Tây Du Ký là bộ phim đã đi cùng với mỗi chúng ta suốt thời thơ ấu với hành trình đến Tây Thiên thỉnh kinh dài 10 vạn 8 nghìn dặm cùng những kiếp nạn mà 5 thầy trò gặp phải trên hành trình đó. Ngoài sự xuất sắc đến từ nội dung phù hợp với đại đa số người xem không phân biệt tuổi tác. Phim cũng hàm chứa rất nhiều tầng ý nghĩa ẩn dụ khác nhau mà ít ai để ý tới.
Có khi nào bạn đã tự hỏi tại sao phải là 5 thầy trò Đường Tăng mà không phải nhiều hơn hay ít hơn? Vì sao tính cách của mỗi nhân vật đầy sự khác biệt và xung đột đến vậy mà lại có thể cùng nhau hoàn thành trọn vẹn cuộc hành trình? Hãy cùng mình khám phá về ý nghĩa của 5 thầy trò Đường Tăng ngay bây giờ!
1. Đường Tăng: Linh Hồn – Nghiệp Lực của con người.Bộ phim khởi đầu với một vị sư thời nhà Đường lấy hiệu là Đường Tam Tạng. Hành trình đến Tây Thiên lấy kinh đã được định ngay từ đầu của Đường Tăng khiến ta có thể liên tưởng đến mục đích sống hay sứ mệnh của một linh hồn đến với trần thế để hoàn thành nó. Linh hồn tuy không thể tự bảo vệ mình khi suốt cuộc hành trình Đường Tăng phải nhờ sự trợ giúp của các đệ tử, thậm chí là các bậc thần thánh trên cõi trời để vượt qua các kiếp nạn, nhưng mục đích của Đường Tăng, hay sứ mệnh của linh hồn là thứ giúp vị sư này cùng các đệ tử luôn giữ vững tinh thần và dìu dắt nhau hoàn thành cuộc hành trình.
2. Tôn Ngộ Không: Tâm – Trí con người. Trước khi đến với Đường Tăng để tu hành, Ngộ Không – đại diện cho cái tâm, trí là thứ luôn bay nhảy, từ đại náo Thiên Cung cõi trời đến Diêm Vương dưới địa ngục. Cái tâm lăng xăng, cái tâm khó trị, giống như hình tượng con khỉ leo trèo hết cành này đến cành khác không biết nghỉ. Quả thật, chúng ta có thể thấy một cách vô cùng rõ ràng là Ngộ Không đôi khi là kẻ trượng nghĩa, trẻ con và rất tốt bụng, thương yêu những người xung quanh, nhưng nhiều khi, hắn là kẻ ích kỉ, luôn luôn phán xét, kiêu căng và tàn bạo, giết người không ghê tay. Đó chính là sự dao động giữa thiện và ác. Do sự dao động này mà cái tâm khi tu cần phải có sự kiềm chế, do đó mà Bồ Tát đã ban cho Ngộ Không "món quà" Vòng Kim Cô đội lên đầu và tặng thầy Đường Tăng bài Khẩn Cô Chú niệm khi muốn trị Ngộ Không.Ngoài ra, những con số trong Tây Du Ký có dính đến Ngộ Không cũng mang đầy những đặc điểm của Tâm:- 72 phép biến hóa mà Tôn Ngộ Không học được ở chỗ Bồ Đề Tổ Sư là con số khớp tương ứng với 72 tướng của tâm trong Kinh Lăng Nghiêm, ý muốn nói rằng tâm con người có thể biến hóa khôn lường, từ dạng này sang dạng khác.- Chiếc gậy Như Ý và Cân Đẩu Vân của Ngộ Không cũng ẩn chứa hàm nghĩa sâu sắc qua con số cân nặng: 13500 cân, con số tương ứng với số nhịp thở của con người trong Hoàng Đế Bát Thập Nhất Nan Kinh, tức là đại diện cho khí độ của con người.- Cân Đẩu Vân lộn một cái bay được 108000 dặm, con số tương đương số dặm mà từ Đông Thổ tới Tây Trúc. Điều này tức ám chỉ rằng tâm chỉ cần 1 niệm cũng tới được Linh Sơn mà thành chính quả. Chỉ 1 niệm cũng có thể đắc quả tu hành.
