tản mạn chuyện văn
Nguyễn Huy Thiệp là một thầy giáo. Mới 19 tuổi, Thiệp đã làm một ông thầy dạy học tại một vùng hẻo lánh tỉnh Sơn La, liên tục suốt...
Nguyễn Huy Thiệp là một thầy giáo. Mới 19 tuổi, Thiệp đã làm một ông thầy dạy học tại một vùng hẻo lánh tỉnh Sơn La, liên tục suốt hơn 8 năm. Với Thiệp, đó là bỏ lại tuổi trẻ sôi động để “úp mặt” vào núi rừng. Tôi hình dung người thầy giáo ấy có những buổi chiều đứng ở một bờ vực nhìn tất cả ruộng nương sông suối tối sầm lại trong sáng tàn của ngày lạnh. Trò chuyện với mình chỉ là những ngọn gió Hua Tát. Rất có thể một trải nghiệm kiểu như vậy làm người ta già đi rất nhanh, nghĩa là, từ bỏ rất sớm những ảo tưởng.
Nguyễn Tuân từng nói bản thân chưa có tuổi trẻ thì đã thành ông cụ non rồi. Mới 30 tuổi đã viết *Vang bóng một thời*. Có một chi tiết mà Nguyễn Vỹ kể lại, ông Tuân viết một câu như thế này “Chúng ta là những con người ta của người ta. Chỉ có giấc mơ là của mình”. Một người rất thèm đi, nhưng có một thời niên thiếu không phải lúc nào đi cũng thành công. Tiêu biểu là chuyến phượt chui sang Myanmar nhưng lại bị bắt tại Bangkok rồi bị giải về nước bị chính quyền quản thúc.
Thời trẻ của Khái Hưng, cũng như đoạn cuối của Khái Hưng, vẫn còn quá nhiều bí mật. Về cơ bản, những trang nội dung dành cho độc giả phổ thông không bao giờ nhìn nhận đúng được tầm vóc của Khái Hưng. Saigoneer chẳng hạn, mặc cho thiện chí lần giở cảo thơm, ôn cố tri tân, với loạt bài về văn học Việt Nam, về cơ bản chẳng làm được gì ngoài nhai lại những trivial facts như mấy thị phi về giới tính Xuân Diệu (mà người có công nhất trong việc quảng bá mấy thứ tầm thường kiểu vậy là mythomane Tô Hoài), hoặc là lặp lại những nhận định sai lầm của những phê bình gia hạng hai như Hoài Thanh hay Vũ Ngọc Phan. Khái Hưng chính thức lộ diện rất trễ; tác phẩm debut ra đời khi ông tầm 36, 37 tuổi, nhưng những năm sau đó, Khái Hưng là ngôi sao sáng của làng văn Bắc Kì. Và mặc dù về tuổi tác, Khái Hưng phải thuộc vào hàng ngũ của Phạm Quỳnh, vậy mà thế hệ những nhà văn sinh sau ông hơn 10 năm lại không thể làm được những gì mà Khái Hưng đã làm. Nhưng trước Tự Lực Văn Đoàn, Khái Hưng ở đâu và làm gì? Ông đã có những trải nghiệm như thế nào để trở thành một nhà văn kiểu như thế? Qua các phát hiện của Cao Việt Dũng, ta biết Khái Hưng có giao thiệp với những nhân vật như Phan Khôi và Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng cụ thể thế nào thì ta không biết nhiều. Qua các ghi chép của những người cùng thời, thái độ chung của những tác giả ngoài Tự Lực Văn Đoàn là không ưa gì sự kiêu ngạo của nhóm Tự Lực, nhưng tất thảy đều có cảm tình với Khái Hưng.
Từ hơn 2 năm qua, tôi cũng ít tìm hiểu thêm về lịch sử văn học Việt Nam. Tất nhiên có những thứ vẫn luôn ở đó, chỉ chờ mình phát hiện mà thôi, nhưng mà đó không phải chuyên môn, nghề nghiệp của mình; mình cũng không có nhiều thời gian rảnh để làm, thế nên tôi sẽ tin vào những nhà phê bình có vẻ uy tín xanh chín như Mai Anh Tuấn (về Nguyễn Huy Thiệp) hay Cao Việt Dũng (về Khái Hưng). Hơn 10 năm qua, những người mà nghề nghiệp họ gắn liền với văn học như Mai Anh Tuấn và Cao Việt Dũng vẫn khẳng định vị trí không thể thay thế của Nguyễn Huy Thiệp và Khái Hưng. Nên tôi sẽ tạm tin như thế cho đến khi có thêm các dữ liệu khác.
Mỗi nhà nghiên cứu có một đối tượng mà họ sẽ liên tục trở lại; Cao Việt Dũng từng nói với trường hợp Nguyễn Huy Thiệp, anh ấy không có tham vọng giải quyết rốt ráo, bởi đó là việc của người khác, bởi cái con đường văn chương đó không phải là kiểu của mình. Nói cách khác, mặc cho mọi lý thuyết và lý luận, văn chương vẫn là một thứ rất cá nhân và, hiển nhiên là, vô dụng. Với riêng tôi thì chỉ có một “chàng ther” họ Nguyễn. Tôi cũng đã có một cái nhìn sơ bộ qua tiểu sử, hành trạng lẫn văn chương của các nhân vật văn chương xứ sở này, và vẫn tin là chẳng có kiểu nào hợp với tôi hơn Nguyễn Tuân.
Nhưng cũng có thể chỉ là chưa đến lúc tôi hiểu được một số loại văn chương. Có những trường hợp tôi không xếp họ vào đâu hết; những nhân vật mà tôi phải bỏ ngỏ và ngờ rằng còn có gì đó rất quan trọng ở đó: Hồ Dzếnh, Hồ Hữu Tường, Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Trần Dần, Thanh Tâm Tuyền, Phan Du, Bùi Ngọc Tấn, Linda Lê, chưa kể về thơ thì có Đinh Hùng. Có thể đến một lúc nào đó, tôi sẽ nhận ra được chút gì ở những con đường văn chương đó chăng?
Dương Nghiễm Mậu thì đã hiển nhiên. Tôi đã từng tưởng rằng Dương Nghiễm Mậu chỉ có vậy, cho đến khi đọc Lênh đênh qua cửa Thần Phù. Thật không hiểu vì sao một anh chàng học đạo diễn tôi biết than rằng Việt Nam không có kịch bản hay, trong khi nếu đọc qua Chùa Đàn hay Kẻ khắc mặt quỷ, họ sẽ nhận ra là họ đã sai đến thế nào. Kẻ khắc mặt quỷ với tôi có một cái vibe rất là giống Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca. Tôi không rõ Dương Nghiễm Mậu có bao giờ xem Bá vương biệt cơ chưa. Chùa Đàn thì đã thành phim Mê Thảo thời vang bóng, nhưng tôi thấy có những thứ vẫn chưa khai thác hết. Còn nếu muốn một thứ phim chậm, không có gì siêu thực, một cái không khí kiểu Bên trong vỏ kén vàng hay Giòng sông không nhìn thấy thì có thể đọc Thanh Tâm Tuyền. Biết bao dự án đã bị bỏ lỡ vì người ta đã không biết có tồn tại một di sản đồ sộ tuyệt vời như thế.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất