Thật tình cờ là chủ đề bài viết hôm nay trùng với thời điểm tôi vừa hoàn thành xong bài xã luận của mình. Bạn có thể đọc trọn vẹn bài viết của tôi tại đây. Với sự trùng hợp đó, bài viết hôm nay của tôi sẽ dựa vào nội dung của bài xã luận này kết hợp việc cập nhật một số thông tin mới nhất. 
img_0
Tôi chọn theo đuổi chuyên ngành kinh tế chính trị, mảng công nghệ trong ngành QHQT với chủ đề: Bán dẫn và an ninh quốc gia. Hiện tại, bạn có thể thấy bán dẫn là một trong những chủ đề được báo chí đưa tin rất nhiều. Bên cạnh báo chí, các công ty công nghệ lớn của Việt Nam cũng đưa ra các phát biểu về vị thế tương lai của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip toàn cầu. Những hình thức thể hiện này, trong QHQT, gọi là diễn ngôn. Điều tôi làm là xem xét xem những diễn ngôn chính phủ/ đại diện đơn vị sản xuất có thật sự quan tâm đến công nghiệp bán dẫn và xem chủ thể này quan trọng với sự an toàn của nền kinh tế quốc gia hay không. Tôi đồng thời cũng dựa vào tình trạng hiện tại của Việt Nam để đưa ra một số kiến nghị, chủ yếu là hướng đến thiết kế một khung chiến lược an ninh quốc gia đối với công nghiệp bán dẫn. 

Nền công nghiệp bán dẫn

Đối với chủ đề bán dẫn có hai thông tin bạn nên biết: 
Chuỗi cung ứng bán dẫn gồm 7 lĩnh vực, trong đó, nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tất cả các lĩnh vực của chuỗi cung ứng. Mô hình [1] dưới đây mô tả đầy đủ các lĩnh vực kể trên.
img_1
Thị trường bán dẫn bị thống trị bởi một nhóm nhỏ các công ty, trong đó, chiếm thị phần lớn là các công ty đến từ Hoa Kỳ, theo sau là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Các công ty được chia làm 4 nhóm: 
1. Nhóm công ty sản xuất thiết bị tích hợp (Integrated device manufacturers – IDM), bao gồm Intel, Samsung và Micron. Các công ty này có khả năng sản xuất trọn vẹn chip từ khâu thiết kế cho đến ứng dụng vào các sản phẩm đặc thù;
2. Nhóm công ty thiết kế chip nhưng không sản xuất (Fabless semiconductor company) bao gồm AMD, Apple, NVIDIA, Qualcomm, TI, Broadcom...;
3. Các công ty gia công chip (Foundry/ Fabs) dựa trên đơn đặt hàng, bao gồm: TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Company), UMC (United Microelectronics Corporation), SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corporation)…; 
4. OEM/ODM nhóm các công ty sản xuất thiết bị gốc (OEM) hoặc thiết kế gốc (ODM), bao gồm: Apple, Oracle, BMW hoặc Airbus. Các công ty này là nơi tích hợp sản xuất nhiều thiết bị điện tử ứng dụng chip, từ điện thoại thông minh, cơ sở hạ tầng IoT, phương tiện tự hành và phần mềm điều hướng máy bay.
Năm 2022, doanh thu từ ngành bán dẫn toàn cầu chỉ đạt dưới 600 tỷ đô, tăng so với năm trước khi tổng doanh thu đạt 595 tỷ đô. Năm 2023, doanh thu thị trường bán dẫn dự kiến chỉ đạt 532 tỷ đô la Mỹ - giảm 11% và tăng trở lại khỏang 25% vào năm 2024 do nhu cầu thị trường phục hồi.

Bán dẫn và an ninh quốc gia

Cách đây 2 ngày, tờ Reuters có bài đăng về việc Intel dự tính rút khỏi thị trường Việt Nam, tuy nhiên, theo Intel thì từ 2021 tới nay, công ty còn chưa có bước phát triển mới tại Việt Nam. Thông tin và các kế hoạch cụ thể về sản xuất chip, với tôi, là một khái niệm rất mơ hồ. Có hai điều mà tôi quan tâm khi quan sát vấn đề này: 
Một là, nếu bước vào chuỗi cung ứng, Việt Nam sẽ lựa chọn lĩnh vực nào để dấn thân? Điều này có nghĩa là, Việt Nam cần lựa chọn một cái ngách sản xuất để nhảy vào. 
Hai là, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ càng phụ thuộc vào nhập khẩu vì muốn sản xuất được chip, Việt Nam hầu như khó lòng mà đáp ứng được nguồn cung đạt tiêu chuẩn. 
Ba là, việc Việt Nam lựa chọn đơn vị hợp tác cũng thể hiện quan điểm chính trị của Việt Nam. Cân bằng nước lớn là chính sách mà Việt Nam vẫn luôn theo đuổi, trong trường hợp này, Việt Nam sẽ cần rất thận trọng.
Thực tế là, mô hình kinh tế của Việt Nam không giống với mô hình của các nước phát triển. Nền công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cũng chưa có một chân đế ổn định, cả về mặt chiến lược phát triển lẫn khung chính sách đặc thù. Do vậy, các lo ngại về an ninh mà các quốc gia, vùng lãnh thổ khác đang đối diện hoàn toàn có thể xảy ra với nền sản xuất non trẻ của Việt Nam hiện nay. Nếu muốn vươn mình vào bản đồ sản xuất chip, Việt Nam sẽ cần nhìn nhận tiềm lực kinh tế nước nhà để tìm được là sản phẩm sản xuất chủ lực hơn là chạy đua xây dựng nhà máy sản xuất. Dựa vào lịch sử phát triển của ngành bán dẫn tại Đông Á, điểm chung của các quốc gia thành công chính là việc chính phủ xác định mức độ quan trọng của ngành đối với kinh tế và an ninh quốc gia, từ đó triển khai các chiến lược phát triển đặc biệt. Một chiến lược quốc gia không những giúp quốc gia xác lập mức độ đầu tư phát triển mà còn có thể bảo vệ nền công nghiệp nội địa và hạn chế tác động của nước ngoài với kinh tế quốc gia. 
Cơ hội với ngành tôi nghĩ là có nhiều nhưng rõ ràng Việt Nam cần một chiến lược rất dài hơi và cần đầu tư rất nhiều tiền vào cơ sở hạ tầng mới đáp ứng nổi hệ sinh thái lớn mạnh như bán dẫn. Hành trình trở thành con hổ công nghệ tiếp theo của Việt Nam vẫn còn rất dài.
[1] SIA. (2016). Beyond border: The global semiconductor value chain. www.semiconductors.org