“Em không kẹp tiền vào hộ chiếu để xuất cảnh à”
“Sao lại phải kẹp 20 nghìn vào ạ?”
“Để làm thủ tục nhanh hơn”
“Thế thì chắc em không cần, cứ xếp hàng bình thường thôi.”


Đọc thêm:

Cuộc đối thoại trên là của tôi cùng một chị đi cùng chuyến xe đò sang Campuchia. Chị ở độ tuồi tầm 32 di chuyển sang để lao động còn tôi thì đi du lịch, tôi và chị ngồi gần nhau trên chuyến xe đò đó. 
Tôi lúc đó không hiểu tại sao phải làm thế vì như vậy là hối lộ là không tốt và tôi cũng cực ghét những hành động như vậy. Nhưng khi bạn thấy xung quanh bạn cả một đám đông làm thì có thể cũng sẽ thấy hơi nhột. 
Trong tâm lý học, có một hiện tượng tâm lý gọi là “ì tâm lý”, đó là một số người mặc nhiên thừa nhận điều gì đó theo thói quen, theo quán tính, theo đám đông mà không chịu suy nghĩ, không chịu phản biện. Điều này là hoàn toàn bình thường, không có gì sai trái cả và ai cũng có thể mắc phải.
Văn hóa lót tay hay đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn đã ăn sâu và thành một thói quen của cả một đám đông. Để khi kể cả ta làm đúng, đủ cũng cần phải có sự bôi trơn để mọi thứ thuận lợi. Từ việc nhỏ như chỉ xuất cảnh hay tiếp nhận hồ sơ cũng đã cần bôi trơn thủ tục. 
Hôm đó tôi đã quyết định không kẹp tờ 20 ngàn màu xanh vào hộ chiếu và anh hải quan vẫn kiểm tra, cho tôi đi như những người bình thường không có sự phân biệt hay khó dễ. 
Hối lộ, bôi trơn lỗi do người hay do ta? Đầu tiên phải nhìn nhận từ bản thân mình đã tiếp tay cho những hành động xấu, tự hình thành lên cái văn hóa hành động không tốt. Nhận thức của chúng ta bị tác động bởi những tư tưởng độc hại về sự luồn lách quan liêu. Để khi khác số đông, không làm điều đó tự mình cảm thấy bất an lo lắng có xong được việc hay không? Hay lại mất thời gian đi lại lần nữa. Bỏ tiền cho xong.

Đọc thêm:

Nếu không có ngưởi bỏ phong bì liệu có những người vòi vĩnh. Thực trạng này tồn tại ở khắp mọi nơi khi giờ mọi lời cảm ơn đều quy về những đồng polime xanh đỏ. Cha mẹ cảm ơn thầy cô giáo, bệnh nhân cảm ơn y bác sĩ và cả những lời cảm ơn khác nữa giờ đã được quy đổi thành dầy hay mỏng của phong bì. Thậm chí những phong lì xì giờ cũng trượt giá theo lạm phát không còn ý nghĩa may mắn, chúc phúc ngày tết.  
Đừng lên án xã hội hay một văn hóa độc hại nào đó khi chính mình còn đang tiếp tay cho nó. Ngừng việc sợ không được việc, sợ mất thời gian, sợ sai, sợ tốn công để cổ súy cho cái sai của bản thân. Thay đổi từ những hành động của bản thân trước khi yêu cầu xã hội thay đổi.
Tác Giả: Phạm Nam Hải - FB: https://www.facebook.com/hai.honho.7/