Năm đó, chú C là đồng nghiệp của tôi.
Chú có dáng người cao gầy, đôi chút xiêu xiêu trong cái tướng đi bóng đổ chiều buông. Nhìn vào chú, người ta có thể dễ dàng liên tưởng đến những gã cao bồi miền viễn tây Hoa kỳ nửa cuối thế kỉ 19. Nhưng đúng hơn, chú chính là tổ hợp phong cách đặc thù của cao bồi mĩ lẫn những gã say xỉn made in Việt Nam. Cần cổ chú trong mọi hoàn cảnh, có vẻ như lúc nào cũng đỏ gay, tai tái, còn gương mặt thì dường như luôn luôn toát ra nét lòa xòa mai mỉa đặc trưng.
Chú là một người đồng nghiệp được lòng các chị em cùng làm trong vườn ươm vì cái cách nói chuyện bỡn đùa buông luông, điểm xuyến lối hài hước thản nhiên mà trần trụi. Mỗi khi chú đi qua là lại khuấy động bầu không khí của các cô các chị ở nơi đó, chỉ bằng cái câu:
Các em ơi, gom hàng anh kiểm nào.
Chú C là công nhân thuộc hạng lão làng trong vườm ươm, lâu lắc lâu lơ cái thời cơ sở giống mới được thành lập, chú đã chân ướt chân ráo vào làm, rồi bám trụ từ ấy đến giờ.
Hàng ngày chú C  đều đến chỗ làm sớm, vác theo một cái lồng chim, có lẽ là "thú cưng" của chú. Treo cái lồng đâu vào đấy rồi, chú sẽ đi đun một ấm nước nóng thiệt bự đủ cho cả cấp làm của chú xài chung. Tôi không biết chú có uống cà phê hay không, nhưng chú thường hay pha nước trà. Và một lát sau, các cô các chị sẽ ùa vào, tẩu tán ấm trà thành tài sản riêng để dành uống trong ngày, tự nhiên như thể đã mặc định chú C là anh nuôi của cả cái vườn ươm mấy mươi nhân mạng này vậy.
Công việc hàng ngày của chú là cào đất, làm vỉ, sau đó đến các cấp để thu gom mạ (đọt) cây các công nhân nữ đã cắt ( cũng chính là hàng mà mỗi khi chú đòi kiểm gom thì các chị em lại cười rú lên đấy ), hoặc đi tưới và phun thuốc lòng vòng. Mỗi khi tan làm, tôi thường thấy chú về khá trễ ( tôi là người về trễ nhất rồi ), sau khi vườm ươm trở nên vắng lặng chẳng mấy bóng người, mới thấy chú lui cui khoác cái áo da xỉn màu quen thuộc, treo cái lồng chim lên tay số con cào cào sắt thập cổ lai hi , rồi chú cưỡi ngựa sắt, phóng véo ra cổng, để lại một làn bụi hồng nhờn nhợt phía sau.
Chú C là con sâu rượu. Có cảm tưởng như trong người chú lúc nào cũng có hơi men tai tái. Mà bị cái, chú C khi say, cái chất bầy hầy trong chú sẽ được dịp phóng đại đến mức đôi khi làm người khác thấy phiền. Điển hình ở trong các cuộc liên hoan hay đám cưới, mọi người đều bảo nhau rằng:
Rồi đấy, anh Cường tê rồi. Chuẩn bị sắp lên rồi đấy.
Hồi mới chân ướt chân ráo vào làm, tôi không hiểu ý mọi người là gì, sau đó mới biết. Thì ra khi say, chú C... thích hát. Chắc chắn, chú sẽ lên sân khấu góp vui ít nhất hai bài, rồi thêm vài bài nữa nếu không ai ý kiến ý cò gì. Hai bài tủ bất di bất dịch của chú chính là: Vũ nữ thân gầy và Vết thù trên lưng ngựa hoang. Khi chú trình diễn bài Vũ nữ, cái cách chú uốn éo đùa cợt men theo điệu nhạc sẽ khiến bất kì một ai có sự nghiêm túc căn bản trong người cảm thấy.... chán ngán. Tuy nhiên, đến bài Vết thù trên lưng ngựa, có thể dễ dàng cảm nhận được chú đang hát về cuộc đời mình.
Ngựa hoang nào dẫm nát tơi bời
Đồng cỏ nào xanh ngát lưng trời
Ngựa phi như điên cuồng
Giữa cánh đồng dưới cơn giông
Vì trên lưng cong oằn
Những vết roi vẫn in hằn
....................................................................
