Tình cờ đọc được bài này trên Medium, xin mạn phép chuyển ngữ, Link gốc sẽ được đính kèm ở cuối bài viết này.
Abd al-Rahman III là một trong những nhân vật quyền lực nhất thế kỷ X. Ông cai trị Tiểu quốc Córdoba từ năm 912 đến 929, về sau trở thành vị Vua tối cao của nhà nước Hồi giáo Córdoba từ năm 929 đến 961, bao phủ phần lớn lãnh thổ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ngày nay. Trong thời kỳ đỉnh cao, chỉ có những vị Hoàng đế của Đông La Mã tại Constantinople và các Vua hồi Abbasid ở Baghdad mới có thể sánh ngang quyền lực với ông.
Chân dung được cho là của Abd al-Rahman III.
Chân dung được cho là của Abd al-Rahman III.
Ngay từ lúc trở thành Tiểu vương Córdoba khi mới 22 tuổi. Abd al-Rahman III đã đối mặt với hàng loạt những hiểm họa, bị đe dọa bởi Vương quốc Thiên chúa giáo Asturias từ phía bắc và nhà Fatimid ở phía nam, lãnh thổ của ông lúc bấy giờ chỉ gói gọn trong phạm vi xung quanh thành phố Córdoba. Vị tiểu vương trẻ tuổi đã dồn hết tâm huyết để củng cố quyền lực và mở rộng lãnh thổ. Phải mất 17 năm ròng, ông mới đủ tự tin tuyên bố mình là Vua hồi, qua đó chính thức cắt đứt sự ràng buộc với Đế quốc hồi giáo Abbasid ở Baghdad. Trong ba thập kỷ tiếp theo, Abd al-Rahman III đã dẹp tan các cuộc nổi loạn, chinh phạt, và cuối cùng giành quyền thống trị gần như toàn bộ bán đảo Iberia.
Lãnh thổ Vương quốc Hồi giáo Córdoba vào thời kỳ cai trị của Abd al-Rahman III.
Lãnh thổ Vương quốc Hồi giáo Córdoba vào thời kỳ cai trị của Abd al-Rahman III.
Triều đại của Abd al-Rahman III được xem là thời hoàng kim của người Hồi giáo ở Châu Âu. Ông là một nhà cai trị thành công trên nhiều phương diện: những thắng lợi quân sự, xây dựng hạm đội hùng mạnh nhất Địa trung hải và biến vương quốc trở thành trung tâm văn hóa toàn cầu. Các học giả và nhà buôn từ khắp nơi đổ về Thủ Đô Córdoba, một trong những thành phố lớn và giàu có bậc nhất châu Âu lúc bấy giờ.
 Abd al-Rahman III tiếp kiến sứ thần Thiên chúa giáo, được vẽ bởi Dionisio Baixeras Verdaguer.
Abd al-Rahman III tiếp kiến sứ thần Thiên chúa giáo, được vẽ bởi Dionisio Baixeras Verdaguer.
Cuộc đời ông là một ví dụ điển hình của sự “thành công”, theo cách mà chúng ta thường hiểu về thuật ngữ này. Rất ít người trong lịch sử có thể đạt được những thành tựu như vậy. Nhưng với tất cả quyền lực, tiền bạc và danh vọng, liệu ông có thực sự hạnh phúc? Hãy cùng lắng nghe những cảm nhận của chính người đàn ông này.
Abd al-Rahman III có thói quen viết nhật ký, ghi lại suy nghĩ và cảm xúc hằng ngày. Dù bây giờ chỉ còn sót lại vài mảnh giấy nhỏ, một trong những trang nhật ký cuối cùng của ông viết:
"Ta đã trị vì hơn năm mươi năm trong vinh quang và hòa bình: được thần dân yêu mến, kẻ thù khiếp sợ, và đồng minh kính trọng. Của cải, danh dự, quyền lực và khoái lạc đều phục vụ theo ý muốn của ta, chẳng thiếu điều phúc lành nào của trần thế. Nhưng khi ta tỉ mỉ đếm lại những ngày hạnh phúc thực sự trọn vẹn mà mình đã trải qua, chúng chỉ vỏn vẹn MƯỜI BỐN NGÀY. Hỡi con người! Đừng đặt niềm tin vào cõi đời hiện tại này.”
MƯỜI BỐN NGÀY.
14 ngày trong hơn 50 năm. Tức là chỉ 14 ngày trong hơn 18,000 ngày.
Điều này khiến chúng ta tự hỏi. Chính xác thì 14 ngày đó là những ngày nào? Bản thân Abd al-Rahman III cũng không hề tiết lộ rõ ràng. Nhà thơ Mỹ Samuel Hazo đã đưa ra nhận định về 14 ngày này trong một bài thơ viết năm 2012 — đề cập đến ngày Nhà vua gặp tình yêu của đời mình, ngày ông cưới nàng, ngày con trai ông chào đời, và một vài ngày khác nữa. Có thể đúng là như vậy. Hay đó là những ngày chiến thắng quân sự vĩ đại nhất của ông? Liệu có bao gồm ngày ông tự xưng là Vua của người hồi giáo? Hay ngày ông cho xây dựng Madinat al-Zahra - một cung điện tráng lệ, biểu tượng cho quyền lực của vương triều?
