Năm 2014, có thể nói là một năm khá đen đủi với Ubisoft khi mà các sản phẩm game Triple A của hãng đều không có được thành công như mong đợi, khởi đầu với Watch Dogs, tựa game được giới thiệu là siêu phẩm game cả về gameplay, cốt truyện, đồ họa,... nhưng để rồi đến khi ra mắt, nó lại là một sản phẩm chứa đầy khuyết điểm, thậm chí nếu không muốn nói Ubisoft đã có phần lừa người chơi rất nhiều. Thế nhưng để nói về thất bại nặng nề nhất trong năm 2014 của Ubisoft, chắc chắn phải kể đến Assassin’s Creed Unity. Sự thất bại của Unity có lẽ đến tự sự lăng xê có phần quá lố của chính nhà làm game, khi mà Ubisoft đã nói rằng Unity sẽ truyền tải lại không khí của cuộc cách mạng Pháp, một cốt truyện đầy lôi cuốn, một nhân vật chính hoàn toàn có thể vượt qua cả những người tiền nhiệm như Ezio hay Edward Kenway. Để rồi đến khi ra mắt, Unity là một nỗi thất vọng với các fan của dòng game, bên cạnh phốt đồ họa với đống bug nhiều vô kể, thì một thứ nữa khiến fan cảm thấy thất vọng nhất chính là cốt truyện có phần quá nhạt nhẽo, cẩu thả và dường như chẳng có liên quan quá nhiều đến cuộc Cách Mạng Pháp là bao. Thất bại của Unity kéo theo phiên bản ra mắt cùng năm với nó là Rouge cũng bị lãng quên theo. Thế nhưng sau tất cả, Ubisoft vẫn đứng lên sau thất bại (hoặc đơn giản là muốn vắt sữa tiếp) của Unity, Ubisoft tiếp tục công bố dự án Assassin’s Creed tiếp theo của hãng, với cái tên ban đầu là Assassin’s Creed Victoria và để đến năm 2015, phần game tiếp theo của series này với cái tên Assassin’s Creed Syndicate được ra mắt.
Sự thất bại của Assassin's Creed Unity đã kéo cả dòng game này đi xuống
Sự thất bại của Assassin's Creed Unity đã kéo cả dòng game này đi xuống

Đôi chút về game

Assassin’s Creed Syndicate (mà từ giờ về sau của bài viết mình sẽ gọi là AC S hay AC Syndicate) được phát triển bởi Ubisoft Quebec và được phát hành bởi Ubisoft. Game được phát hành vào ngày 23 tháng 10 năm 2015, cho PlayStation 4 và Xbox One, và vào ngày 19 tháng 11 năm 2015, cho Microsoft Windows. Trong phần game lần này, người chơi được đưa đến thành phố London thời kỳ Victoria mà cụ thể là năm 1868. Trong game người chơi sẽ vào vai 2 chị em sát thủ nhà Frye là Evie và Jacob trong công cuộc giành lại thành phố London khỏi sự kiểm soát của Templar, cũng như đi tìm báu vật địa đàng trong thành phố.

Gameplay

Với một người chơi hệ gameplay như mình, gameplay luôn là thứ mà mình đề cập đầu tiên khi đánh giá một tựa game nào đó, và gameplay của ACS có vẻ như vừa cải tiến và vừa có bước lùi.
Hãy nói về cải tiến của nó trước, sự cải tiến của gameplay có thể kể đến việc game đã cho người chơi được điều khiển 2 nhân vật khác nhau, và 2 người có 2 thế mạnh khác nhau, nếu như cô chị Evie là hành động lén lút, cần tính toán nhiều thì Jacob sẽ là người thích động tay, động chân nhiều hơn.
2 con người, 2 tính cách trái ngược hẳn nhau, và từ đó cũng là 2 lối chơi khác nhau được khai thác trong game.
2 con người, 2 tính cách trái ngược hẳn nhau, và từ đó cũng là 2 lối chơi khác nhau được khai thác trong game.
Yếu tố hành động lén lút hay stealth là thứ đầu tiên mình thấy được cải thiện trong game. Hãy so sánh với phiên bản liền ngay trước của game là Unity. Stealth trong Unity khá ư là bị động khi bạn phải kiên nhẫn, chờ đợi đám lính đến gần, bạn mới có thể xử lý chúng được, thì với Syndicate game cho bạn thế chủ động hơn, khi để cho nhân vật có cơ chế huýt sáo để khiến kẻ địch tò mò và tìm đến chỗ bạn. NPC trong phần game này cũng “khôn” khi mà giờ đây khi nhìn thấy xác của đồng đội chúng cũng đã để ý đến và tăng thêm cảnh giác chỗ xác chết đó, nếu như là trùm thì chúng sẽ ngay lập tức bỏ chạy khỏi nơi ám sát. Syndicate cũng đã mang trở lại cơ chế leo trèo cho đám NPC, dù không quá bá đạo như hồi Ezio, nhưng nó là đủ để tạo nên những màn rượt đuổi và chạy trốn của bạn. Cơ chế Stealth còn được nâng cấp ở chỗ, khi mà giờ đây trong một số nhiệm vụ ám sát, game để cho người chơi có nhiều hướng để tiếp cận nhiệm vụ hơn. Bạn có thể giả trang làm một bệnh nhân để rồi từ đó bất ngờ từ tấm vải phủ trắng lao ra ám sát tên bác sĩ của nhà thương điên, bạn có thể hỗ trợ các NPC để rồi từ đó mà họ giúp bạn tiếp cận với mục tiêu bạn cần ám sát, hay tỉ mỉ hơn, bạn có thể tìm ra các lối đi bí mật để rồi ám sát mục tiêu từ chỗ mà chúng cũng không hề hay biết, còn với các nhiệm vụ ám sát thông thường bên cạnh 2 kiểu ám sát khá cổ điển là dùng s.ú.n.g, dao ném để ám sát từ xa hay xiên bằng hidden blade thì game cho người chơi thêm 1 số tương tác với các đồ vật như bắn rụng thùng hàng để đè nát kẻ thù, dùng thuốc nổ để làm chúng b.a.n.h x.á.c hay táo bạo hơn là lấy xe ngựa để cán luôn cho nhanh gọn. Bên cạnh để cho người chơi có nhiều hướng để tiếp cận nhiệm vụ hơn, game vẫn mang đến cho nhân vật của bạn hệ thống kỹ năng, cũng như đồ chơi đa dạng để bạn tha hồ nghĩ ra các cách ám sát, làm rối loạn kẻ địch khác nhau.
Nhắc đến hệ thống nhiệm vụ hay sidequest trong game, Syndicate đã rút kinh nghiệm từ Unity, thay vì spam cả n+1 thứ trên bản đồ Paris khiến bạn rối tung rối mù cả mắt lên, và chẳng biết phải làm cái gì cả. Thì Syndicate đã giảm bớt đi, chỉ còn 4 đến 6 sidequest chiếm quận, kèm theo 1, 2 nhiệm vụ của các nhân vật lịch sử, điều này sẽ giúp người chơi sẽ có sự cân nhắc nhiều hơn khi muốn làm cái gì đầu tiên trong game.
Ubisoft đã rút kinh nghiệm từ Unity khi đã không spam quá nhiều sidequest vào trong map
Ubisoft đã rút kinh nghiệm từ Unity khi đã không spam quá nhiều sidequest vào trong map
