Trước khi nói về bất kỳ điều gì khác của 'một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian', mình sẽ để ở đây những trích dẫn trong sách.
Mình nghĩ sẽ không có ngôn từ nào là đủ để diễn tả sức cuốn hút của cuốn sách, hơn chính những gì đã được tỉ mỉ viết ra bên trong nó. Có lẽ đây là cách dễ nhất để những ai chưa đọc nó có được hình dung, dù là đơn sơ thôi, về những gì cuốn sách này muốn truyền tải.
(Trang 15) “Con có bao giờ quan sát con từ đằng sau, nhìn mình tiến xa hơn vào trong khung cảnh đó, bỏ lại mình?” Con biết nói sao cho mẹ biết, chuyện mẹ đang diễn tả ấy, chính là sự viết?
(Trang 17) Trong tay mình không cầm gì ngoài tay nhau.
(Trang 40) “... hai mẹ con ấp ủ hy vọng cái màu trắng biến vào trong con sẽ làm lớn thêm một thằng nhóc da vàng. [...] Sữa sẽ xóa sạch bóng tối trong mình bằng cơn lũ sáng trưng.”
(Trang 99) Bởi vì một viên đạn không ghim vào cơ thể nào cũng giống như một bài hát không có người nghe.
(Trang 157) Mẹ có nhớ ngày vui nhất trong đời mình không? Thế còn ngày buồn nhất? Mẹ có bao giờ tự hỏi liệu nỗi buồn và niềm vui có thể trộn vào với nhau, để tạo thành một thứ cảm xúc màu tím thẫm, không tốt cũng không tồi, nhưng đáng nhớ chỉ vì mẹ không phải sống hẳn về một bên? Hôm đó là một ngày màu tím - không tốt cũng không tồi, nhưng là một ngày ta đi qua.
(Trang 174) Đôi lần, khi bất cẩn, con nghĩ sống sót là việc đơn giản thôi: mình chỉ cần cứ thế tiến tới với những gì mình có, hoặc những gì còn lại từ những gì mình được từ đầu, cho tới khi có sự thay đổi - hay tới khi mình nhận ra, rốt cuộc, là mình có thể thay đổi mà không biến mất, rằng tất cả những gì mình phải làm là chờ tới khi cơn bão đi qua mình và mình thấy - phải - tên mình vẫn còn gắn vào một sinh vật đang sống.
(Trang 217) Sự thật là không ai trong chúng ta đủ để được gọi là đủ. Nhưng điều này mẹ biết rồi.
(Trang 221) Có lần, tại hội nghị viết văn nọ, một người da trắng hỏi con liệu hủy diệt có cần thiết cho nghệ thuật không. Đó là một câu hỏi chân thành. [...] “Không, thưa ông, hủy diệt không cần thiết cho nghệ thuật.”  Con nói thế, không phải vì tin thế, mà vì con nghĩ nói ra sẽ giúp con tin là như thế. Nhưng tại sao ngôn ngữ để sáng tạo không thể là ngôn ngữ của tái tạo?
(Trang 230) Trong tiếng Việt, nhớ nhung một người và nhớ được một người đều có chung chữ nhớ. Đôi khi, trong lúc gọi điện, mẹ hỏi con, Con nhớ mẹ không? Con giật mình, tưởng rằng mẹ hỏi con, Con còn nhớ mẹ không? Con nhớ mẹ nhiều hơn những gì con nhớ về mẹ.
(Trang 235) Một người bên cạnh một người bên trong một đời. Ta gọi đó là đẳng lập. Ta gọi đó là tương lai.
(Trang 283) Suốt thời gian qua con tự nhủ mẹ con mình sinh ra từ chiến tranh - nhưng con đã nhầm rồi mẹ à. Mình sinh ra từ cái đẹp.  Đừng để ai nhầm chúng ta là trái quả sinh ra từ bạo lực - mà hãy để họ biết rằng thứ bạo lực đó, dù đã càn qua quả, vẫn không làm hỏng được nó.
(Trang 291) Con lại nghĩ về cái đẹp, về việc một số thứ bị săn đuổi bởi vì ta cho là chúng đẹp. Nếu đời sống một cá thể là quá ngắn ngủi, so với lịch sử hành tinh này, chỉ một cái chớp mắt, như người ta nói, vậy thì được rực rỡ, cho dù suốt từ ngày ta sinh ra đến ngày ta chết đi, là rực rỡ chỉ trong một thoáng.
Mình đã mất cả năm để đọc 'một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian'. Mình đọc nó ở sân bay; trên máy bay; hoặc trong những đêm dài tĩnh lặng. Với mình, cuốn sách này cần, và xứng đáng được đọc khi xung quanh không còn gì khác lôi kéo sự tập trung của mình khỏi nó. Có những đoạn phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới thực sự hiểu và nhớ để tiếp tục lật trang. Dù vậy, đến khi mình đọc xong những dòng cuối rồi, mình vẫn nghĩ là mình mới chỉ hiểu 5 phần của cuốn sách là nhiều nhất.
Mình từng đọc ở đâu đó, có ai đó nói rằng "Ocean Vương là sự hiện diện gần nhất với Chúa." Bởi lẽ cách anh ấy chơi đùa, đôi khi là thống khổ vật lộn với những thứ hiện hữu như từ ngữ và việc viết, để thể hiện những giá trị vô hình, lớn lao, khó nắm bắt hơn - là một điều kỳ diệu. Chẳng ai khác làm được hay như thế. Hay ít nhất là hay theo kiểu như thế. Mình biết. Nhưng mình nghĩ là mình không thực sự thấu hiểu điều kỳ diệu trong sách Ocean Vương. Nó giống như là mình yêu bầu trời, mình biết rằng nó đẹp một cách choáng ngợp đôi khi, nhưng mình không hiểu tại sao chúng lại xanh, hay có lúc là hồng, cam, tím,...
Có một anh chàng match mình trên Bumble từng đồng ý bắt chuyện với mình vì mình nói mình cũng ngưỡng mộ Ocean Vương. Nhưng anh ấy không chỉ ngưỡng mộ, "Anh mê Ocean Vương khủng khiếp", cơ. Sau một vài câu nói chuyện qua lại, mình biết là anh mong chờ ở mình một sự đồng điệu lớn hơn mình có thể cho (ở thời điểm đó). Chắc anh ấy kỳ vọng mình có thể cùng anh nói về cách bầu trời được kiến tạo và bao trùm tất thảy, nhưng mình thì chỉ biết là bầu trời ở đó, ở trên ta, thế thôi.
Dù sao sau một đêm thức đến 3 giờ sáng để đọc một mạch đến hết 'một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian', mình cũng đã có thêm động lực để tìm hiểu thêm về Ocean Vương và cách anh viết nên cuốn sách này. Mình đã xem hết talkshow với độc giả của Ocean do Nhã Nam tổ chức. Dưới đây là một số kiến thức xoay quanh cuốn sách và con người Ocean Vương mình có để chia sẻ cho mọi người:
(Khi đó mình nghe talkshow và tự tóm tắt lại những ý nổi bật theo mạch hiểu của mình. Những điều dưới đây không phải trích dẫn nguyên văn những gì Ocean Vương đã nói. Mọi người có thể bấm vào link để tự trải nghiệm ha.)
1. Từ 'gorgeous' trong tên sách gốc 'on earth we're briefly gorgeous' còn có ý nghĩa đại diện cho cộng đồng LGBTQ+. Cụm từ này được sử dụng vô cùng phổ biến trong cộng đồng từ cuối thế kỉ 20 - cùng thời điểm cả xã hội gán cho LGBT những hình ảnh xấu xí, không rực rỡ nhất (HIV, nghiện ngập, cái chết,...)
2. Trong suốt lịch sử, người Việt Nam trên đất Mỹ đã luôn phải làm đủ những công việc phục vụ (services) trong quán nail, nhà hàng, xưởng sửa chữa,... Vậy nên khi được đưa cho một tờ giấy trắng để tạo nên một cuốn tiểu thuyết mới, Ocean Vương không muốn phí hoài cơ hội này để tiếp tục phục vụ người Mỹ da trắng. Cuốn sách là những lá thư, những cuộc trò chuyện của hai người Việt Nam. Người Mỹ là người ngoài. Nếu muốn hiểu, họ chỉ có thể đứng ngoài và lắng nghe.
3. Ocean Vương trả lời câu hỏi, liệu Chó Con - nhân vật chính trong sách có phải là bản thân anh ngoài đời không rằng: "Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết giống với cuộc sống của em, nhưng những gì đã diễn ra trong cuốn sách là thành phẩm của trí tưởng tượng. Em đã nhìn vào nhân vật chính với sự tò mò, gần như là tạo ra một hình ảnh đối xứng với bản thân, kiểu như một thế giới song song khác. Nếu như có một gia đình khác giống y đúc gia đình em, họ sẽ làm gì trong hoàn cảnh đó? Lúc này (viết) tiểu thuyết là một công cụ hoàn hảo (để trả lời cho câu hỏi trên), vì những nhân vật trong đó sẽ luôn tốt hơn chúng ta. Ta chỉ có một lần sống trên đời, nhưng những chúng ta khác có thể có 12, 20, 30 cơ hội để sống. Chó Con tốt hơn em rất nhiều, tốt bụng hơn, kiên nhẫn hơn, tò mò hơn, văn thơ hơn. Ocean Vương thì chỉ có một lần sống trên đời thôi, và em đã có lúc làm hỏng cơ hội đó, bản nháp đó rồi. Vậy nên với em, cuốn tiểu thuyết này là cơ hội thứ hai cho cuộc đời mà em đã từng sống, chứ không phải lặp lại nó."
4. "Em nghĩ điều quan trọng nhất của một người nghệ sĩ là hiểu rõ một sự thật rằng, sẽ không có niềm hạnh phúc nếu như không có khổ đau. Bạn sẽ không thể đo đếm được niềm vui nếu không có nỗi buồn. Bạn sẽ không thể nhìn thấy ánh sáng nếu thiếu đi bóng tối." Anh chia sẻ khi một độc giả trẻ hỏi có quá khó khăn cho anh khi viết cuốn sách này không, khi từ đầu đến cuối cuốn sách đều có một nỗi buồn khó che giấu. "Em thấy cái nỗi buồn hay sự khó chịu khi viết là một cái giá rẻ, nó dễ trả, so với những cơ hội quý giá em có để được viết."
5. Kết thúc talkshow, Ocean Vương chỉ muốn nhờ mọi người một điều thôi, là nếu mọi người có đi qua Gò Công Đông, ở đó có một ngôi mộ tên Lê Thị Bảy là bà ngoại anh ấy. Mong mọi người bỏ thời gian thắp một nén nhang cho bà.
Vậy đó. Đến đây thôi, tản mạn mà. Chỉ là cuối cùng mình cũng đọc xong cuốn sách, trong một ngày nhẹ nhàng trôi.
Mong cho năm nay của tất cả chúng ta sẽ là một năm rực rỡ,
dù chỉ trong một thoáng.
Quỳnh.