Chúng ta có lẽ sẽ không bao giờ biết được.
Dù là ngày nào đi nữa, một câu hỏi quan trọng hơn là tại sao chỉ có 14 ngày như vậy?
Phải chăng chỉ có 14 ngày vì, giống như Hoàng đế La Mã Marcus Aurelius, Abd al-Rahman III coi cuộc đời mình như là sự hiến dâng, và ông chưa bao giờ thực sự theo đuổi hạnh phúc? Hay có lẽ, giống như Marcus Aurelius, triều đại của ông cũng ngập tràn những thử thách khốc liệt đến mức ông hiếm khi tìm thấy sự bình yên?
Dù câu trả lời là gì, con số 14 này vẫn khiến ta phải suy ngẫm.
Jim Carrey từng nói: “Tôi nghĩ ai cũng cần trở nên giàu có và nổi tiếng, đạt được mọi ước muốn của họ để rồi nhận ra rằng đó không phải là câu trả lời.”
Abd al-Rahman III đã có cả sự giàu sang lẫn danh vọng. Ông có trong tay mọi thứ mà hầu hết chúng ta chỉ dám mơ đến. Nhưng sau tất cả, ông nhận ra rằng chỉ có 14 ngày mang lại hạnh phúc thực sự. Bài học này dễ hiểu, nhưng để thực sự thấm nhuần vào cuộc sống thì không hề dễ.
Vậy thì, ta nên hướng đến điều gì? Mục đích của chúng ta là gì?
Có nên theo đuổi hạnh phúc không? Hay là đi tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống? Cả hai? Hay chẳng nên theo đuổi gì cả?
Chúng ta có nên theo đuổi thứ gì khác thay thế? Khoái lạc? Niềm vui? Bình yên? Tình yêu? Tri thức? Giác ngộ? Sự khôn ngoan?
Hay có lẽ, ta chỉ nên thôi đặt những câu hỏi "vẩn vơ" này và tiếp tục sống cuộc đời của mình? :)
Có người tin rằng mục đích của chúng ta là phụng sự cho Thượng đế, hoàn thành một vai trò nhất định trong cuộc sống này để chuẩn bị cho kiếp sau. Cũng có người cho rằng tất cả đều vô nghĩa, nhất là khi xem xét đến xác suất cực nhỏ sự tồn tại của thế giới chúng ta trong vũ trụ rộng lớn này.
Naval Ravikant từng nói rằng hạnh phúc giống như thơ ca hơn là một công thức toán học. Dĩ nhiên, nó mang ý nghĩa khác nhau đối với mỗi người. Cụm từ “mưu cầu hạnh phúc” đã trở thành một phần trong lời ăn tiếng nói thường ngày sau khi được đưa vào Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ năm 1776. Trong văn kiện này, mưu cầu hạnh phúc được xem là một quyền bất khả xâm phạm. Nhưng “mưu cầu hạnh phúc” không nên chỉ hiểu là hạnh phúc cho riêng mình. Đó nên là sự phát triển của nhân loại. Nó vượt xa khỏi sự khoái lạc cá nhân.
Hạnh phúc đích thực không đơn thuần là một mục tiêu cá nhân mà là một hành trình đóng góp cho cộng đồng. Thay vì chỉ tập trung vào việc thỏa mãn nhu cầu bản thân, chúng ta nên hướng tới việc tạo ra những giá trị cho những người xung quanh. Khi ta cống hiến, khi ta yêu thương và được yêu thương, khi ta trở thành một phần không thể thiếu của xã hội, đó chính là lúc hạnh phúc thực sự đến. Chủ nghĩa Khắc kỷ đã khéo léo chỉ ra rằng, hạnh phúc không phải là đích đến mà là một hành trình liên tục, nơi ta không ngừng tìm kiếm ý nghĩa và mục đích sống.
Jonathan Haidt đã diễn đạt rất hay trong cuốn sách Giả thuyết về Hạnh phúc của ông — “hạnh phúc không phải là thứ bạn có thể tìm thấy, sở hữu, hay đạt được một cách trực tiếp. Bạn cần tạo ra điều kiện phù hợp và rồi chờ đợi. Chúng ta cần tình yêu, công việc, và sự kết nối với điều gì đó lớn lao hơn. Nếu làm đúng những điều này, một cảm giác về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống sẽ tự nhiên hiển hiện.”
Vậy những việc cụ thể nào có thể giúp ta cảm thấy tích cực hơn? Giúp ta hài lòng trong cuộc sống? Và có thể có nhiều hơn 14 ngày hạnh phúc trong suốt cuộc đời? 
Hãy dành sự quan tâm với những điều thật sự xứng đáng. Bạn chính là những gì mà bạn nghĩ. Hãy cố gắng tập trung vào điều tích cực. Hãy nhìn thấy vẻ đẹp và điều tốt xung quanh ta. Khi đối mặt với sự tiêu cực, hãy suy nghĩ theo hướng “Mình có thể làm gì để cải thiện tình hình này?”. Hiện tại chính là nơi mà ý nghĩa, sự mãn nguyện và hạnh phúc đang hiện diện. Đừng suy nghĩ quá nhiều về quá khứ — học hỏi từ những bài học và lưu giữ kỷ niệm đẹp, nhưng đừng để bản thân chìm đắm trong đó. Đừng quá lo nghĩ về tương lai — hãy lập kế hoạch và có những giấc mơ, cũng đừng sống trong tương lai mà quên mất những gì cần làm ở hiện tại. Tập trung vào những hành động hàng ngày đang đưa bạn đi đúng hướng. Xây dựng những thói quen giúp bạn duy trì điều đó. Hãy nhớ rằng, những người có cảm xúc tích cực hơn sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, có sự nghiệp thành công hơn, năng suất hơn, và có những mối quan hệ hạnh phúc hơn.
Xác định những gì cần loại bỏ khỏi cuộc sống của bạn. Có thể đó là một công việc tồi hoặc một mối quan hệ độc hại, một thói quen xấu hoặc một thái độ không chuẩn. Bất cứ điều gì liên tục mang lại những điều tiêu cực, hãy xét xem có thể từ bỏ nó không. Như Charlie Munger đã nói: “Hãy luôn cố gắng để không ngu ngốc, thay vì cố trở nên thật thông minh.”
Chăm sóc sức khỏe. Tập thể dục hoặc ít nhất là một chút vận động mỗi ngày. Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh. Hạn chế hút thuốc, uống rượu và dùng các chất kích thích. Dành thời gian ra ngoài, tận hưởng ánh nắng và đi dạo.
Tìm một công việc phù hợp không chỉ là tìm một nguồn thu nhập ổn định mà còn là tìm kiếm một nơi để bạn được trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Khi làm việc trong một môi trường mà bạn yêu thích và cảm thấy có giá trị, bạn sẽ hạnh phúc và tự tin hơn. Đừng phí thời gian vào một công việc không phù hợp, trừ khi bạn không còn lựa chọn nào khác. Đồng thời, đừng ép bản thân làm việc quá sức.
Giảm bớt ham muốn và học cách biết đủ. Càng sở hữu nhiều, bạn sẽ càng nhận ra sự thoải mái của lối sống tinh giản. Ví dụ, tiền bạc là quan trọng (đừng nghe những kẻ nào nói ngược lại), nhưng nếu vượt quá một giới hạn nhất định, tiền không thể mua thêm hạnh phúc. Hãy nghĩ về tiền như một phương tiện để có thêm sự lựa chọn, tự do và quyền kiểm soát thời gian, thay vì chỉ để tích lũy vật chất.
Xây dựng các mối quan hệ. Tôi không có ý là bạn phải lao mình vào những cuộc vui về đêm. Hãy nhấc điện thoại lên và gọi cho bố mẹ, gia đình bạn. Kết nối lại với những người mà bạn đã xa cách chỉ vì khoảng cách địa lý. Mua hoa tặng vợ. Xem một bộ phim cùng chồng. Dành thời gian với con cái mà vẫn không để những suy nghĩ về công việc làm ảnh hướng. Hãy đầu tư thời gian và nỗ lực vào những mối quan hệ quan trọng nhất.
Nếu bạn đang cân nhắc việc có con, hãy suy nghĩ kỹ về mục đích của bạn. Con cái là một món quà tuyệt vời, nhưng cũng là một trách nhiệm to lớn. Hãy chắc chắn rằng bạn đã sẵn sàng.
Không ngừng học hỏi. Tiền có thể mở ra nhiều cánh cửa, nhưng chính kiến thức và kỹ năng mới là chìa khóa để bạn nắm quyền điều khiển cuộc đời mình. Hãy không ngừng nâng cấp bản thân, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Khi giá trị của bạn tăng lên, tầm ảnh hưởng của bạn cũng sẽ lan tỏa rộng khắp. Quan trọng nhất, hãy đọc. Đọc những cuốn sách hay.
Tìm những hoạt động mang lại niềm vui cho bạn. Thành thạo chúng. tìm tòi, tập luyện, thuê một huấn luyện viên, tham gia một khóa học và thực hành. Hãy đầu tư vào sở thích của bạn.
Hãy giữ một tâm trí bình thản. Đừng quá bận tâm đến những điều nhỏ nhặt, những lời nói vô tình hay những sai sót không đáng kể. Hãy nhớ đến câu ngạn ngữ dao cạo của Hanlon: "Đừng vội kết luận người khác cố ý làm hại bạn, đôi khi sự thiếu hiểu biết hay bất cẩn của họ mới chính là nguyên nhân." Vì vậy, đừng vội đánh giá hay làm quá mọi chuyện.
Đừng overthinking. Chỉ cần đưa ra những lựa chọn đúng đắn, từng bước một, và bạn sẽ đi đúng hướng.
Xin chúc bạn có nhiều hơn 14 ngày hạnh phúc trong cuộc đời.
Link bài viết gốc: