Sau một quãng thời gian xoay quanh công việc với những project nối tiếp project và hàng tá task nối tiếp nhau, nay mình quyết định dành hẳn 1 ngày để nghỉ ngơi với đúng nghĩa là nghỉ ngơi, không cầm điện thoại, đóng đô ở chiếc sofa với một cuốn sách bất kì trong tầm tay và remote tivi kế bên. 
Khi lướt Netflix mình định xem lại bộ phim Passing đang xem dở thì lại đổi ý tìm phim khác, và rồi chọn phim này chỉ vì có đọc sơ qua tựa đề ở một bài post Facebook nào đó, và chỉ vì chữ “musical” 
Tờ New York Time có một bài viết về phim mình nghĩ khá thú vị và súc tích về phim,“Tick, Tick, Boom!” - A Musical based on a Musical about writing a Musical. 
Phim không chỉ là tiểu sử về chàng đạo diễn nhạc kịch trẻ Jonathan Larson chật vật tìm chỗ đứng trong thế giới giải trí khắc nghiệt và chóng vánh, mà nó còn là bản hoà ca về khát vọng, đam mê cháy bỏng, về sự đối lập nghiệt ngã giữa nghệ thuật và cuộc đời, về hoang mang tuổi trẻ, về tình bạn, tình yêu, sự trưởng thành, về cái tôi con người và cái tôi nghệ thuật, về những ánh sáng chói loà khi ta chìm đắm trong sự thăng hoa của giấc mơ đời mình và cũng về những mảng xám thực tế xâm lấn đời ta hằng ngày hằng giờ, về thái đội sống, về lý tưởng, về cả những nỗi cô đơn của những người trẻ chưa kịp vươn cao thì đã bị đè bẹp bởi những toà nhà chọc trời ở thành phố lớn…
Thể loại nhạc kịch vốn không phải là thể loại quen thuộc với mình nhưng luôn là thể loại mình yêu thích, và mình thấy rất quả là một điều kì diệu để có thể dung hoà được sự tinh gọn, cô đọng của “phim” với nhịp điệu của “nhạc” - sự hoà hợp giữa câu chuyện, tình tiết, diễn xuất, hình ảnh với tiết tấu, âm nhạc và vũ đạo. Nếu đã từng say mê La La Land, mình tin là các bạn sẽ có cảm tình với Tick, Tick…Boom, thậm chí, với mình, Tick Tick…Boom còn chạm được sâu hơn thế. Cùng là đề tài về những người nghệ sĩ chật vật tìm lối đi và khẳng định tên tuổi của mình ở thiên đường nghệ thuật nước Mỹ, bối cảnh trong phim là “quả táo lớn” New York những năm cuối thập niên 90 và đầu 00s, nơi bùng nổ của kênh MTV và các hình thức giải trí nhanh, gọn, và ồn ào, việc bước vào nhà hát để xem 1 vở nhạc kịch dài 3 tiếng hoặc hơn đã bắt đầu lùi vào kí ức của những thế hệ trước hoặc những người hoài niệm.
Bộ phim quả thực là một tham vọng, một sự đột phá về thể loại, khi kết hợp tiểu sử và nhạc kịch - rồi lại kể về một vở nhạc kịch khác - nhưng hãy tạm bỏ qua việc phân tích nhận định về chuyên môn (vì mình có biết đâu mà nói sâu hơn), Tick, Tick, Boom thực sự là một tác phẩm hoàn hảo, từ cách dựng phim, kể chuyện, photography, đến diễn xuất của từng nhân vật trong phim.Nhưng ấn tượng nhất với mình, và cũng nhận được cơn mưa lời khen của giới phê bình là anh chàng đóng Spider Man trật chìa - nói trật chìa là vì ảnh từng bị kẹp giữa một tượng đài quá lớn là Nhên của Tobey và hình ảnh quá đại chúng là Nhện của Tôm Holland. 
Andrew Garfield đã thực sự rũ bỏ hoàn toàn những định kiến của mình về một chàng Anh điển trai ngái ngủ đóng phim. Anh nhập vai nghiêm túc và xuất thần, dù đôi lúc vẫn còn nét “ngái ngủ”, nhưng sự ngái ngủ đó lại có chủ đích, anh đã khắc sâu trong mình hình ảnh chàng đạo diễn nhạc kịch trẻ tài năng phóng khoáng nhưng lại vô cùng nhạy cảm với cuộc đời, ý thức được cái tôi nghệ thuật của chính mình, yếu đuối, lãng tử, haì hước…như thể mình được gặp & làm việc với chính anh ấy từ rất lâu vậy. 
Một màn trình diễn xuất sắc khác đến từ Robin de Jesús - đây có lẽ không phải là một vai khó với anh, nhưng trường đoạn nhân vật Micheal  và Jon trong phim, với mình là một trong những phân cảnh hay nhất phim, diễn xuất của anh tiết chế, nhưng vừa đủ để mình rơi nước mắt cùng lúc khi anh cất tiếng hát - và phải cúi đầu với đạo diễn vì đã dựng đoạn này quá hay, từ cinematoghraphy đến diễn xuất của 2 điễn viên - sự hoà hợp nhẹ nhàng nhưng lại gây xúc động mạnh mẽ vô cùng. 
Đề kết, với mình đây thực sự là một “viên ngọc ẩn mình” trong muôn vàn tựa phim mới mỗi ngày ra mắt trên Netflix, dù không phải là một người chọn nghệ thuật để theo đuổi như một “nghề”, những gì phim truyền tải đến mình còn hơn là một bản nhạc hay về những người nghệ sĩ sống hết mình với thứ mà họ theo đuổi, mà còn là hy vọng, là niềm tin về nghệ thuật đích thực thì sẽ tìm được khán giả đích thực, và khi đó, giá trị của nó sẽ mãi lấp lánh trong trái tim của nhân loại, không dễ dàng tắt đi dù có qua bao đổi thay của thời đại. 
Giờ đây, mỗi lần muốn bỏ cuộc, mình sẽ nhớ lại đoạn Jon nói chuyện với cô đại diện của mình sau khi trình diễn vở nhạc kịch 8 năm tâm huyết của anh nhưng không một lời hồi đáp về sự đầu tư  “Em phải làm gì tiếp theo đây hả chị” Jon tuyệt vọng
“Viết tiếp, em viết tiếp một vở khác, một vở khác, một vở khác nữa, em cứ viết hết vở này đến vở kia, dựng nó, cho nó sống, trình diễn nó, đến khi chính nó tìm được cách sống trong lòng khán giả, vì đó là điều một người nghệ sĩ phải làm, nhấc đít lên và viết đi chàng trai” 
đoạn này mình dịch thoáng tự nguyên gốc mình nhớ “Write your next one, and another one, and another one, throw them to the wall and see if any of them stick. Sharpen your pencils, kid”