Từ hồi sắp ra trường, tôi thường bắt gặp mình trong những lúc đột nhiên câm nín. Đôi khi, đó chỉ là cảm giác đã quá mệt sau một ngày làm việc dài, chỉ đơn giản không còn sức để nói. Đôi khi, là thấy mình giữa một cuộc họp có quá nhiều người lên tiếng, để rồi cổ họng cứ có gì đó chặn ngang. Có nhiều người ngạc nhiên về việc tôi ra ở riêng ngay sau khi ra trường, hỏi rằng tôi không cảm thấy sợ (và tốn tiền) à. Sự thật, nỗi sợ lớn nhất của tôi là không được ở một mình, sau những hội ngộ ngắn dài trong nhiều ngày nhiều tuần, vì những khi ấy điều tôi cần hơn hết, được là chính mình, một mình.
Đột nhiên tôi cảm thấy mình may mắn, dù sự may mắn ấy cần một chút nỗ lực. Từ lúc chưa ra trường, tôi tự tạo ra cho mình một "surrounding" - công việc nói theo cách khác, mà ở đó bao gồm những người trong độ tuổi từ 28 đến 30 hoặc hơn. Một chút may mắn và một chút kiên nhẫn, tôi ngạc nhiên một ngày nhận ra rằng giữa mình và mọi người đồng trang lứa luôn có một khoảng cách, và hầu như tôi rất ít khi tìm được tiếng nói chung trong những cuộc trò chuyện mà tâm điểm là bàn về con người và vật chất theo nghĩa thông thường. Không thể đổ lỗi cho ai về sự xa cách chủ động ấy, nên khi cần giao tiếp, tôi sẽ đọc sách, hay nói đúng hơn, giao tiếp với người chết, hoặc chí ít là những người không sống cùng thời, hoặc không lớn lên cùng thời.
Hôm nay tôi nói chuyện với một người bạn làm trong ngành ngoại giao. Thật ngạc nhiên khi nói về công việc, chị nghĩ về nó như một nghĩa vụ với quốc gia của chị, và tôi thành thực cho nó là một suy nghĩ đáng quý, vì bản thân tôi sau 3 năm đi làm kể từ trước khi ra trường thì công việc vẫn là một thứ gì đó mang ý nghĩa vật chất nhiều hơn và thỉnh thoảng gây ra sự đau khổ thoáng chốc. Tôi đào xới trong những gì có thể đọc về khái niệm công việc và cuộc sống, chưa từng có câu trả lời về ý nghĩa của nó ngoại trừ cảm giác khỏa lấp sự trống vắng của ý niệm tồn tại, kể cả khi việc quá nhiều hay quá ít, tôi đều đắm mình trong cảm giác thiếu thốn vô hạn.
"Đôi khi, chúng ta gánh cả những cảm xúc của thân chủ. Nên chị thấy đồng cảm với em về điều đó.", người bạn ngoài 30 của tôi vừa nói vừa cười.
Tôi mường tượng nhớ lại mong muốn của bản thân những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, và trong những chuyến tình nguyện dài ngày. Phù hợp với nhóm tính cách MBTI của mình, tôi thấy thật dễ hiểu khi tôi muốn dấn thân vào một ngành mà ở đó tôi có thể tự hào nói rằng mình đang giúp cho xã hội này trở nên tốt đẹp hơn và không lấy một đồng lợi nhuận. Điều đó đúng về ý nghĩa, nhưng bản chất của chiếc ghế văn phòng và điều hòa bật mát từ 8 giờ đến 5 giờ mỗi ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu là không đổi, tôi nhận lương đều, thực hành thân thiện với nhiều người trong vỏ bọc xã giao của kẻ hướng nội, chen chân trong giờ cao điểm mỗi sáng tối, cố gắng giữ mình tỉnh táo và uống bia một mình vào những tối ít nhiều thong thả. Ý nghĩa tưởng tượng của một đứa sinh viên, rời xa dần thực tiễn khách quan của một người trưởng thành. Kể cả khi làm việc tốt, tôi vẫn cảm thấy cuộc sống mình không tốt, với bản thân, hoặc cũng có thể, những người xung quanh.
"Làm gì có work-life balance, và tại sao niềm vui cứ phải chỉ có trong cuộc sống mà không phải là trong công việc?", vẫn là một trích dẫn nhỏ, trong một cuộc đối thoại gần đây.
Có lẽ nhạy cảm bởi những biến động xung quanh là một điểm mạnh kiêm luôn điểm yếu của những kẻ hướng nội trong một xã hội biến hóa khôn lường. Những thành thực, những giả tạo, của mình và của người, vây quanh cuộc sống hằng ngày, đã đủ để tinh thần của một người hướng nội có thể mệt mỏi. Và mãi mãi, khả năng (buộc phải) gạn lọc cảm xúc đó sẽ theo tôi đến suốt cuộc đời, chưa bao giờ là một phần việc nhẹ nhàng. Tôi đã luôn thấy lòng mình nóng hơn, trước trong và sau những cuộc gặp, trôi qua hoặc khó hoặc dễ, nhưng dù gì cũng đủ để tay mình lạnh và tim mình đập nhanh.
Sự hoài nghi của tuổi trẻ, thi thoảng được lãng mạn hóa thành một nỗi buồn khôn tả, được khắc họa trong những đêm trằn trọc, nghĩ về mình ở đâu, mình là ai, mình đang làm gì với cuộc đời mình. Nếu hoài nghi chính mình là một biểu hiện của trầm cảm, thì có lẽ tôi cũng đã trầm cảm đủ lâu rồi, cũng như bằng mọi cách, tự làm mình vui lên bằng những lý do rất hiện hữu, rằng mình có công ăn chốn ở, có những người ở xung quanh, có mấy thứ vật chất, tinh thần mình được làm đầy bằng công việc và con người. Tìm về bên trong chính mình không được định nghĩa bằng mấy cái đó, và chưa bao giờ là thứ tôi đã từng tìm được. Bản thân sự tồn tại của tất thảy đã là thứ khoa học vẫn đang đi tìm lời giải. Nhưng để có thời gian để hiểu nó, có lẽ khi ấy ta đã già. Chi bằng, có việc cứ làm, có tâm sự hãy cứ ngâm. Sự sống, chính là khoảnh khắc này đây. Được còn trẻ, thì quỹ thời gian còn có nhiều những khoảnh khắc ấy.
Những suy nghĩ khi viết ra đây, tôi rất ngại nếu nói thành lời, và biết nếu những người cũng suy nghĩ như tôi, cũng rất ngại nếu nói thành lời. Chẳng có ai thực sự hiểu mình là một phát ngôn đúng, và đã là con người, thực thể có ý nghĩ - khác xa những loài khác - thì để 'được hiểu' là một điều không nên mong đợi. Ta chỉ đồng cảm được ở một chừng mực nào đó những điều ta cùng ai đó từng trải nghiệm, vậy nên cô đơn mới là thứ ta được chia sẻ. Trong hàng trăm hàng triệu những người cùng nghe lo-fi hàng đêm, cùng sáng tác nhạc, làm thơ, vẽ tranh nghiên cứu, ta có thể, họa chăng, tìm được một vài người chia sẻ nỗi cô đơn ấy, theo cách thực lòng.
"Nhìn thời gian trôi, mà không tiếc nuối, là người tự do." (Ngọt, Mèo hoang)