Nếu bạn đã từng có một ngày nhìn vào mọi thứ mình đang có và cảm thấy… không gì cả. Bạn không buồn cũng không vui; bạn không hài lòng về những gì mình đang có nhưng cũng chẳng khao khát có thêm điều gì lớn lao hơn. Bạn sợ bước tiếp tới tương lai vì bạn nhìn thấy một vòng lặp đang diễn ra trước mắt, hàng ngày, hàng ngày. Bạn sợ bước vào guồng quay mà chính bạn đang lao theo mà chẳng điều gì có thể chấm dứt được. Mặc dù bên ngoài bạn có tất cả nhưng bên trong bạn vẫn cảm thấy có điều gì đó chưa đúng, bạn còn thiếu một thứ gì, bạn chưa trọn vẹn. Nó giống như một lỗ hổng, không thứ gì ở hiện tại có thể lấp đầy. Nếu bản cảm thấy thế thì bạn không chỉ có một mình.


Ăn, cầu nguyện, yêu là cuốn sách của Elizabeth Gilbert kể về hành trình diễn ra trong 1 năm để đi tìm chính mình của tác giả. Bắt đầu cuốn sách, cô cũng đã tự hỏi chính mình vì sao cô không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc hôn nhân hiện tại với người chồng mà cô đã lấy. Cô sợ hãi khi nghĩ về việc mình sẽ có con, đó là việc cô nên làm cho cuộc hôn nhân đã kéo dài 5 năm của mình, nhưng sao từ sâu trong đáy lòng mình cô lại không cảm thấy hạnh phúc về điều đó.


Cô từng nghĩ liệu có phải mình có vấn đề gì không?


Cuộc hành trình diễn ra 1 năm theo đúng như cô đã mô tả ở tên tác phẩm, ăn ở Ý, cầu nguyện ở Ấn và yêu ở Indo. Ba nơi cô đến cũng là ba nơi mà cô dần học được cách làm quen và yêu thương chính mình, để cho trái tim mình được lên tiếng. Cô học cách yêu một bản thể sâu bên trong, tiếng nói, cảm xúc của bản thân mà trước giờ cô chưa từng để ý đến tới.


Thời gian ở Ý để cô được tránh xa những điều khó khăn, những rắc rối tưởng chừng không sao có thể thoát ra được ở Mỹ. Cô cho mình thưởng thức hết tất cả những món ăn ngon, những thành phố đẹp mộng mơ và gặp gỡ những con người thân thiện. Ở đây cô học được cách tự chăm sóc cho thân thể của chính mình, học cách cảm ơn những thứ mà cô đang có. Cô hiểu ra mình không thể nào cảm thấy hạnh phúc khi chính thân thể mình đang hao mòn đi từng ngày mà không có gì bù đắp lại và cũng chẳng có điều gì quý giá hơn những thứ đang hiện hữu ở bên mình.


Bốn tháng ở Ấn Độ là thời gian để cô nhìn sâu vào bên trong nội tâm của mình, học cách làm quen với bản thể cao hơn của chính mình,và làm quen với thượng đế. Những trải nghiệm tâm linh mà cô có được và những người bạn mà cô quen ở Ashram giúp cô chữa lành cho những tổn thương trong tâm hồn và tha thứ cho những sai lầm mà mình đã gây ra. Cô học được cách khơi dậy tình yêu từ trong chính mình, một tình yêu vô tận tuôn trào mà không cần bất cứ một điều kiện nào bên ngoài cả. Cô thấy mọi thứ xung quanh mình trở nên thật đẹp, thật tuyệt vời, mỗi cành cây, ngọn cỏ, mỗi con người dường như đều chứ đựng trong đó những điều tuyệt vời của cuộc sống mà đến bây giờ cô mới có thể cảm nhận được.


Và những ngày cuối cùng ở Bali, Indonesia là thời gian để cho tình yêu trong cô được tuôn chảy. Cô có cơ hội trao yêu thương vô điều kiện cho những người bạn mà cô gặp được; và cũng được nhận tình yêu từ người yêu thương cô rất nhiều bất kể cô có làm gì đi chăng nữa, chỉ cần cô cứ là chính cô. Mỗi con người luôn có mặt tốt và mặt xấu, yêu thương một ai đó không phải là chỉ yêu bởi họ luôn nói và làm những điều tốt đẹp, mà yêu thương người nào là chấp nhận và học cách yêu luôn cả hai mặt hình thành nên một con người.


Hành trình của Liz cho chúng ta biết được trong mỗi chúng ta luôn tồn tại một cái tôi cao hơn, một tiếng nói bên trong luôn chỉ cho ta những điều sẽ khiến ta cảm thấy hạnh phúc trọn vẹn cho dù nó có thể đi ngược lại lỹ lẽ của lý trí, đó chính là tình yêu. Khi chúng ta học được cách khơi dậy tình yêu thương bên trong mình, để tình yêu thương đó tuôn chảy tự do thì mọi thứ trong cuộc sống sẽ tự động được lấp đầy.