Lãnh thổ nước Yemen vào thời đỉnh cao quyền lực thế kỷ 17
Lãnh thổ nước Yemen vào thời đỉnh cao quyền lực thế kỷ 17
Ngày nay kể tới nước Yemen khá chắc rằng người ta nghĩ ngay tới vùng đất mà ở đó "lũ phỉ" hay "phiến quân" Houthi đang hàng ngày quẩy banh nóc, cân cả quân chính phủ Yemen lẫn liên quân Arab Saudi suốt nhiều năm qua, thậm chí lâu lâu phang Arab Saudi đòn đau muốn khóc. Lâu lâu một quả tên lửa hay một UAV của Houthi đâm trúng kho dầu của Arab Saudi là chúng ta biết rằng xăng sớm muộn sẽ nhích nhẹ vài trăm đồng vậy!
Nhiều người ngây ngô hoặc cố tỏ ra ngây ngô thắc mắc rằng tại sao một đảng phái nhỏ như Houthi lại có thể làm những điều ghê gớm như vậy. Thì thực tình thắc mắc đó gây ra bởi việc người ta không biết vô tình hay cố ý, đã đặt cái tên hiện đại là "Houthi" cho quân nổi dậy. Với bản thân người Yemen, hay người Arab nói chung, để mà nói về quân nổi dậy Houthi - người ta phải dùng từ "Zaydi" - một cái tên nhắc nhở về dòng dõi đế vương cai trị vùng Yemen suốt một giai đoạn dài lịch sử. Chính thế, phong trào Houthi - nòng cốt là các bộ lạc Zaydi - có thể thua kém đối phương về vũ khí, tiền bạc,... nhưng một cái mà họ hơn, khiến họ sẽ không bao giờ khuất phục kẻ thù dù đó là Ottoman, Ai Cập hay cả Arab Saudi hiện đại - đó chính là tinh thần và dòng máu của bộ lạc đế vương!
Du kích Houthi ở Yemen
Du kích Houthi ở Yemen

*Phái Zaydi và bộ lạc Zaydi

Nếu bạn có ý định không đọc bài này (mà phải cảnh báo trước là sẽ rất dài), thay vào đó tự lên mạng tìm kiếm về Zaydi, thì cũng tốt thôi. Nhưng tôi phải nhắc bạn hết sức cẩn thận với kết quả tìm kiếm.
Thứ mà Google sẽ cho bạn nếu bạn search tiếng Anh "zaydi" thông thường, sẽ là "giáo phái Zaydi" (Zaydism). Còn thứ chúng ta nói ở đây, là "bộ lạc Zaydi". Gần như có rất ít bài tiếng Anh về nó, nhưng tiếng Arab của nó là "الزيدية القبلية" cho bạn nào thích tự đọc bằng tiếng Arab.
Chỉ nhắc nhẹ thế thôi, giáo phái Zaydi và bộ lạc Zaydi trùng khớp với nhau kha khá nhưng không hoàn toàn. Chính xác thì phái Zaydi ở Yemen ban đầu xuất phát từ các bộ lạc Zaydi ở cao nguyên miền Bắc đất nước, nên nó mới tên là "phái Zaydi". Giống như việc đạo Islam truyền vào Trung Quốc qua dân tộc Hồi, nên người Việt ta quen gọi đạo Islam là "đạo Hồi" vậy. Khác biệt nhỏ ở chỗ, không phải bộ lạc Zaydi nào cũng phải theo giáo phái Zaydi.

*Chống quân Ottoman xâm lược lần 1

Trong khi người châu Âu hay nhắc về "kỷ nguyên khai phá" tìm đường tới hương liệu Ấn Độ, coi Ấn Độ là đích đến cuối cùng, thì người Arab từ rất lâu đời đã có truyền thống ship hàng từ Mã Lai sang tận Morocco, chỉ coi Ấn Độ là điểm trung chuyển. Các nước có truyền thống hàng hải lớn của người Arab là Oman và Yemen.
Đế chế Ottoman, vào thời thịnh vượng của mình, cũng chỉ coi Oman hay Yemen là đối tượng làm ăn chung, chuyển hàng cho mình, chứ ít khi coi là đối thủ hay thứ gì đó đáng để ngó tới. NHƯNG, mọi chuyện bắt đầu thay đổi vào thế kỷ 16, với 3 sự kiện.
Một, là cuộc chiến tranh giữa Ottoman và Mamluk, dẫn đến sự sụp đổ của nhà Mamluk năm 1517. Điều này kéo theo một chút tham vọng của người Ottoman với các lãnh thổ ven biển Đỏ - ở đây bao gồm cả các vùng đất người Yemen.
Hai, là sự có mặt của người Bồ Đào Nha ở Ấn Độ Dương, dẫn tới đe dọa cạnh tranh thương mại với Ottoman. Do đó, Ottoman phải kéo quân đập nhau với Bồ Đào Nha, chiến trường của họ diễn ra trên cả đại dương Ấn Độ lẫn đất liền, mà đất liền ở đất chính là bán đảo Arab.
Và thứ ba nữa, là thế độc quyền cà phê do người Yemen thiết lập từ thế kỷ 14. Nói nhiều người không tin nổi, chứ trước thế kỷ 15, Yemen là nước duy nhất biết trồng cà phê, gần như toàn bộ cà phê trên thế giới đều do Yemen bán, hay người ta gọi là độc quyền. Thế độc quyền này chỉ bị phá vỡ khi có 1 ông nhà tu Ấn Độ cosplays Phùng Khắc Khoan đi trộm hạt giống cà phê về Ấn, nhưng trước đó, Ottoman cũng từng có tham vọng này. Và họ đã xâm lược Yemen. Câu chuyện thú vị về ông Ấn Độ cosplay Phùng Khắc Khoan sẽ được kể ở đoạn cuối của bài, nếu có thể bạn có thể lướt ngay xuống để đọc trước, rồi quay lại bài chính đọc sau.
Thế là năm 1538, quân Ottoman đánh Yemen, mở đầu bằng việc hạm đội tấn công và đổ bộ vào Aden. Trong trận đánh này hạm đội của Ottoman không chỉ đối đầu với người Yemen mà cả người Bồ Đào Nha, nhưng cuối cùng họ vẫn chiến thắng. Trong khoảng 11 năm tới năm 1549, quân Ottoman có thể đi qua hầu hết các vùng đất Yemen, nhưng không bao giờ có thể bình định nổi. Ở phía bên kia, dù người Yemen không bao giờ khuất phục, liên tục nổi dậy đánh bại quân Ottoman, nhưng vấn đề của chính họ là lại thiếu một liên minh thống nhất. Nên trong suốt thời kỳ đó tới năm 1628, tình hình của Yemen cơ bản là: Ottoman kiểm soát 1 phần nhỏ đất nước, còn lại 9 phần lớn đất nước do 9 bộ tộc (hay bộ lạc gì đấy) khác nhau ngồi chơi!
Hạm đội Ottoman tấn công Aden - tranh vẽ Arab thế kỷ 16
Hạm đội Ottoman tấn công Aden - tranh vẽ Arab thế kỷ 16
Phải tới năm 1628, Imam của bộ lạc Zaydi tên là al-Mansur al-Qasim mới thống nhất các bộ lạc, tất cả đều quy phục Zaydi. 10 năm sau đó, năm 1638, al-Mansur al-Qasim và bộ lạc Zaydi chính thực hất cẳng Ottoman khỏi vùng đất cuối cùng của Yemen. Vì al-Mansur al-Qasim lên ngôi năm 1597, nên các nhà sử học coi năm này là năm mở đầu của triều đại cai trị của bộ lạc Zaydi.

*Vương triều Zaydi cai trị Yemen

Nhà nước cai trị của bộ lạc Zaydi sẽ kéo dài mãi tới năm 1970, nhưng bị đứt đoạn ở giữa một lần. Lần đó vào năm 1849. Còn trước thời gian này, nước Zaydi trở nên hùng mạnh trong khu vực, kiểm soát hầu hết phía Nam bán đảo Arab và biển Đỏ. Nhưng khu vực sâu xuống phía Nam Ấn Độ Dương thì họ nhường ảnh hưởng cho nước láng giềng Oman (quan hệ giữa Oman và Yemen vô cùng kỳ lạ, mang tiếng là 2 nước cạnh nhau nhưng suốt lịch sử không bao giờ chạm nhau). Do đây là thời đỉnh cao của nước Yemen, nên các nhà sử học cũng thường gọi nó là "Đại Yemen", với nhiều vùng lãnh thổ ngày nay thuộc các nước láng giềng Oman hay Arab Saudi mà người Yemen vẫn muốn đòi lại.
Thời kỳ này Yemen không chỉ rộng mà còn giàu, nhưng sự giàu của họ lại nằm hết ở chỗ độc quyền xuất khẩu cà phê. Nên khi người Ấn Độ và sau đó là Hà Lan phá thế độc quyền này bằng cách mang hạt cà phê ở Indonesia, Yemen nghèo đi nhanh chóng. Hậu quả là tới thế kỷ 18, các tiểu vương bắt đầu xu hướng bất phục nhà Zaydi, đòi tách ra độc lập, thậm chí một số bắt đầu tự quan hệ với phương Tây. Điển hình trong số này là nhà Lahej ở miền Nam Yemen, tách ra khỏi nhà Zaydi, tự thiết lập quan hệ với Anh, để rồi sau này nó trở thành nước Nam Yemen trong thời chiến tranh Lạnh.
Thương cảng Mocha sầm uất độc quyền buôn bán cà phê của người Yemen - tranh của người  Hà Lan năm 1679
Thương cảng Mocha sầm uất độc quyền buôn bán cà phê của người Yemen - tranh của người Hà Lan năm 1679
Phác thảo các vùng lãnh thổ "Đại Yemen" mà người Yemen tuyên bố lãnh thổ lịch sử của họ.
Phác thảo các vùng lãnh thổ "Đại Yemen" mà người Yemen tuyên bố lãnh thổ lịch sử của họ.

*Chống quân Ottoman xâm lược lần 2

Lợi dụng sự phân rã của Yemen, đế quốc Ottoman một lần nữa tham vọng chinh phục vùng đất này. Năm 1849, Ottoman xâm lược Yemen lần 2. Lần này có thành công hơn lần 1, người Ottoman có thể tạm coi là bình định được Yemen, khi các Iman của Yemen kể cả nhà Zaydi, đã có thời gian chịu khuất phục trước Sultan Ottoman. Cũng phải mất thời gian khá dài, cụ thể là tới năm 1872, Ottoman mới chiếm được Sanaa và đặt nó thành thủ phủ cai trị trên toàn cõi Yemen. Sanaa sau này cũng trở thành thủ đô của nước Yemen hiện đại.
Nhưng thời gian mà các bộ lạc Zaydi chịu thần phục Ottoman không kéo dài quá lâu. Chính Ottoman cai trị lại có nước đi vào lòng đất khi buộc người Yemen bỏ luật Hồi giáo nguyên thủy của họ, bắt họ theo luật dân sự do chính quyền Ottoman đặt ra. Người Zaydi không chấp nhận những điều luật này, yêu cầu đòi gìn giữ những giá trị nguyên thủy nhất của Hồi giáo, mà một trong số đó chính là Bộ luật Sharia hà khắc.
Thế là người Yemen lại leo lên lưng lạc đà đánh Ottoman, và người lãnh đạo họ, không ai khác vẫn chính là bộ lạc Zaydi. Quân Ottoman chịu thua ban đầu và phải chấp nhận quyền cai trị của nhà Zaydi ở miền Bắc, gọi là Thượng Yemen (Upper Yemen). Nhưng nhà Zaydi vẫn chưa dừng lại, năm 1904-1905 cuộc nổi dậy của họ buộc Ottoman phải bãi bỏ luật dân sự Ottoman, khôi phục luật Hồi giáo Sharia nguyên thủy ở Yemen. Tới năm 1911, biết không thể nào gặm trôi được vùng đất cứng đầu này, Sultan Ottoman chịu ký hiệp ước với nhà Zaydi ở một ngôi làng nhỏ tên Da'an, thừa nhận quyền kiểm soát của nhà Zaydi với hầu hết nước Yemen.
Nói "hầu hết" ở đây, nghĩa là người Yemen cũng nhượng bộ 1 phần, cho phép quân Ottoman duy trì hiện diện và cai trị ở một số vùng đất Yemen mà người Hồi giáo dòng Sunni chiếm đa số. Sau đó 7 năm, Ottoman sụp đổ, dĩ nhiên ai cũng biết là do Thế chiến thứ Nhất. Lúc này, nhà Zaydi đã có thể thu lại tất cả vùng đất bị Ottoman chiếm đóng, và thành lập Vương quốc Mutawakkilite mà dòng dõi của nó sẽ cai trị Yemen tới năm 1970.
Chỉ có điều, Vương quốc Mutawakkilite chưa thể khôi phục lãnh thổ cực thịnh ban đầu thời đỉnh cao như thế kỷ 18. Lý do chính là vùng đất phía Nam do nhà Lahej cai trị, đã trở thành vùng bảo hộ của Anh, sau thành nước Nam Yemen, vào thời chiến tranh Lạnh theo phe Cộng sản. Nam Yemen chỉ sáp nhập trở lại nước Yemen vào năm 1990 khi chiến tranh Lạnh kết thúc.
Quân Ottoman hành quân qua hẻm núi Yemen (1897) - tranh của Walter Burton Harris người Anh
Quân Ottoman hành quân qua hẻm núi Yemen (1897) - tranh của Walter Burton Harris người Anh
Sĩ quan quân đội Ottoman và binh lính chư hầu người Yemen trước Thế chiến 1
Sĩ quan quân đội Ottoman và binh lính chư hầu người Yemen trước Thế chiến 1

