Credit: Nate Pelak

 "Tuy nhiên chẳng có điều gì trong số [những thực tại về cuộc sống, xã hội] thật sự đốn ngã tôi vào lúc này. Nó nằm ở chỗ tôi luôn tin rằng khi thời điểm này đến hạn của nó và sự tương phản trở nên mồn một, chúng ta rồi sẽ cùng nhau trỗi dậy, tất cả dường như sẽ nắm tay nhau trước cái nghịch cảnh thực tại này. Giờ đây cơ hội mỏng manh ấy đang nằm trong tay, trong cái lõi của bãi bầy nhầy và ở một ngã tư đường nào đó, chúng ta đang chới với, cấu xé nhau.” 
Tháng 10 năm 2014, nhóm nhạc Nhật MONO phát hành bộ đôi album The Last DawnRays of Darkness, với ý đồ tạo sự tương phản nhưng cũng không loại trừ mà bồi đắp lẫn nhau thành một chỉnh thể âm thanh thống nhất – như chính cái tên của nhóm, một bảo chứng về chất lượng âm nhạc. Về mặt hình ảnh, nếu ghép liền nhau, người dùng sẽ nhìn thấy một bức tranh liền mạch, chỉ có hai màu trắng và đen, khắc họa những thù hình con người như đang thăng thiên, nhưng chộn rộn giữa họ, xuyên thấu, là những ký ức, và hình ảnh của cái gì đó gần giống với sự chết, của nuối tiếc, nhưng người xem cũng đồng thời không khỏi cảm nhận hơi ấm của hy vọng. Tác giả của bức minh họa gây ấn tượng dai dẳng ấy là Pat Perry, một họa sĩ đến từ Michigan, và tác phẩm là đơn đặt hàng của Jeremy DeVine, hãng đĩa Temporary Residence nơi phát hành album của MONO ( http://patperry.net/blog/entry/mono-double-album)

“Tôi cảm thấy may mắn được sống ở đây, trong một thành phố hầu hết đều là người da màu với dân nhập cư, người theo Hồi giáo, dân tị nạn, và mọi loại người mà thế hệ trước tôi đã làm hết sức để tách và tránh xa. Tôi không muốn sống ở cái thế giới giống với thế hệ đi trước. Tôi không nghĩ có bất cứ ai trong chúng ta nên sống như vậy.”
Nhiều nghệ sĩ đường phố khởi đầu từ việc vẽ graffiti, rồi phát triển phong cách trở thành nghệ sĩ tranh tường. Với Pat, lúc đầu anh chỉ sáng tác trên tàu hỏa, vì anh di chuyển bằng tàu hỏa và mọi chuyện tiến triển từ đó. “Tranh tường” toàn là thứ chưa xin phép, hay chỉ vẽ cho bạn bè, mãi đến năm 2016 thì mới có cơ hội đường đường chính chính để thực hiện những bức to hơn, cần những thùng sơn to và xe nâng, và với nhạc jazz. Không phân biệt cũng chẳng bận tâm về tính hợp pháp hay nơi chốn tác phẩm thuộc về ngoại trừ nơi quan trọng nhất: công chúng, Pat nghĩ rằng ép khuôn graffiti vào các khung cảnh mang tính quảng bá, đơn đặt hàng thì thật đáng buồn, khi các khung cảnh này theo cách nào đó đang phải bù đắp cho sự thiếu định danh lẫn sức sáng tạo.
Trong bức mural ở Napier, New Zealand, anh khắc họa một phụ nữ trên thuyền đang dệt một tấm thảm giữa đại dương ô nhiễm. Khi được hỏi, anh ngẫm ngợi không ít về điều muốn thể hiện. Với Pat, những thông điệp tươi vui, truyền cảm hứng thường có cảm giác hơi rỗng tuếch và trịch thượng. Chúng ta đang sống ở một hành tinh hấp hối. Theo anh, chúng ta đang trải qua một giai đoạn tuyệt chủng hàng loạt (xem khái niệm Thế Nhân Sinh hay Anthropocene); sự lạc quan nông cạn hay tuyệt vọng đến suy nhược chắc hẳn là những quan điểm đáng chú ý hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta không được chán nản.
Anh tự nhận, như với hầu hết mọi người, sách ảnh hưởng cách anh nhìn nhận hơn là cách sáng tạo. Những tác phẩm yêu thích của anh bao gồm Xã hội diễn cảnh (1967) của Guy Debord, Chúng ta sống bằng ẩn dụ (2003) của George Lakoff và Mark Johnson, Đời nhẹ khôn kham (1984) của Milan Kundera, Lịch sử dân tộc Mỹ (1980) của Howard Zinn, và Walden (1854) của Thoreau. Pat cố gắng cân bằng giữa việc đọc các quyển sách nặng nề về con người với những quyển chỉ ngợi ca cuộc sống. Đọc thường xuyên giúp anh tìm kiếm sự chính xác mỹ miều cần thiết nếu ta muốn làm ra cái gì đó có giá trị và cũng đẹp đẽ. Anh không thể chịu nổi nếu chỉ theo một loại duy nhất, và những tác phẩm về nghệ thuật, âm nhạc xuất sắc luôn tìm ra cách dung hòa cả hai. Anh có một bộ sưu tập sách rất lớn trên kệ, các ý tưởng trong đầu, do đó anh thật sự muốn có một từ vựng đủ lớn trong quá trình sáng tác, từ bất cứ phương tiện nào, miễn nó tốt nhất để chuyển tải cảm xúc.

Nghệ thuật với anh không phải một liều thuốc, mà giống hơn với chỗ được thải ra từ một cái ruột già dài thượt. Anh cảm thấy mình cần một thời gian rất lâu để xử lý và hiểu ra tất cả các thứ lấp lánh và những chi tiết cỏn con vụt qua trước mắt ngày qua ngày. Gần đây, dường như có cả một thế giới khác đang bị bỏ lơ cần được gấp rút ném vào cái trũng văn hóa bởi những con người sáng tác bằng hình ảnh như anh – như tập thể Division Avenue Arts Collective (DAAC) tại Detroit và gần hơn là Beehive Collective (Tập thể Tổ ong) mà anh là một thành viên chủ chốt. 
Người ta nhận định, ngày nay trong “thế giới” nghệ thuật rất hiếm hoi có việc sáng tạo ra các tác phẩm đề cập đến các vấn đề theo cách mà các poster của Tổ ong chọn diễn đạt. Điều này làm Pat lúc nào cũng e sợ, vì anh cảm thấy buộc lòng mình phải đẩy sâu các chủ đề này vào trong sáng tác cá nhân và cả tập thể. Tuy thế anh vẫn tìm thấy được mình, vì cái họ tạo ra không dành cho thế giới nghệ thuật thưởng ngoạn. Công chúng, đặc biệt ở Tổ ong, chẳng phải những kẻ sưu tầm tranh. Các nghệ sĩ ở đó sáng tác cho những người không có tiếng nói, những người tín thác vào các nghệ sĩ những câu chuyện họ kể để chúng trở thành tác phẩm về họ, những con người bình thường. Đó là một cách tiếp úp ngược. 
“Nghệ thuật theo một cách nào đó là một sự thoát li, nhưng nó còn là kết quả của những suy nghĩ riêng tư nhất, phức tạp nhất, và tư lự nhất của cá nhân tôi”. Với anh, “Việc vẽ có tính thiền định theo nghĩa nó diễn ra hàng ngày và tôi cần đến nó để duy trì sự tỉnh táo” trước một thế giới đầy rẫy những biến động và biến cố, mà anh tiếp nhận nó không một chút ngạc nhiên, thậm chí còn có sự can đảm pha với khôn ngoan, già dặn. “Thế giới mà chúng ta đang sống là một thứ đạo đức giả khổng lồ.” Chúng ta có dữ liệu về khí hậu, có video quay những tay cảnh sát đã ra tay như thế nào, chúng ta biết lai lịch của quốc gia. Chúng ta đã nhìn thấy các con số thống kê; chúng ta biết người giàu giàu hơn bao giờ hết. Các giá trị truyền thống, các biểu tượng văn hóa đại chúng, marketing về lối sống, tôn giáo, sự bịa đặt về tiến bộ; tất cả đều hóa thành ảo tưởng, chẳng có gì đưa đến một nguồn hy vọng nào cho thế hệ của anh (9x, năm nay Pat 26 tuổi), nếu nhìn vào bản chất. 


