Hàng năm, lứa sinh viên mới nhập học trường Đào tạo kinh doanh Stanford đều được đặt câu hỏi:

Bao nhiêu bạn từng nghĩ rằng hệ thống tuyển sinh của nhà trường có vấn đề nên mình mới được ngồi đây?”

Và mỗi năm, hai phần ba số sinh viên trong giảng đường lập tức giơ tay lên. 
Thật đáng kinh ngạc khi mà những tân sinh viên Stanford, những người được xem giỏi nhất, sáng dạ nhất nước Mỹ, những người đã vượt qua kì thi tuyển gắt gao cùng vô số kì tích và thành tựu cá nhân, lại mang nặng cảm giác thiếu tự tin vào bản thân đến thế. Nhưng sự thật là ngay chính những cá nhân xuất sắc nhất cũng không thể tránh khỏi cảm giác thiếu tự tin. 
Sau khi ra trường với một bảng điểm ổn ổn và một CV với nhiều “gạch đầu dòng đẹp”, tôi có được một công việc đúng chuyên môn ngay. Nhưng đời không như là mơ, những va chạm đầu đời khiến tôi không trụ được. Đùng một cái, tôi xin nghỉ. 
Nếu bạn nào từng nhảy việc nhiều lần có thể sẽ từng trải qua cảm giác này: hào hứng vì đã thoát khỏi công việc tệ hại; cảm giác thanh thản. Nhưng cảm giác này sẽ chóng qua. Tệ hơn nữa, gần như tất cả các công việc tôi ứng tuyển sau đó đều bặt vô âm tín. Khoản tiền trong tài khoản cứ thế vơi dần, nỗi thất vọng về bản thân tăng lên.
Đó là những ngày tháng mà tôi không hề muốn quay lại. Tuy nhiên, dù chẳng mấy vui vẻ, đó lại là quãng thời gian tôi học được nhiều thứ, mà tôi ước rằng giá như có ai đó đã nói với mình những điều này sớm hơn. Dưới đây là 4 điều mà tôi đã học được.

1, Tin tưởng vào bản thân, ngay cả khi không ai tin vào bạn

Emerson Csorba, đồng sáng lập và nhà tư vấn của Gen Y Inc., cho rằng thế hệ Y (những người sinh trong khoảng năm 1986 – 2000) dễ đánh mất sự tự tin, do họ luôn tự đánh giá và quá khắt khe với bản thân. Vì vậy, điều bạn cần làm học cách nhìn nhận công bằng với bản thân và cố gắng tìm ra những thành công và năng lực nho nhỏ của bản thân để ghi nhận. 
Một việc làm giúp đỡ người khác, biết chơi một môn thể thao, tự nấu được vài món đặc biệt… dù là điều đó nhỏ đến đâu, cũng đáng được bạn ghi nhận. Sự ghi nhận này khiến bạn lấy dần được lại sự tự tin. Đó như là một vòng xoáy, bắt đầu bằng việc lấy lại được một chút tự tin vào bản thân, bạn sẽ có cảm hứng để bắt đầu hành động. Thế rồi những tín hiệu tích cực đến, bạn sẽ càng tự tin hơn để hành động nhiều hơn. 

2, Thất bại theo một cách khôn ngoan

Những vấp ngã đầu đời mà tôi trải qua, giúp tôi học cách đối mặt với thất bại. Dũng cảm đối mặt với nó khiến tôi có thể tập trung vào tìm giải pháp để giải quyết vấn đề, thay vì lảng tránh, giấu diếm, hay chờ đợi “phép màu” xảy đến. 
Tâm trí chúng ta dường như từ chối xác nhận một thất bại, đó là cách để nó tránh đối diện với một thứ đau lòng. Tuy nhiên nếu bạn để ý, phần lớn mọi người sợ thất bại không phải vì chính nỗi thất bại, mà vì sợ cách người khác nhìn về thất bại của họ. 
Lời bình phẩm về thất bại của bạn có thể đến từ những người không ưa bạn, hoặc những kẻ rảnh rỗi luôn muốn dùng những lời bình phẩm về người khác để thể hiện bản thân. Điều bạn cần làm, là rút ra những phần tích cực, mang tính xây dựng nhất, và đừng quan tâm những người xung quanh nghĩ gì về thất bại của bạn.
Thế nhưng bên cạnh đó, hãy học cách sợ và tránh né những thất bại ngu ngốc – thất bại do bạn chủ quan, do bạn chưa tìm hiểu kỹ trước khi hành động. Đặc biệt là thất bại theo kiểu lặp lại lần thứ hai tương tự, điều đó thể hiện rằng bạn chẳng học được gì từ lần trước đó.

3. Phá bỏ những lề thói và quy tắc thông thường

Noah Kagan (nhà sáng lập của AppSumo), có một thử thách thú vị mang tên là “thử thách quán cà phê”. Bạn bước vào một quán cà phê, gọi bất cứ món đồ nào bạn thích, và tới lúc thanh toán, hãy hỏi xem… có được giảm giá 10% trên cả hóa đơn hay không. 
Đây là một điều khá thú vị, vì theo “quy tắc bất thành văn” thông thường, bạn sẽ ít khi “mặc cả” như thế tại một nơi sang chảnh như quán cà phê, vì sợ “quê”. Tất nhiên sẽ có nhân viên thu ngân hỏi ngược lại Noah là tại sao họ phải làm thế. Tuy nhiên trong một vài trường hợp, họ đồng ý thật, cố gắng tìm một coupon giảm giá nào đó, hoặc hỏi khách đăng ký thẻ thành viên. Dĩ nhiên, một triệu phú như Noah không làm việc này để kỳ kèo hay tiết kiệm được một ít tiền cà phê. Đó là cách ông thách thức các suy nghĩ thông thường.
Đôi khi, những quy tắc trong cuộc sống không đến từ bất kì logic nào hết, nó chỉ đến từ việc mọi người xung quanh vẫn quen làm như thế. Thay vì chấp nhận làm theo nhưng giả định đó, hãy thử tìm hiểu kỹ về nó và thách thức những giả định thông thường. Và đổi lại cảm giác ngại ngùng, sợ bị chê cười lúc đầu sẽ là một thứ vô giá: Sự trưởng thành. 

Đừng bị mắc kẹt bởi những quy tắc giáo điều -  đó là những thứ đến từ suy nghĩ của người khác” ~ Steve Jobs


4. Quá trình học tập chỉ thực sự bắt đầu sau khi bạn ra trường

Vào cái khoảnh khắc chụp ảnh kỷ yếu với tấm bằng trên tay, bạn nghĩ rằng cuối cùng thì mười mấy năm học hành của mình đã xong xuôi. Nhưng thực tế, có thể phần lớn những thứ bạn học được trên giảng đường chưa đủ để tạo ra nhiều giá trị trong công việc. Thời điểm khi mới ra trường mới thực sự là lúc bạn cần học hỏi mọi thứ, và học hỏi thật nhanh. 
Học hỏi là cách để bạn “kết nối những dấu chấm” giữa các vấn đề tưởng chừng chẳng liên quan, từ đó bạn có được cái nhìn tổng quát nhất về những thứ đang xảy ra xung quanh mình. Nhờ đó, bạn có thể nắm bắt được khi cơ hội tới, và thậm chí nhìn ra những cơ hội mà người khác không thấy. 
Những cơ hội thực sự được gọi là “cơ hội để trưởng thành” không nhiều, hãy dành thật nhiều thời gian học hỏi để sẵn sàng khi những cơ hội đó tới.  
Có lẽ nếu được hỏi là có muốn quay lại quãng thời gian trưởng thành đầy khó khăn đó không, câu trả lời của tôi hoàn toàn là không rồi. Thế nhưng, tôi biết, dù đau đớn và khó chịu đến thế nào, tôi biết đó là quãng thời gian tôi buộc phải trải qua, và nó cần thiết. Bởi vì: 

“Cái giá của sự trưởng thành là sự tổn thương, đắng cay, nhưng thành quả của nó cũng vô cùng ngọt ngào. Thời gian sẽ không chờ đợi ai, buộc bạn sẽ phải lựa chọn: hoặc là trưởng thành, hoặc mãi mãi là đứa trẻ trong dáng hình người lớn” .