Tuy đã cố gắng cải thiện nhiều những khuyết điểm từ Unity, xong Syndicate vẫn không tránh khỏi một số điểm trừ trong gameplay nhất định. Đầu tiên mình muốn nói đến 2 thứ mà đáng lẽ Ubisoft nên giữ nó lại khi mà Unity đã cực thành công với 2 thứ này, đó là combat và parkour. Cơ chế combat trong AC S đã được giảm tính thử thách đi rất nhiều, thay vì lăn lộn trước đám lính, các pha counter attack đầy hoa mỹ như của Arno trong Unity, cũng dễ hiểu vì ACU đề cao Stealth nên đã để combat của Arno khá là “khoai” để nhắc nhở người chơi phải cẩn thận nếu không muốn đi bụi sớm, thì Syndicate combat lại quá dễ. Gần như bạn chỉ việc spam attack to win, tính thử thách xoá bỏ đi hoàn toàn. Combat của game khiến mình liên tưởng đến series Batman Arkham, nhưng nó không làm được đến cỡ như Arkham Knight hay Arkham City mà chỉ đến cỡ kiểu như Arkham Asylum (phần game đầu tiên của Rocksteady và thực hiện trong 9 tháng). Đọc đến đây nhiều người sẽ kiểu : đơn giản vì Syndicate chú trọng cả combat băng đảng, hội đồng nên combat phải máu lửa chứ không hoa mỹ như Unity được. Vậy xin thưa kể cả là combat máu lửa, hội đồng thì Syndicate cũng làm không tới, những cú đấm của chị em nhà Frye trông có vẻ khá là ghê đó, nhưng xin thưa cảm tưởng đấm như muỗi đốt inox vậy, cảm tưởng như nhân vật chẳng hề có lực chút nào trong từng cú đánh vậy. Nếu như muốn biết đấm đá thế nào là lực, hãy chơi thử Batman Arkham Series (khuyến khích chơi tay cầm) để thấy độ lực trong từng cú đánh của Batman là như thế nào. Bên cạnh đó, băng Rooks trong một số nhiệm vụ đánh hội đồng cũng chẳng tạo nên được sự ác liệt của cuộc chiến băng đảng vì đơn giản là vì diễn biến các cuộc chiến này quá ngắn và không đủ để hấp dẫn người chơi. Có lẽ điểm cộng duy nhất trong combat của Syndicate là mấy pha kết liễu liên hòa nhìn khá là đẹp, còn lại thì combat của game khá là kém, nếu không muốn nói là chán.
Combat là vậy, cơ chế Parkour còn khiến mình cảm thấy ghét hơn. Nếu như Unity mang đến cho người chơi một Arno với chuyển động leo trèo, cực kỳ mượt mà thì Syndicate đã không làm được điều đó. Game cho người chơi một thiết bị đại khái giống như súng bắn móc giúp người chơi có thể dễ dàng leo lên các tòa nhà hay đu qua các khu nhà trong nháy mắt, đúng là ban đầu sử dụng nó khá là thuận tiện nhưng càng về sau việc lạm dụng dây móc quá nhiều khiến nó trở nên nhàm chán hẳn đi, cơ chế leo trèo còn trở nên quá an toàn với khi mà người chơi khi đang chạy trên mái nhà, nếu như đi đến ngôi nhà cuối cùng của dãy nhà, nhân vật sẽ tự khựng lại và không chạy tiếp, cảm giác leo trèo, chuyển động mượt mà tự nhiên bị ngắt mạch hẳn đi.
Cuối cùng, điểm trừ mà mình nghĩ, khiến mình không thích nhất chính là về cuối game. Game cho người chơi skill tree với cả đống kỹ năng khác nhau, giúp cho trải nghiệm từ combat đến stealth được cải thiện dần, cũng như cho ta thấy sự phát triển trong nhân vật ta điều khiển, tuy nhiên về cuối game khi mà bạn đã có nâng cấp hết skill tree, bạn sẽ cảm thấy bạn không còn là một sát thủ thông thường nữa. Mà bạn thành dị nhân của X-men luôn rồi, khi mà trong ẩn nấp thì Evie có tàng hình, Jacob thì giảm sát thương từ đòn cận chiến, phản đòn bằng súng thì auto headshot, khi kết liễu liên hoàn thì được hồi lại máu hay tởm hơn là sau vài giây không nhận sát thương máu bạn sẽ tự động hồi lại. Cảm tưởng như khi về cuối game, không có một thứ gì khi đó cản bạn lại hay kéo được quá ⅔ thanh máu của bạn nữa, kể cả kẻ địch có bằng level với bạn đi nữa thì chúng lúc này cũng chẳng khác gì bao cát hay bia đỡ đạn để bạn và các anh em ở hội Rooks tẩn cho trận cả. Game cơ chế combat vốn đã dễ giờ khi về cuối game lại càng trở nên dễ hơn khiến bản thân mình khi chơi về cuối chỉ muốn lòi ra đám nào đó mạnh hơn tí để còn chơi cùng.
Về cuối game cả 2 chị em đều trở nên quá imba dẫn đến game càng trở nên nhàm chán.
Về cuối game cả 2 chị em đều trở nên quá imba dẫn đến game càng trở nên nhàm chán.

