Dạo này, mỗi khi công việc khiến tôi phải ngủ ít đi một tí, tôi lại nhớ một đoạn Nhượng Tống viết về Nguyễn Thái Học. Nhượng Tống miêu tả Nguyễn Thái Học là một người làm việc liên tục cho cách mạng, chỉ trừ... lúc ngủ.
"Một lần có một tin gì, nghe ra khá nguy cấp, tôi liền lên thư xã tìm Anh. Tới nơi thì thấy Anh đương nằm chỏng chân lên mà ngáy khò khò!
Tôi lật ngửa Anh lại mà bảo:
- Học! Học! Mày có biết chuyện gì không?
Anh, mắt vẫn nhắm, miệng thì cười đáp tôi:
- Có! Có!
- Thế mà mày nằm đây được à?
- Thì cũng phải để cho tao ngủ chứ? Không ngủ, chết mất mạng, còn làm sao được việc đời!
Nói xong anh khì khì cười, rồi lại nằm sấp một lại mà ngủ."
Tôi mới nghĩ, người ta làm đại sự thế còn phải lo ngủ cho đủ giấc, thì dăm ba cái deadline trong ngày của mình đã là gì. Thế là tôi lại snooze tiếp . :))
Sáng nay tôi đi mua cà phê chạy ngang đường Phạm Tuấn Tài. Ngày nay, chúng ta chỉ gặp được người xưa ở các tên đường; tôi không nghĩ đa số bây giờ biết về Phạm Tuấn Tài (hông phải Phạm Lưu Tuấn Tài haha) và Nam Đồng thư xã, mặc dù chỉ cần google là ra thôi. Điều đó không hẳn tệ. Nghe hơi ích kỷ nhưng cảm giác mình thuộc về một thiểu số có cùng những mối quan tâm vô tích sự - mà mình còn chẳng biết họ ở đâu trên đời này - vẫn làm tôi thấy thú vị hơn là tham gia các fandom đông đúc. Tất nhiên trong các mối quan hệ của tôi hiện nay - đồng nghiệp, bạn bè, gia đình, những người mà tôi gặp mặt trực tiếp mỗi ngày - có lẽ cũng chẳng có ai quan tâm đến những chuyện văn vở, sử siếc. Tôi không bao giờ chia sẻ, và chuyện đó không làm tôi thấy cô đơn; trái lại, tôi tự thấy một niềm an ủi kín đáo khi biết rằng tâm hồn mình có một khoảng không dành cho thế giới chữ nghĩa vô dụng, nơi mà tôi có thể gặp những người đã chết hoặc những người chưa ra đời, những người không hiện diện, và tôi cũng yêu ghét họ như yêu ghét những người tôi gặp ngoài đời.
Nếu chúng ta quan niệm, người chết ở độ tuổi nào thì linh hồn họ sẽ mãi mãi ở độ tuổi đó, thì Nguyễn Thái Học phải gọi tôi bằng anh, và với tôi Học chỉ là thằng em. Một thằng em ngây thơ. Điều đó đều làm nên một người bạn tốt, nhưng không làm nên một nhà chính trị giỏi. Nguyễn Thái Học là một nhà thơ. Không làm thơ, nhưng "anh vẫn là một nhà thơ đáng kể nhất", "một tên thi sĩ ma vương", "anh đã làm những điều mà bọn văn chương suốt đời thèm muốn. Chúng không làm sao biến được ngọn bút của chúng thành ngọn giáo hay cái câu liêm".
Đấy là mấy câu Nguyễn Huy Thiệp viết về Đề Thám. Dạo này tôi cũng hay nghĩ về các so sánh giữa Nguyễn Ánh và Nguyễn Du trong "Vàng lửa". Nguyễn Huy Thiệp đã có một sự điều chỉnh trong cách miêu tả Nguyễn Du từ "Kiếm Sắc" cho đến "Vàng lửa". Những điều chỉnh, mà theo ông, xuất phát từ góp ý của một độc giả, người đã cung cấp cho ông những tư liệu để hiểu thêm về hình ảnh, phong thái của các nhân vật lịch sử trong đời thường. Tôi không biết vị độc giả đó có thật hay không (nếu không thì việc thêm vào chi tiết đấy để làm gì). Tôi để ý rằng, Nguyễn Huy Thiệp ban đầu miêu tả Nguyễn Du là thư sinh trắng trẻo nhẹ nhàng, uống tí rượu cũng đỏ mặt, nhưng sau đấy Thiệp đã phải viết lại rằng Nguyễn Du là “một người bé nhỏ, mặt nhàu nát vì đau khổ", "hoàn toàn không hiểu gì về chính trị", "một viên quan tận tụy. Ông hơn những người khác ở nhân cách nhưng nhân cách ấy có giá trị gì khi cuộc đời thực của ông xúi xó, túng kiết. Ông hoàn toàn thiếu tiện nghi. Ông không phù phiếm nhưng sự hào hoa cũng không có nốt. Đời sống tinh thần bóp nghẹt ông. Ông nói chuyện giản dị và hóm hỉnh. Trực giác tuyệt vời. Cũng như vua Gia Long, ông là một khối nguyên liệu to lớn nhưng nhẹ đồng cân hơn, hợp chất tạo thành ít hơn, độ bám của bụi bặm cũng ít hơn. Cả hai đều là những khối nguyên liệu vô giá, những vật quốc bảo”.
