Tôi bắt đầu thực tập lối sống Zero Waste (mà tôi nghĩ, nó nên là Low Waste thì đúng hơn) cách đây cũng không lâu lắm, và tất nhiên tôi chẳng hề nghĩ mình đang sống một cuộc sống hoàn toàn không thải ra chút rác nào. Nhưng dù sao Zero Waste hay Low Waste cũng là một lối sống đáng để sống, và tôi thì vẫn cần thêm thời gian để thực sự quen với nó. Đừng nghĩ tôi là một người sống đúng chuẩn Zero Waste (Green Living) hay Minimalist. Tee Wanders chỉ là nơi tôi chia sẻ những trải nghiệm và câu chuyện của riêng mình (và đôi lúc là câu chuyện của người khác). Hành trình đến với hai lối sống trên còn dài, còn cần tôi cố gắng nhiều hơn nữa. Thế nên tôi cũng chỉ là một kẻ chập chững mà thôi. Tôi tìm hiểu, nghiên cứu và thực hành rồi viết lên đây để chúng ta, bạn và tôi cùng học, cùng trải nghiệm.
Còn dưới đây là một vài điều nho nhỏ mà tôi đã áp dụng khi mới đầu đến với lối sống Zero Waste, có thể sẽ hữu ích cho bạn phần nào.

Đọc thêm:


Zero Waste là gì?

Zero Waste là ý tưởng về một lối sống không hoặc tạo ra rất ít rác thải, bằng việc sử dụng các vật dụng bền vững, thân thiện với môi trường, kết hợp với tái chế và ủ phân vi sinh để xử lý rác hữu cơ. Bên cạnh Zero Waste thì Plastic Free cũng là một lối sống bền vững nhưng tập trung chủ yếu vào việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng nhựa nhằm tránh các tác động xấu của nhựa đối với bản thân và môi trường.
Hiện nay, Zero Waste ngày càng trở nên phổ biến khi con người dần dần ý thức được hậu quả mà những thói quen sinh hoạt thường ngày của mình gây ra. Tôi được biết đến lối sống này khi tình cờ xem bài thuyết trình của chị Lauren Singer trên Ted Talks. Cũng kể từ lúc đấy, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về lối sống này, tôi theo dõi nhiều blog, xem video, phim tài liệu và đọc sách về những chủ đề liên quan đến Zero Waste cũng như môi trường. Sau này khi đi làm, tôi may mắn quen hai người chị cũng đang sống lối sống thuần tự nhiên và bền vững, nên thành ra lại có thêm động lực để hiện thực hóa lối sống Zero Waste mà mình vẫn hằng hướng đến. Càng tìm tòi, khám phá, tôi càng thấy khá ngạc nhiên vì hóa ra Zero Waste không còn là một khái niệm xa lạ gì với nhiều người ở Việt Nam (như tôi vẫn nghĩ). Có nhiều cộng đồng Zero Waste ở các vùng khác nhau, nhiều cửa hàng bán các sản phẩm phục vụ cho lối sống này, nhiều blogger và cả không ít người nổi tiếng đang thực tập sống không rác thải và chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết với những người xung quanh. Lắm lúc thấy mình bắt đầu muộn quá. Nhưng dù sao thì, muộn vẫn còn hơn không.

Năm nguyên tắc cơ bản của Zero Waste (5R)

Trong cuốn sách Zero Waste Home, Bea Johnson có chia sẻ năm nguyên tắc cơ bản mà những người đang hướng tới lối sống này cần áp dụng – Nguyên tắc 5R:
Refuse what you don’t need: Từ chối cái bạn không cần. Chúng có thể là túi ni lông, ống hút nhựa, tờ rơi hay thư rác…
Reduce what you do use: Cắt giảm những thứ không cần thiết mà bạn vẫn đang sử dụng, như nước xả vải chẳng hạn.
Reuse whatever you can: Tái sử dụng nhiều lần bất cứ thứ gì bạn có thể. Chẳng hạn như thay vì vứt chúng đi, bạn có thể sửa/ gắn lại và dùng tiếp nhằm kéo dài tuổi thọ cho những vật dụng đó.
Recycle what you can’t refuse or reduce: Tái chế những vật dụng bỏ đi, những vật không cần thiết thành những vật có ích.
Rot what’s left over: Biến rác thải hữu cơ thành phân hữu cơ, nuôi cây xanh, nuôi đất tốt.

