Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
Hà Nội đã lại bắt đầu giãn cách theo chỉ thị 16, và 2 ngày cuối tuần vừa rồi, hẳn các bạn có thể chưa quen với "cú sốc" mới này khiến cho cả cơ thể và não bộ chưa thể đạt được trạng thái cân bằng, hiệu quả. Từ đó có thể dẫn tới việc chúng ta sẽ cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng vì phải chuẩn bị cho một chuỗi dài công việc #workfromhome sắp tới.
Vì vậy, để cơ thể không cảm thấy khó khăn khi bắt đầu với một chuỗi những công việc mới khác với thường ngày, bạn nên có sự chuẩn bị ngay từ ngày chủ nhật, hoặc chí ít là có sự chuẩn bị từ những ngày đầu trong chuỗi ngày làm việc tại nhà. Những gợi ý dưới đây sẽ giúp bạn lấy lại hứng khởi và có một tuần làm việc thật năng suất và hiệu quả:

1. Bắt đầu tuần mới với những việc đơn giản

Đừng nên thay đổi đột ngột nếp sinh hoạt của mình chỉ vì làm theo lời hàng tá những bài trên mạng như dậy sớm, tập thể dục, tắm nước lạnh,... nếu như trước đây bạn không hề làm những việc đó.
Hãy thức dậy như bao ngày bình thường khác thì bạn cũng có dư dả thời gian rồi, bởi trước bạn phải mất một khoảng thời gian di chuyển từ nhà đến nơi làm việc, nhưng giờ hãy dành thời gian ấy để thực hiện những việc đơn giản khác, ví như bạn có thể bắt đầu với việc uống một cốc nước lọc ngay khi ngủ dậy rồi tập thiền 3 phút, tập 5 động tác yoga cơ bản hay tập bài giãn cơ 15 phút, hoặc đơn giản nhất đó là dành thời gian chuẩn bị một bữa sáng đầy đủ dưỡng chất tại nhà. Nếu thường ngày, trước khi vào làm, bạn có thói quen uống café thì giờ có thể dành thời gian đó để tự pha cho mình một cốc café ngồi nhâm nhi đọc tin tức buổi sớm hoặc đọc sách.
Không có công thức nào chung cho tất cả mọi người, quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái với cách sống của bạn, phù hợp với thói quen, công việc và sức khỏe của bạn, vậy là được rồi.

2. Lên kế hoạch cho tuần mới

Đừng để thứ hai của bạn quá tải với đống công việc cần làm nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Hãy ưu tiên những công việc quan trọng và cần gấp để hoàn thành trước.
Hãy coi thời gian như một chiếc lọ, những việc lớn, việc quan trọng là những viên đá to; những việc nhỏ, việc ít cấp thiết là những viên đá nhỏ và những việc lặt vặt là cát. Nếu bạn sắp xếp công việc theo thứ tự như ở ảnh 2 dưới đây đá to -> đá nhỏ -> cát thì khả năng vừa chiếc lọ sẽ nhiều hơn, và bạn sẽ có khả năng hoàn thành công việc được giao hiệu quả nhất.
Cát - Đá nhỏ - Đá to (The big rock concept by Stephen Covey)
Cát - Đá nhỏ - Đá to (The big rock concept by Stephen Covey)
Đá to - Đá nhỏ - Cát (The big rock concept by Stephen Covey)
Đá to - Đá nhỏ - Cát (The big rock concept by Stephen Covey)
Bên cạnh việc lên kế hoạch cho công việc, bạn cũng cần lên kế hoạch cho việc nghỉ ngơi với những khoảng thời gian giải lao cần thiết.
Mình có một gợi ý cho bạn, đó là làm việc và học tập theo phương pháp "quả cà chua" Pomodoro. Trong gần một năm vừa qua, mình đã áp dụng phương pháp này và thực sự nó giúp cho việc học tập cũng như công việc của mình trở nên hiệu quả hơn rất nhiều.
Phương pháp Pomodoro
Phương pháp Pomodoro

3. Chăm sóc sức khỏe bản thân

Thực sự mà nói, không còn gì tệ hơn việc sau một ngày làm việc mệt mỏi, bạn nhận ra cả tủ lạnh và cái bụng của mình đều trống rỗng và bạn không có kế hoạch cho bữa tối, nhất là khi bạn sống một mình, đặc biệt là trong những ngày giãn cách xã hội này.
Ảnh; Unsplash
Ảnh; Unsplash
"Có thực mới vực được đạo", hãy chuẩn bị sẵn thực phẩm cho vài ba ngày để hạn chế việc ra đường và tủ lạnh luôn sẵn sàng đồ "tiếp sức" cho bạn, cũng như bạn nên "trang bị" một vài công thức nấu ăn đơn giản phù hợp với khẩu vị cũng như cơ thể mình. Một thể chất tốt sẽ giúp bạn bền bỉ trụ vững trong công việc đầy áp lực cũng như trong khoảng thời gian "ở nhà là yêu nước".
Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe thể chất, bạn cũng cần quan tâm hơn tới sức khỏe tinh thần. Hành động vì sức khỏe cộng đồng, như cách ly xã hội, là cần thiết để làm giảm sự lây lan của Covid-19 nhưng có thể khiến chúng ta cảm thấy bị cô lập, cô đơn và có thể làm gia tăng căng thẳng. Hãy ghé qua bài viết về những cách lành mạnh để đối phó với căng thẳng, từ đó sẽ giúp bạn có những giải pháp tốt hơn cho vấn đề tâm lí này.

4. Giữ nơi ở và nơi làm việc sạch sẽ, ngăn nắp

Ngôi nhà trước giờ với nhiều bạn là nơi gia đình sum họp, hay chỉ đơn giản là "chốn ngủ" khi bạn rời công ty. Nhưng giờ, nhà có một chức năng mới, đó là trở thành "văn phòng làm việc" thu nhỏ của chính mình. Một nơi ở sạch sẽ, gọn gàng, một khu vực làm việc thoải mái có thể khiến chúng ta có nhiều năng lượng hơn để làm việc.
Ảnh: Unsplash
Ảnh: Unsplash
Khoảng thời gian giãn cách xã hội năm trước đã phần nào giúp bạn nhận ra đâu sẽ là nơi thích hợp để bạn đặt chiếc laptop, kê quyển sổ để làm việc nhất; phần nào "tôi luyện" bạn cách bố trí, sắp xếp phòng sao cho tươm tất nhất để trong trường hợp có những cuộc họp/lớp học online phải mở camera thì nhìn cũng không quá bừa bộn.
Tin mình đi, nếu nhìn đâu cũng thấy toàn giấy tờ ngổn ngang, hay chỉ đơn giản là chăn màn phía đằng kia chưa xếp gọn gàng thì chỉ khiến bạn cảm thấy căng thẳng hơn thôi.

5. Chọn trang phục đẹp

Một mẹo để đánh bại "ngày thứ hai ác mộng", đánh gục những nỗi lo công việc đầu ngày, đó là hãy dành chút thời gian chọn những bộ đồ thoải mái, ưng ý (và lịch sự) nhất trong tủ đồ của mình. Việc mặc quần áo đẹp sẽ khiến tinh thần phấn chấn hơn, đem lại sự tự tin và giúp bạn bắt đầu tuần mới với những hiệu ứng tuyệt vời.
Trên đây là những cách giúp bạn "sạc pin" tuần mới của mình trong khoảng thời gian #workfromhome này. Đừng quên bắt đầu tuần mới, ngày mới với một tinh thần tích cực. Chúng ta rồi sẽ từng bước, từng ngày đi qua giai đoạn đang khó khăn tạm thời này thôi.
Chúc các bạn có tuần làm việc tràn đầy năng lượng và hiệu quả.