HÀNH TRÌNH “RƠI RỚT” DỌC VIỆT NAM (FAQ | ĐẠP XE XUYÊN VIỆT 2022)
Có nằm mơ mình cũng chưa bao giờ thấy mình đạp xe từ Hà Nội về Cà Mau nữa :))
Chuyến đi của hơn 70 con người, đến từ 3 miền, cùng nhau tập trung tại Hà Nội đi chủ yếu bằng phương tiện xe đạp về cột mốc cực Nam của tổ quốc.
Mình không thường xuyên đi phượt, nhưng mình cũng thích trải nghiệm, có thể đó là một trong những lý do mình chọn chuyến đi như này. Vậy nên nếu bạn có dự định đi xuyên Việt như mình, bạn có thể lấy bài này là một nguồn tham khảo nhé!
Hướng dẫn sử dụng: Kéo xuống câu hỏi bạn tò mò nhất để đọc, vì cả bài dài thật sự =))
Dưới đây là một số câu hỏi mình thường gặp và cố gắng trả lời gọn nhất có thể.
Q: Mình đã chuẩn bị thế nào cho chuyến đi này?
Theo mình thì để đi được chương trình cần có 4 thứ: Tài chính, thời gian, sức khoẻ và niềm tin.
Tài chính
Tùy nhu cầu và khả năng tài chính của mỗi người nên không có mức chi tiêu cố định. Nhưng mình có thể cho bạn biết chi tiêu của mình trong chuyến đi này:
Tham khảo gợi ý chuẩn bị đồ của BTC tại đây.
Phí đóng cho chương trình: 4.800.000đ (Gồm chỗ ở, 3 bữa ăn/ngày, nước uống (nước lọc),... trong 45 ngày. Ngoài ra, thuốc men và dụng cụ sửa xe, ruột, lốp xe, miếng vá xe,...thì chương trình sẽ hỗ trợ một phần. Bạn nên tự chuẩn bị thêm hoặc dự trù 1 ít cho khoản này)
Vé máy bay từ Sài Gòn - Hà Nội: ~1.400.000đ (có thể do đi vào hè). Tuy nhiên, bạn có thể chọn đi tàu hoặc xe khách tùy nhu cầu của bạn.
Xe đạp: ~3.200.000đ, do hết hàng tặng nên mình được hoàn 300.000đ là còn 2.900.000đ (Săn sales trên Điện máy xanh. Có cửa hàng ở Hà Nội nên mình được freeship). Nếu có xe rồi thì khỏi phải mua.
Đồ trang bị thêm cho chuyến đi:
➤ Thuốc: mình mua các loại thuốc trị cảm, sốt và thuốc liên quan đường dạ dày, C sủi, Oresol, tăm bông, dầu gió,... là ~230.000đ
➤ Đồ trang bị thêm cho xe đạp (túi gắn ghi-đông, dây chằng đồ, bộ áo mưa, ống tay che nắng) (đặt online): ~284.000đ (Mình xin địa chỉ người quen ở Hà Nội ship ra luôn)
➤ Đồ mua thêm (kem chống nắng, kẹp phơi đồ, dây khóa xe đạp...): ~300.000đ
Tiền hostel ở Hà Nội (đặt trên Booking): 200.000đ (Do mình có hẹn riêng với vài người bạn nên chưa thể nhập đoàn sớm (ngày 29/6) mà ngày 1/7 mình mới chính thức nhập đoàn)
Chi phí ăn uống và vui chơi ở Hà Nội: mình dự trù là 600.000đ.
Chi phí sử dụng trong hành trình: mình thấy chi phí rơi thường vào 3 khoản cố định sau: (riêng chỗ này chỉ là dự trù của mình chứ thực tế mình không xài hết tiền này)
➤ Uống nước dọc đường: Tất nhiên BTC có hỗ trợ tiếp nước lọc cho mình, tuy nhiên đôi lúc việc mua nước mía, nước tăng lực,...trên đường cũng cần thiết. Khoản này mình cho 30.000đ/chặng
➤ Thưởng thức món ăn, đặc sản nơi mình đến: 60.000đ/tỉnh
➤ Đi du lịch tham quan: 100.000đ/tỉnh
Với mình, chia như này thì ổn, vì ở những tỉnh chỉ ngủ lại 1 đêm rồi sang hôm sau đi tiếp thì vừa đến nơi, ăn uống, tắm giặt là không còn thời gian ra ngoài chơi nữa, trừ những tỉnh/thành phố ở lại thêm 1 ngày để chơi như Đà Nẵng, Huế, Đà Lạt,...
Mọi người có thể tham khảo lịch trình dự kiến của đoàn để hiểu điều mình nói nha.
Còn lại là do mọi người linh hoạt chi phí.
Tổng cộng chi phí cho chuyến đi này là tầm 14 triệu.
Thời gian
Tình cờ là mình vừa quyết định làm hết tháng 6 ở chỗ làm rồi biết đến chương trình sau đó vài ngày luôn :))
Sức khoẻ
Theo quan sát của mình, mọi người ở đây đều có một nền tảng cơ bản về sức khỏe, có thể đến từ việc họ có thói quen tập thể dục.
Mình thì đã có thói quen và lối sống này từ hè lớp 11 đến giờ (từ tập gym đến tập theo các Fitness Vlogger). Vậy nên dù biết đến chương trình khá trễ (tầm 2 tuần trước khi đi), nhưng mình không lo về vấn đề thể lực, thậm chí rất hào hứng.
Nếu bạn có ý định tham gia chương trình năm sau thì có thể đăng ký những chuyến đi ngắn ngày để làm quen mọi người và tập thể lực (chạy bộ, Cardio,...) dần nhé. Mình nghĩ hãy tập trung luyện sức bền trước nhen.
Ngoài ra, Ban điều hành mỗi miền cũng tổ chức các buổi tập thể lực và kiểm tra sức khỏe trước khi đi. Theo mình nó vẫn nhẹ so với chuyến đi trong thực tế. Tuy chỉ tập 1 ngày mỗi tuần, nhưng mình hiểu BTC đang muốn mọi người biết rằng thể lực là điều kiện tiên quyết để bạn có thể đi Đạp xe xuyên Việt.
Niềm tin
Ban đầu mình thấy chỉ có 3 yếu tố trên thôi. Nhưng khi nói chuyện với nhiều người, mình thấy dù họ có đủ 3 yếu tố này (thậm chí thể lực còn hơn mình) chưa chắc họ đã nghĩ mình có thể làm được.
Q: Ăn uống, tắm giặt, chỗ ở, sự an toàn trong chuyến đi được đảm bảo thế nào?
Theo mình, chi phí đóng cho chương trình là rất rẻ cho 45 ngày đi từ Hà Nội về Cà Mau, nên mình không kỳ vọng quá cao chuyện ăn uống, chỗ ở,...
Ăn uống
Ăn uống sẽ do đội Hậu cần của đoàn đi chợ, nấu ăn cho tất cả mọi người.
Chỗ ở
Phần nhiều tụi mình ở chùa, phần ít hơn là trường học, ủy ban nhân dân, nhà thiếu nhi,...và đa phần đều có phòng tắm, nước sạch, chỗ giặt đồ và phơi đồ cho mọi người.
➤ Mỗi chỗ ở sẽ có một số yêu cầu đặc thù khác nhau. Ví dụ vào chùa thì chỗ ngủ khá là sướng, vài chùa họ đủ điều kiện thì họ nấu ăn cho cả đoàn nhưng dù chùa nấu hay đoàn nấu thì đều phải ăn chay,…
➤ Một số điểm nghỉ ở vùng sâu vùng xa như Nghệ An, Quảng Trị,...hay vùng cao như Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), Đạ Chais (Lâm Đồng),... thiếu nước sạch nên tụi mình phải đi “dân vận” (xin đi tắm, giặt đồ ở nhà người dân).
Sự an toàn
Trong đoàn sẽ có các anh, chị, em cũng đăng ký đi xuyên Việt nhưng đăng ký thêm vị trí:
➤ Ban An ninh: đảm bảo “sức bền” của đoàn (bằng cách đẩy các bạn nữ khi cần, nhắc nhở mọi người để đảm bảo an toàn trên đường đi,...). Trưởng ban an ninh là người dẫn đoàn (đạp trên cùng và không ai được vượt qua dẫn đoàn).
➤ Ban Kỹ thuật: bảo dưỡng xe (mức độ cơ bản), sửa chữa xe đạp hư cho đoàn. Nếu xe hư trên đường thì tụi mình sẽ chờ đội kỹ thuật chạy lên sửa xe. Trưởng ban Kỹ thuật là chốt đoàn và không ai được đi sau chốt đoàn.
➤ Ban Y tế: đảm bảo sức khỏe của mọi người trong đoàn, hỗ trợ, mua thuốc cho mọi người (mỗi khi bệnh).
➤ Ban Hậu cần: Đoàn được chia thành 6 nhóm. Mỗi ngày mỗi nhóm sẽ cử 1 người làm Hậu cần. Đội Hậu cần sẽ đi xe máy / ô tô đến điểm nghỉ trước để nấu ăn cho cả đoàn. Đoàn mình có vừa đúng 6 bạn không có xe đạp (chắc BTC tính trước rồi) để đạp xe của 6 bạn đi Hậu cần.
Hỗ trợ trong chặng đạp: tụi mình có tầm 2 xe máy để hỗ trợ tiếp nước (lọc) dọc đường cho đoàn.
Thông thường, tụi mình đạp 15-25km thì sẽ dừng lại nghỉ 1 lần (tùy thời điểm, tình hình sức khỏe của đoàn, thời tiết và địa hình) .
Mỗi lần đạp qua đèo: Phần nhiều BTC sẽ cho mọi người “deadline” để lên đỉnh, chứ không đi thành hàng như bình thường vì đường đèo lên dốc khá nguy hiểm, thêm nữa là mỗi người sẽ có thể lực, loại xe, tốc độ, nhu cầu chụp hình/check-in, nghỉ mệt,...khác nhau.
Khi mọi người đã lên đèo hết, tụi mình sẽ được yêu cầu kiểm tra lại thắng xe (phanh), để ban Kỹ thuật sửa chữa liền và hạ yên xe thấp xuống để lỡ trong lúc thả dốc xe bị đứt thắng (phanh) thì đưa 2 chân xuống để thắng lại 😂 Và khi thả dốc (của đèo), tụi mình sẽ thả dốc từng người một để tránh xe đụng nhau, cũng như va chạm các phương tiện khác trên đường.
Nhìn chung: về mặt tổ chức của đoàn về ăn uống, điểm nghỉ, sự an toàn của chuyến đi, mình thấy BTC làm khá tốt và mọi người hoàn toàn có thể yên tâm về cách tổ chức này.
Quan điểm cá nhân của mình là bản thân mình cũng phải ý thức và tự chăm sóc, đảm bảo an toàn của bản thân mình á (ví dụ: mình tự mua trước các loại thuốc cơ bản, tuân thủ những yêu cầu, quy định đi đường của các Trưởng Ban, chủ động né ổ gà :D,...)
Q: Một ngày điển hình của mình khi đi đạp xe xuyên Việt thì trông như thế nào?
Ngày đạp xe:
+ Thức dậy lúc 5:00 sáng. Ăn sáng, chuẩn bị đồ các thứ thì tầm 6:30 xuất phát.
+ Hôm nào đi 60 km thì trưa cỡ 11-12 giờ trưa đến điểm nghỉ..
+ Hôm nào đi nhiều hơn thì BTC sẽ cân đong đo đếm để chia độ dài chặng đạp sáng và chiều. Thông thường đạp 2 buổi (có dừng để nghỉ trưa) thì mình thấy tầm 4-6 giờ chiều sẽ đến nơi (tuỳ sức đạp, địa hình, thời tiết hôm ấy).
Thời gian còn lại chủ yếu để tắm giặt, sinh hoạt nội bộ, sinh hoạt tự do không nhiều (thường ít có thể ra ngoài đi chơi).
Ngày đi chơi: thường rơi vào các tỉnh/thành có thể đi chơi, ví dụ: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn,...
Giờ thức dậy thoải mái hơn. Thông thường được đi chơi đến 6h tối hoặc hôm nào ăn tối tự túc thì 8:00 hoặc 9:00 tối về.
Thông thường giờ giới nghiêm mỗi ngày là 10:30 tối.
Vì đoàn rất đông nên tụi mình phải sinh hoạt theo đoàn và theo giờ giấc của BTC.
Q: Trong quá trình đạp xe, mình tận hưởng điều gì nhất?
Thử thách
“Nếu có thể qua được đoạn từ Hà Nội đến Đà Nẵng, thì em dư sức đạp từ Đà Nẵng về Cà Mau và quay ngược lại Đà Nẵng” - Một anh trong đoàn
Theo mình, hành trình đạp xe sẽ bị tác động bởi sức khỏe của đoàn, địa hình, thời tiết của ngày hôm đó.
Thật ra mình thấy đoạn đường lên xuống đèo, dốc và phải có thể lực để đạp là từ Hà Nội cho đến Đồng Nai luôn, vì mỗi chặng đường đều có cái “khó” riêng của nó. Tất nhiên là BTC vẫn sẽ thiết kế những chặng đạp đầu ngắn, địa hình đường bằng phẳng để mọi người quen dần.
Các đèo tụi mình đi qua: Đèo Ngang (~2,3km), đèo Hải Vân (~20 km), đèo nối Bình Định và Phú Yên (có nhiều đèo nối nhau liên tiếp lắm, mình không nhớ tên :’( ), đèo Cả (~12km), đèo Khánh Lê (~29km),...và nhiều đèo nhỏ nhỏ khác nữa (từ vài trăm mét đến 1-2km).
Tuy nhiên, với mình, chính những thử thách này giúp mình tận hưởng trải nghiệm đạp xe và lắng nghe cơ thể của mình nhiều hơn, vì lúc nào cũng tìm và học cách vượt qua mấy con đèo, con dốc này. (Giống như khi làm việc dễ quá bạn sẽ thấy chán vậy đó).
Đạp xe từ Sài Gòn đi về miền Tây mới thật sự “chill” về thể lực, một phần vì đoàn đã được rèn thể lực trước đó, một phần là những chặng cuối phần lớn địa hình bằng phẳng (tụi mình hay bị buồn ngủ và phải uống cà phê/nước bò húc cho tỉnh ngủ =)) ).
Đôi lúc phải đi một mình:
Hai lần mình nhớ nhất là lần đi lên đèo Khánh Lê và chặng Đạ Chais - Đà Lạt (lên xuống dốc rất nhiều và cao).
Không phải vì mình không thể/không muốn đi cùng mọi người, mà mỗi người sẽ có cách đi khác nhau, nhu cầu dừng lại chụp ảnh khác nhau, mỗi người có thể lực, loại xe đạp, tốc độ,...khác nhau (như chỗ nói về “Sự an toàn” mình có nói).
Hai chặng này đều là 2 chặng BTC đặt deadline để tụi mình tự về. Khi ấy thật sự người mình phải vượt qua là chính mình. Nhưng sau 2 lần đó mình đều cảm thấy biết ơn bản thân, vì đã không bỏ cuộc mà đi cả chặng đường bằng chính con xe đạp của mình.
Suy nghĩ
Thật ra thì trong những lúc mệt mỏi, câu hỏi thường xuất hiện trong đầu mình là: “Mình đang cố gắng vì điều gì vậy?”
Những lúc chạy dưới cái nắng miền Trung, mình chỉ nhớ đến những con đường mà 2 bên có 2 hàng cây ở Sài Gòn thôi và nhớ ly dừa tắc ở Pasteur (Sài Gòn) nữa 🤣
Ngoài ra là những sự “phản tư” (self-reflection) về chuyện công việc, tình cảm, trải nghiệm, cuộc sống,...nè.
Ngắm cảnh đẹp và trải nghiệm
Cũng lâu lắm rồi kể từ khi vào Đại học, mình rất ít khi nào ra khỏi Sài Gòn hay đi du lịch. Chỉ có vài lần leo núi Chứa Chan và trong năm nay, mình vừa có chuyến đi Đà Lạt và Đà Nẵng vào nửa đầu năm 2022. Vậy nên, đa phần những cảnh vật đẹp và lạ với mình nằm ở chặng từ Hà Nội về đến Sài Gòn. Có những cảnh mình chỉ có thể nhìn đúng 1 lần đó với độ cao ghế ngồi chiếc xe đạp đó, tốc độ đó và những cảnh sắc lúc đó thôi. Còn khi về miền Tây, cảnh cũng khá quen thuộc nên mình không ấn tượng mấy, tuy nhiên cũng có vài cảnh khiến mình nhớ mãi.
Đi “dân vận”:
Khi đi xuyên Việt, mối bận tâm mỗi ngày của mình chỉ toàn không biết nhà vệ sinh ở điểm nghỉ có sạch không, có chỗ giặt đồ, phơi đồ không, đồ có kịp khô không,... thôi =))).
Nhớ lần ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) là vùng cao. Điểm nghỉ của tụi mình lúc đó là một quán cà phê Võng. Vì địa phương bị thiếu nước sạch nên chị chủ quán chỉ cho tụi mình đi vệ sinh, còn tắm giặt thì phải tìm chỗ bên ngoài. Tụi mình đi hỏi người dân xung quanh thì họ cũng nói ở đây thiếu nước nên phải tắm suối. May mắn là tụi mình tìm được nhà của cô bán tạp hóa có nhà tắm và 2 lu nước sạch. Nói thật là tụi mình cũng không dám xài nước thoải mái như những lần xin tắm nhờ trước. Đồ dơ tụi mình phải đợi sang điểm tiếp theo để giặt luôn.
Còn nhiều kỉ niệm khác nữa, nhưng kể ở đây chắc tới mai =))
Q: Có bao giờ trong chuyến đi mình muốn dừng lại chưa?
Đây là câu hỏi mình nhận được nhiều nhất từ mọi người trong và sau chuyến đi :D
Thật ra, mình LUÔN CÓ cảm giác này từ khi biết đến chương trình cho đến khi về Sài Gòn 😆
Lúc trước khi bay ra Hà Nội, mình sợ đủ thứ. Sợ không đủ tiền, sợ bị bệnh khi ở xa nhà, sợ khó sống trong tập thể và nhiều vấn đề cá nhân nhỏ to khác nữa.
Cách của mình là đặt vé máy bay, mua xe đạp liền ngay sau khi thông báo với ba mẹ về chuyến đi. Mình ghi ra hết nỗi sợ rồi đưa ra cách giải quyết những nỗi sợ lúc đó (sợ cái gì thì chuẩn bị cho cái đó). Nói chung, người ta nói “muốn đủ thì sẽ tìm cách, không muốn thì tìm lý do” đúng quá mà ;)
Còn trong hành trình, nhiều lúc đạp mệt quá (nhất là những chặng đầu), mình luôn nghĩ đến trường hợp nếu muốn về ngay thì làm thế nào :)) Mình cũng nghĩ ra luôn: chỉ cần đặt vé tàu, máy bay về Sài Gòn, còn xe đạp thì gửi tàu về. Dễ á mà. Nhưng mình tự cho đó là trường hợp xấu nhất, nếu vẫn còn chịu được thì chưa phải "xấu nhất", thế là đi tiếp :D
Q: Sau chuyến đi này, mình học được bài học gì?
Quan tâm người khác nhiều hơn
Chặng đi từ Thanh Hóa - Nghệ An là chặng dài nhất trong hành trình (142 km). Buổi sáng đoàn đạp đến 80km mà sức mình lúc đó còn yếu nên mình cũng đuối lắm. Mình đang đạp thì có một chị đi xe máy tiếp nước chạy lên nói với mình là:
“N ơi, muốn xuống xe máy chạy không. Tao buồn ngủ quá, tao muốn xuống xe đạp”
Lúc đó mình chỉ nghĩ chắc chị thấy mình mệt nên kêu đổi vậy thôi. Khi đến điểm nghỉ, mình nghe tin chị ấy bị ngã xe vì vừa chạy vừa ngủ.
Câu chuyện này làm mình nhớ mãi.
Còn vài câu chuyện nhỏ nhỏ khác nữa trong hành trình đủ khiến mình cảm thấy bản thân có nhiều lúc thật vô tâm. Đôi lúc, dù chỉ là những cái nhờ vả, quan tâm rất nhỏ nhưng mình lại bỏ qua. Những lần đó đủ khiến mình tự nhủ rằng sau này nhất định không được bỏ qua những lời nhờ giúp đỡ từ người khác.
Lắng nghe cơ thể của mình
Đây là bài học đầu tiên của mình trong chuyến hành trình này vì những chặng đầu mình luôn gặp tình trạng lúc đầu đạp rất “hăng”, về sau cứ “tụt” đoàn vì không còn sức để đạp. Sau đó, mình nhận ra là mỗi khi mệt trong quá trình đạp thì cần kiểm tra lại 3 thứ: Việc hít thở, tay và chân.
Và quan trọng là thay vì đợi đến lúc được nghỉ thì mới “nghỉ”, mình sẽ học cách vừa đạp vừa nghỉ trên hành trình (nó liên quan đến việc kiểm tra ở trên á). Sau này, thay vì đạp nhanh, mình học cách đạp đều từ đầu đến cuối.
Ngoài ra thì còn nhiều thứ khác nữa như phải học cách sử dụng xe đạp nè, tập thói quen quan sát địa hình từ xa để chuẩn bị tinh thần và sức đạp,... :>
70 con người đến từ 3 miền, độ tuổi khác nhau,...sống sao cho đặng?
(Không phải câu hỏi thường gặp nhưng muốn chia sẻ =)) )
Đây cũng là 1 điểm thú vị khi đi chuyến đi này.
Có một lần anh Phó đoàn nói đây là lý do trước mỗi bữa cơm, cả đoàn mình sẽ mời cơm:
“Cảm ơn Hậu cần. Mời cả nhà ăn cơm”
Về nhà rồi mà vẫn thương nhớ câu này đó :”<
Hay có một số trải nghiệm thú vị khác là lúc nấu vịt, team miền Bắc muốn chấm xì dầu, team miền Nam muốn ăn nước mắm, thế là làm luôn cả hai =))
Hay lúc nêm nồi canh chua ở Bạc Liêu cũng thú vị và nhiều nhiều chuyện nhỏ nhỏ khác :))
Mình thấy bình thường với chuyện này. Nếu bạn là một người cởi mở, thì cứ thoải mái đón nhận sự khác biệt này thôi hehe.
Ở trên là mấy câu hỏi mình thường được hỏi từ mọi người và chắc chắn còn nhiều thứ khác chưa chia sẻ hết vì những lý do khác và bài viết đã quá dài rồi.
Nếu mọi người có thêm thắc mắc hoặc muốn đào sâu về chuyến đi, thì có thể comment hoặc nhắn tin riêng hỏi mình nhé :’)
Kết: Có nằm mơ mình cũng chưa bao giờ thấy mình đạp xe từ Hà Nội về Cà Mau nữa 🙈
Nếu bạn đang có đủ điều kiện để đi xuyên Việt nhưng điều gì đó đang ngăn cản, thì mình có thể tự tin nói BẠN CÓ THỂ LÀM ĐƯỢC nha!
Không PR cho chương trình ạ (bạn có thể chọn đi một mình :”>), vì tụi mình cũng có xuất phát điểm như bạn và niềm tin thôi, rồi cũng dìu dắt nhau về Cà Mau được nè hehe.
Du lịch
/du-lich
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất