Áp lực cuộc sống là tất cả những tác động tiêu cực của công việc, đời sống gia đình, tình cảm…mang đến cho con người. Nó khiến người ta cảm thấy chán nản và thất vọng, không còn chút sinh lực nào để có thể cố gắng và vượt qua khó khăn, vất vả. Áp lực quá nhiều cũng là một trong những loại stress tiêu cực và gây ra những hậu quả khó lường.
Áp lực có thể đến từ những điều bình thường nhất, ví như “cơm áo gạo tiền”, ai sẽ là người trả tiền thuê nhà, thanh toán hóa đơn, đảm bảo cuộc sống. Nếu bạn có con nhỏ thì liệu có thể lo được cho chúng một tương lai tốt về sau, hay làm thế nào để có công việc ổn định.
Tất tần tật những điều ấy bủa vây lấy bạn, khiến bạn rơi vào một “vòng tròn” áp lực và tưởng chừng như không thể thoát ra được. Sự bế tắc, buồn chán, cô đơn, tuyệt vọng sẽ “bóp nghẹt” tinh thần sức khỏe của chúng ta.
2.1. Trầm cảm vì áp lực cuộc sống
Một trong những ảnh hưởng nghiêm trọng mà chúng ta có nguy cơ phải đối mặt vì áp lực của cuộc sống đó chính là trầm cảm. Con người sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái ức chế, tinh thần sa sút, không muốn làm việc hay thậm chí là không muốn sống và có ý định tự sát khi bị áp lực. Trầm cảm khiến chúng ta suy nhược cả về thể xác lẫn tinh thần, từ từ xa lánh người thân và xã hội
2.2. Kém linh hoạt, minh mẫn
Chúng ta xử lý công việc, phản xạ với mọi việc và ghi nhớ dữ liệu bằng bộ não. Và thật không may nếu chúng bị áp lực cuộc sống đè nén. Bạn thử tưởng tượng não bộ cũng giống như một chiếc máy tính, khi quá tải, làm việc và hoạt động hết công suất thì sẽ trì trệ, chậm chạp. Con người chúng ta cũng vậy, những áp lực xoay xung quanh cuộc sống khiến đầu óc kém linh hoạt và minh mẫn.
2.3. Ảnh hưởng xấu tới giấc ngủ
Theo các nhà nghiên cứu giấc ngủ ở Úc, việc stress sẽ khiến cho giấc ngủ hằng ngày bị rối loạn. Và chính chúng ta ai cũng hiểu rằng giấc ngủ đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và cơ thể. Chỉ có ngủ đủ giấc thì mới làm việc hiệu quả.
Nhưng sẽ ra sao nếu áp lực khiến chúng ta phải bồn chồn, thức khuya, khó ngủ, dễ giật mình tỉnh dậy. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe mỗi người.
2.4. Tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch
Mỗi khi gặp phải căng thẳng, stress, cơ thể sẽ giải phóng một hàm lượng hormone cortisol lớn hơn gấp nhiều lần so với bình thường. Chính điều này sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cao huyết áp, béo phì, mỡ trong máu và tiểu đường.
Đối với những người lười vận động, nay lại càng trở nên ủ rũ, lười biếng và tạo điều kiện cho bệnh tim mạch tấn công sức khỏe. Điều này lý giải tại sao ở những người có áp lực công việc lớn lại thường gặp vấn đề về tim mạch, huyết áp.
2.5. Suy giảm khả năng hô hấp
Ngoài việc giải phóng cortisol, tình trạng áp lực stress còn kích thích tuyến thượng thận sản sinh ra thêm một loại hormone có tên là adrenaline. Đây là loại hormone khiến cho việc hô hấp trở nên gấp gáp hơn, như cảm giác bị thiếu oxy, thở không sâu.
Điều này cũng là lý giải nguyên do tại sao các chuyên gia tâm lý khuyên mọi người hít thở sâu để giữ bình tĩnh trong những lúc căng thẳng hay lo âu.
Tuy nhiên, nếu không khắc phục những áp lực kịp thời, đặc biệt là đối với trường hợp mắc bệnh suyễn hoặc các vấn đề về đường hô hấp, sẽ dễ khiến cho chúng ta bị suy hô hấp, ảnh hưởng tính mạng.
2.6. Suy nhược cơ thể
Sức khỏe có mối tương quan liên hệ vô cùng mật thiết với tinh thần. Chính vì vậy, khi gặp áp lực cuộc sống, tinh thần và tâm lý không ổn định, sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái mệt mỏi, căng thẳng, không muốn làm việc, cũng không muốn hoạt động hay ăn uống.
Điều này có thể được biểu hiện ra bên ngoài bằng một số dấu hiệu phổ biến của hội chứng căng thẳng như mất ngủ, xanh xao, thần sắc kém tươi tỉnh, da khô ráp, mắt thâm quầng sưng đỏ. Đặc biệt là đối với mắt, tình trạng mất ngủ thậm chí có thể làm thị lực bị suy giảm và gây thêm nhiều căn bệnh nguy hiểm khác.
2.7. Da dễ nổi mụn, nhanh lão hóa
Stress là một trong những tác nhân chính làm kích thích tuyến bã nhờn hoạt động mạnh, khiến cho da trở nên dễ nổi mụn, kém mịn màng và thậm chí là xuất hiện một số bệnh lý da liễu nguy hiểm khác như vảy nến, á sừng, chàm, viêm da tiếp xúc…
2.8. Khiến cơ bắp dễ căng cứng, ảnh hưởng tới lưng, cổ  
Ngoài những tác hại ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, hormone adrenaline do khi tinh thần bị stress sản sinh còn khiến cho cơ bắp xảy ra hiện tượng căng cứng, đau và nhức mỏi. Do đó, khi căng thẳng, lưng cổ sẽ dễ bị đơ và đau nhức. Các nhà khoa học cho rằng, stress không những khiến bạn lười vận động mà ngay cả những hoạt động thường ngày cũng khiến cơ thể mệt mỏi.
2.9. Rối loạn tiêu hóa
Khi bạn bị stress, lượng máu lưu thông đến các cơ quan trong cơ thể có dấu hiệu thuyên giảm rõ rệt. Đồng thời, sự vận động và sự co bóp cũng bị yếu đi. Trong đó, cơ quan chịu ảnh hưởng lớn phải kể đến là dạ dày. Chính vì vậy mà khi bạn stress, rất thường hay gặp phải tình trạng đau dạ dày, khó tiêu, đầy hơi và chướng bụng.
2.10. Nguy cơ mắc các bệnh răng miệng
Khi tinh thần suy sụp, căng thẳng và mỏi mệt sẽ kéo theo một hệ lụy “đáng báo động”. Đó là tình trạng suy giảm hệ miễn dịch, sức đề kháng yếu dần đi, khiến cơ thể nổi mụn nhiệt ở vòm miệng, nướu, cổ, dễ mắc bệnh răng miệng và các loại viêm da, viêm vùng kín…
2.11. Choáng váng, mệt mỏi, đau đầu kinh niên
Stress luôn là một trong những nguyên nhân hàng đầu (sau những nguyên nhân bệnh lý) khiến cho đầu óc dễ bị choáng váng, mệt mỏi, thậm chí gây ra chứng đau đầu kinh niên dai dẳng hoài không dứt. Điều này làm ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng cuộc sống sau này.
2.12. Giảm khả năng tư duy, sáng tạo
Tác hại được xem là dai dẳng nhất của những stress trong cuộc sống đó chính là ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tư duy sáng tạo sau này. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, áp lực sẽ “ăn mòn” và thui chột khả năng tư duy, trí nhớ của chính chúng ta.
Dần dần, bạn sẽ cảm thấy sợ hãi, không còn tin tưởng bản thân của mình, cướp đi nghị lực, ý chí vươn lên. Thậm chí biến bạn thành con người lúc nào cũng tự ti mặc cảm và luôn nghĩ mình vô dụng.
3. Làm thế nào để giải tỏa stress trong cuộc sống hiện đại?
3.1. Thư giãn vào buổi sáng
Thay vì thức dậy muộn màng, bỏ bữa ăn sáng và lao đầu ngay vào “guồng quay công việc”, tại sao chúng ta không thức dậy sớm hơn, pha một tách trà nóng và ngồi thư giãn để lấy tinh thần bắt đầu một ngày làm việc. Điều này sẽ khiến cho bạn cảm thấy áp lực cuộc sống nhẹ nhàng đi vài phần.
3.2. Lên kế hoạch làm việc
Chắc chắn trong số chúng ta, phải có rất nhiều người trải qua cảm giác “điên đầu” khi đối diện với một “núi” công việc mà không biết phải bắt đầu từ đâu. Đừng vội nản chí và buông xuôi. Thay vào đó, bắt đầu lập lên kế hoạch và sắp xếp những công việc nào làm trước, làm sau ngăn nắp, bạn sẽ tự nhiên thấy có cảm hứng để bắt đầu trở lại.
3.3. Tập trung vào thứ mình làm
Phân tâm hay bắt đầu làm quá nhiều việc là một trong những điều khiến bạn dễ chán nản với công việc của mình. Chính vì vậy, hãy thử dành hết sự tập trung vào thứ mình đang làm, bằng tất cả niềm đam mê và hứng thú. Khi đó, áp lực sẽ phần nào giảm bớt đi.
Nên có những phút giây thư giãn vào buổi sáng


Nên có những phút giây thư giãn vào buổi sáng (Nguồn: baoxaydung.com.vn)
3.4. Giữ bình tĩnh, học cách kiểm soát
Khi gặp áp lực cuộc sống, chúng ta đều có xu hướng muốn “bùng nổ” và không giữ được bình tĩnh. Vì vậy, một trong những cách giảm stress tự nhiên là phải học cách kiểm soát cảm xúc, giữ nó ở mức trạng thái cân bằng để tránh phạm phải sai lầm đáng tiếc.
3.5. Dừng lại và hít thở
Mỗi khi cảm thấy quá mệt mỏi vì áp lực cuộc sống này, hãy ngừng nghĩ ngợi tất cả mọi thứ trong đầu và tập hít thở đều để cho đầu óc được nghỉ ngơi và cảm xúc có một “khoảng trống” để điều chỉnh lại.
3.6. Tích cực tham gia các hoạt động ngoài trời
Việc khép mình “trong căn phòng trống” chỉ khiến tình trạng stress trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Bạn nên chú ý đến những lời mời tham gia các hoạt động ngoại khóa ngoài trời, chủ động tìm đến những hoạt động giải trí thú vị. Việc mở rộng không gian xung quanh khiến bạn “tạm” quên đi áp lực mà mình đang gặp để hòa vào không khí chung vui tươi sôi động.
Tham gia hoạt động ngoài trời giảm stress


Tham gia hoạt động ngoài trời giảm stress (Nguồn: wetrek.vn)
3.7. Gặp gỡ bạn bè
Trong những lúc áp lực cuộc sống, bạn chớ nên để bản thân phải chịu đựng một mình, mà hãy đi gặp người thân, hay bạn bè đáng tin cậy để “trút bầu tâm sự”. Hoặc, đơn giản chỉ là cuộc hẹn hò cà phê hay cùng nhau đi shopping. Nó sẽ khiến bạn cảm thấy khuây khỏa và bào mòn bớt “khối” stress trong lòng đấy.
3.8. Luôn suy nghĩ tích cực
Bạn nên duy trì một lối sống tích cực, tận dụng tối đa những giờ phút rảnh rỗi để thư giãn. Điều này sẽ khiến cho cuộc sống của bạn “dễ thở”, lạc quan và cởi mở hơn.
3.9. Khen ngợi, cảm ơn người xung quanh
Nếu được người khác giúp đỡ trong những lúc khó khăn, bạn nên có một lời cảm ơn chân thành để gắn kết tình cảm với những người xung quanh. Hoặc có thể dành nhiều lời khen ngợi động viên người khác để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
3.10. Tìm sự yên bình trong tâm trí
Bạn có bao giờ thử nhắm mắt để cảm nhận chính mình hay không. Nếu chưa thì mỗi lúc có áp lực cuộc sống, bạn hãy thử tịnh tâm, ngưng suy nghĩ tiêu cực và hướng đến sự bình yên trong tâm trí. Đôi khi đây là cách “tự chữa trị” cho bản thân hữu hiệu mà không phải ai cũng biết. Hoặc bạn có thể chọn một cuốn sách hay, ý nghĩa về cuộc sống đọc nghiền ngẫm sẽ giúp bạn tìm thấy sự an yên trong tâm hồn và có động lực, niềm tin vào cuộc sống hơn.
Thiền giúp bạn giải tỏa áp lực trong cuộc sống


Thiền giúp bạn giải tỏa áp lực trong cuộc sống (Nguồn: toplist.vn)
3.11. Làm việc thiện
Làm việc thiện chính là một cách để tâm hồn mình được thanh thản thoải mái hơn. Việc đem lại niềm vui cho người khác cũng chính là cách tự tạo niềm vui và hạnh phúc cho chính mình. Để chúng ta thấy rằng, cuộc sống của bản thân vẫn tốt và đáng trân trọng hơn so với nhiều người ngoài kia.
3.12. Ngồi thiền, tập yoga
Tập yoga tĩnh tâm, khỏe người, thiền hoặc dưỡng sinh là một trong những cách hữu hiệu giúp bạn điều hòa nhịp thở và ổn định tinh thần rất tốt. Vì khi đó, lượng oxy vào phổi sẽ tăng đáng kể, tinh thần dễ tập trung làm việc và sức khỏe được nâng cao hơn.
3.13. Đi du lịch
Hãy thử “đổi gió” bằng cách book ngay một tour đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài để có cho mình những trải nghiệm thú vị. Đồng thời để bản thân được tự do, tạm thời không lo nghĩ đến công việc. Đây cũng là cách được nhiều người áp dụng mỗi khi cảm thấy áp lực cuộc sống của mình quá nặng nề, mệt mỏi.          
Tập yoga là một cách giảm căng thẳng hữu hiệu


Tập yoga là một cách giảm căng thẳng hữu hiệu (Nguồn: api.cfyc.com.vn)
Những áp lực cuộc sống luôn thường trực bạn hãy bỏ túi ngay vũ khí chống trả stress hiệu quả là những cách giải tỏa trên đây nhé. Tuy nhiên, nếu cảm thấy tình trạng stress vẫn diễn ra và ngày càng trầm trọng hơn, tốt nhất bạn nên đăng ký khám tư vấn chuyên khoa tâm thần, điều trị tâm lý tại những cơ sở uy tín để lấy lại cuộc sống cân bằng cho mính, tránh rơi vào trầm cảm nặng
Áp Lực Có Làm Ta Giỏi Hơn?


Ngày trước, lúc tôi trẻ hơn bây giờ tầm 4-5 tuổi, trong một bài phỏng vấn, tôi có bảo rằng tôi không ngại áp lực lắm, bởi áp lực cho tôi những điều kiện để trở nên “xuất thần” hơn (Sau đó, bài báo được đặt tên là: “MAD – Yêu áp lực như yêu một chàng trai (?)”.
Tôi đoán rằng đa số chúng ta đều nghĩ như vậy, và nghĩ như vậy nên bằng nhiều cách chúng ta đặt lên nhau những áp lực rồi nghĩ rằng điều đó giúp chúng ta đạt các kết quả tốt đẹp hơn: cha mẹ đặt áp lực lên con cái, người yêu đặt áp lực lên nhau, thầy cô áp lực lên học sinh, sếp đặt áp lực lên nhân viên. Và, áp lực tồn tại dưới nhiều hình thức: thưởng/phạt, lời nói ngọt ngào đầy tính răn đe, cho đến những niềm tự hào đầy kỳ vọng đòi hỏi được đáp ứng.
Tầm vài tuần trước, tôi còn nghĩ mình rất bình tĩnh và có thể đương đầu tốt với áp lực. Cho đến tuần này, tôi phát hiện ra… mình “bánh bèo” hơn mình nghĩ. Đó là khi tôi nhận ra tất cả những chuyện mình trải qua trước đây chỉ là cơn sóng nhỏ, chưa là gì so với những cơn bão táp càng ngày càng dữ dội hơn. Trong thời gian gần đây khi phải vật vã làm khóa luận tốt nghiệp, hoài nghi mình không đủ giỏi, hoang mang không biết phải bắt đầu từ đâu và cảm thấy rất bế tắt trong khi thời gian cứ vơi dần vơi dần. Tôi không còn có thể giữ cho mình “cool” được nữa. Bắt đầu than thở (“khóc lóc”) với bạn bè, trở nên vô cùng bi kịch hóa mọi thứ. Tôi căng thẳng đến mức không thể làm gì, kể cả việc tôi thích nhất: Ăn. Hằng ngày, tôi chỉ ngồi trước màn hình đầy số, chạy đi chạy lại các mô hình và hoa mắt trước kết quả không được đẹp như mong đợi. Đó là lúc tôi nghĩ rằng: mình không thể yêu áp lực như yêu một chàng trai được nữa!!!
s1


Thập kỷ trước, hai nhà tâm lý học Robert Yerkes và John Dodson làm thí nghiệm về "Áp lực và Hiệu quả" trên chuột. Thí nghiệm được thiết kế để chuột chạy qua những mê cung, ở một số chỗ nhất định có nguồn điện khiến chuột bị giựt (tạm bỏ qua vấn đề đạo đức với động vật vẫn hay bàn hiện nay). Chuột phải chịu áp lực là khả năng bị giựt điện và hiệu quả công việc ở đây là khả năng thích nghi, vượt qua mê cung và tránh những chỗ bị giựt. Người ta tăng áp lực lớn dần (cường độ điện) và xem xem chuột học cách vượt qua mê cung mà không bị giựt nhanh hay chậm. Kết quả cho thấy chuột chỉ “học” hiệu quả ở một mức áp lực vừa đủ, và khi áp lực quá lớn (chuột bị giựt rất đau), các em chuột quá sợ hãi đến mức không “học hành” được gì và hiệu quả rất rất kém.
Sau này các nhà Kinh tế học hành vi, nghiên cứu về lương/thưởng và hiệu quả công việc, cũng làm những thí nghiệm tương tự trên người. Dĩ nhiên là không giựt điện, những người tham gia thí nghiệm sẽ được giao một công việc (ví dụ, giải toán, xếp hình…) với mức lương/thưởng tăng dần. Khi mức thưởng rất rất cao, áp lực sẽ rất rất lớn, dưới sự lo lắng là chỉ một sơ xuất nhỏ sẽ mất một khoản tiền lớn, kết quả công việc của họ tệ hơn rất nhiều (Bạn có thể tìm đọc các thí nghiệm này trong cuốn “Lẽ phải của phi lý trí”, của Dan Ariely).
Không nói đâu xa, nếu tự nhìn nhận lại bản thân có thể bạn cũng dễ thấy áp lực đã khiến chúng ta mắc nhiều sai lầm như thế nào. Không ít người khi đi thi IELTS/TOELF/GMAT/GRE luôn được kết quả thấp hơn khi họ luyện ở nhà. Nhiều người có kết quả thi vấn đáp (căng thẳng hơn) luôn thấp hơn thi viết. Và, khi chúng ta ngồi trên giường coi “Ai là triệu phú” hay “Đường lên đỉnh Olympia”, chắc cũng có lần mình tặc lưỡi câu dễ thế mà không trả lời được…
s2


Những thông tin khoa học về tâm lý và áp lực này khiến tôi tự nhìn nhận vào tình huống và khó khăn của bản thân, tôi cần làm gì để giảm bớt căng thẳng. Những mối lo sợ của tôi là gì: Điểm kém? Không được “Distinction”? Khóa luận không tốt sẽ ảnh hưởng đến các bước tiếp theo trong kế hoạch của tôi?
Việc tiếp theo tôi làm là… chịu khó tốn tiền, đi ăn lẩu, uống một ly bia và tìm cách giải quyết những nỗi lo của mình. Tôi cố tìm cách nghĩ khác đi! Hẳn có nhiều cách, nhưng cách của tôi là: "Trong trường hợp tệ nhất, mình sẽ vẫn ổn...". Tôi ngồi tính lại điểm trong một năm học qua, ngay cả khi chỉ được 50 cho khóa luận thì tôi vẫn có thể tốt nghiệp “Distinction” (Tôi đã làm việc rất chăm chỉ từ ngày đầu tiên). Điều đó có nghĩa là hãy làm tốt trong cả quá trình, trong từng bước một sẽ giúp bạn gỡ bỏ bớt áp lực ở phút cuối. Tôi nhìn “bức tranh” rộng hơn và nhận ra mình còn rất nhiều cơ hội trong tương lai để gỡ gạc kể cả khi kết quả lần này không tốt. Và, quan trọng nhất: Khóa luận là cơ hội để bạn học điều gì đó, ngay cả khi kết quả không tốt, nhưng bạn đã giỏi lên thì đó vẫn là một “happy ending”.
s3


Trong cuốn sách của Dan Ariely, ông có trích một tình tiết trong phim First Knight (1995). Có một kiếm sĩ rất giỏi, ông này cũng lập đấu trường kiểu “độc cô cầu bại” thách đấu thiên hạ. Một hôm có một anh chàng tài cao đến thách đấu, họ đánh kiếm 3 ngày-3 đêm và kiếm sĩ "độc cô cầu bại" chiến thắng. Anh kia dù thua vẫn rất cầu tiến, thỉnh giáo bí kíp của kiếm sĩ. Ông này nói: Một là, luôn quan sát đối thủ. Hai là, biết chớp lấy thời cơ dù là nhỏ nhất. Anh bạn trẻ gật gù, chắc cố luyện tập anh sẽ làm được. Duy có điều cuối cùng, mấu chốt nhất và khó nhất: Đừng quan tâm sống hay chết!
Có thể giải thích rằng, kiếm sĩ đấu giỏi hơn mọi người vì ông có tâm lý vững hơn, điều đó đến từ việc giảm áp lực và sự căng thẳng về mức gần như bằng 0.
Khó ai trong chúng ta có thể giảm mức căng thẳng về 0, nhưng bằng cách nào đó, ta có thể nghĩ khác đi và giảm bớt những suy nghĩ trầm trọng hóa của mình. Thứ làm chúng ta giỏi hơn, có lẽ không phải là áp lực, mà là thử thách. Rất dễ để lạc quan và yêu đời khi mọi thứ tốt đẹp, giữ được những điều đó trong những ngày tồi tệ mới chứng tỏ ta có đủ bản lĩnh hay chưa? Thử thách chẳng thể tránh, chúng mình cần tìm cách đi qua nó bằng ít nhất những sự căng thẳng trong tinh thần.
-áp lực giúp ta có thái độ sống tốt hơn nhưng nó vẫn luôn là con dao 2 lưỡi khiến chúng ta chẳng làm được việc gì ngoài suy nghĩ vớ vẫn nếu áp lực quá cao
hồi trước tôi đi học tâm lý học ông thầy bảo nếu áp lực là thang 5 mức chỉ luôn giữ nó ở mức 2 không quá thấp cũng không quá cao, quá thấp khiến con người chểnh mảng, thói hư tật xấu từ đó mà ra còn mức 4 trở lên khiến con người ta luôn lo sợ không làm được việc gì, mà có làm được việc hiệu quả cũng rất thấp người ta hay còn gọi là stress, cho nên áp lực ở mức 2 luôn là áp lực vàng.
áp lực là cần thiết nhưng phải cân bằng giữa thoải mái và áp lực trong cuộc sống cái gì nhiều cũng không tốt đâu, yêu đương học tập hay công việc không phải lúc nào cũng nghĩ có nghĩa là tốt đâu, mà stress còn dẫn đến 1 nỗi sợ đây là vấn đề mấu chốt, áp lực cũng giống như nóng nảy nó khiến người ta không còn minh mẫn