Đọc thêm:

Bạn nên bắt đầu lối sống Zero Waste như thế nào?


Xác định rõ tại sao bạn muốn thực tập lối sống này

Mọi hành động, mọi sự lựa chọn đều cần có một lý do. Bạn chọn lối sống không rác thải, vậy lý do là gì? Bạn muốn góp phần bảo vệ môi trường, muốn cắt giảm chi phí tiêu thụ, muốn tránh xa những chất độc hại từ nhựa, từ túi ni lon? Hay đơn giản là bạn ưa cuộc sống gọn gàng, và thấy khó chịu khi trong nhà có quá nhiều những thứ lỉnh kỉnh, không cần thiết, còn ngoài bãi biển thì chai nhựa, túi, hộp lại bị vứt lung tung?
Bạn cần xác định rõ câu trả lời của mình, bởi lẽ nó chính là động lực để thôi thúc bạn luôn cố gắng, là cái đích để bạn luôn hướng về mỗi lúc thấy nản chí, chênh vênh.

Nhìn lại xem lượng rác thải hằng ngày của bạn bắt nguồn từ đâu

Sau khi bạn xác định rõ mục đích đến với lối sống Zero Waste rồi, giờ là lúc bạn nhìn lại và xem xét xem rác thải của bạn thường bắt nguồn từ đâu. Việc này sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát về lượng rác mình thường thải ra và nguồn gốc của chúng, để từ đó biết được mình nên tập trung ở đâu trước hết. Với một số người, rác chủ yếu đến từ thức ăn dư thừa, vậy để cắt giảm rác, vấn đề đầu tiên họ cần cân nhắc là nấu vừa đủ ăn, thay vì nấu quá nhiều, dẫn đến thừa thãi, hoặc tìm hiểu cách ủ phân sinh học từ thức ăn thừa. Với một số người khác, rác lại bắt nguồn từ việc uống quá nhiều những cốc cafe, trà sữa takeaway mỗi ngày. Để giảm thiểu rác, trước hết họ cần hạn chế uống những đồ uống takeaway hoặc mang theo cốc (tái sử dụng) của mình để đựng nước uống…
Nếu bạn đã “lỡ” thải ra quá nhiều chai nhựa rồi, thì hoặc là tìm cách biến chúng thành một món đồ hữu ích trong nhà, hoặc là tự tạo eco-brick hay gửi chúng đến những nơi tái chế đồ nhựa.

Đọc thêm:

Bắt đầu từ việc cắt giảm những vật dụng dùng một lần

Nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy hằng ngày chúng ta sử dụng rất nhiều các sản phẩm dùng một lần như khăn giấy, khăn ướt, cốc giấy, ống hút nhựa, hộp cơm bằng xốp, thìa dĩa nhựa, túi ni lon…
Chính những sản phẩm này, dù có vẻ được nhiều người ưa dùng vì tính thuận tiện và nhanh gọn, lại tiêu tốn rất nhiều tài nguyên khi sản xuất ra. Hơn nữa, vì vốn dĩ là đồ dùng một lần nên ngay sau khi sử dụng xong chúng lại trở thành rác. Còn chưa kể đến tính độc hại mà những thành phần hóa chất có trong các đồ dùng giấy, nhựa đó gây ra.
Để cắt giảm việc sử dụng chúng, bạn có thể bắt đầu bằng các hành động như:
Luôn mang theo bình đựng nước khi đi ra ngoài. Bình nước tôi đang mang theo bên mình là bình inox giữ nhiệt rất tốt. Tôi là kẻ nghiện trà nên việc dùng bình giữ nhiệt sẽ là một sự lựa chọn tuyệt vời. Chỉ cần bỏ một nhúm lá bạc hà, cỏ ngọt hay hoa cúc vào bình là đã có ngay một bình trà ấm nóng cho cả một buổi lang thang ngoài trời.
Hạn chế uống các thức uống takeaway hoặc nếu có uống thì hãy nhớ mang theo lọ hoặc cốc thủy tinh để mua.
Mang theo ống hút (bằng tre, thủy tinh hoặc inox) khi đi uống cafe, hay trà sữa. Mà tốt hơn hết là không cần dùng ống hút chi cho mệt. Thường thì khi đi lang thang, tôi chỉ mang theo một đôi đũa tre, một thìa tre, một dĩa tre và không hề mang theo ống hút. Lúc uống, thì cứ vậy mà uống thôi, ống hút thực chất cũng đâu có cần thiết. Đến quán cafe hay trà sữa, bạn chỉ cần bảo với nhân viên “mình không dùng ống hút nhé”, vậy là được rồi.
Mang theo túi vải khi đi chợ, siêu thị hay đi mua sắm. Túi vải bạn cũng có thể tự làm từ chiếc áo phông cũ của mình. 
Dùng khăn tay vải thay cho khăn ướt, khăn giấy. Tôi thường mang theo bên mình một chiếc khăn tay (được may từ chiếc áo sơ mi đã rách) để lau lúc ăn, rửa tay hoặc lau mồ hôi, vậy là sẽ không còn cần dùng khăn giấy nữa. Nếu buộc phải sử dụng đồ dùng một lần thì hãy chọn những sản phẩm được làm từ chất liệu sinh học, thân thiện với môi trường và có thể phân hủy an toàn. Hiện nay một số nơi đã bắt đầu bán các cốc, bát, đĩa, và hộp dùng một lần (có thể vài ba lần) từ bã mía, và bột sắn. Bạn có thể tìm hiểu thêm. Tôi có thấy bên Tre Shop và Sạp Hàng Chàng Sen cũng đang bán loại sản phẩm này. 

lối sống zero waste

lối sống zero waste

Cố gắng sử dụng những thứ bạn đang có trước khi chuyển sang dùng sản phẩm Zero Waste thay thế

Ngày nay, ở Việt Nam đã có khá nhiều cửa hàng bán các sản phẩm Zero Waste được làm từ những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường hơn như bông tắm từ xơ mướp, bàn chải tre, ống hút tre, xà bông tự nhiên, nước rửa chén bồ hòn,… Sẽ thật tốt nếu như chúng ta chuyển sang dùng hoàn toàn những sản phẩm đó. Tuy nhiên, với những người đang ở giai đoạn bắt đầu tập tành lối sống Zero Waste thì trước hết bạn đừng vội vứt bỏ hết những thứ trong nhà và thay bằng những sản phẩm thân thiện kia. Bởi vứt đi, suy cho cùng nó cũng sẽ là rác, mà vậy thì cũng đâu có tốt đúng không? Cách tốt hơn cả là cứ dùng cho đến khi không thể dùng chúng được nữa rồi hẵng thay thế cái mới.
Trước khi bắt đầu lối sống này, tôi có sử dụng bàn chải đánh răng nhựa, dao cạo thân nhựa và có mua một đôi giày bệt giả da. Sau đấy, khi biết và thực tập sống xanh, tôi vẫn không vứt chúng đi mà thay vào đó là sử dụng chúng cho đến khi không dùng được nữa. Đôi giày bệt tôi vẫn đi cho tới bây giờ, chiếc dao cạo thân nhựa tôi vẫn sử dụng và mang theo mỗi khi đi lang thang. Đến chừng nào không thể dùng chúng được nữa, tôi sẽ mua cái mới – loại thân thiện với môi trường hơn.
lối sống tối giản

Tập tành tự làm các món đồ DIY

Một trong những nguyên tắc của Zero Waste như tôi có nêu ở trên là Recycle. Bạn hoàn toàn có thể kéo dài tuổi thọ cho những đồ vật “tưởng chừng như bỏ đi” thành những thứ có ích với sự sáng tạo của mình. Một chiếc áo phông cũ có thể được may thành một chiếc túi đi chợ, miếng vải thừa trong nhà có thể tận dụng để làm băng đô đội đầu, chai nhựa biến thành bình cắm hoa, khăn tắm cũ có thể cắt và khâu thành những chiếc khăn tay thay cho khăn giấy,… Ngoài ra, có nhiều thứ “bỏ đi” khác nữa cũng có thể biến thành đồ vật trang trí trong nhà, nên hãy cứ cho phép bản thân tự do sáng tạo. Việc này sẽ giúp bạn giảm thiểu lượng rác thải ra và đồng thời tiết kiệm được một khoản đáng kể cho việc mua đồ mới.
Một số món đồ tôi tự làm như:
Lối sống zero waste

Lối sống zero waste

Lối sống zero waste


Ưu tiên mua đồ second-hand

Khi chọn lối sống này, tôi bắt đầu thấy thích thú với việc mua đồ cũ thay vì đồ mới. Các cửa hàng đồ cũ giờ mọc lên gần như khắp mọi nơi nên việc lùng tìm món đồ mình cần mua cũng trở nên dễ dàng hơn trước. Việc ưu tiên mua đồ cũ vừa giúp tôi tiết kiệm tiền, lại vừa góp phần kéo dài vòng đời cho món đồ đó. Rác thải vì thế cũng giảm bớt đi vài ba phần.
Vậy nên, để tiến tới lối sống Zero Waste như mong muốn, bạn hãy nhớ ghé qua các cửa hàng đồ cũ trước tiên và xem xem ở đó có món đồ bạn cần mua không đã nhé. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Lạt, Sài Gòn đều có các chợ đồ cũ, bạn có thể vào đấy và tha hồ lựa chọn theo ý mình. Các trang web mua bán đồ cũ hay các nhóm trao đổi đồ cũng có khá nhiều trên mạng đó!
Dưới đây là địa chỉ một vài shop đồ cũ và nhóm trao đổi đồ bạn có thể xem qua:
Amippp (HN – quần áo mũ secondhand)
Nhặt lá, đá ống bơ (HN – quần áo, khăn, túi, ví cũ tự nhuộm)
LỐI SỐNG TỐI GIẢN – MINIMALISM LIFESTYLE (group facebook về lối sống tối giản ở Việt Nam, nơi bạn có thể trao đổi đồ cũ cùng những người trong nhóm)
Lối Sống Tối Giản – Vietminimalists Group (group facebook về lối sống tối giản ở Việt Nam, nơi bạn có thể trao đổi đồ cũ cùng những người trong nhóm)
Hội trao đổi đồ cũ Hà Nội – Minimalism lifestyle (group facebook – nơi trao đổi đồ cũ dành cho những bạn ở Hà Nội)

Kết nối với mọi người trong cộng đồng Zero Waste

Thành thực mà nói, tôi là một người hướng nội nên không thích lắm việc kết bạn quá nhiều hay tham gia vào các buổi gặp mặt, trò chuyện các kiểu. Nhưng rồi tôi nhận ra, việc kết nối với những người có cùng lối sống mà mình đang theo đuổi thực sự rất quan trọng, nhất là ở giai đoạn mới bắt đầu. Tôi nhận được không ít lời khuyên và học được không ít điều hay ho từ những trải nghiệm mà mọi người trong cộng đồng đã chân thành chia sẻ.
Dưới đây là một số cộng đồng trên Facebook mà tôi có tham gia (cả trong nước lẫn quốc tế):
Và ngoài ra, cũng có một số cách khác nữa mà bạn có thể thực hiện để đóng góp cho cộng đồng của mình, như:
Ưu tiên mua sản phẩm từ các nông trại hữu cơ, sản phẩm thuần tự nhiên, và sản phẩm handmade, zero waste. Một vài cửa hàng ở Việt Nam tôi có biết là:
Sạp hàng Chàng Sen (HN – bàn chải tre, ống hút inox, tre, cỏ,…)
VietHerb – Thuốc nam của người Việt ( sản phẩm chăm sóc tóc, da, cơ thể từ thảo dược)
XanhShop.com (HCM – thực phẩm hữu cơ, không đóng gói trong bao bì nilon)
Hoa Đất – Tiêu dùng an lành (HN – đồ ăn lành mạnh, thuần tự nhiên)
Papa’s Dreamer – Xà bông của Ba (HN – Xà bông hữu cơ)
The QUEEN (HCM – Xà bông, son môi làm từ nguyên liệu tự nhiên)
TRE SHOP (HN – sản phẩm từ tre)
Tạp Hóa Xanh (HN – sản phẩm thiên nhiên và nông sản sạch)
Go Eco Hanoi (HN – cửa hàng zero waste – sản phẩm thân thiện với môi trường)
Friendly Kitchen (HN – vật dụng nhà bếp thân thiện)
Xơ Mướp Shop (HCM – sản phẩm từ xơ mướp)
Quán của thời thanh xuân (Đà Lạt – bàn chải tre, xà bông thiên nhiên, tinh dầu và một số sản phẩm chăm sóc tóc, da thiên nhiên khác)
Zero Waste Saigon (HCM – sản phẩm zero waste)Và nhiều những cửa hàng khác nữa, bạn có thể tìm hiểu
Tổ chức các buổi chia sẻ, trò chuyện về chủ đề zero waste
Tham gia các lớp học làm đồ thủ công như học làm xà bông, làm kem đánh răng, hay son môi, tinh dầu tự nhiên,… (những lớp này đáng yêu lắm)

Hãy nhớ: mọi thứ đều cần thời gian

Sống cuộc sống không rác thải là một việc không hề dễ dàng, và bạn cần thời gian để quen dần với nó. Đấy đúng hơn là một quá trình, một con đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực và kiên trì của bạn. Vậy nên hãy cứ bắt đầu bằng những thay đổi nhỏ thay vì cùng một lúc thay đổi hết mọi thói quen sống của mình. Đừng trách cứ bản thân khi vô tình tạo ra rác, và cũng đừng nản chí khi thấy lượng rác mà những người khác thải ra trong mấy năm liền lại có thể đựng vừa đủ trong một chiếc lọ thủy tinh nhỏ. Điều quan trọng là bạn sống có ý thức và luôn cố gắng tìm cách để giảm thiểu lượng rác mình thải ra.
Trên đây là một số bước nhỏ để giúp bạn bắt đầu lối sống Zero Waste. Sẽ mất một chút thời gian (hoặc có khi nhiều hơn một chút) để chuyển những hành động đó thành thói quen hằng ngày. Đừng lo lắng khi bạn không thay đổi được một thói quen “tiêu cực” nào đó vì mọi thứ đều cần thời gian mà. Chỉ cần bạn có niềm tin vào chính mình, vào con đường mà mình chọn bước đi, là được. Hãy chia sẻ với tôi câu chuyện của bạn, tôi rất muốn được nghe. Và nếu bạn có biết thêm bất kỳ một cộng đồng hay cửa hàng zero waste nào khác thì hãy bình luận ở dưới nhé!
Cảm ơn bạn.
Just be,
Tee Wanders
Đây là bài viết tôi đăng trên blog cá nhân của mình và được nhiều bạn đọc đón nhận nên tôi muốn chia sẻ lại ở đây. Nếu quan tâm, bạn có thể ghé thăm blog của tôi để đọc thêm các bài viết khác:  http://teewanders.com/vi