Trong suốt năm năm làm chung, tôi không tiếp xúc nhiều, cũng chả biết mấy chuyện về chú C, chỉ thi thoảng ngồi nghe mấy cô kể lại. Chú C là người bắc, vô trong nam này làm. Chú có vợ với một hai mặt con, rồi sau đó hai vợ chồng bỏ nhau. Vợ chú nghe đâu cũng ở chung với người mới rồi. Còn chú suốt ngày cắm rễ trong nhà mô, quanh năm suốt tháng không thèm nghỉ ngày nào, lại là cái hũ men chìm nên vẫn chưa được cô nào ưng, thành ra vẫn ôm cái lồng chim đi lên đi về một mình suốt.
Điều buồn cười là, chú với vợ cũ vẫn ở chung một nhà. Cái nhà được chia gian, chú ở gian riêng, cô vợ với lại anh bồ ở gian bên cạnh. Xét ra, cái sự cô độc của chú C, dù mường tượng kiểu nào cũng khó mà thanh thản được. Có lần ai đó kể thêm với tôi: Con chú C cũng lớn hết, đã lập gia đình rồi đẻ con, sống ở gần đó luôn thì phải. Chú C quý đứa cháu lắm, thi thoảng mỗi dịp nó ghé qua chơi là hai ông cháu ngồi nhậu chung một bàn, ông một cút rượu, cháu một cút cô ca, cứ thế cụng li rôm rả cả buổi tối.
Đời chú C, về cơ bản là buồn!
Tôi nhớ có một lần, trong cuộc liên hoan cuối năm nơi cơ sở, chú C nhìn xoáy thẳng vào mắt tôi với ánh đỏ ngà ngà...rồi chú bảo:
Em có thấy gì không? Khi buồn. Em cứ nhìn vào mắt anh sẽ vui ngay. Mắt anh là mắt cười!
Trong suốt mấy năm làm chung, lần đầu tiên chú C nói chuyện giáp mặt với tôi, cũng là lần đầu với cái lối xưng hô có chút khôi hài kì cục ấy. Thú thiệt lúc đó, tôi hơi bất ngờ, rồi sau thì.... cảm giác chua xót hiện lên khi tôi miễn cưỡng nhìn vào mắt chú. 
Đôi mắt của một kẻ đang cố ủi an người khác trong khi chẳng có một khắc nào trong đời an ủi nỗi chính mình.
..................................................
Một năm nào tôi không còn nhớ rõ, chú C lần đầu bị đánh dấu vắng công trong sổ. Chú đổ bệnh.
Người mà trong đời chưa một lần đau ốm, thì thường đến khoảnh khắc đó sẽ khó lòng mà gượng dậy!
Tôi không biết cụ thể bệnh tình của chú C. Thấy chú một thời gian dài không không đi làm, rồi nghe chú khi ở nhà, khi nằm bệnh viện, tôi chỉ góp tiền để các cô các chị đi thăm. Mọi người thăm nom về, bảo:
Ông C đợt này tiều tụy lắm rồi. Cái đầu teo lại giống như chỉ còn mắt và hộp sọ vậy...!
Uống rượu bao nhiêu năm mà chả thế, giờ bệnh tật chỉ chờ cơ thể suy kiệt một lần là tràn vào như thác lũ...
Chậc, thế có khổ không cơ chứ!
.............................................
Một thời gian sau. Chú C mất.
Tôi ghé qua viếng chú. Gian nhà nhỏ nồng nàn mùi nhang. Người vợ cũ và các con chú làm chủ tang, thay nhau đứng lễ. Không khí có đôi chút bùi ngùi. Đột nhiên tôi nghĩ, xét theo một khía cạnh nào đó, đây có khi lại là ngày xung quanh chú C đông đúc và vui vẻ hơi người nhất.
Những bài kinh Thiên chúa giáo vang lên trầm đều tiến đưa một con chiên ngoan đạo. Tôi không nán lâu, thắp cho chú đôi nhang cuối cùng rồi quay gót về.
Sau này, có người bảo tôi: Lúc ở bệnh viện chú C có nhắc con. Chú ấy hỏi sao không thấy con bé L vào thăm chú...
Tôi im lặng
Giây phút đó, Tự dưng trong đầu tôi thoáng lên chút hoang hoải  khó tả
Ngựa hoang liệu đã về tới bến sông chưa?
...
Thời gian cứ vậy mà vùn vụt trôi qua lúc nào chẳng hay. tôi đã nghỉ làm và không còn nhớ mấy về những kí ức những năm tháng xưa nữa. Kể cả gương mặt chú C, tôi cũng không còn nhớ rõ.
 Duy có một lần tầm 2018, tôi mơ thấy chú. Đúng ra là mơ thấy chiếc quan tài của chú nằm lặng im trong đêm trăng, dưới gốc đào trước sân nhà tôi. Giấc mơ bàng bạc, hư ảo đến thế rồi đi thôi 
Ngựa hoang năm nào, có lẽ đã tìm về được bến sông rồi...!

.............................................................................................................................................
                                                                                                           2/2/21
                                                                                              THE.. 2h50'