Tuần làm việc cuối cùng của 2023, lịch dày đặc những meeting tổng kết, đánh giá.
Thực ra 2023 không thể nói là một năm thành công với mình. Vậy là sau hơn 15 năm của chặng đường học và nghiên cứu kinh tế, mình đã chính thức quyết định chia tay con đường này. Thực ra cảm giác “chúng ta không thuộc về nhau” đã có từ một vài năm gần đây, nhưng để đi đến quyết định này cũng là cả một quá trình đầy những lưỡng lự, hoang mang, lo sợ.
Nhưng, thôi thì, đời quá ngắn để ngồi khểnh ấm mông ở một vị trí đủ ăn đủ tiêu không lo toan. Từ 2024, mình muốn thực sự lao vào cuộc đời, sống trọn vẹn với những thứ mình muốn, thực sự muốn làm. Và, có lẽ, là ở nơi mình thuộc về nữa.
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Anw, tuần này mình cày xong được 2 cuốn. Cuốn đầu là “Lột xác để trở thành nhà đầu tư giá trị” của Guy Spier. Không nghĩ mình thu được nhiều đến vậy từ một cuốn sách đầu tư. Cảm giác càng đọc về mấy ông đỉnh của đỉnh trong giới đầu tư này - Warren Buffett, Charlie Munger, Guy Spier, Monish Pabrai – mình càng cảm thấy vững tin hơn vào con đường sắp tới (tất nhiên mình không chỉ nói về đầu tư, mà về cả cách tiếp cận cuộc đời).
Ví dụ ở cuốn này, mình thực sự ấn tượng với cái thông điệp: việc hiểu bản thân, đặc biệt là những điểm mù, những thói quen suy nghĩ/cảm xúc, là quan trọng đến thế nào, để có thể chủ động lựa chọn và thiết kế cuộc sống, môi trường xung quanh khiến cơ hội thành công của bạn là cao nhất có thể. Ý tưởng về tránh sai lầm của Charlie Munger thì đã quá nổi tiếng, nhưng cách mà Guy Spier chia sẻ về việc ông đã thay đổi môi trường xung quanh như thế nào sau khi nhận ra những điểm mù khiếm khuyết của bản thân thì thực sự đáng trân trọng và học hỏi.
“Our environment is much stronger than our intellect. Remarkably few investors—either amateur or professional—truly understand this critical point” - Guy Spier
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Cuốn thứ 2 là “The tyranny of Merit(thực ra mình đọc chỉ vì đua đòi một con bé em mình rất quý cho tận 5* trên Goodreads, chứ mình không mấy mặn mà với mấy cuốn mới ra như thế này). Sách về một trong những chủ đề quan trọng nhất của kinh tế triết học chính trị ở thời điểm hiện tại: chế độ nhân tài (meritocracy) và những hạn chế của nó. Điểm cộng là khác với “Phải trái đúng sai”, cuốn này bác Michael Sandel thực sự bàn đến tận cùng, và đưa ra được một vài hướng cải thiện khá thuyết phục. Tuy nhiên, với bản thân mình thì việc đọc về những thứ quá vĩ mô, và cả việc bàn về những phong trào, chủ nghĩa, nó cứ xa xôi và mông lung thế nào ấy :(
Thôi thì, âu cũng là để một lần nữa nhận ra, mình chỉ thực sự hợp với những thứ vi mô, thực tiễn, có thể nhìn nhận, quan sát được từ chính cuộc sống mỗi ngày mà thôi.
Về nghe, tuần này mình có 1 thay đổi nho nhỏ trong cách tiếp cận, sau khi nghe lại số podcast của Tim Ferriss với Morgan Housel, trong đó có đoạn 2 ông chỉ ra tại sao việc cứ nghe hết số này đến số khác của podcast vô nghĩa đến thế nào. Không những chúng ta dễ quên ngay những thứ nghe được, mà ngay cả hành động nghe cũng chẳng phải là học.
Vậy nên mình quyết định từ giờ sẽ cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn, chỉ 1 đến 2 số podcast để nghe trong tuần, và cố gắng học, thực sự học được từ chúng, thay vì cưỡi ngựa xem hoa và để cảm giác nghe thêm được thứ gì đó mới mỗi ngày lừa gạt mình.
Và thực ra, đây cũng là một trong những số podcast hay nhất mình từng nghe. Có cái gì đó ở Morgan Housel khiến mình cuồng ổng vãi.
Câu quote mà mình chọn để suy nghĩ trong tuần:
“Burn old logs. Drink old wine. Read old books. Keep old friends” - Alfonso X
P.s.1. Và một bài nhạc ... nhộn. Chúc mọi người tối chủ nhật thư thái thảnh thơi nhé!
A Dreamer