Tôi vẫn nhớ rõ, lần đầu tiên tôi nghe nhạc Trần Viết Tân là ở trong một căn nhà nằm trên con đường chạy dọc bờ kênh, đoạn thuộc Phú Nhuận. Đó là nhà của thằng thầy dạy thanh nhạc cho tôi. Nó chỉ bằng tuổi tôi thôi, nhưng nó khá tài hoa, vẽ đẹp, chơi vĩ cầm rất điêu luyện và hát chính trong một ban nhạc chơi symphonic metal (hình như ban của nó cũng không nổi lắm). Sau buổi học, có khi tôi ngồi lại một chút nói chuyện về âm nhạc. Ở căn phòng đó, tôi được nghe nó mở Lara Fabian hát Je t'aime, Amy Lee hát My immortal, Nightwish hát The Phantom of the Opera, và rồi thì một bài của Tùng Dương, bắt đầu như thế này:
Giã từ hoa cúc và em
Giã từ mùa thu cũ
Ô cửa vàng nắng rũ
Gió thổi ban công chiều.

Còn lại bên mùa những phím cầm rêu
Cơn giông trút ngoài thềm
Mang em về phương khác.
Những lối về xào xạc
Hoa vàng nhói lòng ta
Một cuộc tình đau.
Đó là bài Biệt của nhạc sĩ Trần Viết Tân, trong album Biệt (2007). Cái loại giai điệu đó của Trần Viết Tân… nói sao nhỉ, nó dường như có nỗi buồn giống với của nhạc Phú Quang, nhưng cái buồn của Phú Quang nhiều khi là làm chùng xuống ngay, rớt thẳng xuống dưới, và sau đó là những bấu víu để trèo lên trên, trong quằn quại (Nỗi buồn, Tình khúc 24, Đâu phải bởi mùa thu), còn nỗi buồn trong giai điệu của Biệt, Đường về, Phía không người, Thật ra, hay Độc thoại đêm lại có cả sự tản mát, xa gần, và tự sự, miên man như nhạc của Đỗ Bảo (Mây, Chuyện của mặt trời chuyện của chúng ta, Tháng hai uể oải). 
Còn phần lời thì rất hòa hợp với giai điệu để tạo ra một không khí, một trạng thái cho người nghe:
Anh có đang ngơ ngác, nghĩ những điều xa xôi
Em có buồn thao thức, lặng im phía không người
Thành phố đang ngủ yên, thành phố chìm vào đêm
Nghe đời trôi yên ả, nghe lòng em nghiêng ngả
Ôm anh trong nỗi nhớ
Anh xa quá… hay em xa quá…
Ta đã gặp nhau, đã từng cho nhau rộn ràng thương yêu
Anh xa quá… hay em xa quá…
Ta đã gần nhau, để rồi cho nhau nồng nàn thương đau
Anh về phía chân trời
Em về phía không người
Nghe nắng xanh trên đầu nghe gió thơm bên đời…
(Phía không người, Hoàng Quyên hát, tôi thậm chí từng dùng nhan đề bài hát này để đặt tên cho một truyện ngắn của mình)
Lời của Trần Viết Tân nhiều khi lấy từ những bài thơ, chẳng hạn như bài Cơn mưa (Em về đổ ngược cơn mưa/ Hạt to hạt bé có chừa một ai/ Mưa rơi buộc đất với trời/ Mưa không buộc nổi hai người với nhau) là lấy từ thơ của Bình Nguyên. Hoặc bài Nợ (Em nợ duyên anh tự kiếp nào/ Như bờ lau nợ nước ven ao/ Mực nghiên nợ bút thơ vay chữ/ Trăng khuyết trời khuya nợ ánh sao) là từ thơ của Mưa Sa Mạc.
Cả nhạc lẫn lời của Trần Viết Tân, tuy có vẻ hơi khác những người cùng thế hệ, là Huy Tuấn, Đức Trí, Lê Minh Sơn, Giáng Son, nhưng đều cùng thuộc về một giai đoạn mà có lẽ đã khép lại vào khoảng nửa sau của thập niên trước, cũng tức là giai đoạn đánh dấu Internet soán ngôi bá chủ của truyền hình. 
Và chính vì vậy, nên những album của Trần Viết Tân ra mắt trong thời gian về Việt Nam, như Nợ (2006), Biệt (2007), Chạm vào đêm (2010) hay Phía không người (2012) giống như những bông hoa trái mùa. Bây giờ không ai biết Trần Viết Tân hết (có lẽ Hoàng Quyên không nổi tiếng là vì Hoàng Quyên, cũng như Uyên Linh, vẫn còn mỹ cảm với những dòng nhạc cũ, trước một thị trường âm nhạc đã và đang biến đổi quá nhanh, khi Hoàng Quyên hợp tác với Trần Viết Tân, rồi sau đó tiếp tục với Võ Thiện Thanh).
Dòng nhạc lãng mạn của những năm 80, 90 đã đi qua rồi, hay chí ít là nó không còn thuộc về mainstream nữa (dù thi thoảng có sự trở lại của một số bài hát lẻ tẻ từ thời Làn sóng xanh). Bây giờ, những Đỗ Bảo, Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Đức Trí, Việt Anh, xa hơn nữa là những Thanh Tùng, Dương Thụ, Bảo Chấn, Quốc Dũng lui về trong những đêm nhạc, những cộng đồng nhỏ.
Nên thành ra, khi thích các bài hát của Trần Viết Tân, tôi cũng khá cô đơn trong sự chia sẻ. Vì cho bọn bạn nghe, bọn nó toàn chê nhạc già. Dù thực ra, nếu so về độ già với những kiểu nhạc khác mà tôi nghe thì nhạc của Trần Viết Tân hãy còn trẻ măng.  
Tôi thích nhiều bài của Trần Viết Tân, mà điểm chung của chúng là nỗi buồn. Tôi thích mở chúng khi đã tắt hết đèn, chỉ có cửa sổ để cái ánh sáng ngoài phố hắt vào, và nhất là khi đó là một đêm mưa nhẹ.
Có lẽ, một số người như tôi, nghe âm nhạc của một thời quá vãng là để tìm lại một ấn tượng nào đó của tuổi thơ vụn vặt chăng?
À, mà chuyện về tôi với thằng thầy tôi ấy, cũng có nhiều cái buồn buồn vui vui, mà hôm nào đó tôi cũng muốn đào lên lại dưới đất đai ký ức để ghi ra, không khéo thì quên.
13.08.20