Rất xin lỗi mọi người mình biến mất gần 2 tháng. Cơ bản là đợt rồi thời tiết dở hơi quá nên ốm vặt liên tục. Sau đấy là, Lễ, nên mình chìm hơi sâu. Tuy nhiên, trong kì nghỉ dài vừa rồi, mình có xem hết series "How to get rich" trên Netflix. Cũng khá thú vị khi một chương trình về tài chính có đề cập đến khía cạnh cá nhân mà không chỉ nói chuyện tiền tiền tiền.
Dễ dàng nhận thấy, vấn đề tài chính mọi người (những người trong game show) đang gặp phải, phần lớn, đến từ lối sống và quyết định chi tiêu lối sống cho bản thân. Có người nói họ sợ con số, có người nói họ không giỏi toán, nhưng nếu xem đến cuối, những nỗi sợ đấy chỉ đơn giản là họ không giao tiếp, hoặc chưa dám đối mặt với cuộc sống lộn xộn của mình.
Mình rất muốn làm một bài nói về "giao tiếp tài chính", nhưng chắc để số sau. Bài này mình sẽ viết một số điều mình để ý thấy sự tương đồng của show và hệ thống Pentagon mình đang áp dụng để tư vấn cho khách hàng.
1. Design YOUR RICH LIFE - Thiết kế cuộc đời giàu sang Bài tập đầu tiên Ramit kêu tất cả những người tham gia là hãy viết ra cuộc sống giàu sang mà mỗi người mong muốn. Thực hành này không khác với việc mình vẫn hay hỏi khách hàng của mình rằng: Lối sống mong muốn của bạn trong tương lai là như thế nào?
Mình sẽ hạn chế sử dụng từ "giàu sang" như Ramit làm vì lúc đó mọi người sẽ có áp lực về cụm từ "giàu sang". Mình đã thử thay đổi từ sử dụng và kết quả rất khác (cái này mình xin phép kể sau). Vậy khi đã hình dung được (nói chính xác hơn là LÀM RÕ) lối sống, cuộc sống, mong muốn của cá nhân (hoặc cặp đôi), chúng ta đã xác định được mục tiêu mình sẽ hướng tới là gì.
Đã có người trả lời với mình rằng: Tôi muốn có nhà thành phố, xe oto... như một công thức cuộc đời ổn định. Khi mình hỏi sâu hơn, thì họ mới chia sẻ rằng đó là cuộc sống mong ước của BỐ MẸ bạn, chứ không phải của bạn. Cuộc sống mong ước của bạn là là ở Ba Vì - Hòa Bình, ở nhà có nhiều cây cối và thiên nhiên, có vườn, không cần có xe và được làm công việc viết lách tự do.
Vậy khi làm rõ lối sống mong muốn, hãy giao tiếp trung thực với bản thân. Vì chỉ khi nào bạn thành thật được với bản thân, bạn mới đặt được những mục tiêu rõ ràng và nhẹ nhàng tới đích. Tưởng tượng sống một cuộc sống của người khác, thực hiện mong muốn của người khác. Đã mệt lại còn khổ, thậm chí là mất đi niềm vui.
2. Mua những thứ bạn thích - Cắt tiệt những thứ bạn không quan tâm Trong sách và trong show của Ramit, ông đã nhấn mạnh là đừng tiết kiệm vài ba ly Starbuck. Vì nó thực sự chả giúp bạn giàu lên là bao đâu. Cách tiếp cận của Ramit như tiêu đề phần 2, thích thì cứ mua, còn cái gì không quan trọng (với bạn) thì cứ cắt thẳng tay.
Tuy nhiên, nói đi thì phải nói lại. Bạn phải chọn hy sinh những thứ thích ở hiện tại , để phục vụ cho mục tiêu cao cả "cuộc đời giàu sang", hoặc bạn cứ mua cái bạn thích đi vì "mục tiêu cao cả" chưa cao cả như bạn nghĩ.
Như bài viết trước của mình đã nói, lên kế hoạch cho những việc bạn thấy thực sự cần thiết trong hiện tại và trong tương lai. Khi nào muốn mua nhà thì mới bắt đầu lên kế hoạch để mua nhà. Còn không thì thôi. Vì đơn giản, bạn đã không muốn và không thấy cần thiết, thì Trời cũng không bắt bạn làm được.
