100% ĐỒNG Ý
"100% đại biểu đồng ý với ý kiến đưa ra", "Nhất trí giới thiệu đồng chí A vào vị trí B, 100% các đại biểu đồng tình", "100% học sinh...
"100% đại biểu đồng ý với ý kiến đưa ra",
"Nhất trí giới thiệu đồng chí A vào vị trí B, 100% các đại biểu đồng tình",
"100% học sinh toàn quốc tham dự kì thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, không tiêu cực"..
"Nhất trí giới thiệu đồng chí A vào vị trí B, 100% các đại biểu đồng tình",
"100% học sinh toàn quốc tham dự kì thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc, không tiêu cực"..
Hằng ngày, trên mặt báo, không khó để tìm thấy một bài báo với tiêu đề tương tự. Hàng trăm các hội thảo, các sự kiện lớn nhỏ,.. đều có thể gói gọn trong 4 chữ “thành công tốt đẹp”. Tôi không khỏi băn khoăn rằng những cái “thành công” ấy có thực sự “tốt đẹp” hay không.
Đã từ lâu, căn bệnh thành tích được biết đến như một thứ ung nhọt của xã hội. Nó khoác lên mình vẻ ngoài đầy bóng bẩy, hào nhoáng, nhưng ẩn sao lớp áo choàng đẹp đẽ đó lại là những cái xấu xa được dung túng để phát triển. Nó ngăn cản sự tiến bộ, khiến con người chìm đắm trong những ảo mộng của bản thân. Song, tôi cảm thấy dường như chúng ta đã sống quá lâu cùng nó, và thứ ung nhọt ấy đã bám rễ sâu đến mức ta gần như coi đó là điều bình thường trong cuộc sống. Đó thực sự là một điều vô cùng đáng quan ngại.
Hồi học tiểu học, tôi được biết đến khái niệm “đại hội”. Đại hội chi đội, đại hội liên đội,.. diễn ra một đến vài lần trong năm. Đó là lúc mà những học sinh ưu tú của lớp được bầu làm “ban chỉ huy”, được đứng trước mọi người để đọc các bản tham luận. Tôi nhớ rằng có “Bản tham luận học tập”, “Bản tham luận kỉ luật”, rồi “Bản tham luận hoạt động ngoại khóa”, vân vân , nhưng có một điểm chung duy nhất: chúng đều là những tài liêụ có sẵn, được xào nấu lại và thay tên đổi họ để “úm ba la” thành bản tham luận của học sinh.
Sau này khi lên cấp 3, tôi lại được tham gia các “đại hội chi đoàn” của lớp, rồi của trường. Và thực sự nó chẳng khác hồi tiểu học là bao. Vẫn là những bản tham luận với nội dung dài lê thê, kể về 99% học sinh đạt học sinh giỏi, hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu,… và dường như chỉ khác bản tham luận năm trước ở dòng ngày, tháng, năm. Đó vẫn là nghi thức bầu chọn ban chỉ huy chi đoàn, ban chấp hành đoàn trường, mà thùng phiếu chỉ để .. cho vui, vì kết quả đã có sẵn từ trước. Đó vẫn là nghi thức giới thiệu ban cán sự, nêu ý kiến bằng cách “Nếu bạn nào đồng ý, xin giơ tay biểu quyết”, và lại là câu nói quen thuộc “Vậy là 100% các bạn đều đồng ý” trong khi một nửa hội trường đang bận.. nói chuyện hoặc nhắn tin. Bế mạc đại hội, đoàn chủ tịch công bố “Đại hội diễn ra thành công tốt đẹp”, tất cả vỗ tay nhiệt liệt và ra về, ai ai cũng vui mừng, phấn khởi.
Tôi đồ rằng khi còn ở trên ghế nhà trường, học sinh đã được tiếp nhận những tư tưởng như vậy, thì thế hệ tương lai của đất nước chắc hẳn sẽ rất giỏi phát biểu và rất giỏi vỗ tay.
Bản chất “thành tích” không hề xấu. Nó là thước đo đánh giá hiệu quả làm việc của một cá nhân hay tổ chức, là công cụ để tưởng thưởng những người có năng lực và là mục tiêu phấn đấu của con người để trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, khi thước đo ấy được dùng không đúng lúc, không đúng cách, hay bị lạm dụng để trở thành công cụ để tiến thân, đó là lúc tiêu cực xảy ra. Việc quá coi trọng hình thức dẫn đến hệ quả là ai ai cũng muốn mình phải là kẻ xuất chúng, mà nếu ai cũng là kẻ xuất chúng thì.. chẳng ai xuất chúng cả. Từ lúc nào mà học sinh trung bình lại đại diện cho số ít những học sinh ở top dưới trong trường, mặc dù ai cũng hiểu ý nghĩa của từ “trung bình” không phải là như vậy. Khi cả khu phố đều là các gia đình văn hóa, thì mình cũng phải là gia đình văn hóa để không bị người ta dè bỉu. Khi cả lớp đạt học sinh giỏi, thì mình phải là học sinh xuất sắc. Còn đạt được bằng cách nào, không quan trọng.
Tôi đọc được một bài báo nói về một chính sách thời cải cách ruộng đất, đó là “Trên 100 hộ thì phải đấu tố 5 địa chủ”. Chính sách này khiến cho không biết bao nhiêu người bị tịch thu tài sản một cách oan ức, vì những người cầm quyền phải chạy thi để đạt chỉ tiêu thành tích mà cấp trên giao phó. Giữa thành quả không thể bàn cãi của cải cách ruộng đất, đó là đánh đổ giai cấp địa chủ, thì việc chạy đua theo thành tích như trên đã tạo thành một vết nhơ khó có thể xóa nhòa trong lịch sử dân tộc. Và tới tận ngày hôm nay, tôi vẫn thấy căn bệnh này vẫn đang tiếp tục thao túng một bộ phận xã hội. Tôi đã chứng kiến những học sinh khai gian điểm, thành tích để có một hồ sơ đẹp đi apply du học, những cuộc thi ngập tràn tiêu cực. Tôi đã nghe kể về một cô giáo bộ môn, trước một kì thi quan trọng, gõ cửa nhà phụ huynh và hỏi thẳng trực tiếp “Cháu có muốn mua giải không?”. Và câu chuyện vẫn là câu chuyện, tôi chỉ biết tặc lưỡi cho qua.
Theo tôi, có rất nhiều những sự xấu xa trong xã hội đều bắt nguồn từ bệnh thành tích mà ra. Lừa đảo, tham nhũng vì thành tích “làm giàu”, khai khống số liệu vì thành tích “đạt chỉ tiêu”, hay gian lận thi cử để “không học sinh nào học lực yếu”. Đó là những thành tích, hay những nhãn mác mà chúng ta vô tình đặt ra, và lấy nó làm chuẩn mực thay vì đạo đức xã hội.
Giải pháp cho bệnh thành tích, xét theo góc độ vi mô, thì nhiều vô kể. Tự ý thức bản thân, rèn luyện đạo đức, hay tạo lập tư tưởng cầu tiến bằng năng lực bản thân. Song, vấn đề thực sự lại nằm ở góc độ vĩ mô, và giải pháp duy nhất là điều chỉnh lại giáo dục. Tôi nói vậy vì bản thân tôi, rất đáng buồn, cũng từng gian lận thi cử. Lí do bởi vì “ai cũng làm”. Tôi không có gì để biện hộ cho hành động của mình, vì điều đó là hoàn toàn sai trái, nhưng tôi chợt giật mình rằng từ khi nào, điều này đã trở nên quá đỗi bình thường, quá đỗi phổ thông như vậy?
Tôi tự nhủ rằng, nếu căn bệnh thành tích mãi không thể tìm ra thuốc chữa, thì liệu xã hội có thể “thành công tốt đẹp” hay không? Đó là câu hỏi mà tôi, và bạn, còn lâu lắm mới tìm được câu trả lời.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất