Mình không phải là một người tìm hiểu sâu, hay có chuyên môn sâu trong lĩnh vực âm nhạc nhưng gần đây mình đọc được một đoạn nói về âm nhạc trong cuốn sách "Muôn kiếp nhân sinh" của tác giả Nguyên Phong và nó khiến cho mình suy ngẫm khá nhiều.
"Âm nhạc là cách cảm xúc trở thành âm thanh" - Sưu tầm
Nguồn: Pinterest
"Âm nhạc là cách cảm xúc trở thành âm thanh" - Sưu tầm Nguồn: Pinterest
Mình biết rằng nghe nhạc là sở thích hay đã trở thành thói quen của nhiều người. Mình cũng vậy, âm nhạc giúp mình tỉnh táo hơn, có hứng thú hơn khi mình ngồi học hay làm việc, thậm chí là khi nấu cơm và tất nhiên trong những buổi tụ tập bè bạn thì không thể thiếu đi âm nhạc. Nhưng tuỳ vào hoàn cảnh, tâm trạng hay cảm xúc ngày hôm đó mà mình lựa chọn nghe những giai điệu, những thể loại nhạc khác nhau.
Âm nhạc tác động đến cảm xúc của mình (người nghe) rất nhiều. Có những bài nhạc khiến mình cảm thấy buồn da diết, thấy nhớ nhung,... khi thì thấy thật yêu đời, khi thì cảm thấy thật hân hoan, thật nhiều động lực. Và chính những người nhạc sĩ, những nhà soạn nhạc đã thật sự rất xuất sắc khi thổi hồn vào những bản nhạc, khiến chúng chạm tới cảm xúc người nghe như vậy. Hay ở một cấp độ cao hơn thì dùng từ "thưởng thức".
Sẽ thật đẹp nếu những nhạc sĩ, họ thực sự rung động trước một sự kiện hay hoàn cảnh nào đó, rồi họ đem cảm xúc ấy truyền tải vào từng nốt nhạc và làm rung động người nghe. Nhưng không phải ai cũng làm được như vậy, nhất là trong thời buổi mà nhiều người cho rằng đồng tiền đứng trên tất cả. Họ không còn quan tâm tới vẻ đẹp của cảm xúc và âm thanh nữa, họ chỉ cần góp nhặt những nốt nhạc, rồi kết hợp tuỳ tiện, thậm chí chẳng cần có chuyên môn quá sâu mà tạo ra nhiều bản nhạc mang năng lượng không tích cực.
Hiện nay, một bộ phận giới trẻ không còn quan tâm đến cảm xúc mà âm nhạc truyền tải nữa mà dễ bị cuốn theo trend, chẳng cần quan tâm tới bài nhạc đó mang ý nghĩa gì. Hay một số bài hát mà giới trẻ đang nghe hiện nay mang lời bài hát với những thông điệp tốt bằng không, thay vào đó là thể hiện sự chất chơi, ngầu đểu. Chỉ cần có giai điệu bắt tai khiến người nghe phải đung đưa theo và đăng tải thật nhiều trên các mạng xã hội, khiến càng nhiều người biết thì người viết bài hát đó đã có thể kiếm bội tiền.
Mình đã không biết rằng âm nhạc mang tầm ảnh hưởng, tác động sâu sắc tới con người cho đến khi ngẫm lại những gì mình đã đọc trong cuốn "Muôn kiếp nhân sinh". Mình sẽ trích một đoạn ngắn và nguyên văn giống trong sách tại đây.
"Âm nhạc là sự giao tiếp phi ngôn ngữ, nó là cầu nối xuyên biên giới, kết nối con người ở khắp nơi, vì vậy mà nó có thể nhanh chóng phổ biến rộng rãi. Âm nhạc lan truyền theo nhiều cách thức và tác động trực tiếp đến tinh thần, cảm xúc, lối sống của con người khắp mọi nơi trên thế giới. Không phải tự nhiên các tôn giáo, các phong trào chính trị luôn coi trọng việc sáng tạo nên thứ âm nhạc ca ngợi đường lối, lý tưởng của mình, vì sự tác động của âm nhạc đến nhân tâm là vô cùng lớn. Đó là cách tiếp cận đại chúng nhanh nhất là hiệu quả nhất." - Nguyên Phong.