Anh tiếp, dù sự thấu cảm dường như trở thành một từ khóa ai ai cũng nhắc tới và tạo cảm hứng, nhiều nhà khoa học thần kinh đang cảnh báo rằng những cư dân kỹ thuật số đều tài giỏi và chứng minh rằng mình đang là những con người tệ hại nhất ở khoản đó. Sự hợp lưu của nhiều yếu tố đang tạo ra giữa thời đại này những thời điểm xa lánh, cô độc đến tột cùng, và cũng đồng thời ồn ào đến tột cùng. Vì thế, anh chọn tìm về thế giới nội tâm, đời sống riêng tư như nơi anh tìm thấy nhiều hy vọng hơn là những tranh luận luân lý online hùng hồn nhưng quá sức giản lược. 
Pat lớn lên Comstock Park, Michigan, một cộng đồng nhỏ phía bắc Grand Rapids, thành phố lớn thứ hai tại Michigan, thuộc vùng Ngũ đại hồ, như một vùng đất và một nước Mỹ hoàn toàn khác, hoang dã và công nghiệp, không hào nhoáng như New York hay Los Angeles, không đậm đặc văn hóa toàn cầu mà trái lại, rất đậm tinh thần sáng tạo, tiên phong, độc lập, DIY. Anh vào thành phố để theo học trường nghệ thuật và thiết kế Kendall College nhưng sau ba năm đã nghỉ ngang. Anh cuốn hút bởi bối cảnh nước Mỹ vùng thôn quê – các toa xe, đường dây điện, gạch, tường gỗ đã gãy, cây thưa lá, một chiếc xe máy cày đã hỏng, hay những tòa nhà bỏ hoang, dù quá khứ trước đây có đẹp đẽ như thế nào. Sau khi nghỉ học, anh đọc nhiều sách hơn, nói chuyện với nhiều con người giàu tri thức hơn, đi nhiều hơn đến những nơi khác nhau, và học những bài học quan trọng về cuộc sống – một thứ mà trường học dường như chẳng mang lại. “Muốn làm người sáng tác nghệ thuật, ta phải thành nhân. Muốn thành nhân, tôi phải ném mình vào nơi xa lạ!” 

“Pat Perry là nghệ sĩ của nghệ sĩ,” chủ gallery Ken Harman Hashimoto, chủ nhân của những gallery tại New York và San Francisco nhận định. [w1] 
Tôi cảm thấy có một trách nhiệm khi thực hiện bất cứ điều gì có khán giả thưởng thức. Một mặt, có những người bên cạnh đã đặt ra các tiêu chuẩn rất cao để tạo ra một tác phẩm giàu chất thơ, giản dị, thô ráp, tự giãi bày một cách mãnh liệt. Rồi, có những người khác hết sức tận tụy với việc tạo ra tác phẩm thực tiễn, đổi mới có thể củng cố và giúp ích cho những phong trào xã hội vô cùng to tát. Cả hai trường phái đều thường trực truyền cho tôi cảm hứng và nếu tiếp tục kiên trì, tôi hy vọng sẽ tìm ra cách để hôn phối hai trường phái này.
Năm 2013 Pat đến Barcelona để trình bày ở festival nghệ thuật OFFF, Let’s Feed The Future, tôn vinh nghệ thuật thiết kế trong vai trò nghệ sĩ được giới thiệu, bên cạnh hơn hai mươi diễn giả, nhiều người trong số họ là những nghệ sĩ thương mại, hầu hết nói về hồ sơ năng lực bản thân, chú trọng vào trả lời những câu hỏi “cái gì” và “làm thế nào”. Một người bạn đã hỏi anh một câu quan trọng thật sự: anh sẽ nói gì nếu có cơ hội nói một điều mà anh cho rằng quan trọng với nhiều người? Pat đã trả lời trước đám đông về việc sinh sống tại Grand Rapids, và sáng tác bên rìa của thế giới nghệ thuật thương mại và văn hóa đại chúng. Có một xu hướng nơi các nghệ sĩ trẻ chọn tôn vinh các ngôi nhà bỏ hoang trên nước Mỹ, và Detroit, nơi anh sinh ra và lớn lên, là một một trong những điểm nóng. 
Tranh thủ giữa những toa tàu và xe đạp máy, và suốt chặng đường dài hàng ngàn dặm, Pat dần hiện thực hóa giấc mơ được bung ra khỏi những giới hạn của sự tầm thường. Quá đỗi thường xuyên sự lặp đi lặp lại của sự tầm thường có thể dập tắt các thôi thúc sáng tạo, nhưng người họa sĩ gai góc này quyết tâm từ bỏ bằng mọi giá. Cảm hứng sáng tác của anh đến trực khởi từ những người bên cạnh, những thứ nhìn thấy, những cụm từ nghe thấy, quan hệ giữa con người với nhau, và những cá tính hoang dã cuốn hút anh. Anh nói, có nhiều lúc chẳng hề sáng tác: anh học làm bánh mì, câu cá, học cách xây nhà, khâu vá, ăn mừng, chơi nhạc, học cách chèo thuyền, và học tên của cây. Tối đến, anh và hàng xóm quây quần bên bếp củi, hoặc có lúc khác anh và họ biểu diễn nhạc folk với bạn bè trong hiên nhà, nhảy múa theo. Bà anh dạy rằng chớ nên từ bỏ một mối quan hệ sau lần cãi vã đầu tiên. Một chặng đường dài trên cao tốc ở Tennessee dạy cho rằng phải đi đến tất cả 50 tiểu bang và đến hẻm Peekaboo (miền Tây Nam nước Mỹ) một ngày nào đó nếu chẳng còn nơi nào khác để đặt chân tới. Người bạn Shawn cho rằng luôn đặt bước đầu tiên lên thanh ngang thứ hai của tàu. Người bạn Nate thì nói, đừng nói mà hãy trở thành cái mà ta muốn nói. Người chị song sinh tật nguyền cho anh biết rằng nếu mỗi ngày đều cố gắng, chiều cao ta vươn đến là vô tận. Một người đàn ông sún răng lái một chiếc tải chở hàng ở Portola, California nói rằng, cuối cùng thì, mọi việc cũng đâu vào đấy. 


Sự cầu kỳ trong tranh minh họa của anh, Pat thừa nhận, đến từ việc thường trực không ngừng nghỉ ngập ngụa trong các ý tưởng, các luẩn quẩn phải trái, và các câu hỏi mà anh không thể tách rời hay giản lược hóa. Anh ưa thích phá vỡ trật tự thứ bậc của cái mà chúng ta bị thị giác thu hút trong một tác phẩm. Nơi chốn là một phần quan trọng và luôn biến động trong đời sống và cảm xúc của chúng ta, anh thích mang phong cảnh và môi trường quay trở lại phía trước bằng cách tiếp cận đương đại, tươi mới hơn là kiểu tranh phong cảnh truyền thống. Ngoài ra, Pat thật sự yêu thích âm nhạc, nếu bỏ nghệ thuật sang một bên, đoán rằng nghe nhạc giúp anh ít căng thẳng hơn khi phơi bày cảm xúc của mình cho mọi người thấy. Đã thừa nhận, khi đem ruột gan của mình phơi ra, dù đó là sáng tác nghệ thuật, viết nhạc, trả lời phỏng vấn lúc 3 giờ sáng khi đang tỉnh quắt trên chiếc buýt chạy xuyên đêm, tất cả với anh đều đáng sợ. 
“Khi tôi nhìn lại tất cả những ảnh đã chụp một cách vô nghĩa, nó gần như cái mà tôi cho rằng đã vụt qua trước mắt chỉ một hay hai phút trước khi tôi chết đi.” Hiện diện một sự thúc bách có thật trong cách anh thâu tóm những trải nghiệm cuộc sống luôn nung núc, đầy tràn. Tự gọi tính cách của mình là khuôn thức, như cách người ta câu cá hay săn bắt thú, tức phán đoán, đặt mình vào một chỗ, nhưng chẳng thể kiểm soát được dòng nước, gió, thời tiết. Lúc nào anh cũng ghi chép, và ghi chép. 
