“HỘ CHIẾU VACCINE” – NÊN HAY KHÔNG?
Trường hợp thứ nhất, chị A là đệ tử chân truyền của môn phái xê dịch, với thái sư thúc là cụ Nguyễn Tuân, đã phát ngán với các loại hình du lịch kiểu “Apartment Tour” hay “Trải nghiệm kỳ quan thế giới hiện đại qua màn hình máy tính”. Một ngày đẹp giời, khi những căng thẳng do đại dịch tạm lắng, chị xách va li và bay đến một đất nước xa xôi để thỏa mãn cơn khát du lịch của mình. Tuy nhiên, khi hạ cánh xuống sân bay, dù đã chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, chị vẫn không được nhập cảnh, hoặc tệ hơn, là “a lê hấp” - bị các chú công an bớ lên sở cẩm.
Một trường hợp khác, anh B là fan cứng của hội “Yêu bếp, Nghiện nhà”. Sau một thời gian thất nghiệp vì đại dịch, đã tinh thông bảy bảy bốn mươi chín món ăn công phu được hướng dẫn trong group, anh mò ra tiệm ăn gần nhà để nộp đơn xin việc với mong muốn một ngày ngoi lên chức bếp trưởng tại đây. Tuy nhiên, dù đã có bằng cử nhân đại học, tay nghề nấu ăn cũng gọi là..., anh vẫn không được nhận dù chỉ là chân tạp vụ. Tệ hơn, khi phản ứng với chủ nhà hàng vì bất bình đẳng xã hội và kêu gọi cách mạng, anh bất ngờ bị hai chú công an bớ lên sở cẩm, để... làm bạn với chị A.
Điểm chung giữa hai người họ là gì? Đó là dù đã có đầy đủ giấy tờ tùy thân, họ vẫn không xuất trình được “Hộ chiếu vaccine”.
“Hộ chiếu vaccine” là một khái niệm mới, xuất hiện trong thời gian gần đây, khi việc tiêm vaccine ngừa COVID – 19 được tiến hành trên toàn thế giới. Theo ý tưởng của một số quan chức chính phủ, nhà lập pháp và cơ quan truyền thông, “hộ chiếu vaccine” là một dạng chứng nhận công dân đã được tiêm vaccine. Công dân cần phải xuất trình “hộ chiếu vaccine” cùng các loại giấy tờ tùy thân khi xuất nhập cảnh, đi lại trong nước hoặc thậm chí chỉ là ra vào các trung tâm thương mại, tìm việc làm...
Một ý tưởng mới thường kéo theo những ý kiến trái chiều, và “Hộ chiếu vaccine” không phải ngoại lệ.
Những người ủng hộ, họ nói gì?
Cựu Bộ trưởng Y tế Anh Stephen Hammond cho rằng hộ chiếu COVID-19 sẽ trở thành một thực tế của cuộc sống “cho dù chính phủ có quy định hay không". Nói với tờ The Guardian của Anh, ông David Nabarro, đặc sứ của WHO phụ trách chống dịch cho rằng nhân loại sẽ cần những giấy tờ như hộ chiếu vaccine trong thời gian tới. Ông Grant Shapps - Bộ trưởng Giao thông Vương quốc Anh nói: “Muốn đến Mỹ thì phải có thị thực Mỹ. Chứng nhận vaccine hoạt động theo cùng cách đó. Chưa chủng vaccine, chưa có kết quả xét nghiệm âm tính, thì không thể đi du lịch”.
Một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là những quốc gia có ngành du lịch chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế, đang tích cực vận động để “hộ chiếu vaccine” được đi vào thực tế, qua đó vực dậy ngành du lịch. Bà Ursula Von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói: “Nếu đã được tiêm chủng thì phải có giấy chứng nhận. Chúng tôi chắc chắn sẽ thảo luận trên bình diện Liên minh châu Âu để ra được những quy tắc chung”. Nội dung này hiện đang được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU diễn ra từ ngày 25 – 26/2/2021.
Vì sao họ phản đối?
Có nhiều lý do để người ta phản đối “Hộ chiếu vaccine”.
Thứ nhất, những người phản đối cho rằng nếu đi vào thực tế, “hộ chiếu vaccine” có nguy cơ gây ra tình trạng bất bình đẳng, phân biệt đối xử giữa những người đã tiêm vaccine và không tiêm vaccine. Ở những quốc gia châu Âu  vốn coi trọng giá trị tự do, “hộ chiếu vaccine” nếu có hiệu lực, sẽ làm hạn chế đáng kể quyền tự do, đi lại của công dân. Đây được xem là những biểu hiện mất tự do, dân chủ. Nên nhớ, ở nhiều quốc gia, việc tiêm vaccine ngừa COVID – 19 là không bắt buộc. Áp dụng “hộ chiếu vaccine” sẽ gây cản trở lớn với những người từ chối tiêm vaccine và vô tình đi ngược lại quyền tự do tiêm chủng vaccine đã được thiết lập.
Thứ hai, cho đến nay, hiệu quả của vaccine ngừa COVID – 19, kể cả những loại đã được tiêm chủng trên người, vẫn chưa được đánh giá một cách đầy đủ. Nếu một “hộ chiếu vaccine” được áp dụng phổ biến trên toàn cầu, đòi hỏi khả năng miễn dịch của những người được cấp hộ chiếu đó phải bằng nhau ở một mức độ nhất định. Những người phản đối bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả của vaccine, do đó cũng bày tỏ nghi ngờ về khả năng áp dụng rộng rãi của “hộ chiếu vaccine”.
Thứ ba, vẫn chưa có một giải pháp kỹ thuật cụ thể cho hộ chiếu vaccine. Đó có thể là một tấm giấy với đầy đủ thông tin cá nhân, lịch sử dịch tễ, lịch sử đi lại, hay chỉ là một hộ chiếu điện tử, với 2 thông tin bao gồm nhân dạng của 1 người và thông tin người này đã được tiêm vaccine hay chưa. Điều này làm dấy lên lo ngại ảnh hưởng đến quyền riêng tư và nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng.
Bên cạnh đó, cũng có những người trung lập cho rằng không nên biến hộ chiếu vaccine thành một quy định bắt buộc, mà nên là một sự lựa chọn. Ví dụ, nếu một người nhập cảnh không có hộ chiếu vaccine thì vẫn có thể sử dụng biện pháp khác như xét nghiệm nhanh.
Đánh giá của chuyên gia Việt Nam?
Đánh giá về “Hộ chiếu vaccine”, GS.TS PHẠM QUANG MINH - chuyên gia quốc tế học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội bày tỏ không đồng tình với ý tưởng này. “Việc tạo ra những cuốn hộ chiếu thế này thực sự không cần thiết và nó tạo ra tình trạng đối xử phân biệt” – ông nhấn mạnh. Theo ông, dù các quốc gia đã rất nỗ lực, nhưng vaccine ngừa COVID – 19 hiệu quả thực sự vẫn còn rất ít. Với dân số trên 7 tỷ người, số người được tiêm vaccine chắc chắn là rất nhỏ. Nếu chỉ những người đã được tiêm vaccine ngừa COVID – 19 được cấp hộ chiếu và tự do đi lại, nó sẽ tạo ra một sự bất bình đẳng rất lớn trong xã hội. Một loại hộ chiếu như vậy sẽ hình thành sự ngăn cản, có thể nói là sự đối xử không bình đẳng với những người chưa có điều kiện hoặc không muốn tiêm vaccine. “Không nên áp dụng một cách rộng rãi, phổ biến hoặc khuyến khích một dạng hộ chiếu như vậy” – ông kết luận.
Đại tá, nhà báo HÀ MẠNH TƯỜNG, nguyên Phó Tổng Biên tập báo Quân đội nhân dân thì cho rằng, việc đối phó với một đại dịch toàn cầu, nguy hiểm và quy mô như COVID – 19 đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt, trong đó, có “Hộ chiếu vaccine”. Trên thực tế, đã từng có những biện pháp như vậy được áp dụng. Trước đây, khi châu Phi xuất hiện những đại dịch nguy hiểm như: sốt vàng da, rubella, dịch tả... thì thế giới đã phải sử dụng những giấy thông hành về mặt y tế. Mặt khác, nhìn từ góc độ kinh tế, lợi ích mà hộ chiếu vaccine đem lại có thể rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Nên nhớ trong năm 2020, ngành du lịch – lĩnh vực chiếm tới 10% GDP và 10% lao động của cả thế giới, đã bị tê liệt, làm thiệt hại hơn 1000 tỷ USD – một con số khổng lồ.
Trên thực tế, tại Israel – quốc gia dẫn đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa COVID – 19, các địa điểm giải trí như rạp hát, phòng gym và khách sạn đã mở cửa vào chủ nhật, nhưng chỉ mở cửa cho những người có “thẻ xanh” (Green Pass) – tức những người được xem là có miễn dịch. “Thẻ xanh” là một tài liệu do Bộ Y tế Israel cung cấp, chỉ có thể tải xuống bởi những người đã trải qua 7 ngày sau khi được tiêm mũi vaccine thứ hai, hoặc đã phục hồi khỏi COVID – 19 (Theo Reuters)
Bạn nghĩ sao về vấn đề này? “Hộ chiếu vaccine” – nên hay không?
"Hộ chiếu vaccine" - nên hay không?