“Ông ta (tức Nguyễn Du) có sự thông cảm sâu sắc với nhân dân. Ông yêu nhân dân mình. Ông đại diện cho nhân dân ở phần u uất nhất, trữ tình nhất nhưng cũng đáng thương nhất. Vua Gia Long không đại diện cho ai, ông chỉ chịu trách nhiệm với mình. Đấy là điều vĩ đại nhưng cũng đê tiện khủng khiếp. Nhà vua có cách nhìn thực tiễn với chính từng khắc tồn tại của bản thân mình. Nhà vua biết xót thân. Nguyễn Du thì khác, Nguyễn Du không biết xót thân. Nguyễn Du thông cảm với những đau khổ của các số phận đơn lẻ mà không hiểu nổi nỗi đau khổ lớn của dân tộc. Đặc điểm lớn nhất của xứ sở này là nhược tiểu. Đây là một cô gái đồng trinh bị nền văn minh Trung Hoa cưỡng hiếp. Cô gái ấy vừa thích thú, vừa nhục nhã, vừa căm thù nó. Vua Gia Long hiểu điều ấy và đấy là nỗi cay đắng lớn nhất mà ông cùng cộng đồng phải chịu đựng. Nguyễn Du thì khác, ông không hiểu điều ấy. Nguyễn Du là đứa con của cô gái đồng trinh kia, dòng máu chứa đầy điển tích của tên đàn ông khốn nạn đã cưỡng hiếp mẹ mình. Nguyễn Du ngập trong mớ bùng nhùng của đời sống, còn vua Gia Long đứng cao hẳn ngoài đời sống ấy. Người mẹ của Nguyễn Du (tức nền chính trị đuơng thời) giấu giếm con mình sự ê chề và chịu đựng với tinh thần cao cả, kiềm chế. Phải ba trăm năm sau người ta mới thấy điều này vô nghĩa. Nguyễn Du sống dân dã, ông hồn nhiên chịu đựng sự nghèo tùng cùng nhân dân. Ông không đứng cao hơn họ, không hưởng thụ cao hơn họ, và như thế, ông hoàn toàn không biết làm chính trị. Tất cả đời sống vật chất của ông do những hoạt động cù lần mang lại, năng suất thấp, chỉ thỏa mãn những nhu cầu tối thiểu. Lòng tốt của ông là thứ lòng tốt nhỏ, không cứu được ai. Vua Gia Long thì khác. Ông khủng khiếp ở khả năng dám bỡn cợt với Tạo hóa, dám mang cả dân tộc mình ra lường gạt phục vụ cho chính bản thân mình. Ông làm cho lịch sử sinh động hẳn lên. Đấy là lòng tốt lớn của nhà chính trị. Lòng tốt lớn của nhà chính trị không chỉ là làm việc thiện với một số phận đơn lẻ mà còn là sức đẩy của ông ta với khối cộng đồng. Từng phần tử trong cộng đồng do luật tự nhiên chi phối sẽ tự tồn tại, định hướng và phát triển. Không có một sức đẩy mạnh, cả cộng đồng sẽ mọc rêu, mủn nát."
Tôi suy nghĩ nhiều về hình ảnh đối lập này, trong mối tương quan với lựa chọn của tôi cho tương lai, tôi muốn đi con đường của Gia Long hay con đường của Nguyễn Du? Ý tôi không phải là liệu tôi muốn trở nên vĩ đại theo kiểu nào, tôi chỉ là một thằng người làm công ăn lương trung bình muốn làm những chuyện mình thích. Ý tôi là liệu tôi sẽ xây dựng một cái gì mang tính vật chất, gây ảnh hưởng đến xung quanh, hay là trầm tư, suy nghĩ, tinh thần nhiều hơn?
Chỉ đến gần đây tôi mới thực sự đọc Nguyễn Huy Thiệp. Trong việc đọc và nhận định, có những khoảnh khắc lần đầu va chạm với văn bản, xuất hiện những ý nghĩ rất mơ hồ, nhưng cơ hồ tôi nghĩ có tính cách trọng yếu, vì trực giác có thể đưa ra những gợi mở lớn. Nhưng dù thế nào, tôi vẫn nghĩ rằng Nguyễn Huy Thiệp chắc chắn phải thuộc về những nhà văn mà hoàn toàn có thể liên tục trở lại trong tâm trí của tôi.Tôi không biết căn cứ vào đâu mà các nhà phê bình gọi một tác phẩm là "lớn" hoặc không. Tôi chỉ thấy có hai loại tác phẩm văn học, một loại sẽ trở lại với tôi trong những tình huống rất vô tình.
"Những giấc mơ ban đêm, rồi lại những giấc mơ còn bí hiểm hơn nữa kè kè bên tôi trong suốt ngày, gần bề mặt đến nỗi chỉ cần một va chạm nhỏ nhất là chúng liền hiện ra, ở đó có một sự tồn tại mà thêm những dấu hiệu khác nữa thể hiện sự hiện diện thường trực và giàu tiềm năng. Những gì tôi chểnh mảng và rơi tõm lại vào sự quên rồi một ngày nào đó, đầy ngẫu hứng, sẽ lại chui ra, nhưng đã được chuyển hóa, được phú cho cả một dạng chất nào đó mà tôi sẽ không biết, giống như hạt mầm vùi trong đất vươn lên, hoa hoặc cây. Chỉ cần có một cảm giác, chẳng hạn một màu nào đó, đập khẽ, ở bên trong tôi, vào một ô cửa sổ tròn bí mật, là tức thì ô kính mở ra, tạo lối thông cho một sự tăng vọt đột ngột của cảm xúc hoặc của sự chắc chắn. Đôi khi, tôi nhận ra ở những đợt bừng nở đột nhiên đó một kỷ niệm xa xăm, và tôi cứ tưởng đâu chỉ ký ức thôi cũng đủ để thực thi màn ảo thuật; nhưng, thường thì tôi không sao phát hiện được trong cái điều xâm chiếm suy tư của tôi như vậy một vẻ giống nào với xưa kia. Tôi có cảm giác cái đó xuất phát từ xa hơn bản thân tôi, từ một hồi tưởng tiền kiếp hoặc từ một vùng không phải vùng của khoảng cá nhân tôi. Chỉ cần một hình ảnh, được lưu giữ trong ngôn từ của một nhà thơ hoặc được gợi lên từ họa tiết hoa lá của một bức phù điêu, khơi dậy, không thể khác, trong tôi một âm hưởng tình cảm, là tôi có thể lần theo sợi dây xích gồm các hình thức huynh đệ với nhau nối hình ảnh ấy với các mô típ thuộc một huyền thoại nào đó rất xa xưa: tôi chưa từng biết huyền thoại ấy, nhưng tôi nhận ra nó. Giữa các câu chuyện thuộc nhiều hệ thần thoại khác nhau, các truyện cổ tích, các sáng tạo của một số nhà thơ và giấc mơ vẫn tiếp diễn ở bên trong tôi, tôi nhận ra một sự gần gũi ngầm sâu. Trí tưởng tượng cộng đồng, trong các sáng tạo bộc phát của nó, và trí tưởng tượng mà, ở cá nhân, các khoảnh khắc ngoại lệ giải phóng, như thể cùng dẫn chiếu về cùng một vũ trụ. Hình ảnh của chúng có đúng cái năng lực gây cảm động giấc mơ bên trong của tôi, gọi nó ngoi lên bề mặt và phóng chiếu nó lên những thứ bao quanh tôi; hoặc giả, nếu muốn, đó là những thứ không còn ở bên ngoài bản thân tôi, cũng là những thứ, rốt cuộc được gọi bằng đúng cái tên ma thuật của chúng, trở nên sống động để cùng tôi bước vào một mối quan hệ mới."
Loại thứ hai là các tác phẩm tôi đọc xong và chẳng bao giờ nhớ mấy về nó.