Cốt truyện

Nếu như mới chơi Assassin’s Creed thì có thể coi cốt truyện của AC Syndicate nằm ở mức giữa, nó không hoàn hảo, nhưng là đủ. Câu chuyện của AC Syndicate vẫn là cuộc chiến xoay quanh việc tranh giành báu vật địa đàng giữa 2 phe hội sát thủ và hiệp sĩ dòng đền, nhưng giờ đây đan xen với nó là cuộc chiến nhằm giành lấy quyền kiểm soát thành phố London (GTA phiên bản thế kỷ 19). Cốt truyện cũng tự đặt ra câu hỏi cho chính người chơi đó là liệu thực sự cái tư tưởng tự do của hội sát thủ có đúng đắn ? Liệu việc tiêu diệt những kẻ thuộc hạ cấp cao của Templar sẽ giúp cho thành phố ? Ừ thì việc ám sát của Jacob sẽ ngăn chặn các vụ thí nghiệm vô nhân tính ở nhà thương, ngăn chặn việc buôn bán siro giảm đau gây hại cho người dân ở London, phá hoại hệ thống giao thông của lũ Templar, hay tiêu diệt cả thống đốc ngân hàng vì tham ô,… tất cả những hành động của Jacob : nghe thì rất chính nghĩa và anh hùng đó. Nhưng hậu quả của cái gọi là thực thi công lý, chính nghĩa đó lại là quá lớn : bệnh viện đóng cửa, thuốc giả thật lẫn lộn, giao thông vận tải ở London bị tê liệt, kinh tế bị lạm phát, lũng đoạn. London từ 1 thành phố được coi là trung tâm của cả giới về mọi thứ, bỗng trở nên yếu ớt đi rõ ràng. Liệu cái gọi là tự do, thành phố của người dân có đúng đắn ???
Cái gọi là TỰ DO liệu còn đúng đắn ???
Cái gọi là TỰ DO liệu còn đúng đắn ???
Về phía các nhân vật : 2 nhân vật chính là Evie và Jacob, cả 2 được phát triển tính cách theo kiểu khá phổ biến, kiểu một người thì nghĩ trước khi làm, người kia lại làm rồi mới nghĩ vậy. Jacob thì hành động hấp tấp, trẻ trâu và thiếu suy nghĩ bao nhiêu, thì Evie lại là người cẩn thận trước khi hành động bấy nhiêu. Jacob hẳn phải rất may mắn khi có bà chị như Evie, bởi nếu như không có Evie, có lẽ London đã sụp đổ từ lâu rồi. Dù cả 2 có tính cách khá thú vị, thế nhưng đáng tiếc là tương tác giữa 2 nhân vật này lại không có quá nhiều để phát triển mối quan hệ của họ, cũng ở cuối game mâu thuẫn cũng được giải quyết quá nhanh khiến mình cảm thấy không đủ thuyết phục.
Cả 2 đều ấn tượng nhưng cách phát triển thì mehhhh, và cách giải quyết mâu thuẫn cũng không đủ thuyết phục mình.
Cả 2 đều ấn tượng nhưng cách phát triển thì mehhhh, và cách giải quyết mâu thuẫn cũng không đủ thuyết phục mình.
Về phía các nhân vật phụ : về cơ bản họ giống như những người cung cấp thông tin cho bạn về các hoạt động ở thành phố và đều làm tròn vai của mình. Các nhân vật lịch sử dĩ nhiên vẫn xuất hiện trong game tiêu biểu có thể kể đến Alexander Graham Bell (cha đẻ của điện thoại), Charles Darwin (cha đẻ của Thuyết Tiến Hóa), Nữ Hoàng Victoria, hay thậm chí là người khiến bạn phải học lại thi lại khi lên đại học : Karl Marx (chủ nghĩa Cộng Sản),... mỗi người họ đều có những nhiệm vụ riêng, những ấn tượng riêng và câu chuyện của riêng về quá trình mà họ đã trở thành một phần lịch sử ra sao (Darwin đã bị chế giễu là giống khỉ khi ông đưa ra thuyết tiến hóa).
Về phía phản diện : Đám Templar trong game được khắc họa giống như là một lũ hám tiền, hám danh và tư tưởng độc tài muốn kiểm soát tất cả mọi thứ của London (bởi kiểm soát được London là kiểm soát được cả thế giới mà),và thực sự mà nói tầm ảnh hưởng của đám Templar lên thành phố là cực kỳ lớn, tên trùm cuối Crawford Starrick suốt từ đầu đến cuối game được khắc họa giống như một quý ông lịch lãm, có chút bạo lực và toát lên vẻ cực kỳ nguy hiểm, thế nhưng xong về cuối game hắn lại khá là… kèm theo đó là màn đánh boss cuối khiến mình hụt hẫng khá nhiều.

Đồ Họa

Đồ hoạ đẹp, ya đây vẫn là thế mạnh của dòng game (dù bug dính 1 tí), London thời kỳ Victoria được tái hiện vô cùng sống động với đống xe cộ, tàu thuyền đi lại trong game. Ubisoft đã được khắc họa phần nào sự đông đúc, náo nhiệt của một trong những thành phố có ảnh hướng lớn nhất nhì thời bấy giờ. Nếu rảnh tay hãy đi bộ hoặc lấy một cỗ xe ngựa và dạo vòng quanh London, đi đến cung điện Buckingham, hay nghe thử tiếng chuông từ tháp đồng hồ Big Ben,... đó là một trải nghiệm đáng để thử đó.

Tổng Kết

Assassin’s Creed Syndicate nếu bảo hay hơn con cừu đen Unity thì cũng không đúng mà dở hơn thì cũng chẳng phải. Nó đơn giản là khắc phục những điểm trừ của Unity, nhưng lại không tiếp nối được 1 số thế mạnh vốn đã có từ phần game trước, cộng với một cốt truyện quá ngắn, cũng như càng về cuối càng đuối khiến game chỉ đáng nằm ở mức tầm trung như Unity. Nếu như bạn đã trót đem lòng yêu quý thành phố London thì hãy chơi thử tựa game này. Mình sẽ cố gắng mua và hoàn thành nốt DLC Jack the Ripper của game, bởi biết đâu nó sẽ thay đổi cái nhìn của mình về phần game này ?

Chấm Điểm

Điểm cộng :
Đồ họa đẹp dù là game ra thời đầu của hệ máy PS4 và XBOX ONE
Hệ thống Stealth đã được cải thiện
Nhân vật lịch sử thú vị
Hệ thống băng đảng và một số side quest ổn
Điểm trừ :
Cốt truyện càng về cuối càng đuối dần
Side quest vẫn bị lặp
Gameplay combat đã giảm tính thử thách đi rất nhiều
Hệ thống Gear hạn chế
Parkour quá an toàn dẫn đến nhàm chán
Tổng kết : 7,25/10