Thời đi học, mình không có nhiều kiến thức về bạo lực học đường. Nên khi nghe bạn bè tâm sự chuyện bị bắt nạt, mình không lường hết tổn thương của bạn. Không biết nên giúp đỡ bạn ra sao.
Tình yêu nào cũng cần sự hiểu biết. Nếu không, chúng ta khó là chỗ dựa vững chắc cho con em mình. Mình có em, cháu và những người bạn ở lứa tuổi đến trường. Điều đó thôi thúc mình tìm hiểu về chủ đề này. Mình nhận ra có rất nhiều điều trước đây đã hiểu sai.
Cùng kiểm tra xem bạn có lầm tưởng nào giống mình không nhé.

#1 Chỉ khi nào xảy ra tấn công vũ lực mới được coi là bắt nạt

Nhắc đến bạo lực học đường, đa số chúng ta thường tưởng tượng ra những trận ẩu đả, xô xát. Ở sân chơi, nhà vệ sinh, lớp học. Trên đường từ nhà đến trường và ngược lại. Những vết trầy xướt, bầm dập và ít nhất có vài người bị thương.
Thực chất bạo lực bằng vũ lực chỉ là một trong rất nhiều hình thức của bắt nạt học đường. Dưới đây là một vài hành vi bắt nạt phổ biến ở trường học; kẻ bắt nạt có thể trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp bắt nạt thông qua xúi giục những bạn học cùng lớp.
- Gọi bạn học bằng những cái tên mang tính chất trêu chọc: “Ê, con mập kia!”
- Chỉ trích bạn bằng lời nói mang tính chế nhạo: “Nhìn cặp kính mới làm mặt mày ngố chưa kìa!”
- Những cử chỉ đe dọa hoặc nhìn chằm chằm đầy đe dọa.Ăn cắp hoặc giấu đồ đạc của bạn.
- Phát tán tin đồn, cố tình phớt lờ và xa lánh người khác có chủ đích.
- Chặn đường gây hấn, đánh đập.
Những hành vi trên đây bị gắn thẻ “bạo lực học đường” khi kẻ bắt nạt thực hiện chúng lặp đi lặp lại trên người nạn nhân.

#2 Chỉ nạn nhân là người bị tổn thương

Khi xảy ra một vụ bạo lực học đường, cách giải quyết thông thường là xử phạt kẻ bắt nạt, kiểm tra thương tổn của nạn nhân. Trong khi đó, người chứng kiến thường không nhận được sự quan tâm.
Người chứng kiến hay còn gọi “kẻ ngoài cuộc” là những đứa trẻ nhìn thấy bạn bè bị bắt nạt nhưng không báo cáo cho người lớn hay đứng lên bảo vệ bạn.
Nghiên cứu chỉ ra, cả ba đối tượng: kẻ bắt nạt, nạn nhân và người chứng kiến đều chịu tổn thương về mặt tâm lý khi xảy ra một vụ bạo lực. Những ảnh hưởng tiêu cực này không hề mất đi mà kéo dài đến tận tuổi trưởng thành. Nhiều nạn nhân của bạo lực học đường sau đó ít năm đã trở thành kẻ bắt nạt. Nhiều kẻ bắt nạt sau này lại tiếp tục có những hành động bạo lực ngay với gia đình mình.
Một thông tin nữa là người chứng kiến và nạn nhân chịu ảnh hưởng về mặt tâm lý như nhau. Những đứa trẻ này hằng ngày nhìn thấy bạn bè bị bắt nạt nhưng gần như không dám báo cáo với giáo viên. Chúng sống trong lo sợ và cảm giác tội lỗi. Một số ít còn có khao khát âm thầm về việc trở thành một kẻ bắt nạt trong tương lai.

#3 Bọn trẻ chỉ chọc ghẹo và không cố ý làm người khác tổn thương

Nhiều người lớn cho rằng con mình còn nhỏ và không hề ý thức hành vi gây rối ảnh hưởng thế nào đến nạn nhân. Điều này không hoàn toàn chính xác. Hầu hết những đứa trẻ đi bắt nạt cảm thấy mình rất “ngầu” khi thực hiện hành vi bắt nạt. Chúng nhận ra sự sợ hãi, cô độc, buồn bã trong mắt nạn nhân và điều đó làm chúng phấn khích. Những kẻ bắt nạt tận hưởng quá trình bắt nạt và cảm thấy thỏa mãn. Đó là lý do mà chúng liên tục lặp đi lặp lại hành động bạo lực với nạn nhân.
Đã có những đứa trẻ sợ hãi việc mỗi ngày đến trường, không thể tập trung vào học tập và nhiều lần định bỏ học.
Nhiều học sinh trải qua thời áo trắng mà không có bạn bè, một mình đến trường, thu mình một góc, ăn trưa một mình, chơi một mình.
Có những trường hợp thậm chí đã nghĩ đến chuyện tự tử để giải quyết vấn đề.
Chừng ấy điểm thôi đủ nói lên bắt nạt học đường không chỉ là chuyện của bọn trẻ. Chuyện của mấy đứa con trai, con gái mới lớn. Đó không còn là vấn đề học sinh có thể tự giải quyết với nhau, mà cần nhiều hơn nữa sự nhận thức, can thiệp kịp thời của giáo viên, phụ huynh và cả cộng đồng.
Nguồn tham khảo: The Bullies, the Victims, the Bystanders by Sandra Harris, Garth F. Petrie.