"Ngày nay, với các phát minh công nghệ, bắt đầu với radio, băng từ, đĩa than, đĩa nhựa, truyền hình, rồi CD, MP3 và sự bùng nổ của Internet, âm nhạc đã có thể lan tới khắp nơi, khắp chốn, tạo nên sự giao thoa, ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Điều này, bên cạnh những tác động tích cực khi di sản âm nhạc khổng lồ của nhân loại được chia sẻ rộng khắp thì đồng thời cũng tạo nên những hậu quả tai hại. Tiếng lành đồn xa, thì tiếng xấu cũng đồn xa, nhiều thứ âm nhạc cổ xuý cho bạo lực, phỉ báng tôn giáo, đề cao ma quỷ, hướng con người đến lối sống tuỳ tiện, quá khích, hưởng lạc, cũng lan tràn. Chỉ cần chúng ta dừng lại một chút nhìn ra xung quanh và suy ngẫm là sẽ rõ. Ông bà thử ngẫm mà xem, người trẻ hiện nay đa số đang nghe những loại nhạc gì? Và họ đang hành động ra sao? Có phải nhiều người trẻ đang sống vô cảm, ích kỷ và chỉ biết thụ hưởng hay không? Vì sao có một bộ phận sẵn sàng phá hoại, sống vô trách nhiệm, vô kỷ luật, thậm chí phỉ báng mọi luật lệ xã hội? Có phải không ít người đang sống thiên về bản năng, nhất là dục tính, thay vì lý trí không? Những hiện tượng này tràn lan nhưng có mấy ai biết đặt câu hỏi về căn nguyên của chúng. Dĩ nhiên, để dẫn đến một sự thay đổi về văn hoá còn có nhiều nguyên nhân, nhưng trên lĩnh vực âm nhạc, một lĩnh vực có ảnh hưởng lớn, thì ai là người có trách nhiệm đây? Phải chăng chính sự thiếu trách nhiệm của người nhạc sĩ cùng với sự sụp đổ các giá trị văn hoá, giáo dục, đạo đức, sự nghèo nàn của tinh thần, cộng thêm lối sống thực dụng chỉ chạy theo lợi ích, đã cộng hưởng, tạo nên vòng nhân quả hỗn loạn, ảnh hưởng đến tâm thức của thời đại và con người? Có bao nhiêu nhạc sĩ còn soạn nhạc vì những cảm xúc thôi thúc trong tâm hồn, vì một rung động nào đó trước lòng trắc ẩn và vẻ đẹp của đời sống, hay chỉ soạn nhạc theo đòi hỏi thị hiếu, trào lưu của thị trường để kiếm tiền hoặc mưu cầu danh tiếng? Tôi cũng tự hỏi, với tư cách là người yêu nhạc và biết soạn nhạc, có bao nhiêu nhạc sĩ ý thức được rằng họ phải chịu trách nhiệm về sản phẩm nghệ thuật của mình..." - Nguyên Phong.
Qua bài viết này, mình chỉ muốn nói rằng, sự sáng tạo của nhân loại là vô cùng và chúng ta chẳng thể khuyên ngăn hay lên tiếng để ai đó ngừng sáng tạo ra nhiều thể loại âm nhạc khác nhau cả. Điều quan trọng nằm ở người nghe và sự chắt lọc của mỗi người. Và khi một người, rồi một số người không còn nghe những thứ âm nhạc mà được coi là không tốt cho tinh thần nữa thì khi cầu không có, các nhà cung ắt hẳn sẽ cần thay đổi. Sửa đổi để nâng cấp âm nhạc của mình lên một cấp độ khác hơn để theo thị hiếu của thị trường âm nhạc khi đó, truyền tải được cảm xúc và khiến người nghe thực sự rung động.
Cảm ơn ai đó đã đọc tới đây!
Haley.