“Tôi chọn phương tiện là bút bi, bút mực, và sơn. Tôi thích vẽ nhưng vẽ tranh là một chủ thể sáng tác hoàn toàn khác và nó kinh ngạc theo nhiều cách khác nhau. Hầu hết tôi chỉ chọn dùng bút chì phác thảo, bút bi, mực và sơn để hoàn thành, nhưng cũng không phiền nếu dùng lại bút chì. Anh chỉ sử dụng phần mềm CS4 để chỉnh màu đôi lúc.” Phong cách duy nhất mà anh đeo đuổi là sự thành thật. “Với tôi, nghệ thuật dường như đã bị lãng mạn hóa trở thành việc tạo ra cái gì đó đẹp đẽ. Tôi chỉ thèm khát những kỹ năng và phong cách đẹp, nhưng nếu chỉ có đẹp, thì nó trống rỗng. Nó còn phải thật nữa.” 


Pat Perry không tự hủy hoại bản thân hay bất cần hay kéo lê tài năng của mình đi qua cái mê cung sầu thảm để tìm ra ý nghĩa nào đó, mà anh dùng tài năng của mình và kiềm hãm năng lượng sáng tạo thành một lối sống sinh động hiến tặng cho các trải nghiệm phóng khoáng và tự bày tỏ bản thân theo một cách đầy suy tư. Tính cách gan lì cho phép anh kiên quyết tránh né sự tầm thường mà tìm kiếm những nguồn cảm hứng sống động. Chúng ta nhìn thấy sự va chạm của tự nhiên với thế giới đô thị, diễn đạt thật đẹp đẽ và do nhận thức quyết đoạt. Thay vì lãng mạn hóa những cái bình thường, anh chọn ghi chép lại những khoảnh khắc trong đời, biến tác phẩm trở nên riêng tư và ý nghĩa. Perry tự nhận mình là một nghệ sĩ không giới hạn về hình ảnh khi tin mình sẽ cơi rộng và khai phá những tầng sâu mới thông qua sự liên tục thay đổi cách thể hiện lẫn chủ thể diễn đạt. Pat vẽ là môi trường có thật, những con người có thật, nhưng cách anh thể hiện thì siêu thực. Nó gợi cho người xem về một thế giới tưởng tượng, có lẽ thuộc về giấc mơ của một con người. Trong một số chân dung, tồn tại song song hai môi trường thể hiện trong cùng một tác phẩm, ngụ ý môi trường mà người đó hiện diện chẳng phải cùng cái môi trường mà tâm trí người đó đang sống. 
Tác phẩm nghệ thuật là một công cụ mà anh đã luôn dùng để đào đến trái tim của con thú, theo cách Pat diễn đạt. Nếu không làm nghệ thuật, anh hình dung mình sẽ dùng đến một công cụ khác, hoặc có thể đào bới bằng đôi tay trần. Theo thời gian, anh ghi chép nhiều hơn, tham gia hăng hái hơn nhiều chiến dịch để phản đối các dự án khai thác năng lượng, và tìm cách duy trì cuộc sống không-mái-nhà-cố-định. Anh thích thú khi có thể trở thành một người kể chuyện giỏi hơn. Pat lý giải về cách mà anh đã trưởng thành trong vài năm vừa qua và quan tâm nhiều hơn đến cách các tác động của toàn cầu hóa và đấu tranh giai cấp đang làm tổn thương con người. “Tôi lạc quan nhưng không hề lạc quan tếu. Tôi có nên tiếp tục sáng tác hay phải dọn cỏ đi để cứu một thị trấn đang ngập lụt? Có thể làm cả hai không?” Pat nhận ra rằng là một nghệ sĩ chẳng thay đổi được tất cả nhưng một phần của những gì anh đang làm đang quả thật tạo ra sự thay đổi. 
Chùm tác phẩm anh thực hiện ở Alaska (http://patperry.net/art/alaska) ra đời trong một tháng, tập trung nhiều hơn vào công viên quốc gia Katmai (phía Nam Alaska) và việc ở giữa thiên nhiên hoang dã hơn là vướng bận cảm xúc mà tôi cố gắng nhồi vào một số tác phẩm trước đây. Tôi không có cách nào khác để liên lạc ngoại trừ kiểm tra email một lần một ngày ở trạm kiểm lâm. Điều này khiến các nhiễu nhương của đời sống ở nhà không vấy vào tác phẩm. Tôi chưa bao giờ cảm thấy hài lòng và hiện hữu hơn thế, có lẽ điều này khiến tác phẩm ít u ám hơn một chút. Anh cũng đã và đang sáng tác cho một dự án lớn khác – gấp đôi Alaska – ghi lại chuyến đi dọc phía Bắc nước Mỹ, và nó đang tiến triển đều đặn, mà anh không có ý định nào sẽ hối thúc nó, nhất là phần câu chuyện. 

Người ta ví các tác phẩm của anh với Trên đường của KerouacZen and the Art of Motorcycle Maintenance (Tạm dịch: Thiền và Nghệ thuật bảo trì xe máy, phát hành 1974) của Robert M. Pirsig có một đứa con cưng nhưng nổi loạn chống lại ảnh hưởng văn chương của cha mẹ mà lớn lên trở thành một nhiếp ảnh gia. Anh chụp hoàn toàn bằng máy 35mm, không tự cho mình là nhiếp ảnh gia, và quan trọng là tác phẩm với camera của anh chỉ là một dẫn dắt ta đến tác phẩm thật sự phi thường của anh trong tư cách một nghệ sĩ vẽ minh họa và họa sĩ. Chúng, các tác phẩm anh vẽ, đặc sệt chi tiết, nhiều tầng chen chúc lên nhau với các phá cách siêu thực, nhấn mạnh cái mâu thuẫn miên viễn giữa tự nhiên và thế giới nhân tạo. Cây mọc qua nhà cửa, quanh những toa xe lửa bỏ hoang, tôn vinh cả sự mục ruỗng và đồng thời sự sinh sôi phát triển. Có một sức mạnh mãnh liệt của cả hai trong cùng trí tưởng tượng của anh, bổ sung vào phong cách đặc trưng. 
“Tôi đã xem bộ phim tài liệu về Gregory Crewdson […] và anh ta nói rằng mỗi nghệ sĩ thật sự chỉ có một tác phẩm duy nhất mà họ miệt mài suốt cả đời để diễn tả chính xác được nó. Họ chỉ làm cùng một tác phẩm ấy hết lần này tới lần khác. Tôi cho rằng điều này có gì đó đúng. Tôi đang làm ra cái tác phẩm mà tôi muốn làm.” 
Division Avenue Arts Collective (DAAC) trong 10 năm đã tổ chức hàng ngàn sự kiện cộng đồng, hòa nhạc, triển lãm và biểu diễn, nhưng đến ngày 1 tháng 8, 2013, người chủ đất đã chấm dứt hợp đồng thuê của tổ chức nghệ thuật này, sự việc tạo ra một cơn chấn động làm rung chuyển cộng đồng nghệ thuật Grand Rapids và vùng tây Michigan. Sống bằng những tình nguyện viên, DAAC đã giúp dung dưỡng một cộng đồng nghệ thuật tràn đầy sức sống, mang lại sức sống cho Division Street, thông qua một tổng hợp các cửa hiệu, khu nhiệm trú sống và sáng tác, và các dự án giúp đỡ người vô gia cư. Những tài năng mạnh mẽ nhất của tập thể Grand Rapids, có thể xem như một nơi cư trú của nghệ sĩ giữa lòng Michigan, là The Soil and The Sun, Antrim Dells, và Pat Perry. Một người có quan hệ gần gũi và thâm nhập sâu với cộng đồng sáng tạo ở Grand Rapids nhận định đây là một trong những thành phố tài năng nhất của vùng Trung Tây và có lẽ của toàn nước Mỹ. Nhưng DAAC đã bị “tước đi” trụ sở họ đóng đô…