Jonathan Larson – một nhà soạn kịch tài năng với những giải Tony, người định hình phong cách cho sân khấu Broadway những năm 90 với Rent, nói là vậy nhưng chắc cũng chẳng nhiều người Việt biết được. Với chúng ta thì những thứ Jon đã làm trong quá khứ vô cùng xa lạ thậm chí nhắc đến Broadway ở thời điểm hiện tại cũng chẳng phải ai cũng biết. Nếu vậy với chúng ta bộ phim này cũng chẳng có gì đáng nói ngoài tiểu sử của một người làm nghệ thuật nhưng kể bằng âm nhạc? Đáng tiếc nó giống câu chuyện về cuộc sống thực của người nghệ sĩ hơn.

MỘT THẾ GIỚI KHÔNG DÀNH CHO “NHỮNG KẺ MỘNG MƠ”

Tại sao lại là một nơi không dành cho kẻ mộng mơ? Gọi là một “thế giới” tuy hơi quá nhưng nó dần được vẽ nên qua bài hát chúc mừng sinh nhật ở những phút đầu. Và ta có gì, một nhà soạn kịch đã sắp sang tuổi 30 - người đã dành ra 8 năm cuộc đời để viết đi viết lại một vở kịch nhưng vẫn chưa hoàn chỉnh, cùng cuộc sống ở trong 1 cái căn hộ tồi tàn và đơn giản chỉ một chữ thôi NGHÈO. Đấy vẫn chưa phải tất cả những điều bạn phải đối mặt khi chọn nghề này: còn gì có thể tệ hơn nữa chứ? Cũng chỉ là việc bị hết nhà sản xuất này rồi đến rạp hát khác từ chối kịch bản mà bạn đã tâm đắc xây dựng suốt một quãng thời gian tuổi trẻ và sau đó bạn nhận ra mình cũng tiêu luôn rồi. Ngoài Jon ra thì ta được giới thiệu về Michael – cậu bạn thân của Jon, một diễn viên nghiệp dư. Người đã quyết định từ bỏ đam mê của mình để có một cuộc sống tốt hơn thay vì phải đứng chờ hàng giờ trước những nhà tuyển dụng. Và đó chính là cái “thế giới hiện thực” hoặc bạn sẽ tiếp tục theo đuổi không ngơi nghỉ cùng hi vọng được phát hiện tài năng, hoặc bạn vứt xó nó rồi lựa chọn một công việc với mức lương ổn định, có xe BMW, cùng căn hộ có người gác cổng. Hồi 1 của bộ phim còn chưa kịp kết thúc thì “những kẻ mộng mơ” đã nhận ngay một cái tát mạnh về những vọng tưởng đối với ngành công nghiệp này. Còn gì đáng buồn hơn chứ.

NƠI TA CẦN ĐÁNH ĐỔI ĐỂ CÓ ĐIỀU MÌNH MUỐN

Jon là một ví dụ điển hình để có được kịch bản của Superbia anh đã phải bỏ ra 8 năm liên tục ngồi viết, thêm một khoảng thời gian dài ngày ngày đi làm bồi bàn ở Moondance Diner. Một cái giá không rẻ. Nhưng sau một khoảng thời gian dài đằng đẵng như vậy Jon đã đổi được một thứ vô cùng đáng giá:
MỘT BUỔI HỘI THẢO.
Đối với những nhà soạn kịch không có tên tuổi thì những buổi hội thảo như này là một cơ hội nơi mà người đại diện của bạn sẽ mời những nhà sản xuất tiềm năng từ khắp New York tới đánh giá, thẩm định. Hi vọng biết đâu nếu may mắn khi giờ nghỉ đến bạn được mời ra nói chuyện và sau đó thứ bạn nhận được một tấm séc giúp đổi đời. Với Jon đây là cơ hội cuối cùng của anh, thứ này sẽ giúp anh hoặc thăng hoa trở thành “tương lai của nền nhạc kịch” hoặc tiêu luôn. Nó dần trở thành công việc tối quan trọng và với Jon mọi thứ dẫu quan trọng đến đâu thì cũng phải sau BUỔI HỘI THẢO. Điều đó đẩy Jon đến vô vàn vấn đề: mâu thuẫn với người yêu, tách biệt với bạn bè, không có mặt khi họ cần để rồi chúng trở thành những nỗi ân hận không thể sửa chữa của anh. Nhưng sau những mâu thuẫn đó nó giúp Jon nhìn nhận vấn đề tốt hơn và anh hoàn thành được bài hát quan trọng nhất của vở kịch. Một bài hát tuyệt vời giúp buổi diễn thử của Superbia thành công rực rỡ cùng hàng loạt lời tán dương từ những nhà sản xuất.

HIỆN THỰC THÌ NÓ VẪN NGHIỆT NGÃ

Vậy là cuối cùng công sức đổ ra, những khó khăn, những “cái giá” đã phải trả cho vở kịch này cuối cùng đã đạt được. Một tín hiệu tốt chăng?
Không. Chẳng có bất kì nhà sản xuất nào chịu kí một tấm séc, không một rạp hát nào đồng ý bỏ vốn cho Superbia tất cả điều họ nói chỉ là: “không biết cậu ta sẽ làm gì tiếp theo”.
Nó tiếp tục là một cú vả cho cái “thế giới hiện thực” nơi những nhà soạn kịch cứ viết một vở rồi sau đó họ lại tiếp tục làm như vậy ngày qua ngày đến khi có một tác phẩm của mình được chọn. Nó không giống như kịch nghệ nơi mà ta cố gắng đấu tranh và cuối cùng thành công hoặc được đền đáp, đối với thế giới thực thì không có cái gọi là “được đền đáp” ta chỉ có nỗ lực và làm thế nhiều hơn mỗi ngày cùng hi vọng sẽ đạt được gì đó.
Và sau khi nhận được lời thông báo đó Jon phản ứng ra sao? Anh chạy đi tìm bạn mình, mong muốn lấy lại công việc trước kia mình đã ném đi, Jon đã hoàn toàn tuyệt vọng, mất phương hướng.
Đó không phải là chuyện hiếm gặp khi ta đã cố gắng rất nhiều nhưng công sức bỏ ra lại chẳng được ghi nhận khi ấy ta chỉ muốn vứt bỏ tất cả đi, rồi chấp nhận bán đam mê, linh hồn mình cũng chẳng dễ dàng gì nhưng sẽ không còn vài năm làm bồi bàn rồi thêm mấy năm viết lách thay vào đó ta có lương ổn định, bảo hiểm y tế, căn nhà của riêng mình. Dù sao thì nó vẫn hơn việc chạy ăn từng bữa, cùng một đống hóa đơn mãi chẳng trả nổi cùng câu hỏi bao giờ mình mới tỏa sáng.
Cái hiện thực ấy thì nó vẫn tồn tại ở đó thôi chẳng đi đâu cả, nó hiện hữu đợi chờ những gã khác người chọn cái ngành nghệ thuật, và sẵn sàng vả vào mặt những gã vẫn còn mơ mộng rằng mình cứ làm rồi sẽ sớm nổi tiếng, sớm có những tấm séc.
Nhưng. Nếu ta dám mơ mộng giữa cái "thế giới hiện thực" thì sao? Tất nhiên ta sẽ phải trả giá có thể là thời gian có thể là tiền bạc, hoặc thậm chí còn nhiều hơn thế nhưng ít nhất khi ta đã sống, làm việc, và đặc biệt YÊU nghệ thuật thì nó cũng chẳng tệ với ta đâu. Có thể bằng cách này cách khác ta sẽ cảm thấy nó đã cứu ta rồi khi đó ta lại tự hỏi:
Không có mày thì không biết tao sẽ thành cái thứ gì nữa?
Tựu chung lại cũng chỉ ở từ " dám" thôi biết đâu ta sẽ thành công hoặc ít nhất cũng không vô dụng vì dù sao ta cũng đã thật sự chuyên tâm làm một cái gì đó, hoặc dám theo đuổi tới cùng.

Arrivederci!