họ phải thuê phiên dịch và làm việc bằng tiếng Việt. Nếu nhiều người định cư ở VN thì sẽ có nhiều ng học tiếng Việt, thế thôi.
Về vde đồng hóa, bài viết bạn dẫn mặc định VN k bị đồng hóa và giải thích cho điều đó. Cái mình thắc mắc là "có đúng VN k bị đồng hóa không? tại sao nói VN k bị đồng hóa?"
3: Logic mà bạn gọi là "Logic bình thường" có chút không hợp lý, muốn học hỏi tri thức thì phải học ngôn ngữ của tri thức đó là điều k hiển nhiên tí nào, trừ ngôn ngữ học. Bạn có thể nêu giúp mình 1 kiến thức gì mà mình bắt buộc phải biết 1 ngôn ngữ khác không? Bạn đâu cần biết tiếng hy lạp mới hiểu đc định lý Pytago hay phải học tiếng anh mới hiểu S=v*t có nghĩa là gì.
- Báo cáo