3. Trư Bát Giới: Dục vọng, ham muốn của con người.Có thể thấy, trong con người Bát Giới sở hữu đầy đủ những tính cách thể hiện ham muốn của người như ham sắc, ham ăn, ham ngủ, lười biếng,... đến cái vũ khí của hắn cũng là cái bồ cào, cái vật dùng để gạt mọi thứ về phía mình. Vậy nên, hình tượng Trư Bát Giới trong Tây Du Ký thể hiện cho sự tham lam, những ham muốn của con người.Và những ham muốn này cũng góp phần không nhỏ khiến cho con người ta sa ngã, đối nghịch với cái Tâm (Ngộ Không) hướng đến điều tốt đẹp. Cũng bởi vậy nên Ngộ Không với Bát Giới cãi nhau rất thường xuyên, và mỗi khi Đường Tăng nghe Bát Giới mà không nghe Ngộ Không, thì lại gặp yêu ma quỷ quái, yêu ma quỷ quái ở đây cũng đại diện cho sự sa ngã. Đặc biệt phải kể tới lần đánh Bạch Cốt Tinh, cũng tại Bát Giới khích đểu Ngộ Không, khiến cho Tam Tạng đuổi Ngộ Không, tức là con người mất đi cái Tâm, cái Trí và bị cái dục chiếm kiểm soát, rồi lại bị yêu quái bắt.Cái Dục không được chú trọng ở Phật Giáo, do đó đến cuối cùng, Trư Ngộ Năng chỉ được xét công phò giá Đường Tăng, không được phong tước Phật, chỉ được làm Sứ Giả.
4. Sa Tăng: Trường năng lượng bao quanh mỗi con người.Sa Tăng hay Sa Ngộ Tịnh là một nhân vật siêng năng, cần mẫn và luôn luôn thầm lặng bảo vệ và phò giá Đường Tăng như chính chữ “Tịnh” trong tên. Trường năng lượng là một thứ không thể thiếu của mỗi con người dù không thể dùng mắt thấy, tai nghe nhưng chúng ta có thể cảm nhận được nó. Trường năng lượng là thứ luôn theo ta từ khi bắt đầu đến khi kết thúc đời người, dù cái thân hay cái tâm có làm điều gì sai trái, thì nó cũng không mảy may nghi ngờ mà luôn bảo vệ bất chấp tất cả.
5. Bạch Long Mã: Thân xác con người.Cuối cùng là chú ngựa luôn cáng đáng mọi thứ trên lưng, là đôi chân không thể thiếu của các thầy trò và cũng là đôi vai mang vác hành trang trên con đường đi tìm chân lý. Thân xác (chú ngựa) mang trọng trách vô cùng quan trọng khi là công cụ không thể thiếu cho linh hồn (Đường Tăng) có thể sử dụng và dựa vào khi thực hiện sứ mệnh trên cõi trần tục này. Chỉ đâu đi đó, cho gì ăn nấy và cũng phải gồng gánh cả 1 đời người.Hành trình đi thỉnh kinh trong Tây Du Ký cũng chính là hành trình một con người trở về với “ngôi nhà" bên trong mình.
Mỗi nhân vật trong phim đại diện cho một khía cạnh làm nên con người hoàn chỉnh. Khi tới được Tây Thiên, cũng là lúc thầy trò Đường Tăng đã trải nghiệm đầy đủ cuộc đời với những nỗi đau, mất mát, chấp niệm, vui buồn, sướng khổ để cuối cùng cũng rũ bỏ mọi tham, sân, si, trở nên giác ngộ và quay về bên trong.