Bạn có thể xem video tại:
People pleaser - hay được gọi là “hội chứng người tốt” - chỉ những kẻ cố gắng làm hài lòng người khác đến mức sẵn sàng hy sinh quyền lợi và cảm xúc cá nhân. Trong bài viết này, mình sẽ nói về nguyên nhân, biểu hiện và cách giúp bạn ngừng trở thành một người quá tốt.
Ảnh bởi
Ryan 'O' Niel
trên
Unsplash

1. Tại sao bạn mắc "bệnh người tốt"?

Thông thường, việc cố làm hài lòng người khác có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:

Do hoàn cảnh sống thời thơ ấu

Ngành tâm lý học luôn nhấn mạnh sức ảnh hưởng của thời thơ ấu trong việc định hình tính cách con người. Nếu các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc chấp nhận hoặc tha thứ cho những khuyết điểm của con trẻ, đứa trẻ sẽ lựa chọn lờ đi những mong muốn riêng của chúng để làm hài lòng cha mẹ.
Ví dụ, chúng ta lớn lên dưới một gia đình - nơi người cha dễ dàng quát tháo hoặc tức giận chỉ vì chúng ta ăn hơi chậm; hoặc người mẹ sẵn sàng đánh mắng khi ta bị điểm thấp. Lúc này, những mong muốn cá nhân không còn được ưu tiên nữa. Bản năng sinh tồn yêu cầu chúng ta nói và làm theo những gì người nuôi dưỡng ta mong đợi. 

Thiếu tự tin

Những người không có nhận thức rõ ràng về giá trị bản thân sẽ có suy nghĩ họ là người vô dụng và không thể thành công nếu không được người khác giúp đỡ. Do đó, họ cố gắng lấy lòng và không dám chọc giận những người xung quanh. Đồng thời, họ coi nhu cầu và sở thích của mình là không quan trọng, và cảm thấy mình sẽ không còn giá trị nếu không giúp đỡ được mọi người.

Mong muốn được hòa nhập

Hầu hết chúng ta, ai cũng muốn được yêu thích và được hòa nhập. Tuy nhiên, nếu nhu cầu này mạnh đến mức khiến bạn sẵn sàng đánh mất bản thân, thì rất có thể trong vô thức, bạn khao khát được chấp nhận, vô cùng sợ hãi việc bị từ chối và bị bỏ rơi.
Tóm lại, dù xuất phát từ nguyên nhân nào, thì việc mắc phải hội chứng người tốt sẽ khiến bạn bị người khác coi thường và lợi dụng, giảm chất lượng cuộc sống của bạn cả về vật chất lẫn tinh thần.

2. Dấu hiệu của một people pleaser

Bạn xin lỗi quá nhiều.

Bạn có nhận thấy mình xin lỗi quá nhiều không, thậm chí với cả những việc nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn?
Làm sai và nhận lỗi là cần thiết, nhưng bạn phải phân biệt giữa việc dám thừa nhận sai lầm với tự chỉ trích bản thân. Nếu bạn cảm thấy có lỗi từ việc trời mưa khiến bạn không thể đi hẹn hò với người yêu, hoặc thấy tội lỗi nếu không thể cho bạn bè vay tiền khi họ nhờ vả, thì đây là dấu hiệu chứng tỏ bạn luôn cố làm hài lòng người khác.

Bạn không thể nói "Không"

Ảnh bởi
Gemma Evans
trên
Unsplash
Nếu bạn thấy mình luôn quay cuồng với một đống công việc mà một nửa trong số đó đến từ sự nhờ vả của đồng nghiệp, hoặc bạn dành thời gian của mình để lắng nghe chuyện tình cảm của một người bạn một tháng thất tình 30 ngày trong khi bạn chẳng thích thế, thì rất có thể bạn là people pleaser. Bạn không thể nói “không” vì sợ làm người khác thất vọng hoặc tức giận.

Bạn tránh xung đột, không bộc lộ quan điểm và dễ dàng thay đổi để hợp ý mọi người.

Bạn có bao giờ giữ im lặng trong các cuộc nói chuyện ngay cả khi bạn bất đồng ý kiến với những người xung quanh? Hoặc bạn nghe theo quyết định của người khác dù bạn chẳng thích thế? Trong một nhóm bạn, bạn có xuất hiện với hình ảnh dễ tính, đi đâu cũng được, ăn gì cũng được, bảo gì làm nấy dù bên trong bạn cảm thấy khó chịu?
Tất nhiên là nếu có thể, chúng ta nên tránh những cuộc tranh cãi không cần thiết và chịu nhường nhịn một chút để giữ không khí thoải mái, nhưng việc nói lên ý kiến cá nhân cũng quan trọng không kém. Vậy nên, hãy cẩn thận nếu bạn đánh mất quan điểm, niềm tin của mình để hòa nhập với đám đông.

Bạn tìm kiếm sự công nhận

Bạn tự ti và thiếu cảm giác an toàn. Bạn luôn cần sự khen ngợi và khẳng định từ người khác để thấy tốt hơn. “Mày thấy tao có phải bạn tốt không?”, “Em có phải nhân viên sếp hài lòng nhất không?”, “Nếu em và mẹ anh rơi xuống nước thì anh sẽ cứu ai?” - những câu này hỏi một lần thì được, nhưng hỏi nhiều lần thì tức là bạn đang có vấn đề với lòng tự tin.

3. Một vài lời khuyên giúp bạn ngừng làm people pleaser

Biết rõ giá trị của bản thân

Nguyên nhân sâu xa của một people pleaser là sự tự ti, vậy nên trước hết hãy học cách tôn trọng và yêu quý bản thân. Biết mình muốn trở thành người như thế nào trong tương lai, biết rõ con đường mình chọn sẽ giúp bạn không đi vào những ngã rẽ khác chỉ để làm hài lòng người xung quanh.
Chính vì thế, hãy dành thời gian đánh giá lại bản thân mình. Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì, giới hạn của bạn nằm ở đâu, mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn trong tương lai?

Dành thời gian trước khi quyết định

Hầu hết những vấn đề trong cuộc sống đều không cần bạn quyết định ngay lập tức. Tuy nhiên, một people pleaser thường có xu hướng đồng ý luôn với mọi yêu cầu như phản xạ có điều kiện. Chính vì thế, nếu có ai đó nhờ vả bạn, hãy nói rằng bạn cần thời gian cân nhắc. Sau đó, quan sát cảm xúc và suy nghĩ thật kỹ xem bạn có nên nhận lời không. Nếu bạn có thể giúp đỡ được họ trong khả năng cho phép và vui vẻ với quyết định đó thì đồng ý. Ngược lại, đừng ngại từ chối nếu bạn thấy không thoải mái.

Học cách nói "Không"

Không phải mọi mối quan hệ đều sẽ chấm dứt khi bạn nói Không. Một người trưởng thành về mặt cảm xúc và đủ tôn trọng bạn sẽ dễ dàng chấp nhận lời từ chối của bạn. Sự chân thật và thẳng thắn là điều cần có cho một mối quan hệ lâu dài.
Nếu cảm thấy quá khó để nói “Không”, ban đầu, bạn có thể đưa ra những giải pháp khác mang tính thỏa hiệp hơn. Ví dụ, khi có người rủ bạn đi ăn tối nhưng bạn không muốn đồng ý, bạn có thể hẹn đi uống coffee vào một thời gian bạn thấy phù hợp hơn.

Tránh xa kiểu người độc hại

Khi bắt đầu học cách từ chối, bạn sẽ nhận ra những người thật sự muốn ở bên bạn vì chính bạn và những người chỉ muốn lợi dụng bạn. Kiểu người độc hại mình nói đến sẽ không tôn trọng giới hạn, niềm tin và các giá trị của bạn. Nếu bạn từ chối giúp đỡ họ, họ trở nên khó chịu hoặc tìm cách khiến bạn cảm thấy có lỗi. Tránh xa kiểu người này ra nhé.
Chúng ta lớn lên trong lời dạy bảo phải trở thành một người tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ người khác. Điều này là không sai, nhưng bạn đừng quên ưu tiên cảm xúc và nhu cầu của riêng mình. Hãy biết vạch ra một ranh giới lành mạnh và vừa đủ, để bạn không trở thành một kẻ ích kỷ chỉ biết đến mình, đồng thời có thể tạo nên một bộ phim mà bạn làm nhân vật chính và khiến những người khác phải tôn trọng.