Nguồn tham khảo:
Hương vị trong mát và ngọt làng của tâm hồn con người là nghệ thuật. Văn chương lại chính là một trong những hình thái nghệ thuật bắt nguồn từ tâm hồn con người. Chắt lọc bao khoảnh khắc tâm đắc, bao tâm trạng khó quên, bao thay đổi thăng trầm để có cái gì đó rất riêng cho tâm hồn, nhà văn, nhà thơ dường như đã gửi gắm nỗi niềm riêng từ cái "ta" chung vào những "đứa con tinh thần" của mình. Và bước ra từ tâm hồn con người, tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" của Hoàng Phủ Ngọc Tường xây đắp bao cảm xúc, suy ngẫm về vẻ đẹp thiên nhiên đất nước dưới góc nhìn của nhà văn qua đoạn trích "Trước khi về đến vùng châu thổ...mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở".
"Ôi những dòng sông bắt nguồn từ đâu Mà khi về đến Đất Nước mình thì bắt đầu lên câu hát Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi..." (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm)
Rất lâu rồi, lời bình trong một bộ phim tài liệu về sông Hương có viết: "Đất nước có nhiều dòng sông nhưng chỉ có một dòng sông để thương, để nhớ như cuộc đời có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một tình để mang theo". Với sông Hương cho Hoàng Phủ Ngọc Tường nhiều hơn tất thảy kể từ khi là chàng trai thọc tay vào túi quần đứng huýt sáo trên cầu Tràng Tiền để nhìn trong bóng chiều Hương giang với cái tím kì diệu "nhân loại tím" của riêng Huế. Sông Hương ở Hoàng Phủ Ngọc Tường dường như đi vào trái tim người đọc.
Nguồn: Vntrip
Nguồn: Vntrip
"Có một huyền thoại vọng về từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: Vì yêu quý con sông xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm hoa đổ xuống cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho". Phải chăng đó là cách lí giải cho cái tên Hương giang - con sông gắn liền với Huế, gắn liền với tình yêu của Hoàng Phủ Ngọc Tường ? Tác phẩm "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" được viết năm 1981 trong tập bút kí cùng tên, khi tác giả đã sông bên bờ sông Hương, sống trong lòng Huế hơn bốn mươi năm trời, tình yêu máu thịt đối với quê hương cứ lớn lên từng ngày và nó hiện hữu mọi thời gian, không gian.
Và đến khi tác giả đọc Truyện Kiều giữa mùa thu, trong một khu vườn xưa cổ, nơi có những loài hoa đang nở, trái cây đang chín, yên tĩnh và thoáng đãng. Đó cũng là vùng đất nơi Nguyễn Du từng sống nên thiên nhiên của "mảnh đất Kinh xưa" đã in bóng trong thơ Kiều. Ngoài ra, sông Hương và Huế đã gợi cho Hoàng Phủ Ngọc Tường về hình tượng của cặp tình nhân lí tưởng Kim - Kiều. Chưa bao giờ em nhìn thấy một dòng sông nào đáng yêu đến thế. Sông Hương đến với Huế qua cái nhìn của Hoàng Phủ Ngọc Tường như đã mang hình ảnh một cô gái mỹ miều đến với tình yêu. Hãy nhìn ngắm nàng trước khi gặp Huế, đó là "một cô gái Di-gan phóng khoáng và man dại", "bản lĩnh gan dạ" và có "một tâm hồn tự do và trong sáng". Đó còn là hình ảnh "bản trường ca của rừng già" rầm rộ và mãnh liệt nhưng cũng có lúc "dịu dàng và say đắm giữa những dặm dài chói lọi màu đỏ của hoa đỗ quyên rừng". Nàng đã chế ngự sức mạnh bản năng của mình để đến lúc ra khỏi rừng già trở nên dịu dàng và trí tuệ.
Để đến với Huế, sông Hương phải trải qua một cuộc hành trình, phải chuyển dòng liên tục như một cuộc tìm kiếm thiết tha và rạo rực. Vô vàn địa danh mà dòng chảy ấy đã trải qua: Hòn Chén, Ngọc Trản, Nguyệt Biều, Lương Quán, Thiên Mụ..."Người con gái Di-gan" ấy đã đột ngột uốn mình theo một đường cong thật mềm nhưng "vẫn đi trong dư vang của Trường Sơn, vượt qua một lòng vực sâu dưới chân núi Ngọc Trản, để sắc nước trở nên xanh thẳm", nàng vẫn mang một vẻ trầm mặc như triết lí, như cổ thi. Cho đến khi gặp tiếng chuông Thiên Mụ, nghe âm thanh bát ngát tiếng gà, từ ấy sông Hương rạng rỡ như nắng mới. Nàng uốn một cánh cung thật nhẹ đến khi giáp mặt với thành phố, đường cong ấy làm nàng "mềm hẳn đi, như một tiếng vâng không nói ra trong tình yêu. Cái phút ban đầu để đến với "người tình" của sông Hương như thế đấy! Nàng đã tự làm mát mình để hiến tặng những gì đẹp nhất cho người yêu.
Cũng như tình yêu của sông Hương với Huế, tình yêu của Hoàng Phủ Ngọc Tường với sông Hương cũng là quá trình dâng tặng, khám phá và hoàn thiện của chính mình. Tuy nhiên, vì sông Hương là hóa thân của huyền thoại nên câu hỏi bâng khuâng từ một người Hà Nội khi lặng lẽ ngắm nhìn dòng nước này: "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vẫn là một nỗi vấn vương chưa có lời giải đáp và đã thành tên một thiên bút kí tuyệt vời ghi dấu nhân gian. Nét độc đáo trong cái nhìn Hoàng Phủ Ngọc Tường về thiên nhiên đất nước là nét vẽ đẹp của người nghệ sĩ đã tạo trong sự nghiệp sáng tác của mình. Dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai, "Ai đã đặt tên cho dòng sông?" vẫn sống mãi với thời gian. Và thật đúng với lời nhận định: "Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết".