9 câu hỏi chúng ta thường thắc mắc về ham muốn tình dục
Có lẽ hơn một lần bạn từng tự hỏi, liệu đời sống tình dục của mình có bình thường không? Bạn nghĩ về chuyện ấy có quá nhiều không?...
Có lẽ hơn một lần bạn từng tự hỏi, liệu đời sống tình dục của mình có bình thường không? Bạn nghĩ về chuyện ấy có quá nhiều không? Bạn làm tình nhiều hay ít so với người khác? Và bạn có nên quan tâm đến mức độ ham muốn của mình?
Thực chất, ham muốn tình dục là một chủ đề phức tạp hơn nhiều người nghĩ. Vì vậy, bài viết này ra đời nhằm giải đáp 9 vấn đề phổ biến xoay quanh “ham muốn tình dục”.
1. Chính xác thì ham muốn tình dục là gì?
Ham muốn tình dục là cảm giác thôi thúc một người muốn tham gia vào hoạt động tình dục.
2. Nó có giống với kích thích tình dục không?
Không hẳn là giống nhưng hai khái niệm này có liên quan với nhau. Ham muốn tình dục là về những gì đang diễn ra trong tâm trí bạn (ví dụ bạn đang chìm trong giấc mơ mây mưa cuồng nhiệt với cô nàng nóng bỏng nào đó). Trong khi kích thích tình dục lại thể hiện qua cơ thể bạn (như khi được vuốt ve thì cậu bé cương cứng hoặc cô bé chảy nước).
Sự nhầm lẫn xuất hiện là do ham muốn tình dục và kích thích tình dục thường hòa quyện vào nhau trong cùng thời điểm. Nhưng không phải lúc nào hai bạn này cũng kết nối với nhau. Bạn có thể đang cực kỳ “nắng” nhưng cơ thể lại không có dấu hiệu của sự kích thích (như không cương hay bị ướt ở vùng kín). Hoặc dưới ấy của bạn đang cương cứng/chảy nước nhưng bạn lại không muốn làm chuyện đó.
Điều này được gọi là kích thích không hòa hợp. Và cũng không có gì sai nếu bạn xảy ra tình trạng này. Người ta thường cho rằng phụ nữ có xu hướng không hòa hợp giữa ham muốn tình dục và kích thích tình dục hơn nam giới.
Điều này cũng lý giải cho những trường hợp bạn nữ bị ép buộc phải thực hiện hành vi tình dục (như cưỡng hiếp), dù miệng bảo không muốn nhưng bên dưới lại ướt sũng khi bị kích thích. Và đàn ông thấy thế lại bảo “cơ thể của em thành thật hơn em đó”. Không, phụ nữ chúng tôi bảo không muốn thì chính xác là không muốn. 🙂 Đó chẳng qua là phản ứng sinh lý khi có kích thích chứ không phải là dấu hiệu chúng tôi muốn làm chuyện đó. Đừng xem nhiều phim pỏn hay hentai rồi áp đặt vào phụ nữ ở ngoài đời.
3. Có kỳ lạ không nếu tôi chỉ cảm thấy kích thích khi người ấy chạm vào?
Ảnh: @h.alluci.nation
Chẳng có gì kỳ lạ cả. Đây được gọi là kiểu “ham muốn đáp lại” (responsive desire), phổ biến ở rất nhiều người. Ham muốn này sẽ không nảy sinh cho đến khi người đó bắt đầu tham gia vào hoạt động tình dục. Vì vậy, dù bạn đã cởi mở trong chuyện quan hệ với người ấy nhưng có thể sẽ không thực sự cảm thấy ham muốn cho đến khi người ấy bắt đầu vuốt ve bạn.
Điều này trái ngược với kiểu ham muốn tự phát (spontaneous desire). Trong bạn sẽ xuất hiện kích thích tình dục mãnh liệt ngay từ khi nhìn vào partner và nhận ra vùng cổ để lộ xương quai xanh vô cùng quyến rũ.
4. Làm thế nào để tôi biết được ham muốn tình dục của mình là bình thường?
Ham muốn tình dục của mỗi người là khác nhau và không có mức độ nào gọi là “bình thường”.
Ham muốn của bạn có thể thay đổi dựa trên những yếu tố như căng thẳng, loại thuốc bạn đang dùng và các yếu tố thể chất, cảm xúc, lối sống. Một số người muốn làm tình mỗi ngày hoặc nhiều hơn một lần một ngày; trong khi số khác hiếm khi hoặc không bao giờ muốn quan hệ. Có những người cần phải có tình cảm mạnh mẽ với ai đó mới nảy sinh hứng thú với tình dục. Nhưng cũng có người không cần hoặc thậm chí không muốn có mối quan hệ tình cảm với những người mà họ quan hệ tình dục. Người không cảm thấy hấp dẫn tình dục đối với bất kỳ ai có thể xác định là vô tính (asexual).
Bên cạnh đó, có khá nhiều định kiến sai lầm liên quan đến giới tính và tình dục. Một trong số đó là đàn ông nghĩ về tình dục 24/7, còn phụ nữ thì chẳng mặn mà gì chuyện chăn gối. Đúng là có một số hormone nhất định như testosterone liên quan đến việc tăng ham muốn tình dục, và thường được tìm thấy với mức độ cao ở nam giới. Nhưng việc sử dụng lý do này để khẳng định nam giới luôn “nắng” ở mọi thời điểm là vô lý, chưa kể vẫn không có căn cứ nào về mặt khoa học.
5. Thế có cái gì gọi là ham muốn tình dục quá thấp hoặc quá cao không?
Ham muốn tình dục khi được gọi là quá cao hay quá thấp nếu nó liên tục đi chệch khỏi quy tắc của bạn hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống và các mối quan hệ.
Một người có ham muốn tình dục giảm mạnh có thể do gặp vấn đề sức khỏe như trầm cảm. Ngoài ra, ngay cả khi tâm lý bạn muốn quan hệ khi trầm cảm, bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc kích thích thể chất hoặc đạt cực khoái. Vì sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não có thể khiến các tế bào não gặp khó khăn trong việc điều phối lưu lượng máu đến các cơ quan sinh dục.
Một vấn đề phổ biến khác có thể dẫn đến ham muốn tình dục thấp là do dyspareunia, một thuật ngữ y học chỉ cơn đau khi quan hệ thâm nhập. Có nhiều nguyên nhân gây ra cơn đau như viêm âm đạo, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, chứng đau âm hộ…
Còn về vấn đề ham muốn tình dục quá cao thì cũng có nhiều nguyên nhân như chứng rối loạn hành vi tình dục cưỡng chế (Compulsive Sexual Behaviour Disorder – CSBD). Chứng bệnh này có đặc điểm là không thể kiểm soát được các xung động tình dục mạnh mẽ, luôn thôi thúc người đó phải thực hiện các hành vi tình dục bất chấp những hậu quả tiêu cực.
Một trường hợp khác là ở một số người bị chứng rối loạn lưỡng cực, các giai đoạn hưng cảm được biểu hiện bằng việc quan hệ tình dục nhiều hơn mức bình thường. Người đó trải qua tâm trạng hưng phấn cùng với ít nhất ba triệu chứng cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ, cao độ trong hành vi và có thể bao gồm quan hệ tình dục nhiều hơn bình thường.
6. Ham muốn tình dục của tôi lên xuống chóng mặt, thay đổi liên tục như tàu lượn siêu tốc thì có ổn không?
Ảnh: @h.alluci.nation
Nếu bạn là con người, ham muốn tình dục của bạn sẽ luôn dao động. Giống như năng lượng và cơn thèm ăn vậy, ham muốn của bạn có thể thay đổi liên tục vì nó phản ứng với nhiều biến số trong não, cơ thể, các mối quan hệ và môi trường xung quanh.
7. Hormone ảnh hưởng đến ham muốn tình dục của tôi như thế nào?
Nhiều loại hormone có thể ảnh hưởng đến ham muốn tình dục trong suốt chu kỳ hằng tháng ở nữ giới. Dưới đây là cách ba hormone sinh dục do buồng trứng sản xuất được cho là có ảnh hưởng đến ham muốn tình dục.
+ Estrogen. Lượng estrogen cao có thể đóng một vai trò trong việc tăng ham muốn tình dục. Đây được cho là một lý do làm ham muốn ở nữ giới giảm xuống sau thời kỳ mãn kinh, khi buồng trứng không còn sản xuất nhiều estrogen nữa. Nó cũng giống với giai đoạn sau khi sinh con, nồng độ hormone này đột ngột giảm mạnh, khiến nữ giới không còn nhiều ham muốn tình dục.
+ Progesterone. Hormone này dường như có thể ức chế ham muốn tình dục ở một mức độ nào đó, dù các chuyên gia vẫn chưa chắc chắn bằng cách nào hoặc tại sao.
+ Testosterone. Như đã đề cập ở câu trên, testosterone là nhân tố chính trong cuộc chơi ham muốn này. Thực tế, nếu bạn không sử dụng biện pháp ngừa thai ức chế rụng trứng, và ham muốn của nữ giới có xu hướng đạt đỉnh ở giữa chu kỳ thì đó có thể là do hormone testosterone đang phát huy tác dụng. Khi estrogen của bạn tăng lên để chuẩn bị cho quá trình rụng trứng thì testosterone cũng vậy. Hai anh bạn cùng hướng đến mục tiêu giúp nữ giới cảm thấy muốn làm tình nhất vào thời điểm dễ thụ thai nhất.
Nếu bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai có tác dụng ngăn rụng trứng (như thuốc tránh thai kết hợp), bạn có thể không gặp phải tình trạng testosterone tăng đột biến giữa chu kỳ. Đó là lý do một số cô gái sau khi dùng thuốc tránh thai thì bị giảm ham muốn tình dục.
8. Điều gì sẽ xảy ra nếu người ấy có ham muốn tình dục cao hoặc thấp hơn tôi?
Điều này gọi là sự “lệch pha” trong ham muốn tình dục và vốn dĩ không phải là vấn đề. Nó cũng tương tự như chuyện bạn ghét ăn ngọt nhưng người đó lại mê bánh kem, bạn muốn ngủ lúc 10h đêm còn người đó là dân cú đêm chính hiệu.
Nhưng sự khác biệt trong ham muốn tình dục có thể gây ra bầu không khí căng thẳng nếu một bên đổ lỗi cho bên kia vì ham muốn quá cao hay quá thấp:
“Em/anh lúc nào cũng muốn làm chuyện đó, em/anh bị sao vậy?”
“Em/anh không bao giờ muốn làm trừ khi anh/em chủ động, em/anh bị sao vậy?”
Hoặc một bên tự trách bản thân vì sự mất cân bằng này: “Anh ấy không muốn làm tình với mình chắc do mình không đủ hấp dẫn.”
Để giải quyết vấn đề “lệch pha” này, hai bạn cần có cuộc nói chuyện cởi mở để tìm ra cách cải thiện và cân bằng nhu cầu của cả hai. Ví dụ như cùng tìm thời điểm hai bạn dễ hưng phấn nhất, nhờ sự hỗ trợ của thủ dâm, cân nhắc nguyên nhân “lệch pha” do vấn đề sức khỏe. Hoặc thử những cách thức khác ngoài làm tình để thỏa mãn nhu cầu hai bên. Suy cho cùng, tình dục không chỉ là quan hệ thâm nhập mà còn bao gồm những hành động như âu yếm, vuốt ve, hôn hít, dạo đầu…
9. Tôi có thể tăng ham muốn tình dục của mình không?
Trước tiên, bạn cần hiểu điều này: đừng nên quá tin vào các dòng quảng cáo về công dụng tăng ham muốn tình dục của các loại thảo mộc hoặc thực phẩm chức năng trên thị trường. Vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh những loại “thuốc kích thích tình dục tự nhiên” này có hiệu quả.
Ngoài ra, việc tăng ham muốn tình dục của bạn thực chất phụ thuộc vào lý do tại sao nó thấp ngay từ đầu. Nếu bạn có vấn đề sức khỏe ảnh hưởng đến ham muốn, chẳng hạn như trầm cảm hoặc cơn đau khi quan hệ, bạn nên nói chuyện với bác sĩ để có hướng điều trị thay đổi ham muốn phù hợp. Hoặc nếu gần đây, bạn và người ấy đang có chuyện xích mích thì hãy thử làm lành, tăng cường thân mật xem sao. Vì ham muốn tình dục có liên quan đến sự hài lòng, hạnh phúc trong tình cảm.
Nguồn thông tin: 10 Questions You’ve Always Wondered About Your Libido | SELF
.Ngưn.
Chuyện thầm kín
/chuyen-tham-kin
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất