#2024Reflection 3 bài học mình có được từ năm 2024
Về sự nghiệp, phát triển bản thân và tài chính cá nhân
Năm 2024 với mình là một năm có thật nhiều cột mốc với nhiều trải nghiệm “up & down” từ trong ra ngoài. Mình sẽ dùng 3 từ/cụm từ để miêu tả về năm vừa rồi:
+ Spiritual (nên dịch thế nào sang tiếng Việt cho phù hợp nhỉ?): Năm nay mình được thực hành The Artist’s Way và có nhiều hoạt động để kết nối với con người bên trong hơn.
+ Quay về bản chất: Sau khi quay về bên trong là việc mình làm những thứ đúng với bản chất của mình. Có những cái từng muốn làm và chưa dám làm trước đây thì năm nay đã làm; có những thứ mình đã làm thì năm nay làm được nhiều hơn 1 chút.
+ Kỉ luật: Sự kỉ luật mình hướng tới trong năm nay 👉 “Discipline > Motivation”.
“Bánh xe cuộc đời” (Wheel of Life) là công cụ mình sử dụng để lên kế hoạch cho những năm gần đây, bao gồm 2024 và 2025. Chuỗi bài viết #2024Reflection cũng sẽ viết về bài học lớn nhất của mình trong từng mảng của “Bánh xe cuộc đời”.
Giờ thì bắt đầu thôi!
—-
1. Công việc và sự nghiệp: Khía cạnh pháp luật cũng là yếu tố để cân nhắc thời điểm nghỉ việc phù hợp
Công việc và sự nghiệp là một trong những ưu tiên lớn nhất của mình trong năm nay. Cột mốc nổi bật nhất tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của mình trước và sau nó trong năm nay là quyết định nghỉ công việc full-time.
Thời điểm đó mình khá là mông lung, Mình đã có ý định nghỉ việc, nhưng không biết nên nghỉ vào thời điểm nào thì thích hợp. Khi ngồi xuống để thật sự nghĩ về nó, mình bỗng nhớ ra khía cạnh pháp luật cũng là 1 yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình sau khi thông báo với công ty và sau khi nghỉ việc.
Thời điểm đó tinh thần của mình cho công việc đã có phần sa sút. Mình từng nghĩ:
+ Không biết có khi nào công ty là người ra quyết định cho thôi việc trước hay không? 😂
+ Nếu mình là người chủ động xin nghỉ việc, thì thời điểm nào dừng lại là phù hợp?
+ Mình có nên làm đến lúc hết hạn hợp đồng rồi mới nghỉ không?
Sau khi xem xét cho từng câu hỏi và từng trường hợp, mình quyết định làm đến hết hạn hợp đồng rồi mới nghỉ.
(Giải thích ra sẽ hơi dài dòng trong khuôn khổ bài viết này, nên nếu bạn tò mò, thì có thể xem Bộ luật Lao động 2019 từ Điều 35 đến Điều 39 😅)
Sau này làm hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp, mình còn thấy thời điểm nghỉ việc còn ảnh hưởng đến điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp 😅 (Chi tiết xem tại đây). Và thật may mắn là trong trường hợp của mình, nếu nghỉ việc sớm hơn thì có lẽ mình sẽ không nhận được trợ cấp thất nghiệp.
Tóm lại là, bên cạnh động lực làm việc, môi trường làm việc và tài chính, pháp luật cũng là yếu tố quan trọng để cân nhắc cho kế hoạch đồng hành cùng công ty/tổ chức mình đang làm việc để đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của mình nha mấy ní.
2. Phát triển bản thân: “Học đi đôi với hành”
Viết câu này có lẽ bạn sẽ thấy nó chả có gì mới.
Chắc là bạn từng gặp trường hợp đọc 1 bài blog, xem 1 video trên Youtube, tham dự 1 workshop,...rất hay, nhưng bạn vẫn không thể cải thiện hay thay đổi bản thân sau khi “học”.
Đấy là bởi vì mình “học” xong và thiếu thực hành.
Đây là điều mà mình học được từ công việc Đào tạo và phát triển (L&D) ở công ty cũ. Nguyên tắc 70-20-10 là nguyên tắc cơ bản mà bất kì người làm L&D nào cũng biết / phải biết.
Giải thích ngắn gọn là việc phát triển và cải thiện gì đó ở bản thân mình bao gồm 70% đến từ thực hành, 20% đến từ việc học từ kinh nghiệm của người khác và chỉ có 10% đến từ lý thuyết.
Khi mình làm L&D ở công ty cũ, nếu không làm rõ được sau khóa học, người học sẽ có những thay đổi thế nào và cải thiện thế nào sau khi học, khả năng rất cao hoạt động đào tạo này sẽ bị “chê” từ ban lãnh đạo và cả người học.
Đây là lý do vì sao những bài blog của mình sau này cho dù phân tích, tổng hợp nhiều và hay đến đâu, phần cuối cùng vẫn luôn là cách làm thực tiễn mà mình đã áp dụng để thực hiện được những điều mình vừa rút ra để bạn đọc có thể tự áp dụng cho mình.
❓Quay lại, thế mình đã áp dụng “Học đi đôi với hành” như thế nào khi muốn bản thân thay đổi / phát triển ở 1 thứ gì đó?
Lấy ví dụ khi chọn khóa học viết blog. Đây là cách mình chọn khóa học:
Bước 1: Xác định rõ thứ mình muốn cải thiện sau khi học
“Rõ” ở đây là cụ thể hành vi mình muốn làm được sau khi học trong việc viết blog là gì (tất nhiên nó cũng liên kết với thực trạng hiện tại của bản thân).
Ví dụ: Mình muốn viết blog đều đặn hơn, không phải đợi có cảm xúc mới viết. Mình muốn học kĩ thuật viết 1 bài blog của những bloggers viết lâu năm hơn mình.
Ở thời điểm đó, mặc dù đã lập trang blog trên Spiderum được hơn 2 năm nhưng tổng số bài mình viết chưa đến 30 bài.
Điều này có ý nghĩa gì với mình?
Khi viết đều hơn, mình được đáp ứng nhu cầu chia sẻ, nhu cầu thể hiện bản thân và đóng gói những thứ hay ho mà mình biết để sau này có thể đọc lại và nhớ.
Bước 2: Chọn khóa học
Bên cạnh xem những nội dung mình sẽ lấy được từ khóa học, mình sẽ tìm hiểu về “bài tập”, các sản phẩm (“output”) của người học (là mình) sau khi tham gia khóa học là gì, có nghĩa là mình sẽ làm được gì sau khóa học.
Nếu nội dung khóa học và “bài tập” phù hợp với cái sự thay đổi mình xác định ở bước 1 thì chọn khóa học đó.
Ở khóa học Writing On The Net, ngoài chuỗi nội dung gồm: cách tiêu thụ nội dung, cách đóng gói ý tưởng, cách triển khai ý tưởng, cách đặt tiêu đề blog,…, “sản phẩm” cuối cùng mà mình sẽ làm là tối thiểu 25 bài viết sau 30 ngày.
Điều này yêu cầu mình gần như mỗi ngày đều phải có ý tưởng và viết. Cộng với các kiến thức mà MỞ chia sẻ, vậy là đúng với mong muốn của mình 😊
1 phần của tập thể học viên/cựu học viên của MỞ - nơi mình học khóa học viết blog “Writing On The Net”
Cách làm này có thể áp dụng cho việc mình muốn học 1 cái gì đó, không nhất thiết là việc chọn 1 khóa học. Chẳng hạn như việc chọn 1 quyển sách, tự lên kế hoạch tập luyện để cải thiện sức khỏe,...
Và cũng vì lý do này, mà “học” liên tục cũng chưa chắc là tốt, bởi vì mình sẽ cần thời gian để tiêu hóa kiến thức —> áp dụng kiến thức đó, nhận feedback hoặc làm thất bại, rút kinh nghiệm, rồi mới cải thiện được.
3. Tài chính: “Mình đủ rồi”
“Đủ” ở đây là “đủ đầy”.
Đây là điều mình đã nhận ra sau vài tháng lên vị trí chính thức ở công ty (năm 2023) - khi mình có thể sắm sửa lại những thứ hỗ trợ tốt hơn cho cuộc sống.
Trước đó, mình thực tập tận 5 tháng và trước 5 tháng đó mình đi xuyên Việt cho nên hơi “nghèo” 😂 và mọi thứ chỉ ở mức “có vừa đủ để xài”. Nhiều lúc điều này cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của mình.
Sau khi trở thành nhân viên chính thức, mình nhận ra mình đang dần rơi vào guồng “kiếm được bao nhiêu, mình sẽ lên kế hoạch xài hết bao nhiêu”.
Khi nhận ra được điều đó và nhìn lại về nhu cầu sắm sửa cho bản thân, mình thấy hiện tại cũng khá đủ về mặt vật chất rồi, có thể những cái mình tiếp tục mua sẽ là những thứ “nice to have”, tức là có thì tốt, mà không có thì cũng chẳng ảnh hưởng gì.
Từ đó, mình cắt bớt những chi phí “nice to have” này để tiết kiệm nhiều hơn.
Trong năm 2023, có nhiều quyết định của mình bị chi phối, chỉ vì mình chưa có khoản tiền khẩn cấp này, và nó ảnh hưởng đến sự tự do của mình. Chính vì vậy, mục tiêu tài chính cá nhân của mình trong năm 2024 là có 1 khoản tiền khẩn cấp, dành cho những việc bất ngờ xảy đến mà mình chưa lường trước được.
Mặc dù hiện tại không phải là dư, ít nhất là năm nay mình đã để dành được 1 khoản cho việc khẩn cấp.
Vậy thì có thể năm sau sẽ đến giai đoạn là tiết kiệm cho dự định đầu tư và mục tiêu lâu dài, có thể sẽ dư 1 chút cho những sở thích, mong muốn cá nhân.
Kết
—
Ban đầu mình tính viết cả 8 mảng trong “Bánh xe cuộc đời” vào 1 bài, nhưng viết tới mảng thứ 3 mà bài dài quá rồi mọi người ạ. Mình xin phép dừng bài viết tại đây 😅
—
Năm 2024 là năm đỉnh cao đầu tiên của mình theo Nhân số học, mà con số thể hiện “cái đỉnh” này của mình là số 1.
Hôm vừa rồi mình xem lại 1 tập trong series Nhân số học của cô Lê Đỗ Quỳnh Hương nói về 4 đỉnh cao của 1 đời người. Cô bảo năm đỉnh cao mà lại là số 1 thì thật ra mọi thứ cũng sẽ đạt được một ít thành tựu nào đấy, nhưng sẽ theo kiểu là “giải quyết nợ nần” - giải quyết những gì chưa giải quyết được của những năm trước thì tới năm nay sẽ được giải quyết hết.
Mình thấy nó cũng đúng và mình cũng enjoy cái sự “xóa nợ” này. Với mình đó cũng là “thành tựu” rồi.
Tưởng tượng việc mình đi làm nhưng cũng có vài thứ không hài lòng ở công việc, nhưng không dám nghỉ. Hay việc đọc sách, xem video Youtube, tham gia nhiều workshop nhưng không mang lại hiệu quả thì nay cũng đã biết cách học thế nào là đúng (hơn 1 chút). Hay việc cứ chạy hoài cự ly 21km nhưng lại không thể hoàn thành 42km 🤷
Nhả vía cho bạn sự “đủ đầy” của mình trong năm nay để có sự đủ đẩy cho năm sau nhaaaa. (Nếu hiện tại chưa thấy mình đủ đầy)
Còn bạn, công việc, tài chính và việc phát triển bản thân của bạn như thế nào trong năm 2024?
Nếu đây là lần đầu bạn biết đến Nhung / kênh blog của Nhung, hãy đọc bài viết này👇
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất