*Bài này mình dịch lại từ bài viết "3 Simple Words Will Set You Free" của Niklas Goke. Các bạn có thể xem bài viết gốc tại đây >>> https://goo.gl/ZzvJSF
Ngày mà Robin Williams qua đời hồi năm 2014, thế giới mất đi một huyền thoại. Không có gì đúc kết sự vĩ đại của Robin tuyệt vời hơn phân cảnh được xem là đoạn độc thoại "đỉnh" nhất lịch sử giải trí: phân cảnh công viên trong bộ phim Good Will Hunting.
Sau khi bị xúc phạm nghiêm trọng bởi bệnh nhân của mình, cậu bé thiên tài Will, nhà tâm lí trị liệu Sean tung ra một nỗ lực cuối cùng để mở lòng chàng trai.
Vậy bây giờ nếu tôi hỏi cậu về nghệ thuật, có lẽ cậu sẽ đưa lại tôi chút này chút kia về mọi cuốn sách nghệ thuật trên đời. Michelangelo? Cậu biết nhiều về ổng đấy. Các tác phẩm xuyên suốt cuộc đời, những tham vọng chính trị, của ổng và Giáo hoàng, xu hướng tình dục, tất cả mọi thứ, phải không? Nhưng tôi cá là cậu không thể nói tôi biết cảm giác ở trong Nhà nguyện Sistine có mùi vị như thế nào. Cậu chưa bao giờ thực sự  đứng trong đó và ngửa đầu chiêm ngưỡng cái mái vòm mỹ miều của nó. Tôi đã từng được thấy rồi đấy.
Nếu tôi hỏi cậu về phụ nữ, có lẽ cậu sẽ cho tôi mấy cái tính từ túm gọn lại về hình mẫu ưa thích của riêng cá nhân cậu. Có thể cậu cũng từng làm chuyện đó vài lần rồi. Nhưng cậu không thể nói cho tôi biết cái cảm giác mở mắt thức dậy bên cạnh một người phụ nữ và cảm thấy hạnh phúc từ trong tâm khảm. 
Cậu là một đứa nhóc cứng cỏi. Khi tôi hỏi cậu về chiến tranh, và có lẽ cậu sẽ...ờm...quăng Shakespeare vào mặt tôi, đúng chưa? "Once more into the breach, dear friends." Nhưng cậu chưa bao giờ phải dính vào chiến tranh cả. Cậu chưa từng ôm chặt đầu người bạn thân vào lòng và nhìn anh ta trút hơi thở cuối cùng, ánh mắt cầu khẩn sự giúp đỡ."
Điều mà nhân vật của William đang làm chính là cho Will một cơ hội, dù thoạt tiên trông có vẻ không giống như vậy. Một cơ hội để nói "Tôi không biết." Một cơ hội để thừa nhận rằng cậu ta sợ hãi và mở lòng với cảm xúc của mình.
Chúng ta có thể thấy chuyện đó thực sự hiệu quả, bởi vì Will, trong suốt 4 phút dài đằng đẵng trên màn ảnh, không thốt nên lời. Cậu ta chỉ ngồi đó, hồn phách lạc trôi. Đây là một phân cảnh mà nhân vật chính chẳng làm gì cả, nhưng nó lại là điểm mấu chốt không chỉ trong phim mà với cuộc sống của tất cả chúng ta.
Dù bạn có đem cảnh này cho một người sinh trước bộ phim 10 năm hay một đứa sinh sau 10 năm xem, họ đều sẽ cảm được nó. Từ trước tới tay, chúng ta cũng đã được cho rất nhiều cơ hội để thốt lên "Tôi không biết" trong cuộc sống. Nhưng cũng giống như Will, chúng ta thường bỏ qua nó. Điều này khiến nội tâm của chúng ta trở nên khốn cùng.
Tại sao chứ?

