Nguồn: Pinterest (Nikki Soulsby)
"Tôi cảm thấy thế giới người lớn có nhiều điều phức tạp cần được khám phá hơn là đại dương và tìm đường đến sao Hỏa."
...
Ngày hôm ấy vào giờ tan tầm, tôi một mình cất bước trên con đường đã quá quen thuộc để đến bến xe và trở về nhà. Không có gì thay đổi, vẫn cứ thế một đoạn đường dài đủ cho con người ta vừa đi vừa ngẫm nghĩ chuyện đời. Đi ngang nhà máy bia, cái hương "khoai lang hấp" quen thuộc nay trở nên mỏng hơn, chỉ phảng phất trong không khí như những sợi tơ nhện.
Tôi có một người cô hay kể chúng tôi nghe những mẩu chuyện thời học sinh xen giữa những tiết học. Câu chuyện không quá nhiều tình tiết, không có thăng trầm gì để người ta bỏ công sức biến tấu thành những vở kịch (như tôi thường nói là nó không có "drama" gì lắm để mà thị phi), nhưng cứ mỗi lần nghe chúng là cả lớp sẽ im lặng như thế chúng là một phần của con người mình, giản dị nhưng gần gũi đến từng chi tiết, chạm đến từng người dẫu có từng ở trong hoàn cảnh ấy hay không.
Hôm đó cái hương "khoai lang hấp" thoang thoảng ấy đã gợi lại phần nào những câu chuyện cô kể, tôi thấy lại mình ngồi trong căn phòng một cách im lặng, không nghịch ngợm, táy máy, không nói chuyện hay làm việc riêng. Phần nào đó, câu chuyện của của cô đã dạy tôi cách biết lắng nghe hơn và tôi thích cảm giác ấy càng nhiều hơn nữa khi mỗi ngày đi học hay đi về nhà là một đoạn đường giống nhau nhưng luôn thay hình đổi dạng.
"Hệt những đồi cát ở sa mạc" - tôi nghĩ.
Nó kể biết bao là chuyện qua cái "lắng nghe" của thị giác mà mấy ai để tâm đến. 
Tôi nhận ra được bản thân mình đang sống giữa những câu chuyện được phơi bày trước mắt nhưng ít ai để ý đến, những cụ già ngồi đấy đánh cờ tướng, tập dưỡng sinh cười đùa vui vẻ trong khi cũng là những cụ già nhưng phải gánh bao tải nhặt từng cái lon rỗng để bán ve chai kiếm tiền trang trải qua ngày, những em bé thay vì đi học đã phải lăn lội ngoài đường đời để kiếm cái ăn, những người gánh hàng rong mặc dầu họ vi phạm luật và bản thân tôi nghĩ họ ảnh hưởng đến văn minh đô thị nhưng nhìn những nếp nhăn nơi khóe mắt, những đôi tay chai sần và quần áo ướt đẫm mồ hôi vì miếng cơm manh áo, tôi không nỡ trách.
Tôi thích nhìn ngắm mọi thứ và từ nhỏ cái tính tò mò về thế giới xung quanh đã tặng tôi món quà mà mãi đến khi trong giai đoạn trưởng thành tôi mới biết trân trọng. Nó cho tôi những góc nhìn hết sức thú vị và thì thầm trong tôi những nghi vấn, những câu hỏi nhỏ về cuộc sống của những người qua đường, cả những con vật và cỏ cây. Mỗi tuần tôi đi bộ từ trường đến bến xe ít nhất bốn năm lần và cứ mỗi lần như thế tôi đều băn khoăn và nghĩ ngợi. Nó làm đầu óc tôi phong phú và khi càng nghĩ ngợi, tôi im lặng đi, thay vì nói, tôi lắng nghe nhiều hơn.
Khi ở bến xe, đó là lúc tôi dành thời gian quan sát dòng xe chạy lướt qua mặt. Thường thì tôi đợi xe 10 phút những có những hôm kẹt xe, ngồi đợi cả tiếng đồng hồ mà không làm gì cả, chỉ ngồi ở đấy, lấy cuốn sổ tay ra và ghi chép, chụp ảnh quay phim rồi lưu lại đó cho đến khi về nhà. Lúc ở trên xe, tôi ghi lại những điều mình nghĩ, tôi gọi chuyến xe số 144 là căn phòng sáng tác của tôi vì mỗi lần ngồi ở đấy nhìn ra cửa sổ là tôi lại muốn viết, muốn thuật lại những điều mắt thấy, tai nghe và suy nghĩ trong lòng.
Chuyến xe ấy mất hơn nửa tiếng mới về đến nhà của tôi và vì thế tôi thường tận dụng từng chút thời gian quý báu để trải mình trên những trang giấy. Dần dà, hết quyển sổ này đến quyển sổ khác được lấp đầy, nhưng càng lúc tôi viết ít hơn trong sổ, chỉ là một hoặc hai từ ngữ như chiếc chìa khóa mở ra bài viết đã nghĩ sẵn trong tôi. Tôi nhận ra nếu mình có thể viết lại tất cả thứ này gửi đến mọi người thì thật là tuyệt nhưng khó để mà truyền tải nó một cách chính xác. Tất cả những thứ tôi nhìn, ghi nhớ đề về sau bị ảnh hưởng bởi tâm trạng của tôi ngày hôm ấy, từ đó mà những câu chuyện ngắn ra đời, những nhân vật, những tình huống truyện và cả những dòng tâm sự cứ thế trào ra.
Quay lại chỗ mùi "khoai lang hấp" trên con đường đi ngang qua nhà máy bia lũc nãy, hôm ấy đối với tôi khác hẳn mọi khi. Tôi không viết ra nữa, tối đó về những hình ảnh ấy chỉ như những bức ảnh chụp được lưu giữ lại. Nó ảnh hưởng nhiều đến tôi nhưng tôi muốn giữ chúng ở ngăn tủ dành riêng này, tôi không buồn viết ra nữa vì lúc đó tôi sợ tôi sẽ lại pha vào đó chút gì đó là của tôi và khiến chúng mất đi sự tinh khiết. Thay vì tôi lấy nó làm nguồn cảm hứng để sáng tác, tôi lấy chuyến đi hôm ấy để tạo ra một chiếc đệm êm ái cho tinh thần mình nếu có một ngày mình vấp ngã. 
Hôm ấy tôi không thấy cụ già nhặt ve chai, những đứa trẻ mưu sinh hay những gánh hàng rong, họ có lẽ vẫn ở đấy nhưng tôi không tập trung vào họ, hôm ấy, tôi nhìn thấy nắng có vàng hơn và trời gió nhẹ. Tối thấy như mình vừa được tạm nghỉ trong công cuộc trưởng thành, tôi dừng lại ở thế giới người lớn để ngắm họ từ đôi mắt của một đứa nhóc ngày xưa. Tôi lắng nghe như thuở mình còn bập bẹ, tôi quan sát, không phán xét hay ý kiến gì, chỉ quan sát. Ngày hôm ấy, tôi "xin nghỉ phép" một ngày để được là chính mình, thôi lớn nữa...
Đi một lúc lâu cũng đến nơi đông đúc nhất đoạn đường, đó là những bệnh viện nằm gần nhau, người nối đuôi người, xe nối đuôi xe với bộn bề riêng họ, còn tôi, tôi cứ chậm rãi bước đi như thể tôi là một thứ "mây người" bồng bềnh mặc cho đời có thế nào, lòng vẫn bình tâm mà trôi nhẹ nhỏm.
...
Ở giữa những gì gọilà người lớn và trẻ con. Tôi.