3. Giao tiếp Tài chính - Không chỉ là nói chuyện tiền nong Điều mình thấy rất vui khi xem show của Ramit là trời ơi, cuối cùng cũng có nói người nhắc đến việc "giao tiếp và trao đổi" về lối sống mong muốn. Ở trong show có rất nhiều cặp đôi hạn chế, né tránh về vấn đề tài chính cá nhân của họ. Vì có thể họ sợ bị đánh giá, bị làm nhục, xấu hổ về những lần chi tiền... Và điều đó lại khiến việc giao tiếp về tài chính trở nên khó khăn.
Giao tiếp về tài chính, cũng không khác gì nói chuyện về tình dục, cách dạy con, hay các chủ đề khác. Không phải đùng cái là nói được, mà đơn giản là cần thực hành luyện tập từ những bước nhỏ. Từ việc hỏi thăm về cuối tuần rồi làm gì (tìm hiểu về lối sống), hỏi về sở thích cá nhân (quan tâm xem có dành tiền mua figure như một wibu đích thực không), đến trực tiếp hơn như suy nghĩ đằng sau quyết định chi tiêu... rồi dần dần mình sẽ nói được những vấn đề lớn hơn như nợ tín dụng, nợ mua nhà, xe, vay mượn và vân vân....Nên bình thường hóa việc nói chuyện về tài chính cá nhân. Mình sẽ viết một bài khác về vấn đề này và cách tiếp cận chủ đề này dành cho các cặp đôi mới quen nhau. Xin hứa
Nếu giao tiếp tài chính không xảy ra, và mỗi người có một "lối sống mong muốn" khác nhau thì chắc chắn sẽ xảy ra xung đột trong cách suy nghĩ, chi tiêu và quyết định. Nói chuyện về tài chính chính là nói chuyện về tương lai cá nhân của mỗi người, để rồi mình xem có thể thỏa hiệp với nhau ở đâu, cùng nhau cố gắng như thế nào.
Nếu giao tiếp tài chính không xảy ra, bạn sẽ không biết nguồn lực xung quanh sẵn sàng để giúp đỡ bạn nhiều như thế nào. Đơn cử như việc cưới xin. Đã có những cặp đôi rất căng thẳng vì sắp cưới tới nơi nhưng tiền chưa kiếm đủ. Và vì từ bé mình không được dạy để nói chuyện về tiền nong với phụ huynh, nên việc gọi trợ giúp từ gia đình, lại càng hiếm. Khi nghe vấn đề này, mình có khuyến khích 2 bạn có một cuộc nói chuyện giữa phụ huynh 2 bên để xem mỗi nhà có thể góp 1 chút không. Và thực sự, bố mẹ nhà chồng ngã ngửa ra, và bảo là 2 bác sẽ lo được hết toàn bộ đám cưới. 2 bác không nói gì vì tưởng 2 đứa tự lo được. Chứ bình thường, 2 bác đã chuẩn bị sẵn sàng giúp rồi. Trường hợp này không hiếm lắm đâu vì trong show cũng có cặp đôi gặp vấn đề tương tự.
Giao tiếp tài chính có thể diễn ra giữ mình với bồ, mình với bố mẹ, mình với anh chị em, mình với bạn bè... và quan trọng nhất là giao tiếp giữa mình với mình. Đấy là lý do vì sao mình nhắc ở trên là giao tiếp trung thực với bản thân. Vì khi rõ bản thân thì mình mới có thể nói cho người khác hiểu và cố gắng hiểu người khác.
Ps: Mục tiêu của mình chỉ đơn giản là giúp mọi người thay An-xiety thành An tâm tài chính. Vậy nên bất kì ai muốn trao đổi, giao tiếp về chủ đề personal finance, cứ nhắn mình trực tiếp.
Ps 2: Sắp tới mình sẽ công khai dịch vụ tư vấn, course, cho chương trình "An tâm tài chính", hy vọng được kết nối với bất kì ai có nhu cầu.
Always welcome!