Cái tôi vụn vỡ

Có thể chuyện đó xảy ra sau khi bạn tốt nghiệp đại học. Hoặc lúc chân ướt chân ráo bước vào đó. Có thể là khi bạn có công việc đầu tiên, hoặc có khi là vừa kết thúc trung học. Nhưng chắc chắn đến một lúc nào đó, bạn sẽ chợt ngộ ra:
Tôi chẳng biết quái gì về cuộc sống cả. Tôi không biết phải làm gì và tôi cũng không thể hình dung làm sao có thể hiểu được hết cái đống này nữa. 
Đó là một trong những khoảnh khắc bạn cảm nhận được "mặt trời chân lí chói qua tim", bởi vì nhân sinh quan của bạn đã thay đổi mãi mãi. Cái tôi vụn vỡ là điều mà mọi nhân sinh đều phải bước qua. Nhưng theo Simon Sinek, có một nhóm người phải trải qua sự kiện đầy đau thương nhưng quan trọng này từ rất sớm: mấy đứa millenials. 
Lí do mà thế hệ của tui trở nên khác biệt không phải vì độ tuổi mà là cách tụi tui phản ứng với chuyện này.
Tụi tui nghẹn họng cmn luôn.

Một lâu đài cát khác

Sean càng nói thì thần thái của Will càng trở nên nghiêm nghị.
Nhìn cậu, tôi không hề thấy một người thông minh và tự tin. Tôi chỉ thấy một thằng nhóc ương ngạnh và hoảng lo.
Gương mặt thất thần của Will Hunting.
Cậu ta nghẹn. Cậu ta còn chẳng dám nhìn Sean. Trong khoảnh khắc ấy, cái lâu đài cát tượng trưng cho sự tự tin của cậu ta sụp đổ hoàn toàn. Đối với phần đông chúng ta, bước ra thế giới thực ngoài kia cũng có cảm giác tương tự.
Một khi chúng ta gánh lên vai cái gọi là "trách nhiệm với cuộc đời", chúng ta sớm nhận ra là mình chẳng có lấy một chút tự tin nào. Tui thấy có 2 lí do:
1. Chúng ta chưa đạt được thành tựu gì nhiều để mà tự hào.
2. Cả đời trước nay đều bị bố mẹ "dập" những điều ngược lại.
Lí do đều tiên thì bình thường rồi. Một lịch sử thành tựu thì cần cả hai phần là "lịch sử" và "thành tựu". Nhưng cái lí do thứ hai thì không. Ngày càng nhiều bậc phụ huynh úm mấy đứa con và biến chúng thành những người lớn nửa vời.
  • Khi bạn liên tục được bảo rằng mình đặc biệt, bạn trở thành một kẻ tự luyến.
  • Khi bạn có thể có mọi thứ, bất kỳ lúc nào, không phải trả giá, bạn trở nên tự mãn.
  • Khi mẹ làm giùm bài tập cho bạn, bạn quen thói nhận vơ công sức người khác.
  • Khi bạn nhận mấy cái huy chương tham dự (tham dự là có huy chương), bạn luôn cảm thấy mình không xứng đáng.
Tui không có nói họ là bố mẹ bạn, hay bố mẹ tui. Cái chính ở đây là có những phụ huynh thật sự làm mấy chuyện này, và tệ hơn là họ nghĩ họ đang làm đúng. Không có đủ thời gian để xây dựng cái tôi, và cũng không có nền tảng của sự tự tin để dựa vào, chỉ cần một khoảnh khắc cô đơn ngắn ngủi để chúng ta giác ngộ ra rằng, cái tôi được nuôi lớn chỉ để sụp đổ mà thôi. Đối mặt với thực tế cuộc sống, chúng ta bị buộc phải chối bỏ những cái sai của bản thân và như một đứa giả danh, cảm thấy xấu hổ nếu bị phát hiện.
Không may là, khác với Will, chúng ta không có nhà tâm lí trị liệu nào để đỡ ta dậy sau khi té sấp mặt.