*Vương quốc Mutawakkilite

Bộ lạc Zaydi lại một lần nữa cai trị nước Yemen, lần này họ đặt tên nước là Vương quốc Mutawakkilite. Ở lần cai trị trước năm 1597, nước Yemen chưa được đặt tên, do vậy các nhà sử học gọi thời đó đơn giản là "Yemen Zaydi State" (nhà nước Yemen của người Zaydi). Lần 2 này đất nước đã có tên dễ gọi hơn nhiều. Vương quốc Mutawakkilite của nhà Zaydi sẽ cai trị nước Yemen tới năm 1970.
Trong thời gian này, các Imam của Mutawakkilite cũng từng có tham vọng khôi phục lãnh thổ đỉnh cao thời trước. Năm 1826-1928, quân Yemen gây chiến với nước Anh, định chiếm lại vùng đất Nam Yemen bị Anh kiểm soát. Họ đã gây thiệt hại đáng kể cho quân Anh, nhưng cuối cùng lại bị khuất phục khi người Anh đưa máy bay ném bom thủ đô của họ. Dân chúng Yemen kinh sợ trước vũ khí chưa bao giờ gặp trước đây nên phải từ bỏ cuộc chiến này.
Năm 1932-1934, quân Yemen lại đánh Arab Saudi của nhà Saud (lúc này nhà Saud vừa mới thống nhất Arab Saudi - sẽ có bài viết sau), định chiếm lại các vùng đất phía Bắc sâu trong sa mạc. Cuộc chiến ác liệt này kỳ lạ thay lại kết thúc trong hòa bình êm đẹp: Yemen chiếm được vài vùng đất nhỏ, chẳng bõ dính răng, nhưng đổi lại là mối quan hệ hữu hảo giữa nhà Zaydi của Yemen và nhà Saud của Arab Saudi. Hai vương triều sống hòa bình và sẽ hỗ trợ lẫn nhau tới mãi tận sau này.
Một điểm đáng chú ý về vương quốc Mutawakkilite trong thời kỳ này đó là nước này quan hệ rất tốt với Đế quốc Ý. Có lẽ người Yemen định dựa vào Ý để đối trọng với người Anh - quốc gia mà người Yemen cho là mối đe dọa và đang chiếm vùng đất phía Nam của họ. Nước Ý đã giúp Yemen rất nhiều trong việc hiện đại hóa quân đội lạc hậu của Yemen. Chính vì vậy mà Yemen trong thế kỷ 20, dù là một nước có dân số ít, nhưng lại có quân đội mạnh hàng đầu trong khu vực.
Một tem thư của Vương quốc Mutawakkilite ở Yemen đầu thế kỷ 20.
Một tem thư của Vương quốc Mutawakkilite ở Yemen đầu thế kỷ 20.
Cờ của Vương quốc Mutawakkilite vào năm 1927
Cờ của Vương quốc Mutawakkilite vào năm 1927

*Đánh Ai Cập và sự sụp đổ của vương triều Zaydi

Như đã nói ở trên, quân đội Yemen được hiện đại hóa rất nhanh nhờ sự giúp đỡ của người Ý. Nhưng hậu quả không lường trước được của nó, là các sĩ quan quân đội ngày càng Tây hóa, không còn trung thành với nhà Vua của bộ lạc Zaydi.
Năm 1962 vào ngày 26/9, các sĩ quan quân đội của Yemen bất ngờ đảo chính lật đổ vương triều quân chủ nhà Zaydi, thiếp lập nền Cộng hòa. Họ thành lập nên nước "Cộng hòa Arab Yemen", trong thời Chiến tranh Lạnh người ta quen gọi là nước "Bắc Yemen". Chả qua là các sĩ quan Yemen chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng từ Nasser ở Ai Cập. Vua cuối cùng của vương quốc Mutawakkilite tên là Muhammad al-Badr lập tức chạy về quê nhà miền Bắc Yemen - nơi các bộ lạc Zaydi không ngần ngại cầm vũ khí hưởng ứng, chống lại quân Cộng hòa. Cuộc nội chiến Bắc Yemen diễn ra từ đó.
Các sĩ quan Cộng hòa ở Yemen phải cầu cứu Liên Xô, Ai Cập. Lúc bấy giờ, tư tưởng "cách mạng" cho rằng auto "cộng hòa tốt, quân chủ xấu" nên Liên Xô, Ai Cập và các nước ủng hộ họ đã đổ vào giúp Cộng hòa Yemen. Riêng Ai Cập đã đổ hàng trăm nghìn quân, cùng với máy bay, thiếp giáp, pháo binh, tàu chiến,... hiện đại do Liên Xô viện trợ vào chiến trường Yemen, cũng như một cách thể hiện uy quyền với thế giới Arab!
Thế nhưng, điều Ai Cập không ngờ tới là tinh thần chiến đấu sắt đá của bộ lạc Zaydi, không khuất phục bất cứ kẻ thù nào. Chỉ có súng trường và lạc đà, những người lính bộ lạc Zaydi vẫn kiên cường bám trụ các hẻm núi, dùng súng trường bắn hạ trực thăng Ai Cập. Xe tăng và pháo binh Ai Cập cũng không cách nào khuất phục được núi non hùng vĩ trên cao nguyên Bắc Yemen. À mà nói thế thực ra cũng thần thánh hóa hơi quá. Kỳ thực là trong cuộc chiến này, Arab Saudi đã sát cánh, hỗ trợ hết mình cho bộ lạc Zaydi ở Yemen như anh em ruột thịt. Nên là quân Zaydi cũng bắn máy bay Ai Cập bằng súng máy do Anh viện trợ chứ cũng chẳng phải súng trường cổ lỗ không!
Các sĩ quan quân đội ủng hộ nền cộng hòa đứng trước Cung điện của Vua Yemen trong cuộc đảo chính ngày 26/9/1962
Các sĩ quan quân đội ủng hộ nền cộng hòa đứng trước Cung điện của Vua Yemen trong cuộc đảo chính ngày 26/9/1962
Vua Muhammad al-Badr và các du kích bộ lạc Zaydi sau khi rút về miền Bắc Yemen chiến đấu chống quân Cộng hòa Arab Yemen. Họ mang theo các vũ khí do Anh và Arab Saudi viện trợ.
Vua Muhammad al-Badr và các du kích bộ lạc Zaydi sau khi rút về miền Bắc Yemen chiến đấu chống quân Cộng hòa Arab Yemen. Họ mang theo các vũ khí do Anh và Arab Saudi viện trợ.
Sĩ quan quân đội Ai Cập huấn luyện tân binh cộng hòa ở Yemen trong Nội chiến Bắc Yemen
Sĩ quan quân đội Ai Cập huấn luyện tân binh cộng hòa ở Yemen trong Nội chiến Bắc Yemen
Hậu quả là sau 4 năm chinh chiến, Ai Cập ôm về gần 30.000 tử sĩ và món nợ hàng chục tỷ USD khiến quốc gia trên bờ vực sụp đổ. Tổng thống Nasser âu sầu tới nối dịp lễ năm 1967, ông than phiền với các cố vấn rằng "Yemen sẽ trở thành một Việt Nam của chúng ta" - ý nhắc tới việc quân đội Mỹ cũng đang sa lầy ở Việt Nam. Để lấy cớ rút quân khỏi Yemen, Ai Cập đã tạo ra một mặt trận khác bằng cách đánh Israel năm 1967. Kết quả chắc khỏi cần nhắc ai cũng biết. Ai Cập sụp đổ hoàn toàn, mất cả chì lẫn chài, phải rút quân khỏi Yemen và mất đất ở bán đảo Sinai.
Nhưng Nasser vẫn kịp có nước đi sáng suốt cuối cùng! Đằng nào cũng mất đất, ông quyết định biếu luôn chục hòn đảo ở Biển Đỏ cho Arab Saudi. Đổi lại, Ai Cập yêu cầu Arab Saudi ngừng hỗ trợ quân Zaydi ở Yemen, giàn xếp một thỏa thuận hòa bình cứu vãn nền cộng hòa ở nước này.Hai ông lớn Arab bắt tay nhau, và số phận Yemen được định đoạt. Cuộc nội chiến kết thúc với việc nền cộng hòa Yemen được duy trì, Arab Saudi từ bỏ nỗ lực giúp nhà Zaydi khôi phục nền quân chủ ở Yemen. Nhưng đổi lại, các thành viên gia tộc Zaydi vẫn có được nhiều vị trí quan trọng trong nền cộng hòa mới. Phải tới năm 1970, vị trí của nhà Zaydi trong chính quyền cộng hòa mới giảm bớt.

*Nổi dậy và đánh Arab Saudi

Năm hơn 20 năm, năm 1990 nước Yemen được thống nhất khi chính quyền Cộng sản miền Nam Yemen chấp nhận gia nhập với nước Cộng hòa Arab ở Bắc Yemen. Lúc này Yemen nằm dưới tay tổng thống Ali Abdullah Saleh - cũng là một đồng minh của Arab Saudi.
Người Zaydi cho rằng quyết định thống nhất, chung sống với cộng sản của tổng thống Saleh là "hành động ma quỷ". Cùng lúc này, Arab Saudi càng ngày càng thân với nước Mỹ, ủng hộ ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Lúc này các bộ lạc Zaydi càng ngày càng cho rằng Arab Saudi đã "phản đạo" (thực ra ngày xưa Zaydi cũng bị Ottoman quy là phản đạo, và chính Zaydi cũng chửi ngược Ottoman như vậy). Đòi hỏi giữ nguyên những giá trị nguyên thủy của đạo Hồi, các bộ lạc Zaydi ngầm hình thành một phong trào nổi dậy chống lại chính phủ Yemen - đó chính là phong trào Houthi ngày nay.
Nhưng khi phong trào Houthi của bộ lạc Zaydi chưa kịp lật đổ tổng thống Saleh thì ông đã bị lật đổ trong Mùa xuân Arab năm 2011. Tổng thống mới của Yemen là Abdrabbuh Mansur Hadi, tiếp tục thân Arab Saudi và phương Tây. Tới lúc này, Houthi mới phát động một cuộc chiến toàn diện chống lại chính phủ. Được sự hỗ trợ của Iran và các phong trào hồi giáo khác, Houthi đẩy lùi được chính phủ, chiếm phần lớn miền bắc đất nước và cả thủ đô Sanaa. Đặc biệt, tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh cũng bắt tay với Houthi trong cuộc chiến, nhưng ông đã bị Houthi thủ tiêu năm 2017 vì "không đủ trung thành"
Để cứu Hadi, Arab Saudi đã dẫn đầu liên quân Arab vào đánh Houthi. Nhưng có lẽ chính Arab Saudi là nước hiểu rõ hơn hết, rằng quân bộ lạc Zaydi của Houthi cứng đầu cỡ nào. Từ đó tới nay chẳng có kết quả gì khả quan cho Arab Saudi, khi mà chúng ta thường xuyên nghe trên thời sự, báo đài,... rằng liên quân Arab Saudi liên tục thua trận ở Yemen, thậm chí thỉnh thoảng bị quân Houthi tấn công ngược lại gây thiệt hại nặng, nhất là các cuộc tấn công nhằm vào kho chứa dầu. Với nhiều người có vẻ ngạc nhiên, nhưng nếu bạn đã đọc lịch sử của Yemen nói chung và lịch sử bộ lạc Zaydi nói riêng, sẽ chẳng có gì bất ngờ cả.
Một quốc gia khác có lẽ cũng rất hiểu Zaydi-Houthi là Ai Cập, những người đã chiến bại trước Zaydi vào năm 1967. Có lẽ vì thế mà Ai Cập từ chối tham gia liên quân của Arab Saudi vậy!
Chiến trường Yemen tháng 5/2021 - các vùng lãnh thổ màu Đỏ do Houthi chiếm giữ - The Economist
Chiến trường Yemen tháng 5/2021 - các vùng lãnh thổ màu Đỏ do Houthi chiếm giữ - The Economist

*Chuyện vui ngoài lề: Phùng Khắc Khoan version Ấn Độ (à mà nếu chuyện PKK có thật)

Nói ra có thể nhiều người không tin nổi, nhưng nó là sự thật: ngày xưa cà phê chỉ được sản xuất duy nhất ở nước Yemen! Chính xác thì cây cà phê có ở Ethiopia, nhưng trong quá trình xâm lược và thuộc địa hóa châu Phi người Hồi giáo Arab đã mang nó về trồng, và quốc gia làm chuyện này đầu tiên là nước Yemen.
Suốt từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 18 Yemen nắm thế độc quyền tuyệt đối về sản xuất cà phê. Gần như cả đất nước này đều chỉ biết trồng duy nhất cây cà phê để bán. Thú vị ở chỗ, xuất nhiều như vậy nhưng Yemen chỉ có 1 cảng để xuất cà phê tên là "cảng Mocha", vì vậy mà từng có thời kỳ người châu Âu gọi hạt cà phê là "hạt Mocha", hay bây giờ ta gọi là hạt Mô-ka ấy.
Thế nhưng, vào một ngày năm 1670 một sự kiện đã xảy ra thay đổi lịch sử thế giới khá nhiều. Có một nhà tu Ấn Độ tên là Baba Budan, người ta bảo ông là người Hindu nhưng đóng giả làm Hồi giáo. Baba Budan đã thực hiện chuyến hành hương tới Mecca như truyền thống, trên đường trở về có ghé qua vùng đất Yemen. Tại đây Baba Budan chứng kiến sự tuyệt diệu của giống cây cà phê, nên đã lén mang 7 hạt giống cà phê (có người nói rằng số 7 là số may mắn của Sufi giáo) lén giấu đi. Một số nguồn bảo ông giấu hạt cà phê vào râu, có nguồn khác bảo rằng ông giấu vào rốn.
Baba Budan - nhà tu lấy cắp hạt cà phê ở Yemen về Ấn Độ trồng - phá thế độc quyền của Yemen
Baba Budan - nhà tu lấy cắp hạt cà phê ở Yemen về Ấn Độ trồng - phá thế độc quyền của Yemen
Nếu bị phát hiện ra gần như Baba Budan chắc chắn đi gặp ông bà, và lịch sử thế giới có thể sẽ rất khác. Nhưng ở đây, Baba Budan đã thành công trong việc che giấu hạt cà phê mang về Ấn Độ. Hay chính xác hơn, ông mang nó về quê nhà Chikmagalur ở miền Nam Ấn Độ trồng tại đó, và lúc này người ở Ấn Độ người ta vẫn chưa quan tâm nhiều lắm tới giống cây này.
Nhưng, người Hà Lan thì khác. Khi ghé qua Ấn Độ, họ đã nhận ngay ra đây chính là giống cây của thức uống cao quý ở châu Âu, tuy nhiên lại đang bị người Yemen nắm độc quyền. Do vậy, để phá vỡ thế độc quyền do người Yemen nắm giữ, người Hà Lan đã mang giống cà phê từ Ấn Độ sang gieo trồng số lượng cực lớn ở Indonesia, tức Đông Ấn Hà Lan. Thời gian này vào khoảng đầu thế kỷ 18.
Và hệ quả của nó, trong khi Hà Lan trở nên giàu có nhờ thương mại cà phê, hương liệu thu hoạch ở Đông Ấn Hà Lan, thì quốc gia Arab Yemen, một thế lực ở Ấn Độ Dương lúc trước, từng đánh bại đế chế Ottoman 1 lần, bị mất nguồn thu chính và gần như duy nhất của họ. Tới thế kỷ 19, nhà nước Yemen rơi vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, bị tan rã thành các vương quốc nhỏ để rồi bị Ottoman xâm chiếm lần 2. Mặc dù vậy Ottoman vẫn không bao giờ có thể bình định được vùng đất Yemen cứng đầu này và tới năm 1911 họ đã phải buông bỏ.
Còn bây giờ thì sao? Yemen - quốc gia đầu tiên sản xuất cà phê, độc quyền cà phê suốt 4 thế kỷ, thống trị thương mại Biển Đỏ 1 thời - ngày nay bị lu mờ trên bản đồ cà phê thế giới. À mà không phải lu mờ, phải nói là xóa sạch! Còn một quốc gia nào đó bên bờ biển Đông, biết tới cà phê khá muộn, lại trở thành nhà sản xuất top đầu thế giới!