đó là lời mình ghét-nhất mỗi lần về quê.
mình không nghĩ mình sẽ kết hôn sớm. nên chưa nghĩ được sẽ lấy người ở xa hay gần. mình vẫn gọi nó là tuỳ-duyên. nhưng điều buồn-cười và bực-mình xen lẫn khó hiểu nhất là việc người khác có thể phán một câu xanh-rờn quy định cái gì đó liên quan thứ quan trọng của đời mình như thế. trớ trêu hơn là con của người nói câu đó là người lập gia đình xa, rất xa.
trong mình có nhiều suy nghĩ khác ngoài việc sao người ngoài có thể tự cho mình quyền quyết định đời người khác như thế.
trước kia khi suy nghĩ muốn những người áp đặt lên mình biết mất khỏi cuộc đời mình, mình không biết bản thân có đang mất-trí không. gia đình vừa là giềng xích, vừa là nơi để trở về khi mình thất bại sau một hồi cố chấp phá bỏ giam cầm.
giờ mình được hiểu rằng, mình không thể ghét họ, không thể tách rời họ. mình hiểu mình cần xây dựng nội lực để tự tin bước đi được trên con đường mong muốn, kể cả khi đó là đường ngược chiều.
với những gia đình con lấy vợ/chồng là người nước ngoài (chứ không chỉ người khác vùng miền trong việt nam) thì phản ứng của ba mẹ họ như thế nào nhỉ? nếu có phản đối kịch-liệt thì điều gì giúp cuộc hôn nhân đó vẫn diễn ra và người ta vẫn (có thể) hạnh phúc?
"lấy chồng gần, ở gần ba mẹ, lúc ốm đau cơ nhỡ có ông bà giúp..." - mình không biết phải nghe phải hiểu góc nhìn này thế nào cho đúng. mình chứng kiến 2 trường hợp thân cận, kể cả con gái có độc lập đến đâu thì ở gần ba mẹ vẫn ăn-ngon-mặc-sướng hơn thật, nhưng cũng chính vì ở gần mà có những thứ xích mích hoặc nhập nhằng không đáng có. và trong tưởng tượng của mình thì mình không muốn như thế.
nhìn rộng ra thì như thể mọi người xung quanh mình lựa chọn những sự an toàn nhất cho những thứ quan trọng nhất của cuộc đời bằng cách thu hẹp phạm vi để bản thân có thể kiểm soát được những rủi ro nếu có xảy ra, ví dụ như là việc hiếu của ba mẹ hoặc là sự giúp đỡ từ anh chị em lúc khó khăn. người ta cứ nghĩ ai cũng sẽ có thể sống đến đầu bạc răng long với nhau được. người ta tuyệt nhiên muốn cố tin vào việc sẽ chẳng ai rời bỏ ai trước, ít nhất là lúc ở giữa lưng chừng cuộc đời. chỉ vì muốn ở gần trước mắt, người ta có thể quên đi hoàn toàn việc rời xa mãi mãi cũng ngấp nghé sau lưng.
nhìn rộng ra như thể mình là kẻ khác người, đứa con ngoại lai, nhân vật ngoại tộc.
nhìn xa nữa, có ai đó sẽ cười vào mặt hoặc nói lên xuống, vẫn luôn là thế, vẫn luôn có những tiếng ồn như thế.
nỗi sợ của mình là gì? nỗi bất an nào đang dâng lên trong mình?
cái giá của việc ra khỏi luỹ tre làng, là đi ngược lại hoặc thách thức những điều kiên cố đã làm nên mình của 20 năm qua. cái giá ấy sẽ còn làm mình lung lay, mâu thuẫn giằng xé, không biết đâu là thứ dành cho mình mà bắt lấy, hoặc biết tạo ra thứ mình vốn thuộc về trong lựa chọn mà rất lâu về sau mới hiểu nó đã đi lệch một nhịp.
cuối cùng, vẫn là sự hoà hợp với người và ý chí đúng đắn của chính mình sẽ làm điểm tựa vững vàng cho tương lai. hình như thế. có thể vẫn là nỗi niềm trong thâm tâm sẽ phóng chiếu lên thực tại làm chùn bước chân mình sống một hành trình thực sự.