Một đặc điểm phổ biến của các cộng đồng người Hoa ở Đông Nam Á là tính biệt lập của họ. Người Hoa tạo nên những "xã hội" nhỏ, những "khu tự trị" trong quốc gia mà họ cư trú. Người Hoa sống tập trung lại với nhau thành từng khu (như là khu Chợ Lớn ở miền Nam), mỗi địa phương có bang trưởng được cử ra trong số người giàu có, thạo việc làm ăn để thay mặt cộng đồng giao thiệp với bên ngoài, hoặc giải quyết tranh chấp không qua sự can thiệp của chính quyền sở tại. Người Hoa cũng nổi tiếng là biết dùng tiền để mua chuộc quan chức trong chính quyền sở tại. Ý thức biệt lập dựa trên sự nuôi dưỡng tinh thần nước lớn, tổ chức nội bộ chặt chẽ, cơ sở kinh tế mạnh, có nhiều mưu mẹo, thêm vào đó là hậu thuẫn mạnh mẽ của tư sản Hoa kiều ở các nước khác, đó là những đặc điểm và cũng là điều kiện cho phép tư sản gốc Hoa thao túng hầu như toàn bộ nền kinh tế miền Nam trước năm 1975.[85]
Ở miền Nam, từ năm 1956, chính phủ Ngô Đình Diệm đề ra chính sách buộc tất cả người Hoa phải nhập quốc tịch Việt Nam hoặc bị trục xuất, sau đó lại ban hành sắc luật cấm người nước ngoài hoạt động trong 11 ngành nghề, kể cả buôn gạo và bán hàng tạp hóa, những ngành mà người Hoa chiếm ưu thế. Những người Hoa đang hoạt động trong khu vực kinh tế này có 6 tháng đến 1 năm để bán hay sang nhượng lại thương nghiệp cho công dân Việt Nam, nếu không sẽ có thể bị trục xuất hay phạt 5 triệu đồng. Lập tức người Hoa xuống đường gây bạo động phản đối. Đến mùa hè 1957, người Hoa đóng cửa gần hết trường học, hoạt động thương mại, và rút tiền ra khỏi ngân hàng. Khoảng 800 triệu đến 1,5 tỉ đồng − gần 17% tiền tệ đang lưu hành ở miền Nam − biến mất khỏi thị trường, thương mại bất chợt ngưng trệ. Đến khoảng giữa tháng 5/1957, có khoảng 6.000 cửa hàng của người Hoa đã đóng cửa, 200.000 người mất công ăn việc làm. Hoa kiều còn phản đối bằng việc ngừng vận tải hàng hóa (các hãng vận tải lớn đều do họ nắm giữ). Với sự hỗ trợ của giới buôn lớn, chủ ngân hàng Hoa kiều ở Đông Nam Á và chính quyền Đài Loan, người Hoa nhất loạt đình chỉ hoạt động, tẩy chay không bốc dỡ gạo Việt Nam đã cập bến cảng nước ngoài. Do ngừng mọi vận chuyển, nông sản ứ đọng ở vùng quê, trong khi Sài Gòn – Chợ Lớn lại rất khan hiếm. Nền kinh tế Việt Nam Cộng hòa gần như sụp đổ[85].
Nhận thấy ảnh hưởng không thể thay thế của người Hoa trong nền kinh tế, Chính phủ Ngô Đình Diệm nhượng bộ. Cuối tháng 7/1957, người Hoa được quyền ghi danh cửa hàng bằng tên của bà con sinh tại Việt Nam, hoặc nhập tịch Việt Nam theo thủ tục đơn giản (được phép giữ lại quốc tịch Hoa). Hiệu trưởng các trường học chỉ cần là người Hoa sinh tại Việt Nam. Tiếng Hoa được sử dụng lại trong trường học trừ các môn lịch sử, địa lý và văn học. Người Hoa cũng được đối xử mềm mỏng khi áp dụng luật thi hành quân dịch. Đến năm 1961, theo một báo cáo của Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng hòa, hơn 1 triệu người Hoa sống ở miền Nam chỉ còn chừng 2.000 người là không chịu đổi quốc tịch, phần lớn là những người đã già, còn lại thì buộc phải chuyển hẳn sang quốc tịch Việt Nam.[86]
Trong 15 năm tiếp theo, người Hoa ít khi bị động tới, tự trị tự quản về nhiều mặt, các khu người Hoa giống như khu tự trị ngay trên đất nước Việt Nam. Cùng lúc chiến tranh leo thang, người Hoa đã góp phần không nhỏ vào tình trạng tham nhũng, hối lộ, trốn thuế, trốn quân dịch, gây bất ổn định chính trị trong xã hội miền Nam thời đó. Cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, thế lực kinh tế của người Hoa tại Việt Nam vẫn là vấn đề chưa có giải pháp dứt điểm.
Năm 1973, thành phố Sài Gòn có 36 rạp chiếu bóng thì 17 rạp là của người Hoa. 25 trong tổng số 30 nhà nhập khẩu phim truyện của nước ngoài là Hoa, họ đồng thời là chủ các rạp chiếu bóng. Trong tổng số 35 rạp đăng quảng cáo có tới 23 rạp chiếu phim Đài Loan.[87] Báo Sóng thần số ra ngày 14/6/1974 đăng quảng cáo cho 39 rạp phim vùng Sào Gòn – Chợ Lớn – Gia Định thì 28 rạp chiếu phim của Đài Loan, còn lại là của các nước khác, không một rạp nào chiếu phim Việt Nam. Trong tổng số 31 ngân hàng hoạt động ở miền Nam trước năm 1975, Đài Loan có 3 ngân hàng, 7 ngân hàng khác là của người Hoa mang quốc tịch Việt. Ước lượng hàng năm các ngân hàng của người Hoa chiếm khoảng 80% tổng số tín dụng dành cho thương mại. Người Hoa làm chủ 42 trong tổng số 60 công ty có doanh số hàng năm trên 100 triệu đồng tiền cũ.[85]
Tuyệt đại bộ phận lượng thóc gạo lưu thông ở miền Nam về cơ bản nằm trong tay tư sản Hoa kiều hoặc người Việt gốc Hoa. Chế độ Sài Gòn có lần định trực tiếp nắm việc phân phối lương thực, ít nhất là trong khu vực bán buôn, nhưng mọi cố gắng đều không đưa lại kết quả. Sau một thời gian, đầu năm 1970, chính quyền Sài Gòn tuyên bố "trao trả việc phân phối lúa gạo lại cho tư nhân", nhà nước chỉ đóng vai trò "kiểm soát về giá cả và tham gia vận chuyển". Thực tế đây là một sự đầu hàng trước tư sản người Hoa. Tháng 3 năm 1971, trả lời phỏng vấn của một tờ báo, chủ tịch Nghiệp đoàn Mễ cốc Việt Nam (Sài Gòn) đổ lỗi sở dĩ phải làm vậy là vì "bảy thương gia hoạt động mạnh nhất và coi như đã nắm gần trọn hệ thống thu mua phân phối lúa gạo", hầu hết đều là người Hoa.[88]
Về đường biển, đội thuyền buôn theo kiểm kê năm 1972, có 35 chiếc trọng tải từ 650 – 2.500 tấn, trong đó gần một nửa thuộc sở hữu tư nhân hoặc do tư nhân thuê của nước ngoài, tư nhân ở đây cũng toàn là người Hoa. Tháng 11 năm 1970, một tờ nguyệt san xuất bản tại Sài Gòn viết: "Cho đến nay, ngành chuyên chở hàng hóa vẫn còn nằm dưới sự độc quyền của người Việt gốc Hoa, chưa có một hãng vận tải người Việt nào xen vào cạnh tranh nổi. Các doanh nhân thủ đô gởi hàng đi và các nhà nông từ các nơi đưa nông phẩm về Sài Gòn – Chợ Lớn đều phải nhờ các hệ thống vận tải của người Việt gốc Hoa. Riêng về ngành này, người Việt gốc Hoa có khoảng 170 hãng hoặc công ty vận tải."[88]
Độc quyền vận tải cũng là phương sách để người Hoa ngầm khống chế thị trường. Người Hoa không bao giờ chở hàng của người Việt, nếu có mặt hàng đó cùng loại với hàng hóa do người gốc Hoa sản xuất. Nói cách khác, hệ thống vận chuyển và phân phối của người Hoa chỉ phục vụ lợi ích của người Hoa. Hàng do người Việt sản xuất nếu bị hệ thống vận tải độc quyền của người Hoa từ chối lưu thông thì sẽ tồn ứ ở trong kho, doanh nghiệp chỉ chờ phá sản[88]
Cuối năm 1973, kiểm kê cho biết, trong số gần 10.000 xí nghiệp lớn nhỏ được kiểm kê, 80% là tài sản của tư sản gốc Hoa. Hai công ty nhập khẩu và chế biến bột mì lớn nhất là Sakybomi và Viflomico cung ứng 60% nhu cầu bột mì cho toàn miền Nam, thì tư sản người Hoa làm chủ cả hai, ngoài ra họ còn làm chủ luôn 10 công ty nhỏ khác thuộc ngành này. Họ chiếm 90% số vốn của năm công ty và 182 cơ sở sản xuất mì gói. Công ty sản xuất mạch nha duy nhất với số vốn 200 triệu đồng là của tư sản người Hoa. Với sự góp vốn của Đài Loan, họ kiểm soát hoàn toàn 4 công ty sản xuất bột ngọt (mì chính). 30 trong tổng số 40 cơ sở sản xuất rượu ở miền Nam là của người Hoa. Ngoài ra, họ giữ 60% vốn của 14 công ty khai thác hải sản. Sài Gòn có 4 công ty dệt lớn là Sicovina, Vimytex, Vinatexco và Vinatefinco, thì ba công ty sau là của tư sản người Hoa, chiếm khoảng 70% sản lượng toàn ngành.
Trong công nghiệp hóa chất, tư sản người Hoa là chủ của 14 trong tổng số 17 công ty. 55% vốn của các cơ sở sản xuất đệm mút, giày dép, đồ dùng bằng cao su; 50% vốn của các ngành sản xuất nến, diêm, phấn viết… là của người Hoa. Họ tổ chức 4 trong tổng số 5 công ty luyện kim. 60% vốn của khoảng 100 xưởng đúc gang, làm đinh… do tư sản người Hoa kiểm soát. Về sản phẩm cơ khí, đồ dùng điện và điện tử, tư sản người Hoa nắm từ 60 – 70% tổng số vốn, rải ra trên hàng trăm cơ sở. Người Hoa chiếm khoảng 50% doanh số bán lẻ của toàn miền Nam, về bán buôn (tiếng miền Nam gọi là "buôn sỉ") thì tư sản người Hoa gần như nắm độc quyền. Tư sản người Hoa cũng làm chủ khoảng một nửa số khách sạn lớn và 90% số khách sạn nhỏ, nhà trọ ở vùng Sài Gòn.[88]
Người Hoa có có kỹ năng kinh doanh tốt, có truyền thống kinh doanh, khéo lợi dụng quan hệ huyết thống và tinh thần nước lớn (con dân nước Trung Hoa vĩ đại), cộng vào đó là những mưu mẹo, tính thích ứng với mọi hoàn cảnh, sự nhẫn nhục và cần cù. Người Hoa cũng giỏi móc ngoặc với tư bản quốc tế và lợi dụng guồng máy chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Có đủ căn cứ để cho rằng tổng số các nghiệp vụ tín dụng công khai hoặc ngấm ngầm của giới tư sản ngân hàng Hoa Kiều ở miền Nam trước năm 1975 là không dưới 150 tỷ đồng Sài Gòn cũ, trong đó khoảng 100 tỷ được dùng vào việc thu mua lúa gạo. Số tiền đó bằng 1/3 tổng số tiền lưu hành ở miền Nam thời đó, nên rất dễ hiểu tại sao một nhóm nhỏ người Hoa giàu có lại có thể thao túng nền kinh tế.
Tính chung ở miền Nam, Hoa kiều kiểm soát gần như toàn bộ các vị trí kinh tế quan trọng, và đặc biệt nắm chắc 3 lĩnh vực quan trọng: sản xuất, phân phối, và tín dụng. Đến cuối năm 1974, họ kiểm soát hơn 80% các cơ sở sản xuất của các ngành công nghiệp thực phẩm, dệt may, hóa chất, luyện kim, điện... và gần như đạt được độc quyền thương mại: 100% bán buôn, hơn 50% bán lẻ, và 90% xuất nhập khẩu. Hoa kiều ở miền Nam gần như hoàn toàn kiểm soát giá cả thị trường.
những nhân vật nổi danh trong giới hoa kiều:
tạ vinh
tạ vinh
Lý Long Thân
Lý Long Thân