ICQ

Việc chịu đựng cái sự thiếu hụt lòng tự trọng này bị che đậy vì chúng ta chịu đựng nó trong câm lặng. Chúng ta không được học sự tự tin mà chúng ta còn chọn sai cách đối mặt với sự thực là chúng ta không có tí tự tin nào. Bước qua tuổi trưởng thành, chúng ta tách rời giá trị bản thân khỏi bố mẹ và gắn kết nó với những người đồng trang lứa nhiều hơn. Đây là một thay đổi quan trọng giúp chúng ta hoà nhập với thế giới thực: chúng ta học cách tin tưởng bạn bè.
Bước vào thế giới công nghệ chút nha.
Hồi tui 13 tuổi, mấy đứa trong lớp bắt đầu sử dụng một dịch vụ gọi là ICQ (vẻ giống Yahoo Messenger ở VN). Nó là ứng dụng nhắn tin nhanh độc lập lần đầu xuất hiện và ngay lập tức, tụi tui nhắn tin như điên. Ngoài giờ học, tui dành thời gian cho ICQ nhiều hơn bất kỳ đứa nào. Hầu hết đứa nào cũng vậy.
Dành cả thanh xuân để...
Tụi tui chat còn nhiều hơn gọi điện thoại, nhiều hơn gặp mặt nhau, nhiều hơn ra ngoài chơi. Bọn tuổi teen thì thường ít chat, nhưng bởi vì bản tính dễ bị nghiện, nên nghiện thì vẫn nghiện thôi. Thế là thay vì học cách tin tưởng bạn bè, chúng ta học cách tin vào công nghệ.
Bạn có thể thay ICQ bằng nhiều thứ khác - Facebook, Snapchat, Netflix, WhatsApp - năm tháng thay đổi, kết quả thì vẫn vậy. Thay vì học cách kiểm soát tâm trạng bằng serotonin, hoặc cảm giác được yêu với oxytocin, chúng ta dùng một khẩu phần chỉ có dopamine. Bài bạc, rượu chè, tình dục, hầu hết mấy đứa nghiện tìm đến thuốc từ thời còn teen. Chúng ta cũng vậy, chỉ là không bị "dán nhãn" mà thôi.
Thế là khi cái tôi tan vỡ, chúng ta chẳng biết tìm đến ai. Chúng ta cô độc với bản thân. Chúng ta nhìn mấy đứa đồng trang lứa qua những cái màn hình 4", 12" và 50" và chỉ thấy được trailer của đời tụi nó mà thôi.
"Đời tụi nó ngon còn đời mình tàn quá vậy. Mình không có để lộ chuyện đó được."
Thế là chúng ta nuốt nghẹn. Nuốt cho trôi. Và câm lặng, dán mắt vào từng từ từng chữ. ICQ.
Bạn biết nó viết tắt của cái gì không? "I seek you."

Lựa chọn nào cho ta?

Thấy Will bắt đầu rạn vỡ, Sean bồi thêm một cú nữa:
Và nếu tôi hỏi cậu về tình yêu, có lẽ cậu sẽ trích một bài thơ sonnet cho tôi nghe. Nhưng cậu chưa từng nhìn vào một người phụ nữ và cảm thấy mình thật mong manh. Biết rằng cô ấy có thể ngang hàng với cậu chỉ bằng một ánh nhìn. Cảm giác như Chúa gửi một thiên thần xuống trần gian này chỉ dành cho cậu mà thôi, người sẽ giải thoát cậu khỏi vực sâu địa ngục. Và cậu sẽ chẳng biết được cảm giác trở thành thiên thần của cô ấy là thế nào, nguyện ước rằng tình yêu cậu dành cho cô ấy sẽ trường tồn mãi mãi.
Vượt qua mọi trở ngại. Vượt qua cả ung thư. Cậu sẽ chẳng hiểu được cảm giác ngủ ngồi bên giường bệnh, bàn tay nắm chặt tay cô ấy suốt hai tháng trời, bởi vì bác sĩ biết "giờ thăm bệnh" chẳng có nghĩa lí gì với cậu.
Cậu chẳng hiểu về mất mát thực sự, bởi vì nó chỉ đến khi cậu yêu một thứ gì đó hơn cả bản thân mình. Tôi ngờ rằng cậu chưa từng dám yêu ai nhiều đến như thế."
Hệ quả của tất cả những thứ này, sự thiếu hụt tự tin, những ảo tưởng, công nghệ thay thế tình bạn thực sự và tình yêu chân thành một cách yếu đuối, là những thứ khiến chúng ta cứ mãi lẩn quẩn đi lòng vòng.
Khi chúng ta bước vào ngưỡng tuổi 20, rồi 30, rồi 40, chúng ta bắt đầu sống trong một thế giới mà ai cũng sợ phải thừa nhận nỗi sợ hãi ấy, để rồi tất cả chúng ta đều cô đơn và lạc lối.
Chúng ta cứ quen tay cầm điện thoại không phải vì thích "nước đến chân mới nhảy". Mà bởi vì chúng ta sợ nỗi cô đơn. Mỗi ngày, mỗi giây. Đến mức chúng ta chat không chỉ để chat, chúng ta chat để cảm thấy bớt khó chịu. Về cơ bản, chúng ta thiếu khả năng diễn đạt cảm xúc khi có mặt người khác.
Đứng thứ ba trong các nguyên dân gây tử vong cho những người độ tuổi 15-24 là tự tử. Cứ mười người trưởng thành thì có một người bị trầm cảm. 64% những người thế hệ millenial cảm thấy ngợp mỗi ngày khi đi làm.
Cách tốt nhất để chúng ta diễn đạt cảm xúc của mình là hai từ kêu gọi sự giúp đỡ: "Tui ổn mà." Sự nghiệp, tình yêu, tình bạn của chúng ta, tất cả đều ổn, và rồi chúng ta đều "lên bàn thờ" hết.
Lựa chọn kiểu gì vậy?

Cầu vồng lồng lộng

Mạng xã hội, truyền thông số, giải trí trực tuyến, những thứ này không xấu, cách chúng ta dùng nó mới là vấn đề. Chúng ta dựa dẫm vào công nghệ thay vì con người. Nó cũng phải là lỗi của riêng chúng ta. Công nghệ đến với chúng ta khi còn quá trẻ và rồi không dứt ra được.
Thứ mà chúng ta có thể dứt ra chính là nỗi sợ mở miệng ra và nói hết sự thật. Phải, chúng ta vẫn éo biết gì về cuộc đời cả. Sự thật đó không bao giờ thay đổi. Không phải ở tuổi 20 và chắc chắn là cũng không phải 85. Vậy còn mấy nỗi sợ vô lí xung quanh sự thật này thì sao? Chúng đều là sản phẩm của trí tưởng tượng thôi.
Nói ra những cảm xúc của mình là hoàn toàn bình thường. Bất cứ đâu. Bất cứ lúc nào.
Ngay cả ở đây, ngay khoảnh khắc này. Thử đi nào. Nói ra đi nào. "Tui không biết." Thấy không? Bạn được tự do thể hiện bản thân mình. Bạn không cần xin phép ai cả. Những người khác cũng đang chờ đợi điều đó cả thôi.
Nó không khiến những thử thách trong đời dễ hơn, chỉ là dễ thở hơn một chút. Hãy nhớ lí do vì sao chúng ta giao tiếp bằng công nghệ.
  • App này dùng để làm gì? Bạn sẽ dùng nó để nói chuyện với ai? Vì sao? 
  • Nó có giúp xây dựng sự tự tin cho bạn không? Hay phá huỷ nó?
  • Những điều bạn thấy có thật không? Hay bạn chỉ đang suy diễn?
  • Nếu không thể nói trực tiếp thì chuyện đó có đáng để nói không?
Chúng ta cũng cần phải đặt ra các quy tắc cho giao tiếp thời kỹ thuật số.
  • Khi ngồi cùng bàn với người khác, kể cả với những người bạn không biết, ai cần sự lưu tâm của bạn hơn? Người bạn trên Facebook xa xôi mà bạn hầu như không quen hay là người ở ngay trước mặt?
  • Khi đi chơi cùng bạn bè, sao còn mang theo điện thoại làm gì? Mang một cái thôi. hoặc để nhà hết. Đi chơi vài tiếng như vậy chẳng có vấn đề gì đâu.
  • Cái video mà bạn gửi cho mấy đứa khác hài lắm, nhưng chẳng phải sẽ vui hơn nếu bạn đợi đến khi cả đám có thể xem cùng nhau sao?
Những chuyện này không dễ dàng, nhưng làm đi làm lại, chúng ta sẽ thể hiện  được những sắc thái thật sự của bản thân. Tụi nó sẽ phải trầm trồ ngưỡng mộ bạn như cầu vồng lồng lộng sau mưa.

Tại sao chúng ta lại ở đây?

Mỗi khi bạn giấu đi một cảm xúc quan trọng, bạn cướp đi một cơ hội để thế giới biết thêm điều gì đó về bản thân. Nhưng đó mới là lí do chính chúng ta lại ở đây. Chúng ta đều đang chờ đợi.
Dù tất cả những lời mà Sean nói thẳng vào mặt Will đều đúng, ổng vẫn sẵn lòng, vẫn tò mò, tìm hiểu thêm về người bạn kế bên.
Tôi không thể tìm hiểu được điều gì về cậu bởi vì chả có quyển sách quái nào viết về cái đó hết. Trừ phi cậu muốn nói về bản thân, về con người cậu. Và tôi rất là háo hức. Tôi muốn lắm. Nhưng cậu đâu có muốn vậy, phải không? Cậu e sợ những điều mà mình có thể nói."

Thường thì chẳng có nhà tâm lí trị liệu nào ngồi cạnh chúng ta cả. Chỉ có một vài người ngẫu nhiên nào đó. Hoặc một bà mẹ đi cùng đứa con. Nhưng chẳng phải thế là đủ rồi sao? Giả như, khác với Will, chúng ta không để họ cứ thế mà rời đi?
Quay ngược trở về thời điểm đó. Trở lại lúc cái tôi vụn vỡ. Cảm giác khi ấy như thế nào? Nếu như bạn không nuốt trôi được nó thì sao? Nếu như, ngay khoảnh khắc ấy, bạn thu hết can đảm lại để nói ra: "Tui không biết. Chúng ta nói về chuyện đó được không?"
Dù rằng lần đầu bị như vậy là lí do chính định hình con người chúng ta hôm nay, sự thật là trong cuộc sống, chúng ta sẽ còn nhiều lần bị như vậy. Lần nữa rồi lần nữa, chúng ta nhận ra bản thân sợ hãi, cô đơn và không có lời giải đáp. 
Điện thoại cũng không có lời giải. Hay Facebook. Hay đồng nghiệp xung quanh. Vậy nên trong thực tế, chúng ta được tự do thừa nhận điều đó bất cứ lúc nào. Chúng ta biết chuyện đó tốt cho bản thân. Một trong những câu nói nổi tiếng nhất thế giới là từ 2000 năm trước, thốt ra từ một trong những người thông thái nhất:
Tôi biết là tôi không biết gì cả." - Socrates
Tưởng tượng xem chuyện đó nhẹ nhõm như thế nào. Tất cả những thứ mà bạn vẫn luôn muốn trút ra, nhưng chưa bao giờ dám - mọi cảm xúc, suy nghĩ, thắc mắc, ý tưởng - chúng đều bắt đầu từ đây.
Bạn không cần phải tỏ ra cứng cỏi. Bạn có thể nói ra cảm xúc của mình. Bởi vì tụi tui cũng đều không biết gì hết mà. Tụi tui không ý kiến. Tụi tui cũng không muốn bị đánh giá.
Khi bạn muốn tò mò, hãy để bản thân tò mò. Nói "giày đẹp ha" hay "ý thím là sao?" hay "sao tóc mày cắt được đẹp vậy?" Nếu bạn muốn cười to giữa chốn đông người, cứ cười đi. Và khi bạn không biết phải làm gì, hãy cho tụi tui biết.
Người đã dạy cho chúng ta bài học này, Robin Williams, đã sống như vậy dù là nhập vai nhân vật hay trong đời thật. Bác trêu đùa trên truyền hình trực tiếp trước hàng triệu khán giả và thoải mái chia sẻ những vấn đề của bản thân về nghiện rượu và bệnh trầm cảm.
Cũng như Will, bác đã cho chúng ta ba từ mà mang theo trong đó là tất cả niềm hi vọng của thế giới:
Tới lượt cậu đó, nhóc."