Đợt vừa rồi ngồi tâm sự với anh, mình mới nhớ rằng, mình có một đứa trẻ bị tổn thương, đã phải lặng yên rất lâu trong trái tim. 
Năm 13 tuổi, ba mình mất. Mình không thích lúc nào cũng phải nhắc về mấy sự mất mát của gia đình. Nhưng, thú thật, là nguyên nhân chính cho sự sản sinh của đứa bé bị tổn thương bên trong mình. 
Năm ba mất, mình nghiễm nhiên thành tâm điểm của cả dòng họ. Tất cả mọi người nhìn vào mình và chỉ có duy một suy nghĩ: “Tội nghiệp con bé, ba nó mất sớm”. Anh chị mình đều đã hơn 25 ở thời điểm đó, nên mọi sự tập trung chỉ đổ dồn hết về mình. Mình nghĩ, có lẽ do cái tôi quá lớn chăng, mình bắt đầu từ chối hết tất cả sự thương cảm của mọi người xung quanh.
Mình còn nhớ, từ sau đó, mình không còn nghe những bài gia đình, tình cảm “sướt mướt”, vì sợ mọi người sẽ nghĩ mình nhớ ba. Mình cũng chẳng còn kể đủ thứ chuyện, hay mấy thứ đáng lo với nhà mình nữa. Ngược lại, để tỏ ra mình ổn, mình giả vờ vui tươi, cười nói như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Và đặc biệt, mình luôn cố gắng không phải khóc trước mặt người khác, sau khi chứng kiến quá nhiều nước mắt ở quá khứ. 
Năm lớp 9, với kỳ vọng cả nhà đều học trường chuyên, và với câu chuyện không phụ lòng bố, mình lại lần nữa thành tâm điểm gia đình, có điều lần này khắc nghiệt hơn. 
Cả năm học, mình đa số là sống trong nước mắt vì mấy cái áp lực “vô lý” từ người lớn, mà bây giờ, nhiều năm sau nhớ lại, vẫn còn là tiếng khóc thút thít, cùng mấy lời la mắng khắc nghiệt từ người lớn ngày đó. Có lần vì quá buồn, cũng như quá cô đơn, mình đành phải viết một bài dài tràn ngập nước mắt trên iOne.net. Sau này, bài viết lạc mất, mình cũng chẳng còn như xưa. Mọi thứ chỉ “nguội lạnh” đi sau khi mình đậu đúng nguyện vọng chuyên mà mọi người mong muốn. 
Có lẽ từ mấy khoảng thời gian đó, đứa trẻ tổn thương trong mình mới ngày càng lớn lên mà chẳng ai hay biết, kể cả mình. Thật ra mình nghĩ, có lẽ mình biết sự tồn tại của nó với những tổn thương vụn vỡ mà mình phải tích góp một mình bấy nhiêu năm nay. Nhưng mình cố tình bỏ qua chúng, hay bỏ qua những dấu hiệu đáng để tâm, là mình đang có vấn đề tâm lý cực lớn. 
Dẫu vậy, mình tin là, nhờ đứa trẻ đó, mà mình có khả năng suy nghĩ mọi thứ một cách khá lạc quan trong mọi tình huống, hoặc ít nhất mình luôn tỏ ra bình thường trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nếu mọi người cứ phải giả vờ cười nói suốt một thời gian dài, thì não bộ có lẽ cũng sẽ giúp chúng ta vui vẻ ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Có thể nói: “Mình chỉ buồn, khi mình muốn buồn”. 
Có một thoáng suy nghĩ, mình muốn sửa lại tên bài thành: “Mình có một đứa trẻ bị tổn thương”. Mình hy vọng chỉ có mình mình là phải trải qua mấy chuyện đau buồn-bất bình mình vừa kể trên. Chỉ là, có quá nhiều người bạn xung quanh mình, đều có mấy dấu ấn từ tuổi thơ luôn-muốn-được-quên-đi, có những người đã mãi để đứa trẻ ngủ yên tự lúc nào, có những người chẳng thể lặng yên được đứa trẻ luôn muốn sục sôi. 
Đứa trẻ trong mình, bây giờ đã thôi lớn lên, nhờ anh. Nhưng, nó luôn ở đó, khiến mình chưa biết thật sự biết phải mở lòng với những người xung quanh như thế nào. Nhưng mình tin là, khi dám chấp nhận có tổn thương, có nghĩa là đứa trẻ của mình cũng đang dần giảm đi phần nhiều. 
Mình hy vọng, mấy ai đang phải "chịu đựng" đứa trẻ tổn thương bên trong cơ thể, sẽ biết chấp nhận mở cửa trái tim một chút, một chút thôi cũng được, để họ có thể bước vào, và chữa lành bạn, nhé.