cầu xin Đức Phật có được không?
Khi có cái hiểu thì ta sẽ tự có câu trả lời cho bản thân mình. Bởi vì rất mâu thuẫn nếu người ta nói là Đức Phật giải thoát nhưng mặt khác lại nói là có thể cầu Đức Phật phù hộ cho mình.
—- trích Pháp đàm với các đạo hữu Việt nam ở Úc —-
N. hỏi: Em đơn giản lắm, không có hiểu về Phật pháp nhiều. Em cũng bận bịu gia đình nhiều quá. Có hôm bữa em có nghe chị nói đại loại là mình cầu xin là không đúng?
N. giảng: Bây giờ ví dụ như nếu em nói “cầu xin là không đúng”, rồi một vị khác lại nói “cầu xin là đúng”. Vậy làm thế nào để chị có thể biết được ai nói đúng?
N. hỏi: Không biết
N. giảng: Chị không tự phân biệt được đúng không?
N. hỏi: Dạ. Đa số là em thấy mọi người đều cầu xin hết trơn. Tất cả mọi chuyện. Trong lúc mình bế tắc, giải quyết không được là mình đều cầu xin hết
N. giảng: Theo chị hiểu thì Đức Phật là ai? Đức Phật có còn sống ở đâu đó không?
N. hỏi: Không, (em biết) là Đức Phật bỏ cả gia đình đi tu, thì biết vậy thôi
N. giảng: Vậy bây giờ mọi người cầu thì là cầu ai?
N. hỏi: Cầu Phật, cầu Trời
C. Tâm: Nhưng như chị nói thì Đức Phật không còn nữa, đúng không? Ngài đã nhập Niết Bàn rồi, không còn Đức Phật ở dưới dạng nào nữa cả. Vậy thì cầu một người mà không còn nữa thì vì sao lại cầu?
N. hỏi: Đại khái là mình tin tưởng người đó có thể giúp mình, như ông bà cha mẹ mình có qua đời đó thì mình cũng cầu xin ông bà cha mẹ phù hộ
N. giảng: Tức là chị hiểu Đức Phật không còn nữa là không còn sống giống như mình nữa, nhưng liệu chị có nghĩ là Đức Phật vẫn tồn tại ở một dạng nào đó không?
N. hỏi: Dạ đúng
N. giảng: Nhưng đó không phải là điều được nói đến trong Kinh Phật. Vì sao mà chúng ta gọi Đức Phật là Đức Phật?
N. hỏi: Hiểu cách đơn sơ là giống như Đức Phật Ngài đã tu lâu năm rồi đó, bỏ gia đình mà đi tìm cái chỗ mà được giải thoát vậy đó
N. giảng: Vừa rồi chị có nói đến giải thoát. Theo chị hiểu thì vì sao Đức Phật được gọi là “người đã giải thoát” ?
N. hỏi: Đức Phật cũng đã tu, rồi ngồi dưới gốc Bồ Đề, bỏ tất cả để đi này kia đó thì người ta kêu là giải thoát. Hổng có thời gian mà tìm hiểu nhiều nên hổng có hiểu nhiều 🙂 ….
N. giảng: Mình sẽ cùng nhau xem xét. Thực ra ở đây đặt câu hỏi không phải là để chị phải trả lời được. Ở đây mục đích không phải như vậy. Các câu hỏi chỉ là để bản thân chị cũng suy nghĩ về điều ấy, chứ không phải là để cho chị phải có câu trả lời. Bây giờ mình sẽ cùng nhau suy xét. Nếu như chỉ đơn thuần là việc Đức Phật bỏ nhà ra đi hay ngồi dưới cây bồ đề này… thì nhiều người cũng có thể bỏ nhà và ngồi dưới cây bồ đề. Nhưng như vậy liệu có thể gọi đó là giải thoát không? Phải có một lý do nào người ta mới dùng từ “giải thoát” để chỉ đến Đức Phật chứ, đúng không?
N. hỏi: Dạ
N. giảng: Chị đã biết từ “giải thoát” này có nghĩa là gì chưa?
N. hỏi: Giải thoát tức là mình không còn vướng bận gì hết trơn
N. giảng: Ví dụ như là những người như ông bà mình bây giờ đã chết rồi, thì những người đó đã giải thoát chưa?
N. hỏi: Ông bà thì mình nghĩ là giải thoát cho cõi trần gian này rồi, nhưng mà xuống dưới cũng tùy theo cái tội nặng nhẹ cũng bị hành xử ở dưới
N. giảng: Tức là có sự khác biệt giữa ông bà với Đức Phật có phải không?
N. hỏi: Dạ đúng
N. giảng: Vâng, vậy thì sự khác biệt ở đây là gì?
N. hỏi: Coi như là ông bà mình chết rồi thì cũng như là giải thoát, coi là hết mắc nợ. Còn Đức Phật là khác biệt là tức là Đức Phật có cái sự đầu tư vô cái chỗ mà để đi đến cái giác ngộ
N. giảng: Lại “giác ngộ”, lại một từ nữa 🙂 . Mà mình hiểu thế nào là giác ngộ và thế nào là giải thoát? Mình phải hiểu chứ!
N. hỏi: Dạ
N. giảng: Chị đồng ý là mình phải hiểu không? Nếu mình không hiểu giác ngộ là gì, giải thoát là gì thì thực ra là những gì mình nói về Đức Phật sẽ rất mơ hồ
N. hỏi: Mơ hồ lắm. Dạ
N. giảng: Vậy chị đã bao giờ được nghe rằng những từ “giác ngộ”, “giải thoát” là nói đến việc không còn tái sinh nữa? Chẳng hạn như giải thoát là giải thoát khỏi cái gì?
N. hỏi: Thoát khỏi cái trần tục này nè
N. giảng: Nếu chỉ là (sự thoát khỏi) trần tục thôi thì ông bà của mình chết rồi thì cũng là giải thoát khỏi cái trần tục mà
N. hỏi: Em cũng không có giải thích được rõ ràng nhưng mà đại khái là giữa ông bà và Đức Phật thì có sự khác biệt
N. giảng: Vậy bây giờ em sẽ nói cho chị biết rằng sự giải thoát của Đức Phật được mô tả là: sự giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, có nghĩa là Đức Phật không còn tồn tại ở bất cứ cõi nào nữa. Chị đã nghe đến từ “luân hồi sinh tử” chưa ạ?
N. hỏi: Dạ, có nghe qua. Đời này qua đời nọ thì giống như luân hồi. Sau này mình cũng có thể trở thành lại con người nhưng là người khác chứ không phải con người của mình nữa
N. giảng: Tức là có nhiều kiếp sống khác nhau ở những cõi giới khác nhau. Và khi nói giải thoát có nghĩa là không còn tái sinh trở lại nữa, không còn tồn tại ở bất cứ dạng nào nữa. Ông bà của mình khi chết rồi thì có thể ở một cõi giới khác nhưng họ sẽ vẫn còn tiếp tục tái sinh nữa, đúng không? Còn Đức Phật thì không giống như ông bà là Đức Phật đã giải thoát, cho nên không thể nói Đức Phật còn tồn tại ở một cõi giới nào đó được. Đức phật không còn ở cõi nào nữa cả. Ngài không còn tồn tại nữa, ở bất cứ cõi nào. Vậy một người mà không còn tồn tại nữa ở bất cứ cõi nào thì có thể phù hộ để chị có được thứ mà chị cầu xin không?
N. hỏi: Trước mắt là nghe chị nói vậy là không rồi đó, nhưng mà tại sao mọi người cứ đi cầu xin Đức Phật? Tượng to Phật lớn để mình cầu xin?
N. giảng: Chị thử hỏi những người đó xem Đức Phật ở đâu? Chị hỏi những điều như em vừa hỏi đó! Không biết chị đã từng nghe rằng Đức Phật nói những gì Ngài giảng thì không phải là để tin mà là để hiểu? Chị đã bao giờ được nghe điều ấy chưa?
N. hỏi: Để hiểu chứ không phải để tin. Dạ
N. giảng: Khi chị có cái hiểu thì chị sẽ tự có câu trả lời cho bản thân mình. Bởi vì rất mâu thuẫn nếu người ta nói là Đức Phật giải thoát nhưng mặt khác lại nói là mình có thể cầu Đức Phật phù hộ cho mình. Hai điều ấy là mâu thuẫn nhau đúng không ạ?
N. hỏi: Mâu thuẫn rồi, dạ. Nhưng mà sao mà mọi người vẫn cứ làm cái mâu thuẫn đó ha?
N. giảng: Mọi người có sai lầm không chị?
N. hỏi: Theo chị nói thì là mọi người bị sai lầm cái chỗ đó. Cứ đi cầu Đức Phật rồi làm cái (tượng) Phật cho nó to cho nó bự rồi để mình cầu xin cho nó linh thiêng. Đại khái vậy. Rồi có thể chú nguyện vô cái (tượng) Phật đó để đem về mình thờ để cho nó linh thiêng vậy đó
N. giảng: Vậy thì chị cũng nhất trí là không phải cứ cái gì mà nhiều người theo thì có nghĩa là đúng, đúng không? Và Đức Phật giảng rằng vô minh cùng tham ái là thứ khiến cho người ta trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi. Chị đã được nghe câu đó chưa?
N. hỏi: Dạ
N. giảng: Chị có được nghe đại loại như vậy đúng không ạ?
N. hỏi: Em có nghe qua như vậy
N. giảng: Như vậy thì vấn đề ở đây là thực ra là vô minh. Và vì sao mà có Đức Phật? Tại sao vị trí của Đức Phật lại quan trọng như vậy? Là bởi vì Ngài đã chỉ ra con đường tận diệt vô minh, bởi vì bản thân Ngài cũng đã tận diệt vô minh. Như vậy thì nếu chỉ cứ đơn thuần thấy mọi người làm gì đó là mình làm theo thì đâu có phải là theo con đường Đức Phật!
N. hỏi: Đúng
N. giảng: Bởi vì Đức Phật thuyết giảng với mục đích để không còn vô minh. Vậy điều quan trọng là phải hiểu Đức Phật giảng về cái gì, chứ không phải là chỉ cứ làm theo những điều mà người khác làm. Bởi những điều mọi người làm mà không giải thích được đúng với lời Đức Phật thì có nghĩa là nó chỉ xuất phát từ vô minh thôi, không có chút gì là con đường Đức Phật trong đó. Vậy chị có nghĩ là tìm hiểu xem Đức Phật giảng về cái gì để bớt vô minh hơn là quan trọng không?
N. hỏi: Dạ quan trọng chứ
N. giảng: Dạ vâng em nghĩ sẽ là cốt yếu nếu chị nhận ra được rằng để mình có thể tự có câu trả lời cho câu hỏi “có nên đi cầu (xin) hay là không nên đi cầu (xin)” thì sẽ cần phải tìm hiểu xem Đức Phật giảng về điều gì. Bởi vì mình không thể nói mình là Phật tử nếu như mình không biết Đức Phật giảng về điều gì. Nếu những gì mình nói về Ngài tự mâu thuẫn nhau: một mặt thì mình nói là Ngài giải thoát, Ngài giác ngộ nhưng mà mặt khác thì mình lại bảo là Ngài ở đâu đó để cho mình cầu thì rõ ràng là mình không thể tự xưng là Phật tử!
N. hỏi: Vậy nên là em cũng thấy là thường là vậy. Mấy đứa con em nó cũng quy y. Thì nó quy y thôi chứ nó cũng không có hiểu rõ về cái gì. Coi như nó cũng giống như cái hình thức quá vậy. Bây giờ em hiểu hơn rồi, dạ
N. giảng: Vậy nếu chị có quan tâm thì mời chị thỉnh thoảng vô pháp đàm chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu
— nguồn
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất