"Cánh diều no gió
Tiếng nó trong ngần
Diều hay chiếc thuyền
Trôi trên sông Ngân..."
Bài thơ Thả diều - Trần Đăng Khoa
Từ nhỏ tôi đã sống ở thành phố, không quá nhiều nhà cao nhưng hiếm nơi nào cho diều bay lượn. Chính vì vậy tôi rất ít được đi thả diều. Con diều dần bị quên lãng theo năm tháng. Ở một bối cảnh khác những hình ảnh con diều, cuộc đua diều đã trở thành một phần kí ức, linh hồn đối với Amir và Hassan trong tiểu thuyết Người đua diều của tác giả Khaled Hosseini.
|Về tác giả|
Khaled Hosseini từng là bác sĩ nội trú trong vài năm tại bệnh viện Kaiser ở Mountain View, California trước khi viết Người đua diều. Năm 1999, thông qua một bản tin, Hosseini biết được chính quyền Taliban đã ban bố lệnh cấm thả diều trên  Afghanistan. Đối với nhà văn này, lệnh cấm đó là một thứ gì đó khá tàn nhẫn. Tin tức đã "khơi gợi lên một cảm xúc đặc biệt" với riêng cá nhân nhà văn này. Bởi lẽ, khi còn ở Afghanistan, tuổi thơ của ông gắn liền với môn thể thao này. Sau đó, ông bắt đầu phác thảo 25 trang truyện ngắn về hai cậu bé thả diều ở Kabul.
|Về tác phẩm|
[Tình bạn trẻ con vô tư, trong sáng nhưng sự ích kỷ lớn dần khiến bầu trời tuổi thơ vỡ vụn]
Câu chuyện mở đầu với hai cậu bé là Amir và Hassan - hai cậu bé cùng không có mẹ, được nuôi dưỡng dưới những dòng sữa của bà vú nhưng mang hai thân phận khác nhau
 Khi con giết một người, con ăn cắp một cuộc đời, - Baba nói. Con ăn cắp quyền quyền làm vợ của một người đàn bà, cướp cha của lũ trẻ. Khi con nói dối là con ăn cắp quyền của ai đó được biết sự thật. Khi con lừa bịp, con ăn cắp quyền được ngay thẳng. 
Hassan và tôi bú cùng một bầu vú. Chúng tôi chập chững đi những bước đầu tiên trên cùng một bãi cỏ trong cùng một chiếc chân. Và dưới cùng một mái nhà, chúng tôi bập bẹ những tiếng nói đầu tiên.
Amir là một cậu con trai giàu có người Pashtun, còn Hassan thuộc tộc người Hazara, dòng dõi bị mọi người Afghanistan coi là tầng lớp thấp kém, luôn bị coi thường, khinh bỉ họ. Cậu được sinh ra trong một túp lều nhỏ trong dinh thự của Baba (bố Amir). Bố cậu là ông Ali, người ở của nhà Hassan, bố cậu bị tật ở chân và người mẹ mang trong mình nhiều tiếng xấu nên ngay từ nhỏ Hassan đã bị bạn bè trêu chọc. Và dù chúng đều thích đọc, thích sách, thích những câu chuyện nhưng chỉ Amir được đi học, được biết chữ còn Hassan thì chỉ biết sách qua lời đọc, lời kể của Amir. Hai cậu bé hằng ngày cùng xem phim, đua diều... dưới sự thanh bình của Kabul. Mặc dù mọi người đều coi thường, trêu chọc Hassan nhưng Baba luôn dành tình thương cho cả Amir lẫn Hassan. Bất chấp sự khó chịu của đứa con trai, Baba vẫn luôn mua tặng Hassan những món quà như những thứ ông dành tặng con trai mình. Thậm chí, ông còn chi tiền để Hassan phẫu thuật chữa bệnh môi hẻ cho cậu. Trái với Hassan, Baba thường khá nghiêm khắc với Amir, đồng thời coi cậu là một kẻ yếu đuối. Trong khi đó, Amir lại vô cùng yêu quý, thích trò chuyện với chú Rahim Khan. Bởi ông là người hiểu và ủng hộ sở thích viết lách của cậu.
[Sự hèn nhát khiến con người đánh mất chính mình, những người ta yêu quý]
Vào mùa đông năm 1975, Amir dành chiến thắng trong cuộc đua diều, chính vì kì tích này mà cậu nhận được sự yêu thương, tôn trọng từ Ba. Sau cuộc thi Hassan quyết định chạy đi lấy con diều bị đứt của kẻ thua cuộc về cho Amir. “Vì cậu, cả ngàn lần rồi", Hassan nói trước khi rời đi. Tuy nhiên, sau khi tìm được con diều, cậu bị Assef phục kích và yêu cầu giao con diều ra. Hassan không đồng ý và bị Assef đánh tơi tả. Amir đứng bên ngoài, chứng kiến toàn bộ cảnh tượng ấy nhưng vì sự nhút nhát của mình,cậu quyết định không can dự vào. Chính vì sự hèn nhát đó đã khiến cậu ân hận, đau khổ, day dứt, dày vò suốt hàng chục năm trời...
[Cuộc sống khi tị nạn khó khăn của Amir và Baba]
Dừng lại với cuộc sống yên bình chiến tranh xảy ra tại Afghanistan khiến cậu và cha lên đường đi sang Mỹ tị nạn, phải ở hầm, đi trên xe chở xăng dầu.Tại đó, hai bố con sống trong một căn hộ tồi tàn. Baba bắt đầu công việc làm thêm tại một trạm xăng, còn Amir thì đi học. Mỗi chủ nhật, hai bố con kiếm thêm thu nhập bằng việc bán các món hàng tại khu chợ. Ở đó, Amir gặp một cô gái tị nạn người Afghanistan tên là Soraya và gia đình cô. Không lâu sau đó, Baba được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Trong những ngày tháng cuối đời, ông kịp hoàn thành tâm nguyện cho cậu con trai khi hỏi cưới bố của Soraya. Amir và Soraya có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, bất chấp việc hai người không thể có con dù đã thử nhiều cách khác nhau.
[Luôn có một con đường tốt lành để trở về]
Amir trở nên thành công với sự nghiệp là một nhà viết văn bên Mỹ. Sau đó, anh bất ngờ nhận được cuộc gọi từ người chú Rahim Khan. Ông mong muốn gặp lại Amir trong những ngày cuối đời của bản thân. Chú đã gợi cho cậu về cội nguồn, về những sự chuộc tội 
Luôn có một con đường để tốt lành trở lại
Lần trở về Kabul lần này, quê hương không còn tươi đẹp, thanh bình, êm đềm mà thay vào đó là bom đạn, xác chết với những đứa trẻ mồ côi cha, đường phố đầy rẫy những đứa trẻ đi ăn xin,...
Đến cuối cùng, Amir đã giãi bày, kể hết mọi câu chuyện năm xưa của mình, cảm thấy nhẹ nhõm và mong muốn bù đắp cho đứa con của Hassan...
[Cảm nhận của bản thân]
Người đua diều là cuốn tiểu thuyết mình đọc ngấu nghiến trong 3 ngày với những cảm xúc khác nhau, lúc vui, lúc buồn… Cuốn sách là bức tranh chân thực khắc họa hiện thực tàn khốc của chiến tranh gây ra những đau thương mất mát...Nổi bật trên cái khắc nghiệt đó là hình ảnh của tình bạn, tình cha con, tình yêu diệu kỳ, phi thường khiến chúng ta không khỏi xót xa.... Không chỉ dừng lại ở những tình cảm ấm áp, câu chuyện còn phản ánh những mặt tối của con người và xã hội: sự phản bội, sự day dứt, dằn vặt khi phản bội bạn bè, sự đau đớn của người cha không nhận con bởi những luật lệ, rào cản xã hội… Kết thúc tác phẩm mình nhớ mãi hình ảnh Hassan với nụ cười không thay đổi theo năm tháng, trước khi hình ảnh đó biến mất trong con ngõ mà mọi thứ đã thay đổi tất cả sau đó.
Hassan! Tôi gọi - Trở về với chiếc diều nhé... Vì cậu, cả ngàn lần rồi!
Mặc dù lúc đầu mình có hơi ghét Amir nhưng sau đó thấy những dằn vặt, ân hận của cậu mình đã tạm “tha thứ” cho cậu bởi cậu vẫn may mắn hơn Baba vì có cơ hội, dũng cảm để chuộc lại lỗi lầm của bản thân...
Hình ảnh chiếc diều với hai cậu bé Hassan và Amir với những niềm vui và tội lỗi sẽ mãi là kí ức không thể quên được, là linh hồn của hai người bạn. Con diều nhỏ bé, tự do bay trên bầu trời như một minh chứng cho tình bạn trong sáng, đẹp đẽ mang trong mình những hy vọng lớn lao.